18/03/2019
“Càng nhìn được xa về quá khứ, bạn càng thấy được xa hơn về tương lai”.
Đó là lời của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill,
người đã từng lèo lái nước Anh qua Thế chiến II, một trong những thời khắc đen
tối nhất trong lịch sử nhân loại.
Churchill tất nhiên không phải người duy nhất xưa
nay biết tầm quan trọng của việc phải tìm hiểu những chuyện đã xảy ra. Hầu hết
mọi người đều hiểu điều đó. Có lẽ vì chúng ta đều biết lịch sử có thói quen lặp
lại chính nó (history repeats itself).
Mỗi khi gặp chuyện gì đau đầu khó giải quyết, nhiều
người thường tra cứu bài học kinh nghiệm của người xưa. Mỗi khi gặp vấn đề mới,
chúng ta thường liên tưởng các chuyện cũ. Đến cả việc xử án cũng thường xuyên
phải dựa vào các
án lệ (những vụ việc có điểm tương đồng đã từng xảy ra trước đó).
Tìm hướng ra cho hiện tại bằng cách ngoái cổ về phía
sau không phải là một ý tưởng tồi.
Những phóng viên điều tra của tờ New York Times đã
làm đúng việc đó khi bỏ công sức thu thập nghiên cứu hơn 100.000 trang tư liệu
cùng vô số cuộc phỏng vấn các nhân chứng. Họ lần ngược về quá khứ xa nhất có thể
để tìm hiểu về một trong những nhân vật, hay có thể nói là hiện tượng, gây nhiều
dấu ấn nhất trong lịch sử đương đại: Donald Trump.
Kết quả của nó là bản phóng
sự điều tra đặc biệt mà tờ Times đã tung ra vào tháng 10 năm 2018.
Lần đầu tiên trong lịch sử, nó vén bức màn bí mật một
cách chi tiết nhất về huyền thoại Donald Trump, vị tỉ phú tự thân, bậc thầy
kinh doanh, thiên tài chính trị, và nhiều danh xưng khác được những người hâm mộ,
hoặc chính Donald Trump, dày công dựng nên.
Dù là câu chuyện về quá khứ, từ hơn nửa thế kỷ trước,
nhưng từng chi tiết, từng nhân vật, từng hành động và từng lời nói trong đó đều
cực kỳ quen thuộc với những ai đang theo dõi tình hình hiện tại. Nó giống như
những bộ phim Tây Du Ký được làm đi làm lại: có biến tấu đến đâu, vẫn có thầy
trò Đường Tăng, vẫn có yêu ma quỷ quái, vẫn là những trò phù phép quen thuộc.
Bạn đọc ở Việt Nam sẽ học được gì từ phóng sự trường
thiên này?
Nó tùy thuộc rất lớn vào việc bạn là ai, hay chính
xác hơn, bạn chọn góc nhìn nào.
Nếu là người lâu nay vẫn ghét cay ghét đắng những gì
Donald Trump nói và làm, phóng sự điều tra này sẽ giúp bạn biết thêm ngọn nguồn,
nhân vật này chui ra từ đâu, vì sao lại làm những việc đó, và sẽ làm những gì
tiếp theo.
Nếu là người hâm mộ hết mực Tổng thống Trump, điều
tra này, cho dù bạn kiên nhẫn chịu đọc đến dòng cuối cùng, cũng sẽ khó có khả
năng thay đổi lập trường của bạn. Rất có thể bạn sẽ càng hâm mộ không những
Trump mà cả gia tộc của ông vì “quá tài giỏi” khi lừa đảo qua mặt được chính
quyền sở tại, trốn hàng trăm triệu đô-la tiền thuế.
Nếu là phóng viên, bạn có thể sẽ có thêm nhiều tư liệu
để viết về Donald Trump, và ước ao một lúc nào đó mình cũng có quyền được điều
tra tự do không bị kiểm duyệt như thế.
Nếu là quan chức chính quyền, nắm giữ những sản nghiệp
khổng lồ có được từ các hoạt động mờ ám không minh bạch, bạn sẽ hi vọng đất nước
Việt Nam tiếp tục không có tự do báo chí, khỏi phải lo ngại có người lục tung hồ
sơ điều tra mình tận chân tơ kẽ tóc như vậy.
Nếu chưa biết gì về Donald Trump lẫn những ồn ào
xung quanh ông ta, nhưng có chút tò mò và quan tâm đến tình hình hiện tại của đất
nước, bạn hẳn sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ bài điều tra này.
Đây không chỉ là câu chuyện về huyền thoại dựng nên
xung quanh Donald Trump suốt nhiều thập niên qua, cũng không chỉ là câu chuyện
riêng về gia tộc Trump. Nó là mô tuýp rất quen thuộc của những nhân vật giàu có
về vật chất, đầy tham vọng và biết cách thao túng những người xung quanh. Bạn sẽ
không khó khăn gì liên tưởng đến Việt Nam, nơi có những con người cũng được bao
bọc bởi đầy những huyền thoại được thêu dệt và các gia tộc quyền lực ám muội
đang thao túng đất nước này.
Luật
Khoa sẽ đăng tải trọn vẹn bản dịch của thiên phóng sự này thành nhiều kỳ. Phần
dưới đây của bài viết sẽ tóm tắt một số điểm đáng chú ý để hầu bạn đọc không có
nhiều thời gian.
Donald Trump (trái) và người cha Fred Trump. Ảnh:
Getty.
Huyền thoại về một “tỉ phú tự thân” (self-made
millionaire)
Donald Trump vẫn luôn tự hào (gần như) tay trắng dựng
nên cơ đồ.
Đế chế kinh doanh của người cha Fred Trump qua lời kể
của Donald chỉ là “hoạt động kinh doanh bé tẹo”, và “không vĩ đại gì lắm, chỉ
là kiếm ra tiền”. Donald luôn tự hào trước giờ không nhận sự giúp đỡ nào từ cha
mình, chỉ có khoản vay một triệu đô từ ngày bắt đầu khởi nghiệp mà “tôi còn phải
trả lại tiền cho ông ấy cùng với lãi suất nữa!”. Ông đã biến khoản vay một triệu
đô đó thành một đế chế 10 tỉ đô như hiện tại.
Trên thực tế, từ khi mới ra đời, Donald Trump đã ngậm
muỗng vàng trong miệng.
Kể từ khi lên 3, Trump đã nhận được 200.000 đô-la mỗi
năm tính theo giá trị hiện tại từ đế chế của cha mình. Ông trở thành triệu phú
trước khi lên 8 tuổi. Tới tuổi 17, ông đã được chia sẻ một phần quyền sở hữu một
tòa chung cư 52 căn hộ. Gần như ngay sau khi tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục
nhận được khoản tài sản tương đương một triệu đô mỗi năm từ cha. Số tiền đó
tăng theo năm tháng, đến khi ở tuổi 40 và 50, ông đã nhận được hơn 5 triệu đô mỗi
năm từ người cha.
Còn về tiền vay, theo điều tra, Fred Trump đã cho
con mình vay tổng cộng ít nhất 60,7 triệu đô, hoặc 140 triệu đô tính theo giá
trị hiện tại.
So với nhiều người bình thường, số tiền Donald Trump
ngồi không được nhận mỗi năm từ cha mình là một chuyện cả đời cũng không mơ tới.
Nhưng so với Donald Trump, đó chỉ là tiền lẻ.
Ngoài những khoản lương được cha chi trả, những khoản
phí tư vấn cho những thương vụ béo bở mà cha sắp xếp, những khoản lợi nhuận từ
quản lý căn hộ tự động chảy vào túi, những món quà tặng được ngụy trang bằng
các thương vụ mua bán nội bộ, những khoản vay không bao giờ cần trả, và những
công ty bình phong lập ra để rút tiền từ sản nghiệp của người cha, tất cả đều
là cò con so với việc được chuyển nhượng trực tiếp quyền sở hữu đế chế khổng lồ
của ông.
Sau khi cùng các anh chị em, thông qua một loạt các
thủ thuật trốn thuế tinh vi, nhận được toàn bộ quyền sở hữu đế chế sản nghiệp của
cha, Donald Trump đã bất ngờ đề nghị bán luôn đế chế đó, bất chấp việc nó vẫn
đang tạo ra lợi nhuận ổn định, và nhất là di nguyện của người cha không muốn sản
nghiệp rời khỏi gia đình.
Vào năm 2004, sau khi bán xong đế chế kinh doanh của
cha, Donald Trump thu về phần của mình là 177,3 triệu đô, hoặc tính theo giá trị
hiện tại, 236,2 triệu đô. Sau khi có tiền, Donald lại lập tức vung tay quá
trán.
Trong vòng một năm kể từ thương vụ bán sản nghiệp
gia đình, Trump đã chi ra 149 triệu đô tiền mặt trong chuỗi giao dịch chóng
vánh để đánh bóng ấn tượng tỉ phú của mình. Vào tháng 6/2004, ông trả 73 triệu
đô mua phần của đối tác trong dự án Trump International Hotel & Tower ở
Chicago. (“Tôi mua lại nó với tiền túi riêng của mình,” ông bảo với các phóng
viên). Ông trả 55 triệu đô tiền mặt để giảng hòa với các chủ nợ ở dự án sòng bạc.
Sau đó ông bỏ thêm 21 triệu đô tiền mặt để hoàn tất việc mua lại Maison de
l’Amitié, một biệt thự giáp biển ở Palm Beach, Fla., biệt thự mà sau đó ông đã
bán lại cho một bố già Nga (oligarch).
Trong suốt cuộc đời của mình, số tiền Donald Trump
tiêu của người cha có lẽ vượt xa số tiền ông tiêu của chính mình – đó là nếu
ông tự làm ra được tiền, một việc cho đến nay vẫn không ai xác minh được khi
ông nhất quyết không chịu công khai bản khai thuế thu nhập.
Vậy huyền thoại tỉ phú tự thân từ đâu mà ra?
Nó đơn thuần là một màn lừa đảo ngoạn mục, được mô tả
lại khi Donald Trump tiếp chuyện một phóng viên của chính tờ New York Times vào
năm 1976.
Trong chiếc Cadillac với tài xế riêng, Donald Trump
dẫn phóng viên của Times đi một vòng tham quan những địa điểm mà chàng trai trẻ
gọi là “việc tôi làm”. Anh chỉ cho cô xem dự án khách sạn Manhattan mà anh có kế
hoạch chuyển đổi nó thành tòa nhà Grand Hyatt (cha của anh đảm bảo khoản vay
xây dựng cho kế hoạch này), cùng với khu vực đường ray sông Hudson mà anh cũng
có kế hoạch phát triển (thương quyền cho dự án được công ty của cha anh mua).
Anh cho cô thấy “tầm nhìn nhân đạo của chúng tôi”, dự án nhà ở cho người lớn tuổi
tại East Orange (được cha anh cấp tiền), và một phức hợp căn hộ ở Staten Island
(do cha anh sở hữu), cùng với “biểu tượng” của gia đình, tòa nhà Trump Village ở
Brooklyn (do cha anh sở hữu), và cuối cùng là tòa căn hộ Beach Haven (do cha
anh sở hữu). Ngay cả chiếc Cadillac cũng do cha anh trả tiền thuê.
“Trước tới giờ, tôi chưa từng làm thương vụ nào tệ cả.”,
anh hào hứng kể.
Bằng cách nhận tất cả sản nghiệp của người cha thành
của riêng, Donald nghiễm nhiên biến mình trở thành một thiên tài trẻ tuổi. Màn
lừa đảo này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu không có sự đồng tâm hiệp
lực từ người cha.
“Mọi thứ nó chạm vào hình như đều biến thành vàng”.
Fred Trump đã nói như vậy với phóng viên Times về người con trai của mình,
trong cùng năm 1976. Sau đó vài năm, ông lại nhấn mạnh với phóng viên, “nó đã
vượt xa hơn tôi nhiều, rõ ràng là vậy”.
Và trong khi hợp tác cùng người con thêu dệt nên những
huyền thoại đó, ông vẫn phải liên tục ra tay giải cứu đứa con trai khỏi những dự
án kinh doanh thất bại.
Donald Trump trên sân thượng toà tháp Trump năm
1987. Ảnh: Harry Benson/Getty Images.
Huyền thoại về một bậc thầy kinh doanh
Để có thể là một tỉ phú tự thân như đã thêu dệt nên,
Donald Trump bắt buộc phải là một bậc thầy kinh doanh.
Nhưng cũng giống như huyền thoại đầu về sự tự thân,
hầu như không thể tìm thấy một bằng chứng nào chứng minh cho kỹ năng “bậc thầy”
trong kinh doanh lẫn thương lượng của Donald Trump như ông tự nhận.
Những bằng chứng ngược lại thì quá nhiều.
Năm 1987, thị trường chứng khoán sụp đổ và nền kinh
tế Mỹ lao dốc. Nhưng Donald Trump vẫn vững vàng nhờ các ngân hàng của cha mình
sẵn sàng nới rộng giới hạn tín dụng cho cậu hoàng tử nhà Trump. Donald nhờ đó
vay tiền mua khách sạn Plaza vào năm 1988 với giá 407,5 triệu đô. Ông mua hãng
bay Eastern Airlines vào năm 1989 với giá 365 triệu đô và gọi nó là Trump
Shuttle (Phi thuyền Trump). Sòng bạc mới nhất của Donald, Trump Taj Mahal, sẽ cần
ít nhất 1 triệu đô mỗi ngày chỉ để trả tiền vay nợ.
Nhiều lời hoài nghi về các thương vụ hoành tráng từ
tiền vay nợ này, nhưng nó nhanh chóng bị chìm nghỉm giữa những trang bìa tạp
chí và bài viết ca ngợi cậu tỉ phú trẻ tuổi dám mạo hiểm. Ít ai biết, đối với
người khác là mạo hiểm, đối với Donald Trump, chẳng có nguy hiểm gì ở đây.
Tất cả đều đã có tấm lưới an toàn giăng sẵn của người
cha.
Cuối thập niên 1980, các canh bạc lớn của Donald
Trump lần lượt bể hụi. Phi thuyền Trump không trả nổi nợ vay trong suốt 15
tháng. Khách sạn Plaza chìm ngập trong nợ, phá sản trong vòng bốn năm. Các sòng
bạc ở thành phố Atlantic, cũng ngập trong nợ, từng cái một tuyên bố phá sản.
Thứ duy nhất chưa bị phá thủng là tấm lưới an toàn của
nhà Trump. Ngay khi tình hình tài chính của Donald Trump sắp vỡ sụm, các công
ty hợp danh và công ty gia đình ngay lập tức tăng cường đóng góp cho Donald
cùng những người con. Giữa năm 1989 và 1992, theo số liệu khai thuế, bốn tổ chức
do Fred Trump lập ra để hỗ trợ các con mình đã trả cho Donald Trump tổng cộng số
tiền tương đương thời giá hiện tại là 8,3 triệu đô.
Sự hào phóng của Fred Trump cũng cho Donald một chỗ
dựa sống còn khi con trai ông cầu xin sự giúp đỡ từ các ngân hàng cho khoản vay
khẩn cấp vào năm 1990. Với quá nhiều dự án thua lỗ, Donald Trump không có bao
nhiêu tài sản thế chấp đáng kể để vay tiền. Điều chưa từng được tiết lộ là
Donald đã sử dụng phần của mình trong đế chế mini và dự án cho người lớn tuổi ở
East Orange, vốn đều từ cha mà ra, làm thế chấp để vay thêm 65 triệu đô.
Fred Trump thậm chí còn rút sẵn một lượng lớn tiền mặt
chỉ để dành sẵn giải cứu Donald Trump.
Như trường hợp tại sòng bạc Castle của con trai ông.
Donald Trump đã chi tiêu vô tội vạ cho việc trang hoàng chỉnh sửa sòng bạc, khiến
cho nơi này không còn bao nhiêu tiền mặt để duy trì chi phí hoạt động. Bản thân
Donald Trump lẫn sòng bạc đều không có đủ tiền để chi trả khoản vay tới hạn vào
tháng 12/1990.
Vào ngày 17/12/1990, Fred Trump giao Howard Snyder,
một kế toán tin cẩn, đến thành phố Atlantic với tờ chi phiếu 3,35 triệu đô
trong tay. Ông Snyder dùng hết 3,35 triệu đô mua các con chip đánh bạc và rời
khỏi sòng bạc mà không chơi bất kỳ ván nào. Ngay cả khoản tiền này cũng chưa đủ,
vì cùng ngày hôm đó, theo như tài liệu thu thập được, Fred Trump đã phải ký chi
phiếu thứ hai trị giá 150.000 đô cho sòng bạc Castle của Donald.
Năng lực thương lượng của Donald Trump có lẽ được
minh họa rõ nhất từ phi vụ bán toàn bộ đế chế sản nghiệp của cha mình sau khi
Fred Trump qua đời.
Theo định giá của các ngân hàng, toàn bộ sản nghiệp
đó trị giá gần 1 tỉ đô-la. Nhưng Donald Trump đã chịu bán đi với tổng cộng chỉ
737,9 triệu đô. Bậc thầy về thương lượng đã bán sản nghiệp gia đình lỗ hàng
trăm triệu đô-la.
Có lẽ phi vụ lỗ nặng này đến một phần từ nhu cầu cấp
bách của Trump phải bán tống bán tháo để có tiền chi trả cho những dự án riêng
mà (lại lần nữa) rơi vào mớ bòng bong. Chẳng thế mà đây là một trong những lần
hiếm hoi Trump thực hiện một thương vụ hoàn toàn âm thầm lặng lẽ, không gióng
trống khua chiêng như phong cách thường thấy. Báo chí không mấy người được tin.
Số ít tờ báo nói đến thì, rất hiếm hoi, không moi được thông tin gì vì “ông
Trump không trả lời cuộc điện thoại hỏi về bình luận cho thương vụ này.”
Donald Trump trong một cảnh quay của chương trình
truyền hình thực tế “the apprentice”. Ảnh: Getty
Những thứ không phải huyền thoại
Bên cạnh những thứ không có thật, Donald Trump có những
kỹ năng có thật mà không phải ai cũng có: khả năng tự quảng bá siêu hạng và một
bản năng luôn tìm kiếm cơ hội (để tự quảng bá).
Thương hiệu Donald J. Trump không phải tự nhiên được
bơm lên. Cho dù nó được thêu dệt từ những thông tin không có thật và được sự
giúp đỡ tích cực từ một người cha có nguồn lực gần như vô hạn, thành công của
Donald Trump trong việc dựng nên thương hiệu này là điều khó có thể bác bỏ.
Chính Donald là người nhận ra tiềm năng và tận dụng
sức mạnh của tòa tháp Trump Tower. Tòa nhà được dựng nên, tất nhiên, từ tiền của
Fred Trump, nhưng được Donald biến thành biểu tượng quyền lực của gia tộc. Ông
còn biến nó thành sân khấu chính cho show truyền hình “The Apprentice” (Người tập
sự), một chương trình ăn khách nổi tiếng và kiếm bộn tiền từ việc cấp phép bản
quyền (licensing) từ đó.
Và đương nhiên, rất nhiều người sẽ chỉ ra vị trí hiện
tại của Donald Trump để chứng minh cho năng lực quảng bá phi thường của ông: Tổng
thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Từ một nhân vật bị chế giễu, hoàn toàn bị xem là kẻ
ngoài cuộc, ông đã tạo nên một trong những sự kiện chấn động có lẽ sẽ còn được
nhắc đến rất lâu sau này trong lịch sử. Cho dù là căm ghét phỉ nhổ hay hâm mộ
điên cuồng Donald Trump, người ta không thể không thừa nhận sự thật rằng có
hàng chục triệu người đã bị thuyết phục, hay dẫn dắt, bởi cách thể hiện và tiếp
cận vấn đề của ông.
Một trong những người ảnh hưởng nhiều nhất đến các kỹ
năng và cả nhân cách của Donald Trump không ai khác là người cha Fred Trump.
Theo những người thân trong gia đình và các cộng sự,
hai cha con giống như bản sao của nhau. Họ nói chuyện mỗi ngày, gặp nhau mỗi cuối
tuần, chia sẻ những bí mật. Họ đều thích thú xé rào vượt luật và không bị bắt.
Họ đều rất thông thạo cách nói chuyện úp mở, nửa thật nửa giả và nói dối. Họ
không chỉ giỏi thao túng người khác, mà còn rất giỏi trong việc thao túng giá
trị tài sản của bản thân, khi cần có thể thổi phồng, khi muốn lại bóp xẹp, cũng
giống như cách họ thao túng sự thật.
Họ đều chia sẻ cùng quan điểm về một thế giới của kẻ
mạnh, phải chiến đấu và giành chiến thắng.
Ở thứ bản năng phải đánh và thắng này, Donald Trump
có vẻ vượt trội hơn cha mình. Ông thậm chí đã từng tìm cách sửa đổi di chúc của
cha để dễ dàng một mình thao túng toàn bộ đế chế sản nghiệp, không phải phụ thuộc
vào các anh chị em (nỗ lực này thất bại do Fred Trump vẫn còn sáng suốt và cảnh
giác).
Tham vọng không có điểm dừng này của Donald Trump, sẵn
sàng đâm sau lưng người cha đã không tiếc công tiếc của bảo kê cho mình, có thể
là một chỉ dấu cho những hành động hiện tại và sau này của vị đương kiêm Tổng
thống Hoa Kỳ.
***
Trên đây chỉ là một số điểm nhấn trong thiên phóng sự
điều tra dày công, tỉ mỉ, chi tiết và cẩn trọng của các phóng viên New York Times.
Để có bức tranh đầy đủ, bạn đọc hãy dành thời gian để
nghiền ngẫm nội dung của phóng sự trên qua bản dịch đầy đủ sẽ lần lượt được
đăng tải thành nhiều kỳ trong thời gian tới.
Đương nhiên, không phải tất cả những gì trình bày
trong đó người đọc đều có thể mặc nhiên xem là đúng. Nhưng ít nhất đó là nỗ lực
đáng trân trọng của những người luôn muốn đi đến cùng của sự thật, bất kể sự thật
đó bị thế lực nào che giấu.
Nhìn vào quá khứ không phải lúc nào cũng giúp thấy
được tương lai, vì không ai tắm hai lần trên một dòng sông.
Nhưng nếu học kỹ những bài học của quá khứ, của người
khác, và nhìn kỹ ra xung quanh mình, chắc chắn sẽ giúp chúng ta không phải té
hai lần trên cùng một khúc sông.
--------------------------------------
SPECIAL
INVESTIGATION
By DAVID BARSTOW, SUSANNE CRAIG and RUSS BUETTNER
Oct. 2, 2018
No comments:
Post a Comment