Do mong muốn Một Singapore hiện đại, thoát khỏi những nhếch nhác ở những khu phố người Hoa, người Ấn, ông Lý Quang Diệu đã bất chấp những lời than vãn của người dân, ông cho giải tỏa trắng để xây dựng những khu phố thương mại cao tầng, hậu quả là kinh tế và du lịch của Singapore giảm sút nghiêm trọng, may mà ông kịp nhận ra và cho chấn chỉnh cho tới ngày hôm nay. Đà Lạt hôm nay cũng thế. Nhưng Đà Lạt muốn phát triển mà không có tiền, phát triển bằng cách đổi đất lấy hạ tầng. Một chủ trương sai, sinh ra lợi ích nhóm, những công trình vô bổ không phục vụ cho cộng đồng, đã thấy rõ ở nhiều tỉnh thành, hậu quả nhãn tiền là đang xử lý cán bộ ở Đà Nằng và thành phố Hồ Chí Minh. Danh sách sẽ còn dài ở các tỉnh khác.
Thủ tướng của Singapore – ông Lý Quang Diệu (Lee
Kwan Yew) – từng ao ước đất nước mình bằng một phần của Sài Gòn. Singapore của
ông Lý Quang Diệu trong nững năm đầu sau khi dành được độc lập (năm 1963) gấp
rút tiến hành những kế hoạch phát triển đô thị chóng mặt mà không chú trọng vào
vấn đề bảo tồn.
Một đất nước đi lên từ con số không, Singapore phải
đối mặt với việc giải quyết nhà ở cho người dân (lúc đó dân số là 1.8 triệu người,
diện tích 700km2). Chính phủ không có thời gian cho cái gọi là “mỹ quan đô thị.”
Kiến trúc thuộc địa Anh (British Colonialism), phong cách Art Déco vào đầu thế
kỷ 20, kiến trúc dân gian Mã Lai/Trung Hoa là những yếu tố chính trong phong
cách kiến trúc của Singapore. Những công trình kiến trúc cổ điển này không đủ sức
thuyết phục để chính phủ mới Singapore quan tâm, khi họ đang phải đối mặt với
những thách thức trong việc phát triển một đô thị hiện đại. “Tại sao chúng ta
không dẹp quách những toà nhà đó, khi chúng đơn giản chỉ là những thứ xưa cũ do
người nước ngoài xây lên chứ không phải của chúng ta?”
Chính sách “đập và xây” được thực hiện suốt từ những
năm 60 đến 70 tại Singapore, những mảng tường di tích liên tục đổ xuống để nhường
chỗ cho những hạ tầng cơ sở mới được dựng lên. Quy hoạch kiến trúc mới của
Singapore được thực hiện theo 3 hướng chính: nhà ở, công nghiệp, và thương mại.
Singapore có thể lấy lý do cần đất phát triển để phá bỏ những công trình xưa.
Năm 1983, Singapore chứng kiến mức sụt giảm đáng ngờ
vì lượng du khách tới thăm là 3.5% so với năm trước. Đây là lần sụt giảm đầu
tiên của nước này từ năm 1965. Với một nước có nguồn thu lớn dựa vào du lịch
như Singapore, việc lượng du khách giảm là một chuyện đáng báo động. Sự sụt giảm
đó kéo theo 2 mũi nhọn kinh tế khác là thương mại và đầu tư. Chính phủ đã thành
lập Ban Đặc Trách Du Lịch (Tourism Task Force) để nghiên cứu vấn đề, và họ đã
tìm ra được nguyên nhân: vào đầu thập niên 80, Singapore đã có kế hoạch xây dựng
khu metro hiện đại ngay giữa lòng trung tâm (giống Sài Gòn bây giờ) và đã dẹp bỏ
một phần khu vực kiến trúc đậm nét Á Đông ở khu Chinatown. Việc này làm giảm đi
rõ rệt sự thu hút của Singapore với khách du lịch. Tại sao người ta phải đến
Singapore để gặp một khu metropolis hiện đại, khi mà họ còn có thứ hiện đại hơn
ở Chicago, New York, Sidney, hay Munich?
Họ phát hiện ra nguyên do đó là chính sách “đập cũ
xây mới”.
Năm 1986, chính phủ Singapore ban hành chính sách về
Bảo Tồn (Conservation Master Plan) với những đánh giá công nhận các khu vực lịch
sử của Singapore, bao gồm cả khu kiến trúc Á Đông đến khu kiến trúc Anh thuộc địa.
Đã là công trình cần bảo tồn thì không phân biệt ai xây dựng, miễn là chúng có
vai trò trong lịch sử phát triển chung.
Năm 1987, Hội Đồng Tái Phát Triển Đô Thị (Urban
Redevelopment Authority) bắt đầu triển khai việc trùng tu và bảo tồn những công
trình trong các khu vực lịch sử, tạo sự tin tưởng từ phía người dân về phía
chính phủ trong việc giữ gìn những giá trị riêng của Singapore.
Năm 1989, Luật Quy Hoạch cập nhật và khẳng định việc
bảo tồn là một nội dung chính của những phương hướng quy hoạch đô thị. Luật Quy
Hoạch hiện tại của Singapore được thông qua vào năm 1998 với mục đích quy định
rõ việc sử dụng đất và quyền của Bộ Phát Triển Quốc Gia (Ministry of National
Development) trong việc chỉ định các khu vực cần bảo tồn.
Việc chỉ định di sản quốc gia được dựa vào 4 yếu tố:
– Giá trị thẩm mỹ,
– Giá trị lịch sử,
– Giá trị xã hội và
– Giá trị khoa học kỹ thuật.
– Giá trị lịch sử,
– Giá trị xã hội và
– Giá trị khoa học kỹ thuật.
Singapore thực hiện nghiêm ngặt việc bảo tồn công
trình kiến trúc lịch sử. Ngưng ngay việc dỡ bỏ bừa bãi kiến trúc cũ để xây các
công trình mới, đồng thời cứu vãn những di tích cũ, Singapore đã cứu chính
mình. Lượng du khách đến Singapore không chỉ được phục hồi mà còn tăng mạnh.
Ngoài khu Chinatown, Singapore còn bảo vệ được những khu phố nổi tiếng như đường
Koon Seng với hàng loạt townhouse cùng chung phong cách Đông Dương thuộc địa
(khá giống kiểu nhà người Hoa ở khu Chợ Lớn), những khu dinh thự và nhà riêng
như Kampong Glam và Tiong Bahru, và hàng loạt địa danh khác, khiến doanh thu dựa
vào du lịch của Singapore tăng một cách ổn định.
BÀI HỌC KINH NGHIỆM NÀO CHO ĐÀ LẠT
Chúng ta không thể biện minh là vì thiếu đất nên những
công trình cổ phải nhường chỗ cho những toà nhà mới, phải di dời di tích thành
phố Đà Lạt nhường chỗ cho công trình khách sạn cao tầng? Đà Lạt thiếu khách sạn
nghiêm trọng so? Lãnh thổ Singapore nhỏ hơn Sài Gòn 3 lần, và nó lại không có
điều kiện nới rộng phạm vi quy hoạch như Đà Lạt, nếu muốn giảm nhiệt thì hoàn
toàn có thể lan ra các khu vực lân cận, cụ thể là khu vực phía Bắc và tây bắc lỗi
trung tâm thành phố Đà Lạt.
– “Các công trình cũ sẽ không còn giá trị kinh tế”
là một lập luận hết sức hồ đồ.
Chủ trương “đập cũ xây mới” của Singapore cũng từng
dựa vào lập luận này, và như bạn thấy là một sai lầm nghiêm trọng. Mặt khác, việc
đưa chính những công trình cổ đó tích cực vào sử dụng đã mang lại hiệu quả kinh
tế khó chối cãi cho Singapore.
– “Những công trình thời thuộc địa thực dân đế quốc
không có giá trị lịch sử với ta và do đó không cần được bảo tồn” cũng là một lý
lẽ khá ấu trĩ.
Chúng ta cần tỉnh táo tách giá trị lịch sử, xã hội,
và thẩm mỹ kiến trúc ra khỏi quan hệ chính trị thực dân – thuộc địa của hai nước.
Toà nhà Istana Kmapong Glam của Singapore mang đậm phong cách kiến trúc Anh thuộc
hiện nay là Viện Di Sản Mã Lai (Malay Heritage Center), cho dù nó được xây bởi
người Anh. Nó cũng từng khá xuống cấp trước khi được trùng tu.
Đà Lạt là thành phố du lịch quốc tế, nhưng có bao giờ
người Đà Lạt chúng ta tự hỏi tại sao du khách đến Đà Lạt không?
Họ đến vì muốn ngắm nhà cao tầng? Họ có thể sang
Hong Kong, Singapore, Mã Lai ngắm những cao ốc hoàng tráng hơn của chúng ta rất
nhiều. Không ai lên Đà Lạt để ngắm cao ốc. Đà Lạt cần những công trình hiện đại
trong lõi trung tâm, không hề, họ đến vì những đồi thông, vì những đường chân
trời, vì những giá trị của con người rất Đà Lạt.
Họ đến vì mua sắm và các hoạt động dịch vụ? Không hề
có, họ đến Đà Lạt vì sương khói, vì mây chiều lãng đãng trôi. Chúng ta đã khá nổi
tiếng trên những forum hay blog du lịch nước ngoài là nơi ưa chặt chém khách
ngoại quốc, và những sản phẩm chúng ta bán thì có thể được tìm thấy ở những nước
lân cận với giá thấp hơn nhiều.
Khách nước ngoài đến Đà Lạt là vì phong cách kiến
trúc và khí hậu đã định hình văn hoá ở đây, mà hai yếu tố này lại luôn tồn tại
song song với nhau. Nếu không có phong cách kiến trúc và khí hậu đậm chất “Đà Lạt”,
có lẽ người Đà Lạt đã không có định hình văn hoá đặc trưng như hiện nay, và như
vậy thì đã không là điểm đến của dân du lịch. Việc ngày càng có nhiều công
trình lịch sử thuộc hàng di sản bị xâm hại đã làm chết dần bản sắc của Đà Lạt.
Chúng ta không thể vì lý do phát triển đô thị mà
chính tay ta giết chết những giá trị văn hoá của mình. Chúng ta không thể biến
bản thân Đà Lạt thành một Singapore của những năm 60-70, hoàn toàn mất phương
hướng, hoàn toàn bão hoà, hoàn toàn bị động dưới những tác động của kinh tế thị
trường mà điển hình là kin tế bất động sản. Chúng ta không thể biến Đà Lạt
thành một thành phố thông minh một sớm một chiều bằng những cao ốc vô hồn phá vỡ
cảnh quan mà tất cả các nhiệm kỳ lãnh đạo trước từ sau 1975 ở Lâm Đồng dám làm,
làm vội vã như vậy.
“Vấp phải sai lầm của bản thân là sự thiếu may mắn.
Vấp phải sai lầm của người khác là sự ngu dốt”. Chúng ta cần tỉnh táo thực hiện
việc bảo tồn song song với phát triển, trước khi quá muộn. Bảo tồn như thế nào
phải dựa trên giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị thẩm mỹ rồi mới tính tới chuyện
kinh tế.
(Bài nghiên cứu của kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp về
xây dựng tiêu chí bảo tồn ở thành phố Đà Lạt)
No comments:
Post a Comment