Thursday, March 14, 2019

GIAN LẬN THÌ GIAN TRUÂN (Còm sĩ Mike - Hiệu Minh Blog)




Thursday, March 14th, 2019

Vụ gian lận tuyển sinh vào các đại học danh tiếng đang làm rúng động dư luận nước Mỹ. Hôm qua 12/3/2019, 300 nhân viên FBI tàu xe cấp tập, rải quân khắp nước Mỹ, hốt liền không nói nhiều tới 50 thủ phạm và tòng phạm.

Đây là vụ điều tra rất lớn, có sự tham gia của 200 nhân viên FBI, trải dài từ năm 2011 tới tháng 2/2019. Phát hiện ban đầu chỉ là một sự tình cờ khi đang điều tra một vụ gian lận khác ở trường đại học Boston.

Vụ án dính đến 7 trường danh tiếng bao gồm: Stanford, Yale, UCLA, USC, University of Texas, Wake Forest, và Georgetown. Có 33 phụ huynh học sinh bị bắt, tất cả đều giàu có, gồm cả những tài tử nổi tiếng, những CEO, và cả luật sư.

Vài cách gian lận

Theo ông William Singer, người lập ra công ty để gian lận này  khai trước toà thì, vào đại học Mỹ có 3 “cửa”. Cửa trước là học giỏi, chơi thể thao hay. Cửa sau là cha mẹ hiến tặng tiền cho trường. Nhưng đi cửa sau mất rất nhiều tiền mà lại không chắc ăn. Ông chỉ tạo ra thêm cửa hông để đi vào vừa mất ít tiền mà lại chắc ăn 100%. Ông nói không phải không có lý. Con rễ TT Trump là Jared Kushner bị nghi ngờ vào cửa sau khi gia đình anh ta hiến tặng cho trường Harvard 2 triệu rưởi và anh ta học lực bình thường. Tuy nhiên gia đình anh ta phản đối vì rằng họ còn cho nhiều trường khác với số tiền lớn như vậy.

Cách gian lận phổ biến nhất là lập hồ sơ giả với thí sinh là người có khả năng thể thao vượt bực. Khai man là thành viên các đội thể thao lớn. Photoshop để có hình thí sinh hiện diện trong các đội đó. Sau đó bắt tay với huấn luyện viên trong trường để lo cho hồ sơ trúng tuyển. Điển hình là một vụ thí sinh vào trường Yale, không biết đá bóng mà huấn luyện viên bóng đá tuyển vào với cái giá $400,000. Cha mẹ của cô này chi $1.2 triệu cho vụ đó. Hoặc vụ cô bé vào USC với đội chèo thuyền, giá chung chi $500,000.

Cách thứ hai là cha mẹ lấy giấy chứng nhận con mình khuyết tật để được kéo dài thời gian thì từ 1 sang 2 ngày, tạo thêm thời gian cho người chấm sửa bài. Sau đó, họ lấy tiếp lý do như đi ăn cưới gần chỗ thi để được vào thi ở hai điểm thi SAT có người tay trong. Một điểm ở Houston (Texas) và một ở West Hollywood ở Cali. Hầu hết thí sinh đều vô tư lự, không biết những mưu mô gian lận của phụ huynh. Bài làm sau đó sẽ được làm/sửa bổ sung bởi một vài người ở hai điểm thi trên. Số điểm sẽ không quá cao để tránh bị nghi ngờ. Điểm chỉ vừa đủ để có thể đạt chuẩn tuyển vào của trường nào đó.

Vài con số tương phản

Mỗi năm trường UCLA nhận tuyển khoảng 16 ngàn sinh viên; trường USC nhận khoảng 8 ngàn; Yale hay Stanford khoảng 2 ngàn. Tổng cộng 7 trường trên thì mỗi năm tuyển khoảng 45 đến 50 ngàn. Trong hơn 7 năm từ 2011 đến 2019, tổng số sinh viên tuyển vào khoảng 350,000. Trong khi đó, chỉ chừng 20 tới 25 sinh viên là gian lận. Xét theo tỉ lệ thì đó là con số cực nhỏ.

Số tiền chung chi cho các phi vụ này tổng cộng khoảng 25 triệu USD. Nếu so với số tiền hoạt động hàng năm của 7 trường này cộng lại cả 5, 7 tỉ thì số 25 triệu cũng quá nhỏ.

Tương tự, nếu lấy số faculty (làm toàn thời gian) của trường USC khoảng 4500 người để so với con số 3 người bị dính tham nhũng là quá nhỏ.

Theo lời người đứng đầu cuộc điều tra giải thích thì mỗi một người  vào gian lận như vậy là làm mất cơ hội cho một người học giỏi bị rớt oan uổng. Nhưng thực ra thì nó không có liên hệ 1-1 như vậy. Trường nào cũng tuyển gấp mấy lần số nhập học. Một thí sinh có thể trúng tuyển nhiều trường cho nên như trường UCLA tuyển 16 ngàn nhưng chỉ vào học có 6 ngàn thôi. Cho nên, có tuyển thêm một vài người hay vài trăm người thì cũng chẳng có gì khác, và cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến các học sinh học giỏi khác.

Vậy tại sao vụ này nổi tiếng? Thưa có nhiều lý do:

Trước tiên và trên hết, đó là thái độ với tiêu cực, nhất là tiêu cực trong môi trường học đường hay học thuật. Một vụ gian lận ở một trường danh tiếng đã đủ để làm lớn chuyện, huống hồ là mấy chục vụ dính đến tới 7 trường danh tiếng.

Tiếp đến là nhân thân của những người phạm tội. Nếu là 33 phụ huynh cà tàng như Mike tui thì chẳng ai thèm để ý. Đằng này lại là những người vừa giỏi vừa đẹp, vừa giàu có tài năng vượt trội. Xã hội dân chủ với kinh tế tư bản không đòi san bằng cách biệt thu nhập nhưng đòi hỏi công bằng bằng cách đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho người giàu hơn, nổi tiếng hơn.

Hơn nữa, đây là cái gương tày liếp cho các đại gia. Đừng tưởng mình giàu mình khôn hơn thiên hạ mà đòi lách luật. Cái giá phải trả cho sai lầm này phải là cực đắt, mới tương xứng cho những đặc lợi họ được hưởng lâu nay.

 “Ta tiếc cho em”:

Ta tiếc cho em …  Lori Loughlin và Felicity Huffman, hai nữ tài tử nổi danh. Nhìn bức hình ba mẹ con hết sức xinh đẹp của Lori Loughlin mà cám cảnh cho nàng. Ông chồng của Lori cũng là nhà thiết kế tài danh. Rồi đây cả hai phải trả giá bằng tù tội, bằng tiền bạc, danh tiếng và sự nghiệp còn lại của cuộc đời. Chưa kể sẽ phải chuốc lấy bao điều chế giễu của công chúng.

Tiếc cho Manuel Henriquez, đồng sáng lập, chủ tịch và CEO của công ty chuyên đầu tư Hercules Capital venture. Ông ta vừa từ chức. Lương và bổng của ông ta là hơn 8 triệu/năm.

Tiếc cho Gordon Caplan, một luật sư đang là đồng chủ tịch của tổ hợp luật sư tầm cỡ toàn cầu. Sự nghiệp cuộc đời vứt đi ít nhất 5 năm tới. Chỉ vì chung chi $75,000 để người ta sửa điểm thi cho con gái trúng tuyển.

Còn nữa, toàn những sáng lập viên công ty, những người rất giàu và rất giỏi. Không ai thương xót cho họ cả (ngoại trừ Mike xót lắm cho Lori, huhu).

Nếu ai hỏi tôi điều gì giống nhau ở mọi nơi trên thế giới. Tôi trả lời ngay đó là đồng tiền dễ tha hoá con người. Tư bản hay Xã Hội đều như nhau.

Thế còn khác nhau giữa XH dân chủ và XHCN? Thưa đó là mức độ của tiêu cực, và quan trọng hơn, là thái độ với tiêu cực.

Mike gửi từ California





No comments: