Wednesday, December 5, 2018

TRUMP TRỤC XUẤT NGƯỜI GỐC VIỆT (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Tuesday, 04/12/2018

Giáo sư Eric Tang và nhà văn Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt) vừa viết bài Nạn Nhân Chiến Tranh Trở Thành Nạn Nhân của Chính Phủ Trump (Victims of War, and Now Victims of the Trump Administration) đăng trên tờ The New York Times ngày thứ Hai, mùng 3 tháng Chạp, 2018.

Ông Tang là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á tại viện đại học Texas, Austin; ông Nguyễn là một nhà văn gốc Việt viết tiếng Anh, và rất nổi tiếng với tác phẩm “The Sympathizer”; ngoài việc dạy học, viết tiểu thuyết, ông Nguyễn còn viết quan điểm trên báo Mỹ.

Tác phẩm 'The Sympathiser' đã đoạt giải Pulitzer Prize for Fiction năm 2016, và rất nhiều giải thưởng của những nhóm văn học Mỹ.

Giáo sư Eric Tang

Và nhà văn Nguyễn Thanh Việt

Hai giáo sư gốc Á này nêu lên câu hỏi “What is an appropriate punishment for a crime?” (Mức trừng phạt đúng cho một tội phạm là gì?) câu hỏi mà hàng ngàn tội phạm người Việt tị nạn đang tự hỏi trong lúc bị giam giữ chờ ngày trục xuất.

Bài báo trình bày là trên 40 năm nay -từ ngày người Mỹ tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam-nhiều triệu người Việt cũng rời bỏ quê hương, nhảy xuống Biển Đông tìm đường thoát thân, và tìm cuộc sống tự do chứ không chấp nhận gông cùm cộng sản.

Tháng Hai 1975, tổng thống Mỹ Gerald Ford ra lệnh cho đại tướng Frederic Weyand sang Việt Nam nghiên cứu tình hình, tìm cách cứu vãn Nam Việt vào giờ thứ 23 của cuộc chiến thê lương, một mình Nam Việt chịu đựng sức tấn công của toàn bộ lực lượng cộng sản thế giới.

Weyand là vị tư lệnh cuối cùng của quân lực Mỹ tại Việt Nam; ông khuyến cáo tổng thống Ford giúp đỡ những người Việt yêu chuộng tự do, mà ông dự đoán thế nào cũng tìm đường vượt biển tị nạn cộng sản.

Do đó mà Hạm Đội Mỹ và hàng trăm tầu buôn của Nam Hàn được Mỹ thuê, đã dàn sẵn trên bờ biển Nam Việt để cứu thuyền nhân tìm tự do, tị nạn cộng sản; và cũng do đó người Việt tị nạn được đối xử đặc biệt bằng một chương trình định cư chu đáo, và một quy chế nhập tịch giản dị hơn, dễ dàng hơn mọi người tị nạn khác.

Nhà trí thức trẻ gốc Việt - văn sĩ Nguyễn Thanh Việt - viết, "đãi ngộ đặc biệt đó khẳng định sức nặng của lịch sử; và lịch sử là, sở dĩ người Việt phải bỏ quê hương để đến sống trên đất Mỹ là do cuộc chiến tồi tệ người Mỹ đánh trên quê hương họ -nước Việt Nam Cộng Hòa mà người Mỹ gọi là Nam Việt.

Đãi ngộ đặc biệt vừa kể xác nhận là Hoa Kỳ có trách nhiệm với những người mất quê hương trong nỗ lực bành trướng của cộng sản -nỗ lực mà quân đội Mỹ đã can thiệp hầu ngăn chặn, và đã thất bại.

Thái độ thân hữu của Hoa Kỳ đối với những người đồng minh cũ trong chiến tranh Việt Nam bắt đầu thay đổi từ việc ông Trump dự tính trục xuất 8,000 thường trú nhân gốc Việt; những người này có phạm pháp và cũng đã bị xét xử, trừng phạt như mọi người Mỹ khác.

Việc làm bội bạc của ông ta đối với người tị nạn Việt Nam bị mọi người phản đối, ngay cả vị Đại Sứ Mỹ -ông Ted Osius- được Trump ủy nhiệm trọng trách thuyết phục chính phủ Việt Cộng nhận lại những người Việt bị trục xuất cũng tuyên bố từ chức.

Việc đó xảy ra tám tháng trước -vào ngày thứ Sáu 13 tháng Tư, 2018; Đại Sứ Osius tuyên bố, “Tôi nói lên thái độ phản đối của tôi, mặc dù tôi đã được chỉ thị phải tuyệt đối im lặng. Tôi quyết định không bước qua lằn ranh đạo đức đó để không làm mất sự chính trực của chính tôi."

Tôi quyết định không bước qua lằn ranh đạo đức đó để không làm mất sự chính trực của chính tôi.

Đã từng phục vụ ngành ngoại giao Hoa Kỳ suốt 30 năm, cựu Đại Sứ Osius nói, đa số những người bị Trump trục xuất đều vượt thoát vào năm 1975.

Trong tờ tạp chí Foreign Service Journal của Bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Osius viết, “Đa số những người bị trục xuất đều chỉ phạm những tội nho nhỏ, và họ là những người tị nạn chiến tranh, những người đã đồng minh với Hoa Kỳ. Họ yêu thương mầu cờ của một quốc gia không còn nữa. Giờ này bắt họ “trở về” với chế độ cộng sản mà chưa bao giờ họ chấp nhận. Tôi sợ nhiều người sẽ bị hành hạ, sẽ trở thành những trường hợp vi phạm nhân quyền điển hình mà chính phủ Mỹ không thể không có trách nhiệm."

Nhân danh một người Việt tị nạn, tôi tri ân ông Đại Sứ Osius về nhận xét tế nhị của ông, và về thái độ từ chức vô cùng can đảm của ông. Ông nói đúng, chúng tôi đang trung thành với mầu cờ của một đất nước không còn nữa.

Và tôi yêu thương nước Mỹ vì đã có những viên chức dám quyết định không bước qua lằn ranh đạo đức để bảo vệ sự chính trực của chính mình.

Tôi còn phải cảm ơn nhà văn nữ Michiko Kakutani, người Nhật, khi bà lên tiếng bênh vực người tị nạn Việt Nam bị giam giữ và trục xuất chỉ vì những tội nhỏ. Bà kể chuyện gia đình bà, mẹ bà đã bị nhốt trong trại tập trung người Mỹ gốc Nhật năm 1942.

Nhà văn nữ Michiko Kakutani

Kakutani trích dẫn một thỏa ước Mỹ ký với Việt Cộng năm 2008, để chứng minh là ông Trump không có quyền trục xuất những người Việt tị nạn đến Mỹ trước ngày 12 tháng Bảy, 1995; ngày Mỹ-Việt Cộng tái lập bang giao.

Dĩ nhiên chúng ta không có khả năng gì thay đổi được Tổng Thống Mỹ Donald Trump, bất lực như ông cựu Đại Sứ Ted Osius, như bà nữ sĩ Michiko Kakutani; nhưng chúng ta vẫn có bổn phận nói lên cảm xúc của con người - đồng bào với những người mà Đại Sứ Osius mô tả là bị cưỡng bách “trở về” với chế độ cộng sản mà chưa bao giờ họ chấp nhận.'

Làm cách nào nói lên cảm xúc đó?

-----------------------------








No comments: