Những gì đang diễn ra đã trở thành chuỗi “đại họa”
đưa Phật giáo lao vào tình trạng khủng hoảng kinh khủng chưa từng thấy. Từ các
vụ nhà sư trác táng đến cơn lốc “buôn thánh, bán thần”, Phật giáo đang chứng kiến
sự hỗn loạn cực độ. Nhà chùa, có nơi, trở thành “cơ sở tôn giáo”; trong khi
“cán bộ tôn giáo”, có chỗ, khoác áo nhà sư; và “Phật tử” thì u u mê mê ngưỡng vọng
vào tà ma, quỷ thuyết…
Chùa nhiều, Phật “đông”
nhưng “quỷ ma” nhan nhản. Những bức tượng Phật “cao nhất Đông Nam Á” và những
ngôi chùa “lớn nhất Đông Nam Á” đã mọc lên trên một quốc gia có những điều tồi
tệ, vốn bị nghiêm cấm trong giáo lý nhà Phật, có lẽ cũng thuộc vào hạng nhất
nhì Đông Nam Á, từ ăn cắp, hiếp dâm, đến thậm chí giết bố mẹ ruột… Cuộc khủng
hoảng đạo đức xã hội, thật mỉa mai cùng cực, lại tỷ lệ thuận với cơn lốc xây
chùa và cơn sốt đi chùa. Chùa chiền đang được “xã hội hóa” thì tại sao giáo lý
Phật giáo đã không được “xã hội hóa” để giúp xã hội tốt hơn, con người sống tốt
hơn, lòng người chân thành hơn, tâm trí chúng sinh bình an hơn? Nếu nhà chùa
đang gieo “nhân” tốt thì tại sao “quả” gặt được lại kinh khủng đến vậy? Luật
“nhân-quả” nào có thể giải thích điều này? Thực tế thì sự bùng nổ chùa chiền đã
gieo những cái “nhân” khác, hơn là “nhân” đạo lý. Khó có thể có cái “quả” tốt,
khi mà chính nhà chùa và nhà sư trong đó, đã tự gạt ra yếu tố đạo đức cá nhân
và phẩm hạnh nhà tu, để trở thành một phần của cái gọi là thị trường “buôn
thánh, bán thần”.
“Phật giả”, “giả Phật”;
“chùa giả”, “giả chùa”; “tăng giả”, “giả tăng”. Chỉ có điều này là thật: “Mạt
Pháp”! “Phật thật” đang khóc (có lẽ vậy). “Phật giả” vừa đếm tiền vừa cười (hẳn
thế). “Bồ tát thật” đang tụng niệm để Phật giáo thoát khỏi kiếp nạn tai ương.
“Bồ tát giả” thì lần tràng hạt “phổ độ chúng sinh” bằng ngoa ngôn ma mị. Câu hỏi
lớn nhất cần được quan tâm không chỉ là tình trạng “kinh doanh” Phật giáo mà
còn là tại sao ngày càng có nhiều Phật tử không nhìn thấy được “Phật giả” trong
những kiến trúc “giả chùa”? Những hàng hàng lớp lớp người đi chùa không cho thấy
Phật giáo đang phát triển. Mà là ngược lại. Nhang khói càng nghi ngút, dường
như, càng che mờ con đường giác ngộ đích thực mà giáo lý Phật giáo truyền dạy.
“Đi chùa viếng Phật” – một nét văn hóa tôn giáo trang nghiêm gắn liền với văn
hóa dân tộc – đã biến thành một hoạt động “đi mua sắm” để mua đủ các thứ mà “thị
trường” ngoài đời không thể mua, từ giấc mơ, khát vọng, đến danh và “lộc”. “Bồ
tát” nào “chứng”, “Phật” nào “chứng”? Cơn lốc xây chùa có thể không bùng nổ nếu
những kẻ “buôn thánh, bán thần” không “nắm bắt” được “tâm lý” và “nhu cầu thị
trường”.
Trong "What The
Buddha Taught" – một trong những tác phẩm kinh điển và căn bản về giáo lý
Phật giáo, Hòa thượng Walpola Rahula (1907-1997) viết: “Theo Phật học, vị trí của
con người là tối thượng. Con người là chủ nhân của chính mình, và không có một
thực thể hay quyền năng nào cao hơn để định đoạt số phận của nó. Đức Phật dạy:
“Người ta là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương
tựa?”. Ngài khuyên các môn đệ hãy là “một nơi nương tựa cho chính mình” và
không bao giờ nên tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác.
Ngài giảng dạy, khuyến khích và cổ vũ mỗi người hãy tự mở mang và tìm sự giải
thoát cho chính mình, vì con người có năng lực giải thoát mình ra khỏi mọi ràng
buộc, bằng trí tuệ và nỗ lực riêng. Đức Phật dạy: “Các người nên làm công việc
của mình, vì các Đức Như Lai chỉ dạy con đường mà thôi”. Nếu Đức Phật được gọi
là một người “cứu thế” đi nữa thì cũng chỉ có nghĩa rằng Ngài đã tìm ra và chỉ
con đường đi đến Giải thoát, Niết Bàn. Nhưng chúng ta phải bước trên Con đường ấy
bằng chính mình” (*).
Trong quyển "Thấy Phật",
giáo sư Cao Huy Thuần viết: “Ngài ở cùng khắp, Ngài ở chung quanh chúng ta, ai
cũng có thể thấy Ngài nếu tâm sáng, và tùy tâm sáng đến đâu thì thấy Phật rõ đến
đấy. Niệm Phật là làm cho tâm sáng và tâm sáng thì Phật hiện, bởi vì Phật ở
cùng khắp thì tất nhiên Phật cũng ở trong tâm ta... Ai đi sâu vào Phật học sẽ
thán phục mối tương quan sâu thẳm giữa trí tuệ và lòng tin. Trong Phật giáo,
lòng tin luôn dựa trên trí tuệ, và trí tuệ chỉ có thể sáng chiếu đến chân lý nếu
được lòng tin hỗ trợ. Thấy Phật cũng chỉ bình thường vậy thôi. Không phải ở
trên ngôi sao kia, mà ở ngay trong lòng. Ra đời cách đây 2.546 năm, Đức Phật vẫn
còn ở quanh ta để luôn nói với ta tiếng nói từ trong tâm, rằng: Ta đã sinh làm
người, và từ người, chứ không từ đâu khác, từ Ta, từ chính Ta, Ta đã chứng ngộ…”.
Thật khó có thể đòi hỏi một
người “bình dân” “thấy” được Phật như cách ông Cao Huy Thuần “thấy” hoặc nhìn
ra được “Con đường” để đi bằng chính mình như cách Hòa thượng Walpola Rahula viết.
Tuy nhiên, Phật giáo là uyên thâm nhưng Phật tử thì không cần tu học đến uyên
bác như các bậc Tuệ Sĩ hay Lê Mạnh Thát để hiểu thấu đáo Phật pháp. Muốn “thấy
Phật” không phải là điều bất khả. Ai cũng có thể “thấy” rằng, Phật không ở
trong chùa; Phật ở trong tâm. Không Phật tử nào mà không ít nhất một lần nghe
như vậy. Chưa có bất kỳ quyển giáo lý hoặc triết học Phật giáo nào nhắc đến những
hành vi mê tín ngưỡng vọng như là “phương tiện” để được chứng giám sự “thành
tâm” hoặc để giúp tìm đến chân lý tối thượng của đạo Phật. Có thể có những Phật
tử tu và hành cả đời theo những gì giáo lý Phật giáo truyền dụ cũng chưa “gặp”
được Phật nhưng chắc chắn rằng họ sẽ chẳng bao giờ “thấy” được Phật cho dù họ
đi chùa bao nhiêu lần, quỳ lạy tượng Phật bao nhiêu cái và “cúng dường” bao
nhiêu tiền. Chừng nào còn mang đến chùa những thứ mà Phật giáo căn bản khuyên dạy
cần phải buông bỏ, chừng nào mà trí còn loạn và tâm còn “đóng” trước cửa nhà Phật
thì làm sao có thể “thấy” được Phật ngay cả khi tượng Phật sờ sờ trước mắt?
…
(*) Man's position,
according to Buddhism, is supreme. Man is his own master, and there is no
higher being or power that sits in judgment over his destiny. “One is one's own
refuge, who else could be the refuge?” said the Buddha. He admonished his
disciples to “be a refuge to themselves”, and never to seek refuge in or help
from anybody else. He taught, encouraged and stimulated each person to develop
himself and to work out his own emancipation, for man has the power to liberate
himself from all bondage through his own personal effort and intelligence. The
Buddha says: “You should do your work, for the Tathagatas only teach the way.”
If the Buddha is to be called a “saviour” at all, it is only in the sense that
he discovered and showed the Path to Liberation, Nirvana. But we must tread the
Path ourselves.
No comments:
Post a Comment