Người
Việt Online
March 23, 2019
QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Hôm 23 Tháng Ba, trong lúc các báo nhà
nước ở Việt Nam tiếp tục đăng bài công kích chùa Ba Vàng, Luật Sư Trần Vũ Hải ở
Hà Nội đặt câu hỏi trên trang cá nhân: “(Đây là) cuộc chiến của hai thầy (Thích
Thanh Quyết và Thích Trúc Thái Minh)? Tôi đánh giá cao sự bản lĩnh của thầy
Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng), đối mặt ‘cuộc khủng hoảng,’ trong
khi hầu hết các nhà chính trị, đại gia hay chức sắc tôn giáo ở Việt Nam đều ‘bịt
tai, bịt mắt’ khi có khủng hoảng đối với họ. Ngay thầy Thích Thanh Quyết, trong
cuộc khủng hoảng ‘thiếu 50,000 đồng’ ở chùa Phúc Khánh, cũng ‘trùm mền,’ chỉ cử
‘bề dưới’ trình bày với báo giới.”
Thượng Tọa Thích
Thanh Quyết (trái) và Đại Đức Thích Trúc Thái Minh. (Hình: Trang web Quốc Hội
CSVN/Chuabavang.com.vn)
“Thuyết âm mưu có vẻ đáng
tin, sau khi chùa Phúc Khánh của thầy Thích Thanh Quyết bị ‘khủng hoảng,’ có
bàn tay điều khiển hướng đến chùa Ba Vàng mới nổi. Thầy Quyết là một quan chức
hàng đầu và nhiều quyền lực nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, cũng tỏ ra một
‘tay chơi cờ?’ Chúng ta đang chứng kiến (hay có thể vô ý tham gia) một cuộc chiến
của một ‘đại sư quyền lực lâu nay’ của Phật Giáo Việt nam với một thầy
‘startup’ quá thành công, thành một thế lực mới của Phật Giáo, ‘dễ bị ganh
ghét, đố kỵ?’”, theo Facebook Vu Hai Tran.
Trên thực tế, chùa Ba
Vàng của nhà sư Thái Minh nằm gần khu di tích, chùa Yên Tử của nhà sư Thanh Quyết,
người còn đồng trụ trì một cơ sở tôn giáo khác là chùa Phúc Khánh ở Hà Nội.
Cả hai vị chức sắc nêu trên đều là “sư quốc doanh,” do họ đảm nhiệm chức
danh trong các tổ chức liên quan đến nhà cầm quyền CSVN. Trong khi nhà sư Thanh Quyết hiện là đại biểu
Quốc Hội CSVN khóa 14 nhiệm kỳ 2016–2021 thuộc đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng
Ninh, kiêm ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội và trưởng Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh
Quảng Ninh thì nhà sư Thái Minh là phó ban Thông Tin Truyền Thông Trung Ương
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Trong lúc vụ bê bối do
kinh doanh thỉnh vong của chùa Ba Vàng gây rúng động dư luận, báo Trí Thức Trẻ
hôm 22 Tháng Ba đột nhiên dẫn lời Đại Đức Thích Đạo Hiển, phó ban trị sự kiêm
chánh thư ký Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Quảng Ninh: “Ban Trị Sự đã góp ý với Đại
Đức Thích Trúc Thái Minh nhiều lần về những vấn đề dư luận phản ánh nhưng không
hiệu quả.
Nhà sư Thái Minh thể hiện là tiếp thu nhưng sau đó lại
làm theo hướng của mình. Nhà sư Thái Minh đã quỳ trước Thượng Tọa Thích Thanh
Quyết và trước Ban Trị Sự sám hối bao nhiêu lần. Sám hối xong rồi hôm sau đâu lại
vào đấy, lại đẻ ra cái khác nữa. Cứ vài ngày, nhà sư này lại nghĩ ra một cách
khác người và không biết đây có phải cách thu hút tín đồ, quần chúng hay
không.”
Điều khiến công luận băn
khoăn là các báo nhà nước nay đang đồng loạt lên án và kêu gọi điều tra việc
kinh doanh thỉnh vong bị cho là “mê tín dị đoan” của nhà sư Thái Minh tại chùa
Ba Vàng trong lúc trước đó, các vụ bê bối về “dâng sao giải hạn” và “đại lễ cầu
an” tại chùa Phúc Khánh của nhà sư Thanh Quyết mau chóng rơi vào quên lãng.
Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở
Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Kinh doanh thần thánh là ngành nghề
được ưu đãi và an toàn nhất Việt Nam vì được miễn tiền sử dụng đất, không đóng
thuế thu nhập, không bị thanh tra, kiểm tra thuế, không bị kiểm toán nhà nước
kiểm toán, không bị xử lý sự nếu sử dụng tiền (cúng dường) sai mục đích. Ngoài
ra, những người có chức sắc không bị xử lý hình sự nếu lấy tiền công đức làm của
tư. Mặc dù về pháp lý, hoàn toàn có thể xử lý được nhưng vì lý do nội bộ tôn
giáo nên những hành vi phạm pháp này không bị chính quyền xử lý.” (T.K.)
-----------------------------
Người
Việt Online
March 24, 2019
QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Chùa Ba Vàng đột ngột ngừng “gọi vong,
cúng oan gia trái chủ” sau mấy ngày dậy sóng dư luận vì bị báo chí trong nước
xúm vào kể tội và bị nhà cầm quyền mở cuộc điều tra.
Người thưa thớt trước
cổng chùa Ba Vàng sau mấy ngày dậy sóng dư luận. (Hình: Kiến Thức)
Nhiều báo tại Việt Nam
cho hay từ ngày 23 Tháng Ba, chùa Ba Vàng thuộc thành phố Uông Bí tỉnh Quảng
Ninh thông báo với các phật tử về việc tạm thời dừng các hoạt động “gọi vong” để
cúng “oan gia trái chủ.”
Vì những lùm sùm dậy sóng
dự luận hồi tuần qua, lượng người đổ về chùa Ba Vàng trong ngày Thứ Bảy 23
Tháng Ba, 2019 được ghi nhận là giảm hẳn, không còn cảnh chen chúc, đầy nghẹt
người tới ghi danh để được “gọi vong.”
Đồng thời, bà Phạm Thị Yến,
người nổi tiếng trong các clip video “giảng pháp vong báo oán, oan gia trái chủ”
để “thu tiền giải nghiệp” từ hàng triệu tới hàng chục triệu đồng, đã không còn
thấy xuất hiện tại chùa Ba Vàng, theo tờ Thanh Niên. Trước phản ánh của báo
chí, công an Uông Bí, “đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ và chưa triệu
tập bà Yến.”
Bà Phạm Thị Yến (chủ nhiệm
câu lạc bộ Cúc Vàng chùa Ba Vàng) bị một số báo lôi đời tư của bà ra kể. Trước
khi trở thành “người nhà chùa,” bà vốn là một thợ may ở Hải Phòng, gia đình lục
đục vì chuyện mê tin dị đoan dẫn đến ly dị, bỏ con cho chồng nuôi. Bà cũng bị một
số báo thuật lại lời hai người chị của bà kể chuyện chính bà Yến cũng không
giúp mẹ bà thoát chết dù đã đến chùa Ba Vàng chữa bệnh bằng “trục vong.”
Nhiều báo dẫn văn bản của
nhà cầm quyền thành phố Uông Bí buộc trụ trì chùa Ba Vàng “chấm dứt hoạt động
không có trong danh mục hoạt động tôn giáo” vì “Việc tuyên truyền giảng pháp của
phật tử Yến gây bất bình trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự
trên địa bàn.”
Việc “thỉnh vong, cúng
oan gia trái chủ” không thấy liệt kê trong danh mục các hoạt động của chùa Ba
Vàng gửi cho nhà cầm quyền cũng như tới cơ quan có nhiệm vụ theo dõi hoạt động
tôn giáo là “Ban Tôn Giáo Chính Phủ,” theo tờ Lao Động. Thêm nữa, cơ quan này
nói các hiện tượng “trục vong,” gọi hồn” không có trong truyền thống Phật giáo,
nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật tín ngưỡng,
tôn giáo.”
https://i0.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/03/VN-Pham-Thi-Yen-thuyet-giang-ChuaBaVang-032419.jpg?w=660&ssl=1
Bà Phạm Thị Yến
thuyết giảng tại chùa Ba Vang. (Hình: chùa Ba Vàng)
Mấy ngày qua, báo chí
trong nước cũng dẫn lời viên chức cấp cao của Giáo hội Phật giáo được nhà cầm
quyền công nhận, thường bị gọi là “Phật giáo quốc doanh” lên tiếng phủ nhận những
nghi thức “trục vong” và đền tội cho cái “ác nghiệp” trong tiền kiếp bằng những
số tiền nhiều khi nạn nhân không đủ khả năng chi trả, là không có trong giáo lý
Phật giáo.
Đại đức Thích Trúc Thái
Minh tên thật là Vũ Minh Hiếu, năm nay 52 tuổi, quê ở xã Lâm Thao huyện Lương
Tài tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Đại Học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), ở lại trường
làm giảng viên một thời gian rồi “chuyển công tác về Viện Nghiên cứu chế tạo
máy của Bộ Công Thương, được bầu làm bí thư Đoàn. “
Giữa năm 1998, ông đến
Trúc Lâm Thiền Viện tại Đà Lạt làm lễ phát bồ đề tâm và đến tập sự xuất gia tại
chùa Diên Phúc (Hà Tây cũ). Sau hai tháng thực tập, giữa năm 1999, ông trở lại
Thiền Viện Trúc lâm Đà Lạt xin xuất gia, lấy pháp danh là Thích Trúc Thái Minh.
Năm 2001, sư Thái Minh
quay ra Bắc, cùng góp sức xây dựng thiền viện Trúc lâm Yên Tử. Ông được Ban
Lãnh Ðạo Thiền Viện cử làm tri khách tăng. Năm 2007, ông làm trụ trì chùa Ba
Vàng cho đến nay.
Khi ông mới về làm trụ
trì, chùa Ba Vàng chỉ là một chùa rất nhỏ. Nhưng ông có công “vận động” Phật tử
“đóng góp” để xây dựng được một ngôi chùa khi khánh thành năm 2014 được mô tả
là có chánh điện lớn nhất Đông Nam Á, lớn hơn hẳn những nước có truyền thống Phật
giáo gần như quốc giáo như Thái Lan, Myanmar, Lào, Cambodia.
Đại đức Thích Trúc Thái
Minh từng xác nhận trong một bài giảng pháp về “trục vong,” giải oán, những tội
lỗi trong tiền kiếp có hậu quả trong đời sống hiện tại cần phải được “giải nghiệp.”
Hoạt động “trục vong” có vể giống như hoạt động “gọi hồn” “lên đồng” qua một
người khác “nhập” để kể lể.
Tờ Trí Thức Trẻ dẫn lời đại
đức Thái Minh nói trong một buổi giảng pháp tuần qua rằng Chùa Ba Vàng là chùa
lớn nên “bị ganh ghét, đố kỵ.”
Một số báo cũng kể lại những
quy định tu tập khác thường tại chùa Ba Vàng khiến nhiều tu sĩ phải bỏ đi. Ông
Thái Minh cũng từng bị cấp trên của ông là ông hòa thượng Thích Thanh Quyết và
nhà cầm quyền tỉnh “xử lý” sai phạm nhiều lần nhưng rồi “đâu lại vào đấy.”
Theo tờ Đất Việt “Sau khi
có nhiều thông tin phản ánh về “thỉnh vong, oan gia trái chủ,” chùa Ba Vàng dừng
hoạt đông này nhưng vẫn nhận đăng ký của các Phật tử. Điều này dẫn đến nghi vấn
là rất có thể, hoạt động này rất có thể được rút vào “bí mật” vì “cá nhân nào
có nhu cầu thực hiện “thỉnh vong, oan gia trái chủ” để chữa bệnh thì vẫn được
cư sĩ phát cho tờ phiếu đăng ký, rồi nhà chùa sẽ chủ động liên lạc thông báo lại.”
Vụ việc tại chùa Ba Vàng
đến đây chắc vẫn chưa hết chuyện. (T.N)
No comments:
Post a Comment