Wednesday, December 19, 2018

THẾ NÀO LÀ GIẢI PHÓNG : SAU 1975 ĐH VẠN HẠNH ĐƯỢC TIẾP QUẢN NHƯ THẾ NÀO? (Nguyễn Lương Hải Khôi)





Thư viện ĐH Vạn Hạnh có hàng vạn cuốn phim quay lại bản gốc các cuốn sách cổ của các nền văn minh trong lịch sử. Nhà nghiên cứu muốn đọc văn bản gốc thì mượn phim rồi đọc trên màn hình ti vi của thư viện. Không dễ để được các trường đại học, thư viện, bảo tàng trên thế giới cho phép thu thập một lượng tư liệu quý với số lượng lớn đến thế.

Những cuốn phim đó được lưu trữ trong các thùng bằng nhựa tốt, rất dày.

Sau 1975, chiến sỹ ta thực hiện chủ trương vô sản hoá trí thức, tích cực tăng gia sản xuất trong trường đại học, bèn dồn tất cả phim vào một số ít thùng nhựa, số thùng còn lại thì đổ nước vào... nuôi cá. Những thùng nuôi cá vẫn đặt cạnh thùng chứa phim trong thư viện nên chỉ sau vài tháng, tất cả các cuộn phim đều bị mốc, đành phải vứt bỏ.

Hơn mười năm trước, tôi bắt đầu làm việc tại trường đại học đã tiếp quản ĐH Vạn Hạnh, xin được giấy phép vào đọc kho sách ngoại văn trước 1975, tức số sách ngoại văn của thư viện ĐH Vạn Hạnh còn sót lại. Ở hai mảng sách tiếng Anh và tiếng Nhật, thuộc cách lĩnh vực triết học, văn hoá, văn học, lịch sử... ĐH Vạn Hạnh đương thời đã cập nhật những dòng tư tưởng nóng hổi nhất đương thời (những năm 50-70). Đó chỉ là nhóm sách tôi vào xem, các nhóm sách thuộc ngôn ngữ khác và lĩnh vực khác thì không biết nhưng đoán là độ cập nhật cũng tương tự như vậy.

Tất nhiên, số sách đó trong thư viện không còn nhiều. Ở mấy tiệm sách cũ đường Nguyễn Thị Minh Khai hay Trần Huy Liệu, cho đến hơn 10 năm trước, sách ngoại văn dán nhãn của thư viện ĐH Vạn Hạnh bán từng chồng với giá khá đắt.

Nhưng miền Bắc không chỉ giải phóng miền Nam khỏi những văn bản cổ của văn minh nhân loại hay những trước tác nóng hổi nhất trên thế giới nửa thế kỉ trước, miền Bắc chúng ta đã giải phóng họ khỏi một nền đại học được xây dựng trên ý niệm tự do.

Trong số sách Thư viện Vạn Hạnh còn sót lại, có một loại sách đặc biệt, do trường xuất bản, in những bài phát biểu của các diễn giả được mời đến nói chuyện và tranh luận với giảng viên, sinh viên của trường. Đọc những cuốn sách đó, bạn sẽ nhận ra ĐH Vạn Hạnh đương thời giống như một diễn đàn khổng lồ của xã hội dân sự, nơi tất cả các xu hướng tư tưởng khác nhau đều được cất lên tiếng nói của mình, từ chống cộng sản đến chống Hoa Kỳ, ủng hộ miền Bắc đến ủng hộ Việt Nam Cộng hoà... Tất cả đều có một không gian bình đẳng để giải thích vì sao họ suy nghĩ và hành động như vậy.

Lúc đó tôi đã tự hỏi, giữa Sài Gòn thời đó thì có những tiếng nói chống lại hệ thống cộng sản là đương nhiên, nhưng tại sao chế độ Việt Nam Cộng hoà lại để cho ĐH Vạn Hạnh (và đương nhiên không chỉ Vạn Hạnh) trở thành nơi những người chống lại mình có thể phát biểu tư tưởng?

Câu trả lời nằm ở Hiến pháp 1967 của họ: Đại học là tự trị.

Hôm tôi vào xem di sản ĐH Vạn Hạnh còn sót lại trong thư viện trường mình, số sách đó đã bị phủ bụi 30 năm. Có những bộ sách như “Nhật Bản tư tưởng đại hệ” xuất bản ở Tokyo những năm 60 bị chất bẩn rơi vào giữa các trang sách làm chúng dính vào nhau. Hôm đó, lúc tôi ra khỏi thư viện, áo đen thui như bị dày vò dưới một cái đít nồi khổng lồ. Những trải nghiệm như thế làm cho mọi chàng “miền Bắc có lý luận” cảm thấy mình thuộc về “miền Nam”. Cái status này viết tặng cho những chàng như thế.





No comments: