Thursday, December 20, 2018

SỰ HÈN HẠ TUY "LẠ" MÀ QUEN (Mẹ Nấm)






“Vật thể lạ giống ngư lôi có chữ Trung Quốc” mắc vào lưới ngư dân huyện Tuy An , tỉnh Phú Yên là chủ đề được bàn tán nhiều trong ngày 20/12. Đã bao năm qua, nhắc đến những vấn đề trên biển, liên quan đến Trung Cộng, từ “lạ” được mặc nhiên sử dụng như một tính từ ngầm hiểu, để tránh sự nhạy cảm. Tôi lược tìm thông tin trên báo Quân Đội Nhân Dân và báo Nhân Dân, không thấy nhắc đến tin này. Thật nực cười khi các thông tin liên quan đến quân sự, an ninh quốc gia lại rất khó tìm thấy trên hai trang báo chuyên san của đảng Cộng sản.

Trước đó, ngày 22/5/2018, đã có 3 ngư dân tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi tử vong do một “vật thể lạ” vớt được phát nổ (*). Không có thêm thông tin về vụ việc thương tâm này sau khi báo chí đưa tin lực lượng Bộ đội biên phòng, công an, viện kiểm sát tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với địa phương tiến hành các thủ tục theo qui định của pháp luật và bàn giao thi thể các ngư dân cho gia đình chôn cất.

Vật thể lạ phát nổ là gì? Người dân phải tự ngầm hiểu đó là ngư lôi, đầu đạn hay mìn từ trên trời rơi xuống ngay trên ngư trường Hoàng Sa?

Đây là một vụ giết người, đã có 3 sinh mạng bị tước đoạt trong khi bám biển, và thời gian này tôi đang ở Trại giam số 5 Thanh Hoá.

Không thấy đài Truyền hình quốc gia đưa tin. Kênh An ninh quốc phòng thì bận với việc chống diễn biến hoà bình, cách mạng màu.

Tôi vẫn nhớ trong bản Kết luận Điều tra “Vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tuyên truyền chống Nhà nước CHXHVN Việt Nam” ký ngày 3/5/2017 do Đại tá Trương Vinh Quang Phó thủ trưởng Thường trực Cơ quan ANĐT tỉnh Khánh Hoà, tại trang 10 có viết: "Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lợi dụng các hiện tượng tiêu cực trong xã hội...  để viết bài đăng lên Facebook… xuyên tạc những động thái sách lược vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Nhà nước là biểu hiện ươn hèn, “bán nước”, tạo cho người đọc sự bất an, thiếu tin tưởng và tương lai đất nước và công cuộc xây dựng CNXH tại Việt Nam."

Các bằng chứng để kết tội tôi là những chia sẻ, cập nhật về tình hình xây dựng sân bay quân sự trên các đảo mà Trung Cộng hiện đang lấn chiếm của Việt Nam trong quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Họ in không sót một bài nào, kể cả danh sách người like và toàn bộ các comment của người đọc.

Việc Trung Cộng rải mìn khắp biển Đông chưa bao giờ là chuyện lạ bởi các trang quân sự và báo chí nước ngoài đều có thông tin và hình ảnh chụp vệ tinh. 

Né tránh gọi tên kẻ giết người, lẩn tránh vấn đề bằng tính từ “lạ” là hành động mà các lãnh đạo đảng CSVN đã chọn trong nhiều năm qua, và họ bắt giữ hết những người chỉ ra sự ươn hèn của họ với hy vọng chuyển “lạ” thành quen?

Ngư dân vẫn bám biển, vẫn nghĩ rằng đó là ngư trường từ bao đời nay của ông cha mình và rồi ra đi trong tức tưởi.

Biển mặn, máu và nước mắt của ngư dân mặn... và sự hèn hạ tuy lạ mà quen!



----------------------------------


Một ngư dân trong lúc đánh bắt hải sản đã phát hiện một quả ngư lôi của Trung Quốc ở vị trí chỉ cách bờ biển khoảng 4 hải lý tại vùng biển xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Ngư lôi Trung Cộng tại vùng biển xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Chia sẽ thông tin với báo chí, người dân cho hay: Quả ngư lôi có hình trụ, dài 6,8m, đường kính 54cm, phần đuôi có các chong chóng như chân vịt, trên thân quả ngư lôi có ghi một số số hiệu và chữ Trung Quốc (dịch ta tiếng Việt là “Kết nối” và “Ngắt máy”). Vũ khí quân sự này được ngư dân Trần Minh Thanh (40 tuổi) phát hiện dưới biển hôm 18 tháng 12.

Ngư dân này lai dắt quả ngư lôi vào khu vực gần bờ, trình báo cơ quan chức năng và cùng hỗ trợ đưa vào bờ sáng ngày 19.

Tờ Tiền Phong dẫn lời các chuyên gia chuyên nghiên cứu về ngư lôi và thủy lôi của Hải quân Việt Nam cho biết đây là ngư lôi tập bắn của Trung Quốc. Còn theo chuyên gia chuyên nghiên cứu về vũ khí của Quân đội đánh giá đây là loại ngư lôi có tính năng săn ngầm, phạm vi hoạt động 40-50km, có khả năng bị mất điều khiển hoặc hết nhiên liệu. (1)

Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ Quốc phòng CSVN xác nhận với phóng viên trang Tri Thức Trẻ rằng đây là ngư lôi tập luyện của nước ngoài. (2)

Lực lượng chức năng địa phương nhanh chóng bàn giao quả ngư lôi cho Vùng 4 Hải Quân và không giải thích gì thêm về việc vì sao thiết bị này lại trôi dạt vào gần bờ biển Phú Yên.

Vừa mới đây, hồi tháng 05 năm 2018, một thiết bị nằm dưới biển đã phát nổ khiến 3 ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tử vong khi đang hành nghề khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. (3)

Việc ngư lôi Trung Quốc hoạt động trái phép ở gần bờ biển đã làm dấy lên một sự lo lắng trong dư luận cho sự an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân khi đánh bắt trên ngư trường, cũng như đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của đông đảo các lực lượng chức năng chịu trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của quốc gia. 


*
Chú thích:




------------------------------

TUOITRE.VN

----------------------------
Hải quân VN nhận từ dân ngư lôi 'có chữ Hán' dạt vào biển Phú Yên
BBC Tiếng Việt
20 tháng 12 2018

Một số cây viết chuyên về quân sự ở Mỹ nói rằng vật thể mà ngư dân Việt Nam mới thu được ở Phú Yên có thể là loại Yu-6 của Hải quân Quân Giải phóng Trung Quốc.

Người dân Phú Yên mới đây đã bàn giao một quả ngư lôi 'khắc chữ Hán' cho nhà chức trách.
Cùng lúc, các trang mạng xã hội Việt Nam lo lắng về sự hiện diện của hải quân Trung Quốc đâu đó ngoài khơi Việt Nam, và ghi nhận tin về một vài vụ khác, khi "vật thể lạ' dạt vào bờ biển nước này.

'Hình trụ, đầu màu cam và có khắc chữ Trung Quốc'
Theo trang VOV, trưa 19/12, Đồn Biên phòng An Hải đã xác định tin "ngư dân địa phương đưa được vật thể lạ này vào bờ biển thôn Phước Đồng, xã An Hải an toàn".

"Theo đo đạc, vật thể này hình trụ, dài khoảng 6,8m; đường kính 54cm; phần đầu hơi nhọn, màu cam. Ở phần thân màu cam có một số chốt với nhiều ký hiệu khác nhau. Phía đuôi có hai cánh quạt đường kính 39cm, giống như chân vịt tàu thuyền. Một số chỗ trên thân có khắc chữ Trung Quốc," theo bài trên VOV.

Biên phòng và công an đã "bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, chờ bàn giao vật thể lạ này cho Hải quân Việt Nam", nguồn tin này cho biết.

Tin về 'vật thể lạ' hình ngư lôi dạt vào Phú Yên được một số nhà quan sát nước ngoài chú ý.
Hai cây bút về quân sự ở Hoa Kỳ, Joseph Trevithick và Tyler Rogoway viết trên trang The Drive cho rằng với kích cỡ, màu sắc, hình dạng như báo Việt Nam mô tả, vật thể kia "rất có nhiều khả năng là ngư lôi Yu-6" của Hải quân TQ (PLAN).
Ông Joseph Trevithick đã viết tin này trên Twitter.
Chỗ màu cam ở đầu ngư lôi là nơi gắn đầu đạn (warhead), nhưng đây có thể chỉ là loại huấn luyện.
Joseph Trevithick và Tyler Rogoway cũng nêu giả thuyết rằng, "một trong số 80 tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc có thể đã phóng ra ngư lôi này trong một cuộc diễn tập ở Biển Nam Trung Hoa".
Tuy nhiên, hiện chưa có xác nhận cụ thể gì từ phía nhà chức trách ở Việt Nam về nguồn gốc, thể loại của 'vật thể lạ' có gắn chân vịt.

Nhiều thế hệ ngư lôi
Các trang về công nghệ quốc phòng Phương Tây cho hay Yu-6 ( Ngư-6) là loại Trung Quốc sản xuất tương ứng với Mark-48 của Hoa Kỳ.
Đây là thế hệ mới nhất, được sản xuất ồ ạt, trang bị cho tàu ngầm, dùng để chống hạm và chống tàu ngầm đối phương.
Yu-6 dùng bộ vi mạch Intel để dẫn đường, cao cấp hơn Yu-4 vẫn dùng công nghệ Liên Xô cũ.
Trước nữa, Trung Quốc có Yu-3, thiết kế năm 1964 và phải đến 1984 mới thử xong để đem vào sử dụng, chuyên dùng cho tàu ngầm chống tàu ngầm (ASW combat) nhưng bị cho là kém ngư lôi Liên Xô và Mỹ.
Sau đó, Trung Quốc dùng mô hình SAET-50 của Liên Xô để chế ra Yu-4 nhưng không đủ chất lượng để cung cấp cho hải quân.
Họ phải cải tiến loại này thành Yu-4A để đem vào sử dụng.

Bước ngoặt xảy đến năm 1978, khi Trung Quốc bắt được một trái ngư lôi Mk46 Mod 1 của Hoa Kỳ ngoài Biển Đông.
Công nghệ Mỹ được Trung Quốc sao chép để chế ra Yu-5, Yu-6 dùng cho tàu ngầm và Yu-7 chuyên để thả từ phi cơ (air-launched torpedo).
Yu-5 có tầm hoạt động 30 km, còn Yu-6 tới 45 km.
Cả hai vẫn phải dùng vi mạch Hoa Kỳ và Nhật Bản cho phần điều khiển.

Trở lại vụ vật thể lạ như ngư lôi dạt vào Phú Yên, Joseph Trevithick và Tyler Rogoway viết rằng Hải quân VN sẽ "tháo ra từng mảnh để tìm hiểu xem công nghệ ngư lôi Trung Quốc có gì hay".







No comments: