Monday, December 3, 2018

TRUMP - TẬP HƯU CHIẾN THƯƠNG MẠI : AI THIÊN BIẾN VẠN HÓA? (Tú Anh - RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 03-12-2018

Bạo động tại Paris.Toàn nước Pháp bị « choc », chờ giải pháp. Macron vướng lưới « áo vàng ». Giải pháp nào đưa nước Pháp ra khỏi nguy cơ « tổng nội dậy » ? Mỹ- Trung hưu chiến thương mại. Putin tuyên bố « tiếp tục chiến tranh » với Ukraina.Thượng đỉnh khí hậu COP24, nhiệt độ vẫn tăng. Đó là những chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay bên cạnh những bài từ giả, khen ngợi nhiều hơn là chỉ trích, cựu tổng thống Mỹ George H. Bush vừa qua đời, thọ 94 tuổi.

Ảnh minh họa : Cảnh chụp tại bộ Giao Thông Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh của bộ trưởng giao thông Mỹ. Ảnh 27/04/2018. REUTERS/Jason Lee/File Photo

Báo chí Pháp bất kể khuyên hướng đều bày tỏ âu lo trên trang nhất sau ngày thứ bảy bạo động đốt phá tại Paris, phong tỏa giao thông ở các tỉnh do một phong trào xã hội đa dạng.

« 35.000 yêu sách »
Libération dành 7 trang mô tả : biểu tình bạo loạn chưa từng thấy tại Paris kể từ năm 1968. Tổng cộng 246 đám cháy, 112 xe bị đốt, 133 người bị thương trong đó có 23 nhân viên công lực : những màn bạo lực kinh hoàng xảy ra tại thủ đô cho thấy những khó khăn bảo vệ an ninh trước một phong trào phản kháng vô định hình.

Le Figaro khuyến cáo « nguy cơ xã hội Pháp bùng nổ ». Lo âu nhưng Les Echos « cực lực lên án hành vi bạo lực, đập phá. Nhật báo kinh tế kêu gọi tất cả công dân « đứng hết về một phía : phía bảo vệ chế độ cộng hoà trước những đòi hỏi « phi lý » của phe « áo vàng », từ chống thuế xăng dầu giờ có thêm « trưng cầu dân ý », ngưng chính sách tái cấu trúc hệ thống đường sắt, giới hạn sĩ số học sinh không quá 25 mỗi lớp, thành lập « nghị viện công dân »… », khỏang 35.000 đề nghị thấy trên Facebook, không một ngân sách nào có thể chịu đựng nổi.

Làm cách nào để thóat khỏi khủng hoảng ? La Croix và Le Figaro cùng đặt câu hỏi và cùng trả lời : nhượng bộ và đối thoại. Vấn đề là phe « áo vàng » bắt đầu phân vân, chia rẽ : tiếp tục tranh đấu để bị các tổ chức tả và hữu tối cực đoan lợi dụng hay chấp nhận đối thoại với chính phủ. Hành pháp cũng bối rối không kém, bị « tê liệt » theo nhận định của Libération.

« Quốc dân đại hội »
Các đảng đối lập có dân biểu trong quốc hội cũng không biết chọn phương án nào, sau những tuyên bố như đổ dầu vào lửa, nay muốn đóng vai lính cứu hỏa : đảng cực tả « Nước Pháp Bất Khuất » muốn trình nghị quyết trừng phạt chính phủ, còn « Tập Hợp Quốc Gia » của bà Marine Le Pen, tên mới của phe cực hữu thì đòi giải tán quốc hội để bầu lại. Trái lại, đảng xã Hội tìm cách cứu tổng thống Macron, đề nghị tổ chức tranh luận tại nghị trường và « phối hợp với các đối tác xã hội, công đoàn, hiệp hội công dân, đại diện ngành nghề, tôn giáo nhằm triệu tập « hội nghị bàn tròn » trên toàn quốc xem xét cải thiện mãi lực của người dân

*
Hưu chiến thương mại : Trump bị lừa hay ở thế chủ động ?
Viện lý do an ninh quốc gia, Washington cấm trang thiết bị truyền thông điện tử của tập đoàn điện thoại Hoa Vi của Trung Quốc vào hệ thống 5G của Mỹ. Theo Le Monde, chính quyền Trump còn quyết tâm thuyết phục lôi kéo các nước Tây Phương khác, ngoài nhóm 5 nước truyền thống (Mỹ, Anh, Canada,Úc, New Zealand) là Đức và Pháp cùng tham gia vào cuộc phân tranh thương mại với Trung Quốc. Paris dường như không chấp nhận cấm Hoa Vi, nhưng theo Le Monde, điều chắc chắn là chính quyền Pháp cũng không để tập đoàn điện thọai Trung Quốc, với công nghệ gián điệp cài đặt, muốn làm gì thì làm trên lãnh thổ nước Pháp.

Cũng liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Les Echos và Le Figaro cùng đưa tin: « Tại thượng đỉnh G20, Trump và Tập thỏa thuận hưu chiến » 90 ngày, nhưng với hai nhận định khác nhau.

Theo nhật báo kinh tế, thỏa thuận « hưu chiến » này tạm thời gây tin tưởng cho giới đầu tư quốc tế, nhưng cũng tạo ra nhiều phản ứng dè dặt tại Hoa Kỳ. Trên báo Wall Street, chuyên gia Mỹ Peter Morici (đại học Maryland), cho rằng tổng thống Donald Trump bị Tập Cận Bình đánh lừa : chủ tịch Trung Quốc chỉ hứa « chung chung », « không có gì là cụ thể ».

Trái lại, Le Figaro, những gì mà tổng thống Mỹ đòi Trung Quốc cam kết thi hành từ « tôn trọng tác quyền và ngưng gián điệp mạng » cũng là những ưu tư của Liên Hiệp Châu Âu tuy phương thức thương lượng có khác nhau.

*
Donald Trump : sát thủ lợi hại ?
Phương thức của tổng thống Donald Trump như thế nào ? Hiệu quả đến đâu ?

Được Le Fiagaro đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp François Godement phân tích : Mặt trận của Mỹ rất rộng. Tất cả những yêu sách kinh tế này tổng hợp lại chẳng khác nào đòi Trung Quốc thay đổi chế độ chính trị.

Đây là lần đầu tiên từ năm 1972 (Nixon đi Trung Quốc), một trang sử mới đang mở ra trong quan hệ song phương Mỹ-Trung. Trung Quốc muốn Mỹ công nhận là đối tác chiến lược ngang hàng nhưng Washington từ chối.

Điểm đặc biệt của Donald Trump là ông ấy đưa vào phương trình thông số « bất trắc » và báo trước « tôi là một kẻ khó lường ». Sự kiện này là điều mới mẻ đối với ban lãnh đạo Trung Quốc. Donald Trump đoạt thế thượng phong của Trung Quốc, vốn tự hào con cháu Tôn Tử, với binh pháp « thiên biến vạn hóa » trong chính sách đối ngoại.

Đối với ban lãnh đạo Bắc Kinh, đây là lần đầu tiên họ đương đầu với một đối thủ lợi hại có cùng chiến thuật như họ. Trung Quốc nỗ lực « đầu tư » ảnh hưởng tại Washington nhưng họ nhận thấy guồng máy chính trị thượng tầng không mảy may liên hệ gì với Trump. Chủ nhân Nhà Trắng liên tiếp có những tuyên bố trái ngược nhau, lúc thì nói sắp đạt thỏa thuận, sau đó bảo là có bất đồng, cần gây thêm sức ép….

Tại G20, Mỹ- Trung tuyên bố hưu chiến nhưng Donald Trump đã làm cho Trung Quốc rơi vào mê hồn trận, không biết lối ra, định nhờ cậy vào các đối tác khác nhất là Liên Hiệp Châu Âu, nhưng chuyện không tránh khỏi là Tập Cận Bình phải nhượng bộ Donald Trump, ít ra là về hình thức.

Khác với tổng thống tiền nhiệm Barack Obama , Donald Trump tạo được một sự « nhất quán giữa từ chính trị cho đến kinh tế và quân sự » tức là từ ban tham mưu ở Nhà Trắng, trưởng đoàn thương thuyết thương mại và Lầu Năm Góc có cùng mục tiêu.

Washington rồi sẽ chấp nhận Bắc Kinh là đối tác cạnh tranh chiến lược, nhưng với điều kiện Trung Quốc phải từ bỏ quy chế ưu đãi của « một nước đang phát triển ». Đòi hỏi này, cộng với những yêu sách ghi trong bản thông cáo chung Trump-Tập công bố tối thứ Bảy, thì chẳng khác nào đòi Trung Quốc đổi chế độ kinh kế, tức là đổi chế độ chính trị.

Theo giám đốc European Council on Foreign Relations, trong một thời gian dài, do áp lực hành lang của giới xuất nhập cảng Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cứ phóng đại là Mỹ lệ thuộc vào Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc cần Mỹ nhiều hơn.

Tranh giành địa chính trị không phải chỉ tùy thuộc vào thương mại. Mỹ mất Biển Đông cũng vì thái độ do dự của Obama vào thời điểm tình thế không thể đảo ngược. Nói là chiến tranh thương mại, nhưng chiến lược của Hoa Kỳ là đập nát nguồn đầu tư vào Trung Quốc: giai đoạn một đã bắt đầu với phong trào rút vốn đầu tư vào Trung Quốc, chuyển sang nước khác. Cụ thể là Apple đã mở nhà máy ở Ấn độ, Brasil và những nước khác.

Trung Quốc đã nhìn thấy ở Donald Trump là một tay « sát thủ lợi hại » vì tổ chức được một « ê-kíp » nhận thức Trung Quốc là kẻ thù. Donald Trump là nhà lãnh đạo thấy rõ những nhược điểm của Trung Quốc, theo kết luận của François Godement, một chuyên gia có tiếng khá thân với Trung Quốc.

Trang ý kiến của Les Echos, dành một bài phân tích về chính sách của Nga đối với Ukraina. Theo tác giả, cuộc xung đột ở biển Azov nằm trong chiến lược lâu dài của Kremlin : Vladimir Putin muốn khẳng định thế mạnh của Nga từ Bắc Cực cho đến Địa Trung Hải. Đó là lý do tại sau Tây phương cần phải đáp trả cứng rắn.

*
Từ COP21 Paris đến COP24 Katowice
Ba năm sau hiệp định chống biến đổi khí hậu ký kết tại Paris, hội nghị COP24 khai mạc tại thành phố Katowice, chiếc nôi than đá ở miền nam Ba Lan. Thông qua những biện pháp chống CO2 là chuyện khó khăn khi mà lượng khí hâm nóng khí quyển tiếp tục tăng cao, tựa của Les Echos.

Trong nỗi bất hạnh này, do sự nhu nhược của các nhà nước, Libération vẫn nhìn ra ánh sáng hy vọng : đối diện với sự chậm chạp của các nước, khắp thế giới, chính quyền cấp địa phương liên kết với nhau, cân bằng thái độ thụ động của chính phủ hay cùng ấn định những mục tiêu chung đầy cao vọng. Tổ chức phi chính phủ Climat Chance kiểm kê được tại Hoa Kỳ có « 22 bang, 550 thành phố và 900 xí nghiệp » tham gia vào chiến dịch chống biển đổi khí hậu.

Cũng liên quan đến Mỹ, Le Monde thương tiếc vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ George H. Bush, từ trần vào cuối tuần vừa qua, thọ 94 tuổi : Vị tổng thống Cộng Hoà này là hiện thân của nước Mỹ bao dung với thế giới. Le Figaro tiếc nuối một « người lính chiến » mà chiến tích không được đền ơn tương xứng : vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ, người chỉ huy liên quân quốc tế chiến thắng Irak của Saddam Hussein nhưng sau đó bị thất cử.






No comments: