Monday, March 11, 2019

BẢN TIN NGÀY 11/3/2019 (báo Tiếng Dân)



11/03/2019

Tin Biển Đông

Chính quyền Việt Nam nói đang làm rõ vụ tàu cá bị chìm trong vùng biển Hoàng Sa, VOA đưa tin. Vụ tàu cá Quảng Ngãi QNg 90819 cùng năm ngư dân bị đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 6/3, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẳng định, thủ phạm là tàu Trung Quốc số hiệu 44101. Phía Trung Quốc phủ nhận và cho rằng họ đã cử tàu đến cứu các ngư dân Việt. Các cơ quan chức năng Việt Nam thì vẫn đang “tiếp tục xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ việc”.

Nhà nghiên cứu Song Phan viết về vụ TQ đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa, như sau: Vụ việc xảy ra tại khu vực Đá Lồi – quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 198 hải lý, cách bờ biển VN khoảng 167 hải lý.

Hầu hết đá Lồi chìm dưới 3,7m nước biển và chỉ có vài hòn đá nổi lên. Tàu thuyền có thể theo các lạch nước ở mặt bắc và nam để vào vụ̀ng biển (phá) ở giữa. Như vậy có khả năng đá Lồi được phép có lãnh hải 12 nm. Nếu 2 bên VN và Tàu thoả thuận phân giới theo trung tuyến theo luật lệ quốc tế ở khu vực này thì đá Lồi nằm trong phần EEZ của VN“. Xem bản đồ: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H1-41.jpg

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Thách thức khi Trung Quốc và Philippines cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông. Bài viết lưu ý: “Trong cơ chế tham vấn Trung Quốc-Philippines về vấn đề Biển Đông do nhà lãnh đạo của hai nước khởi xướng, có cả nội dung triển khai nghiên cứu thảo luận về hợp tác thiết thực trên biển”, một biểu hiện của sự dàn xếp, thỏa hiệp tạm thời giữa Philippines và Trung Quốc.

RFA đặt câu hỏi: Sự khốn nạn của lịch sử hay lịch sử của sự khốn nạn? Vụ Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un lần đầu tiên thăm Việt Nam hồi đầu tháng này và được đón tiếp rất nồng hậu, nhưng hai bên không có tuyên bố chung, thậm chí là không có thông cáo chung, bài viết nhận định: “Làm sao mà Kim Jong-un lại có thể ủng hộ ông Trọng trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa được? Ngay đến cả ông nội ông là Kim Nhật Thành có sống lại chắc cũng chẳng dám”.

Vụ nhà nghiên cứu Biển Đông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng vì những bài viết về chủ quyền lãnh hải Việt Nam, nhà báo Mặc Lâm viết: Có một trí thức như thế trong đất nước này. Bài viết trích câu nói của ông Sơn, trả lời nhà báo New York Time: “Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là những người nô lệ của Bắc Kinh, đó là lý do tại sao chúng tôi có rất nhiều tài liệu vẫn còn nằm trong bóng tối”.


Cựu thiếu tá QĐND Việt Nam bị dẫn độ về VN

Lê Quang Hiếu Hùng, cựu thiếu tá QĐND Việt Nam và là nhân viên quốc phòng, thuộc Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, đã có quyết định truy nã của chính quyền CSVN ngày 22/10/2018, tội “sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ Luật hình sự”.

Ông Hùng đã trốn khỏi Việt Nam, sang Mỹ. Ngày 8/2, ông Hùng tìm cách qua Grenada, nơi ông có quốc tịch, nhưng trên đường đi thì ông bị bắt ở Panama. Hải quan ở đây đã đưa ông Hùng sang Cuba và giam ở đó, cho tới hôm 10/3 thì ông bị dẫn độ về Việt Nam.

Báo Người Việt có bài: Bộ Quốc Phòng CSVN dẫn độ một cựu Thiếu tá từ Cuba. Bài viết dẫn lời ông Hùng cầu cứu hôm 6/3/2019 trước khi bị dẫn độ về VN: “Người ta nói Interpol Việt Nam đăng tin là tôi pha chế xăng dầu giả. Tôi từng là một quân nhân …. Tôi không có sai phạm như cáo buộc. Đây là một việc chính trị. Tôi đã xin tị nạn chính trị tại Mỹ… Đã có tình báo của Việt Nam tại Mỹ tìm tôi tại Mỹ và hăm dọa tôi”.

Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tống đạt các quyết định truy tố đối với bị can Lê Quang Hiếu Hùng. Ảnh: VTV


Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa bị khởi tố và bị bắt

Cơ quan CSĐT, Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, báo Thanh Tra đưa tin. Ông Trần Đức Hải bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cuối năm 2018, ông Vũ Mạnh Hùng, Trưởng phòng KH-ĐT của Cục ĐTNĐ và ông Phạm Văn Thông, cựu GĐ Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa cũng bị bắt với tội danh tương tự.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Sai phạm nào khiến Phó Cục trưởng cục Đường thủy nội địa Việt Nam bị bắt? Bài báo cho biết: Ông Hải bị bắt do liên quan đến vụ “lập quỹ đen tại cục Đường thủy nội địa Việt Nam”. Theo đó, các công ty trúng các gói thầu do cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư còn phải “trích nộp một phần tiền trở lại cho chủ đầu tư với tỷ lệ nhất định trên giá trị trúng thầu khoảng từ 5% đến 20%”để được quyền thi công.

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Ông Trần Đức Hải chỉ đạo ai nhận tiền lập quỹ đen ở Cục Đường thuỷ nội địa? Theo đó, ông Phạm Văn Thông, cựu GĐ Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa, khai rằng, ông được ông Hải chỉ đạo để “nhận tiền của 15 nhà thầu vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016”.


Sai phạm đất đai

Diễn biến “đúng quy trình” sau 4 tháng thanh tra kết luận cấp 26 lô đất sai: Vẫn chưa ai bị xử lý, báo Lao Động đưa tin. Kết luận điều tra sai phạm vụ cấp 26 lô đất tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đã có từ cuối tháng 10/2018, “UBND huyện đã giao cho xã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan… người chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai sót là ông Trần Công Tính – Chủ tịch UBND xã thời điểm đó và ông Lê Ngọc Tân thời điểm đó là cán bộ địa chính”.

Tuy nhiên, ông Tính đã về hưu, ông Tân thì nộp đơn xin nghỉ việc trước Tết Nguyên Đán và đã được chấp thuận. Cho nên, “đến thời điểm này chưa có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm theo đề nghị của cơ quan thanh tra”.

Trang Thương Hiệu và Công Luận đặt câu hỏi về sai phạm ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa: Nguyên chủ tịch phường xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp: Lãnh đạo địa phương không hay biết? UBND thị xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích hơn 3700 m2 của ông Hoàng Thanh Xuân, cựu Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo, với mục đích trồng rừng sản xuất, thời hạn đến năm 2046, nhưng ông này đã xây dựng trái phép nhiều công trình, còn lãnh đạo địa phương “làm ngơ” sai phạm.


Con trai ông Nguyễn Thiện Nhân lên chức
Website Chính phủ đưa tin: Bộ Thông tin & Truyền thông bổ nhiệm nhân sự mới. Bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng bổ nhiệm ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, thuộc Bộ 4T. Dù Nguyễn Thiện Nghĩa là con trai ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành ủy TPHCM, nhưng không thấy báo chí nói tới chi tiết này. Hay là ông Nhân đã từ con?


Nước mắm Masan
Vụ nước mắm truyền thống Việt Nam có nguy cơ bị bức tử bởi Tập đoàn Masan, trang Pháp Luật VN có bài: Nguy cơ nước mắm truyền thống ‘chết’ vì dự thảo tiêu chuẩn chất lượng. Theo đó, Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm “đã đưa ra nhiều quy định về tiêu chuẩn chất lượng gây tác động đến các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm”. Theo nhiều chuyên gia, dự thảo này có thể đẩy nước mắm truyền thống xuống bờ vực và “bảo vệ nước mắm pha chế, công nghiệp”.

VOV đặt câu hỏi vụ họp báo về nước mắm: Vì sao lặp lại một sai lầm? Buổi họp báo do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng – TĐC (Bộ KH&CN) tổ chức để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260, PGS Nguyễn Tử Cương bình luận: “Người ta đã lợi dụng tiêu chuẩn Việt Nam trước kia để chen vào định nghĩa nước mắm cốt pha đấu cũng vẫn được gọi là nước mắm”.


Công an “nhân dân”?

Báo Công Lý đặt câu hỏi về vụ đánh người nhập viện vì chậm đóng tiền bát họ: Có liên quan đến cán bộ Công an?Ông Mai Văn Cường ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vào ngày 29/1/2019 có vay 10 triệu đồng của Công ty Thảo Lâm “dưới hình thức bốc bát họ”. Đến ngày 2/3, do chưa thu xếp đủ tiền nên ông Cường đưa trước 4 triệu và hứa sang tuần sau sẽ trả số còn lại, thì bị hành hung trước sự chứng kiến của nhiều người.

Ông Cường cho biết, Chủ công ty Thảo Lâm và cấp dưới dám làm vậy “vì họ có quan hệ với một cán bộ Công an huyện Nga Sơn. Trước đây, công ty này đã nhiều lần ngang nhiên đánh người, thậm chí cắt gân chân người khác cũng vì liên quan đến việc làm ăn, nhưng mọi việc sau đó đều chìm đi”.

Vụ Công ty “bốc bát họ” Thảo Lâm đánh người: Trưởng Công an huyện lên tiếng, báo Dân Việt đưa tin. Thượng tá Đỗ Hoàng Hải, Trưởng Công an huyện Nga Sơn, phủ nhận các cáo buộc: “Hoàn toàn không có chuyện đó. Tôi khẳng định không có chuyện đó. Tôi đâu có phải là người ở đây mà bảo tôi là bà con, họ hàng gì với nhóm đối tượng này”.

Bài viết lưu ý: Theo đơn kêu cứu của ông Mai Văn Cường, thời điểm ông bị đánh “rồi bắt đi có ông Mai Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Nga Sơn cùng nhiều cán bộ huyện ngồi cạnh đó nhưng hầu hết chỉ đứng nhìn”.

Báo Tiền Phong dẫn lời LS Đào Thị Lan Anh bàn về vụ công an bị tố ‘quỵt’ 5,6 tỉ: Khiển trách, luân chuyển công tác là quá nhẹ. Đó là vụ trung tá Đặng Thành Sơn, cựu Trưởng công an phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội quỵt nợ 5,6 tỉ đồng của bà Lê Ánh Ngân. Ông Sơn sau khi bị kỷ luật khiển trách đã “được luân chuyển về Đội phó Đội Hỗ trợ tư pháp – Công an quận Ba Đình”.

LS Anh phân tích: Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng xác nhận ông Sơn có vay tiền mà không trả, ông này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự vì tội chiếm đoạt tài sản của người khác.


Đã “nghèo còn mắc cái eo”

Các cơ quan chức năng huyện Minh Hòa, tỉnh Quảng Bình đang thanh tra việc nghi cung cấp bò mang dịch cho người nghèo, VTC đưa tin. Ngày 10/3/2019, lãnh đạo Phòng NN&PTNT của huyện xác nhận, “trong quá trình cấp bò giống cho người dân, sau 2-3 ngày, đàn bò bắt đầu phát bệnh. Do địa bàn nhiều năm trước cũng không ít lần bùng phát dịch bệnh nên cũng chưa rõ liệu dịch bệnh do phía công ty cấp giống hay do tự phát dịch”.

Người dân địa phương cho biết, Công ty Tân Thành đã cung cấp số bò này cho người dân 2 xã Xuân Hóa và Yên Hóa. “Dự án này do UBND huyện Minh Hóa cấp vốn và giao UBND xã Xuân Hóa làm chủ đầu tư. Tại xã Xuân Hóa, Công ty Tân Thành cung cấp 130 con bò, trong đó tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 7 triệu đồng mỗi con”.


Người dân vs BOT

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói vụ bắt giữ Hà Văn Nam của chính quyền Hà Nội có động cơ chính trị, RFA đưa tin. Tổ chức này đã ra thông cáo báo chí, yêu cầu lãnh đạo Việt Nam “phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà bảo vệ nhân quyền Hà Văn Nam, người bị bắt và cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ vì những hoạt động ôn hòa”. Không chỉ ông Nam, từ đầu năm đến nay, nhiều tài xế phản đối các BOT “móc túi” dân đã bị sách nhiễu, hành hung, thậm chí bị bắt giam và khởi tố.

VietNamNet bàn về vụ người dân tự lập nhóm giám sát trạm BOT: Người dân đang thực hiện quyền hiến định. Theo bài viết, chuyện người dân tự kiểm đếm xe qua BOT Ninh Lộc “là cần thiết vì nó thể hiện quyền giám sát của người dân. Thiếu sự giám sát và phản biện thực chất của người dân sẽ không thể ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm trong các dự án BOT, BT và trong nhiều dự án đầu tư khác nữa”.

Báo Dân Trí có bài: Dân đếm xe qua trạm thu phí, được chứ tại sao không? Bài viết có đoạn: “Việc xuất hiện nhóm người dân đến khu vực trạm thu phí BOT Ninh Lộc cần nhìn nhận như là một dấu hiệu tích cực cho thấy, người dân đã nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình đến những vấn đề liên quan đến lợi ích của mình. Cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện, thậm chí hỗ trợ, giúp người dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát“.

Báo Dân Việt dẫn lời người dân tự đếm xe ở BOT Ninh Lộc “không tin Tổng cục Đường bộ”. Ông Nguyễn Minh Hùng, đại diện nhóm đếm xe, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện quyền giám sát của mình tại sao lại nói chúng tôi làm trái quy định. Công ty anh làm dịch vụ, chúng tôi là người sử dụng dịch vụ, khi ngờ có dấu hiệu chưa minh bạch thì chúng tôi phải thực hiện quyền giám sát của mình”.

Ông Hùng lưu ý: “Khi Tổng cục Đường bộ vào thanh tra, chúng tôi muốn kết hợp cùng. Nhưng chỉ làm cùng thời gian thôi để cho trùng khớp, còn số liệu chúng tôi sẽ tự kiểm đếm… Vì sao người dân muốn làm độc lập, đơn giản vì chúng tôi cũng không tin Tổng cục Đường bộ”.


Giáo dục VN: Bế tắc

Chuyện ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi: Hàng nghìn giáo viên bị thu phí khi nhận quyết định nâng lương, báo Công Lý đưa tin. Lãnh đạo huyện cho biết, đã “chỉ đạo kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan đến vụ thu tiền 10.000 đồng/1 quyết định nâng lương đối với các giáo viên diễn ra trong suốt 12 năm sai quy định”.

Trước đó, Huyện ủy Bình Sơn đã điều tra vụ cán bộ của Phòng GD&ĐT huyện “thu 10.000 đồng cho mỗi quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, phụ cấp vượt khung, nâng mức phần trăm thâm niên”. Chỉ trong năm 2018, đã có hơn 2.400 giáo viên bị Phòng GD&ĐT huyện “móc túi”.

Cô giáo Phạm Thị Vũ Hạ ở Trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã La Gi, Bình Thuận, là người bị các báo “lề đảng” nêu tên nhiều ngày qua vì nghi vấn vào khách sạn với nam sinh lớp 10, vừa lên tiếng phủ nhận toàn bộ sự việc. VOV đưa tin: Cô giáo bị tố “quan hệ” với nam sinh cho rằng bị chồng dàn dựng.

Theo bài viết, cô Hạ đã liên lạc với VOV, khẳng định rằng “mình bị tố cáo oan, mất hết danh dự cá nhân và ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường”. Cô Hạ cho biết: “Áo ngực và bao cao su do chồng em quăng xuống để quay phim, chứ không hề có quan hệ gì trong đó. Giữa cô và trò hoàn toàn trong sáng”.

Bị vợ tố dàn dựng, chồng cô giáo ở Bình Thuận phản pháo: “Đã cung cấp clip và chứng cứ khác cho cơ quan chức năng”, trang Phụ Nữ Sức Khỏe đưa tin. Sau khi cô Hạ khẳng định vụ cô vào nhà nghỉ với nam sinh đều do người chồng dàn dựng, chồng cô Hạ nói: “Clip và chứng cứ khác nữa tôi cung cấp cho cơ quan chức năng cùng với nhà trường xác minh làm rõ. Thời gian tới cơ quan chức năng sẽ trả lời về sự việc”.

Vụ “thầy” Dương Trọng Minh ở Bắc Giang xâm hại hơn 10 nữ sinh tiểu học, rồi một “thầy giáo” ở Thái Bình nhắn tin quấy rối nữ sinh lớp 10 và nhiều vụ giáo viên xâm hại học sinh liên tiếp diễn ra, Zing có bài: Xử lý quấy rối tình dục ở Việt Nam quá nhẹ so với thế giới. LS Bùi Quang Nghiêm nhận định: “Thực tiễn áp dụng luật thành văn đã tạo nên nhiều bất cập, cứng nhắc, nhiều trường hợp không xử lý được dù rõ ràng ai cũng thấy sai”.



***









No comments: