Monday, December 3, 2018

TRIỂN LÃM & HỘI THẢO về TRƯƠNG VĨNH KÝ Ở NAM CALIFORNIA (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
04/12/2018

Một cuộc triển lãm kết hợp hội thảo về ông Trương Vĩnh Ký với mục đích ‘nói lại cho rõ’ những vấn đề gây tranh cãi về cuộc đời và sự nghiệp của người được cho là giúp phổ biến chữ Quốc ngữ của Việt Nam sẽ được tổ chức vào thứ Bảy, 8/12 tại tòa soạn nhật báo Người Việt, California, Hoa Kỳ.

Pétrus J. B. Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

Pétrus J. B. Trương Vĩnh Ký (1837-1898), là một học giả lớn về ngôn ngữ của Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Ông được xem là người có công phổ biến chữ Quốc ngữ thành chữ viết chính thức của người Việt Nam ngày nay. Ngoài ra, ông còn được xem là ông tổ của báo chí và văn chương chữ Quốc ngữ.

Tuy nhiên, ông cũng là nhân vật gây tranh cãi vì vai trò phục vụ tích cực cho chính quyền đô hộ của người Pháp. Lâu nay, chính quyền Việt Nam (hiện nay) vẫn xem ông thuộc thành phần ‘Việt gian’ và tước bỏ mọi hình thức tôn vinh đối với ông.

Gần đây nhất, tác phẩm ‘Nỗi Oan Thế Kỷ’ nhằm ‘giải oan’ cho ông của một học giả lão thành trong nước là ông Nguyễn Đình Đầu đã bị chính quyền trong nước thu hồi không cho phát hành hồi đầu năm 2017.

‘Đừng nhìn bằng nhãn quan chính trị’
Trao đổi với VOA Việt ngữ, nhà giáo Nguyễn Trung Quân, thành viên ban tổ chức triển lãm và hội thảo, nói rằng ông ‘không đồng ý phê phán nhân vật lịch sử bằng nhãn quan chính trị và nhãn quan tôn giáo’ (Trương Vĩnh Ký là tín đồ Công giáo từ nhỏ đã theo học với các cố đạo người Pháp).

“Phải để những nhà lịch sử chân chính phân tích định công hay xét tội,” ông Quân nói và so sánh trường hợp ông Trương Vĩnh Ký với các nhân vật khác trong lịch sử Việt Nam bị chính quyền vào thời các ông đối xử không công bằng như Nguyễn Trãi với nỗi oan Lệ Chi Viên và Nguyễn Huệ bị Nguyễn Ánh trả thù.

Ông Quân nói cuộc hội thảo và triển lãm lần này ‘không tham vọng tìm cách bênh vực Trương Vĩnh Ký’ mà là ‘đưa ra cái nhìn khách quan nhất về sự việc’ để ‘xét lại’ những điều mà ông cho là ‘không công bằng đối với Trương Vĩnh Ký’.

“Mục đích là để cho những người quan tâm đến Pétrus Ký, nhất là các nhà giáo và học trò của Trung học Pétrus Ký trong 90 năm (sau năm 1975 được đổi tên thành trường Lê Hồng Phong) có cơ hội nhìn lại vị danh nhân mà trường mình được mang tên,” ông nói và cho biết người Việt trẻ ở hải ngoại ‘ít người biết về Trương Vĩnh Ký’.

Cuộc triển lãm và hội thảo đầu tiên về Pétrus Ký ở miền Nam California này, theo lời ông Quân, sẽ trưng bày những công trình của ông Trương Vĩnh Ký về chữ viết, văn hóa, báo chí cũng như bàn luận về những vấn đề gây tranh cãi về cuộc đời, sự nghiệp và sự cộng tác với thực dân Pháp của ông.

Tư liệu được trưng bày, cũng theo ông Quân, là tư liệu được gìn giữ của gia đình ông Trương Vĩnh Ký và của các học giả Việt Nam, trong đó có tài liệu từ kho lưu trữ của các thư viện Pháp, nổi bật là những ấn bản đầu tiên các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký.

Đặc biệt, ở hội thảo lần này, ông Quân cho biết là sẽ có ‘một bài thuyết trình quan trọng’ của một nhà nghiên cứu trẻ là luật sư Phan Đào Nguyên để giải một 'nỗi oan lớn' của ông Trương Vĩnh Ký là ‘bán nước cho Pháp’. Luật sư Nguyên, theo lời ông Quân, đã cất công đi tìm ở các thư viện Pháp bản gốc của một lá thư được cho là của ông Pétrus Ký trong đó ông kêu gọi người Pháp đánh chiếm Việt Nam để cứu giáo dân Thiên chúa giáo.

“Ông Nguyên chứng minh rằng đó không phải là lá thư do Pétrus Ký viết mà của một người khác ký tên là Pétrus Key,” ông Quân cho biết.

‘Thẩm thấu hai nền văn hóa’
Nhà báo Phạm Phú Minh, một thành viên khác của Ban tổ chức, nhấn mạnh vào công lao lớn nhất của ông Trương Vĩnh Ký đối với người Việt là ‘phổ biến chữ Quốc ngữ’.

Theo nhận định của ông Minh thì vào thời điểm đó nếu không phải ông Trương Vĩnh Ký thì cũng ‘không có ai khác’ làm được sứ mạng lịch sử này vì ông là ‘thiên tài về ngôn ngữ’ và là người Việt hiếm hoi nếu không nói là duy nhất vào thời đó ‘nắm vững hai nền văn hóa’ Đông và Tây.

“Cụ Pétrus Ký đã hấp thu nền văn hóa chính của dân tộc Việt Nam là Nho, Phật, Lão, rồi ông theo học ở trường đạo nên hấp thụ được nền văn hóa Tây phương,” ông Minh lý giải.

Mặc dù đến thời ông Trương Vĩnh Ký thì chữ Quốc ngữ vốn được các nhà truyền đạo Thiên chúa giáo sang Việt Nam tạo ra đã tồn tại được vài trăm năm nhưng chỉ được sử dụng trong phạm vi của các họ đạo, và ông Trương Vĩnh Ký ‘là người đầu tiên nhìn thấy sự lợi hại của chữ Quốc ngữ đối với dân tộc Việt Nam’ nên ông cố gắng truyền bá chữ Quốc ngữ càng rộng rãi càng tốt, ông Minh nói thêm.

Từ đó, ông Pétrus Ký đã dồn hết tâm huyết của mình để chuyển thể những tác phẩm kinh điển của Nho giáo bằng chữ Hán, những tác phẩm của dân tộc bằng chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ để phổ biến rộng rãi hơn. Ông cũng là chủ biên người Việt đầu tiên của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên là tờ ‘Gia Định báo’ và ông cũng là người viết văn xuôi bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên.

Nhờ vào chữ Quốc ngữ mà sự phát triển của giáo dục và nâng cao dân trí cho người dân Việt Nam đã trở nên dễ dàng hơn nhiều, ông Minh nhận định.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng trong thời đại ngày nay, người Việt vẫn phải học chữ Hán và chữ Nôm để ‘tìm hiểu đời trước của ông bà mình đã suy nghĩ, viết lách như thế nào’.

Ông cũng cho rằng một dân tộc đã có sẵn chữ viết của mình từ lâu trong quá khứ, như người Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Ấn Độ v.v... thì không cần phải đi tìm một thứ chữ viết mới mặc dù các nhà truyền giáo Tây phương cũng dùng chữ Latin để ghi lại ngôn ngữ của những dân tộc này. Một khi thay đổi như thế thì dân tộc ấy đã tự mình cắt đứt với quá khứ trí tuệ của dân tộc mình từ bao đời trước .

Trường hợp Việt Nam thì vì đã dùng chữ Hán như thứ chữ viết chính thức hàng ngàn năm, chữ Nôm chỉ là một thứ chế tác từ chữ Hán chỉ một số ít người có thể học được một cách rất khó khăn, nên việc chọn chữ quốc ngữ với mẫu tự la-tinh làm ngôn ngữ viết là một chọn lựa khôn ngoan, dù vẫn bị tình trạng “cắt đứt với quá khứ” của chính mình.

Do đó, để bắc một cây cầu tới quá khứ, một bộ phận người Việt Nam trong hiện tại và tương lai vẫn phải học chữ Hán và Nôm để dịch thuật, tìm hiểu, nghiên cứu những gì đã được ông cha mình viết ra trong quá khứ.

------------------------









No comments: