Ngô Nhân Dụng
March 15, 2019
Khổng Tử nói, “Quân tử tố kỳ vị nhi hành,” người
quân tử theo vị trí của mình mà hành động. Các nghị viên thành phố Westminster
có thể không biết ông Khổng Tử nhưng cũng biết làm theo ý người được gọi là “Vạn
Thế Sư Biểu.”
Hai nghị viên thành phố đã đề nghị, và được hai người
kia đồng ý, ra bản nghị quyết chính thức công nhận tuần lễ từ ngày 23 tới ngày 30 Tháng Tư mỗi năm là
“Tuần Lễ Tưởng Niệm Tháng Tư Đen.” Họ làm đúng vị trí của đại biểu những
người Việt tị nạn, nhớ ngày 30 Tháng Tư, “Ngày đen tối mà bao người đã phải chịu
những cảnh tang tóc…” như các tác giả của nghị quyết viết.
Tượng Đài Chiến Sĩ
Việt Mỹ trong Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư, 2017. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Đặt tên ngày, tháng, là một cách bày tỏ ý kiến có ảnh
hưởng rất mạnh. Người ta đã đặt tên Tháng Hai từ năm 1926 là Tháng Lịch Sử Người
Da Đen; rồi được các chính phủ Mỹ và Canada công nhận (các nước Âu Châu chọn
Tháng Mười).
Có một ngày không cần chính phủ nào ủng hộ nhưng vẫn
được nhiều người ghi nhớ hằng năm, là ngày 14 Tháng Ba. Một người Mỹ đã đề nghị
gọi đó là Ngày của Số Pi (chữ Hy Lạp π) vì trị số của π là 3.14159… mà ngày đó
viết theo lối Mỹ là 3/14. Tất nhiên chỉ có những người thích toán học mới “tưởng
niệm” số Pi.
Nếu như Hội Đồng Thành Phố chỉ đặt tên một tuần lễ
cuối Tháng Tư thôi thì chắc đồng bào tị nạn sống trong thành phố Westminster chắc
sẽ hài lòng.
Nhưng nghị quyết thứ hai của hội đồng thành phố có
tham vọng cao hơn. Họ muốn đặt tên cho cả một tháng, gọi Tháng Tư là “Tháng Người
Mỹ Gốc Việt.”
Dành một tháng đặt tên “Tháng Người Mỹ Gốc Việt!” Đó
cũng là một ý kiến hay, đề cao vai trò của người gốc Việt trong xã hội Mỹ. Như
ông Quang Việt nói với báo Người Việt, người Mỹ gốc Việt là những người đóng
góp cho sự phồn thịnh của thành phố Westminster và cũng như sự vững mạnh của
Hoa Kỳ. Từ khi có người Việt tị nạn tới, Westminster đã phát triển gấp bao
nhiêu lần trước.
Nhưng tại sao lại chọn Tháng Tư?
Quý vị nghị viên vừa mới quyết định một “Tuần Lễ Tưởng
Niệm Tháng Tư Đen,” trong đó nói rành rành ba chữ “Tháng Tư Đen”; giờ lại muốn
tặng cho Tháng Tư một cái tên mới! Ngộ thiệt!
Ông Nguyễn Nam Hà, một cựu quân nhân VNCH, cũng nghĩ
rằng thay đổi “Tháng Tư Đen” bằng danh xưng “Tháng Người Mỹ Gốc Việt” thì không
liên quan gì đến Tháng Tư Đen hết. Cách gọi này còn có thể khiến người ta dần
quên đi tên gọi Tháng Tư Đen và những kỷ niệm đau buồn của nó.
Một độc giả Người Việt, ông Trần Đình Ba cũng “cực lực
phản đối” tên gọi mới, vì “Tháng Tư Đen gắn liền với tội ác cướp nước và bán nước
của bọn Việt Cộng.” Hơn nữa, trong Tháng Tư năm 1975, chế độ Cộng Hòa vẫn còn
người Việt chưa kéo nhau sang nước Mỹ tị nạn. Ông Trần Đình Ba kết luận: Nghị
quyết này phải thu hồi.
Một ngày sau khi ra bản nghị quyết, hôm qua ông Tạ Đức
Trí, thị trưởng Westminster, đã báo tin cho báo Người Việt rằng ông đã mời các
nghị viên họp một phiên bất thường, và ông đã đề nghị họ cùng rút lại quyết định
cũ.
Nếu thành phố làm đúng như ông Tạ Đức Trí đề nghị,
thì Tháng Tư vẫn còn được người Việt tị nạn tưởng nhớ là “Tháng Tư Đen.”
Ông Trần Đình Ba phê bình nghị quyết không đúng ý muốn
của người tị nạn gốc Việt.
Có lẽ tác giả nghị quyết cũng muốn làm đúng theo lời
Khổng Tử, “Quân tử tố kỳ vị nhi hành.” Họ là người Mỹ gốc Việt, muốn vinh danh
những người Mỹ gốc Việt nên mới đặt tên cả một Tháng Tư để gọi tên.
Họ chỉ không suy nghĩ cho kỹ trước khi làm. Một cái
Tháng Tư, người Việt, trong và ngoài nước, đã quen gọi là Tháng Tư Đen rồi. Đặt
cho tháng đó một danh hiệu mới, cuối cùng người ta biết nên dùng tên gọi nào?
Người Việt chỉ bỏ chạy khỏi chế độ Cộng Sản sau ngày
30 Tháng Tư, 1975. Các tác giả bản nghị quyết chắc sinh trễ, không chứng kiến
hoàn cảnh gây nên cuộc tị nạn đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử Việt Nam!
Có lẽ các nghị viên Westminster nên rút lại bản nghị
quyết đặt tên mới cho Tháng Tư. Bởi vì nếu quý vị không thay đổi, vì tự ái, thì
sau này cũng không ai gọi cái tên mới mà quý vị đề nghị. Người ta vẫn gọi Tháng
Tư Đen là Tháng Tư Đen như từ hơn 40 năm qua.
Ông Khổng Tử cũng báo trước rồi. Ông nói rằng nếu
người cầm quyền làm việc chính đáng thì không cần mệnh lệnh (nghị quyết) dân
chúng cũng làm; còn nếu không làm đúng thì có ra lệnh cũng chẳng ai theo. “Kỳ
thân chính bất mệnh nhi hành; kỳ thân bất chính tuy lệnh bất tòng” (Luận Ngữ).
Cuối cùng thì công việc của các nghị viên không chỉ
là viết nghị quyết, mà là làm sao cuộc sống của dân cư tốt đẹp hơn, bằng cách
giám sát các cơ quan chính quyền, đặt ra các luật lệ trong phạm vi thành phố để
cải thiện cuộc sống chung. Đó là việc chính yếu của các vị dân cử.
Làm nghị quyết, tặng bằng tưởng lục cho nghệ sĩ, chỉ
là những hoạt động chính trị, văn hóa. Đó là những món “gia vị” chứ không phải
là món ăn chính. Người dân bầu các nghị viên không phải chỉ mong quý vị hô các
khẩu biệu cho hay, mà còn muốn quý vị làm việc cho dân nữa.
Người ta muốn thấy “Cơm gạo” (người Mỹ nói là muốn
thấy “Thịt”) chứ không ai muốn chỉ được cho ăn gia vị. Phải làm đúng vị trí của
mình, “Quân tử tố kỳ vị nhi hành” (Trung Dung). (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment