Ở Việt Nam, trẻ em được ví như “mầm non tương lại của
đất nước trong nhiều tài liệu tuyên truyền của đảng Cộng sản, trích dẫn lời Hồ
Chí Minh. Nghe có vẻ rất nhân văn, rất thuyết phục, nhưng thực tế thì nạn bạo
hành, nạn xâm hại trẻ và môi trường giáo dục thiếu an toàn, môi trường y tế thiếu
đầu tư đã, đang khiến trẻ em Việt Nam thiệt thòi so với trẻ em trên toàn thế giới.
Theo Luật trẻ em năm 2016 và NĐ 56/2017/NĐ-CP có tới
17 cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em. Tuy nhiên, nhìn vào con số những vụ
án hình sự, xâm hại, và các vụ việc gây chấn động xã hội từ trước đến nay, tiếng
nói của những cơ quan được luật pháp quy định nghĩa vụ trên khá yếu ớt.
Cách đây 2 ngày, 80 trẻ tại trường mầm non Thanh
Khương (Bắc Ninh) nhiễm sán lợn qua xét nghiệm. Vụ việc được phát hiện từ tháng
2/2019 khi phụ huynh tự thu thập bằng chứng bằng cách tự điều tra và quay lại
clip. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như những tảng thịt bẩn đó không được phát hiện?
Và với cơ chế quản lý ngang dọc các cấp chồng chéo từ giáo dục đến vệ sinh an
toàn thực phẩm làm sao thực phẩm bẩn có thể đến tận bàn ăn của các con?
Ở Việt Nam, với những điểm mầm non do các cơ sở tôn
giáo tổ chức, các thủ tục hành chính, quy trình kiểm tra bếp ăn luôn được vận dụng
tối đa để khó dễ. Vậy tại sao quy trình đó không được áp dụng tại trường mầm
non Thanh Khương?
Ai bao che cho việc này là tội ác
Khi hơn 1000 trẻ được cha mẹ đưa đi xét nghiệm khiến
"Hà Nội vỡ trận", thì truyền thông lại được chỉ đạo phát đi thông điệp
rằng “nhiễm sán lợn không nguy hiểm nếu phát hiện kịp thời và được điều trị
đúng cách”. Liệu họ - những người có chức quyền, và cả những người tiếp tay
phát thông điệp trên có dám thử nghiệm sự an toàn này trên chính con cháu họ
hay không?
Tôi vẫn đang đợi xem, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ
em, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam nói gì sau sự việc này.
Các cơ quan bảo vệ trẻ em dường như đã quá quen thuộc
với những câu chuyện tương tự. Thậm chí với cả những đứa trẻ bị tai biến trong
khi tiêm chủng vaccine, người ta hiếm thấy sự đồng cảm, chia sẻ từ các cơ quan
chức năng có liên quan đến quyền lợi trẻ em.
Trẻ em Việt Nam luôn thiệt thòi so với trẻ em thế giới.
Đó là sự thật.
Và nạn nhân phải gánh chịu sự tổn thương đầu tiên
trong xã hội luôn luôn là trẻ em.
Phụ huynh không còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc
tự điều tra, tự dấn thân, sử dụng mạng xã hội để kêu cứu. Đặc biệt với các trường
hợp trẻ bị xâm hại tình dục, rất ít gia đình nhận được sự trợ giúp hữu ích,
tích cực từ các cơ quan chức năng.
Khi cái xấu, cái ác hiển nhiên tràn lan như hiện nay
thì việc tạo dựng một môi trường tốt đẹp cho những “mầm non tương lai của đất
nước” hẳn chỉ là chuyện cổ tích xa vời.
17.03.2019
No comments:
Post a Comment