Thursday, December 6, 2018

ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG NÊN "HỌC TẬP" ÔNG TẬP CẬN BÌNH VỀ KINH TẾ? (Hoa Nghi - VNTB)




Hoa Nghi  -   VNTB
6/12/2018

Bài viết này sẽ không đề cập đến ông Nguyễn Phú Trọng nếu như ông không giữ chức vụ Chủ tịch nước (người đứng đầu Nhà nước), và ông không tuyên bố: Về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế.

Nếu đặt câu nói này của ông Chủ tịch nước vào trong ngôn ngữ của học thuyết Cộng sản, mà người sừng sỏ và cách mạng nhất là V.Lenin, thì ông Nguyễn Phú Trọng xứng đáng là một học trò tồi nhất, quan liêu nhất và ấu trĩ nhất.

Vì sao?

Trong tác phẩm kinh điển của V.Lenin về “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác”, Lenin tuyên bố rõ ràng rằng: Nhận thức của con người phản ánh giới tự nhiên đang tồn tại độc lập đối với con người, nghĩa là phản ánh vật chất đang phát triển, thì sự nhận thức xã hội của con người (nghĩa là các quan điểm và học thuyết khác nhau về triết học, tôn giáo, chính trị,...) cũng thế, nó phản ánh chế độ kinh tế của xã hội. Các thiết chế chính trị đều là kiến trúc thượng tầng, xây dựng trên một cơ sở kinh tế.

Nếu chúng ta hiểu đúng quan điểm của V.Lenin, thì nhận thức chính trị lên phải gắn liền với chế độ kinh tế và ngược lại. Không có cái gọi là “suy thoái” một nửa, và cũng không có cái gọi là suy thoái nguy hiểm hơn, bởi sự phản ảnh giữa chế độ chính trị và chế độ kinh tế là tương tác nhau, là quan hệ hai chiều.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: "Suy thoái về chính trị còn nguy hiểm hơn kinh tế"

Mặc khác, V.Lenin cũng xác nhận rõ ràng rằng, chính trị phải xây dựng trên cơ sở kinh tế, không thể có cái gọi là vững mạnh chính trị trên cơ sở kinh tế bị suy thoái được.

Hiểu được vấn đề kinh tế mới ràng buộc sự thống trị về mặt chính trị được. Còn ngược lại, gia tốc cho chính trị mà bỏ rơi kinh tế, thì nó đưa đến mô hình xã hội siết cổ, một lò áp suất dễ dàng bùng nổ.

Khi ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra quan điểm này, hoặc là ông đánh giá quá cao cuộc chiến đốt lò của ông, hoặc ông tự tin vào mô hình Venezuela, một mô hình siết chặt chính trị nhưng bung bét kinh tế, tuy nhiên chế độ đó lại dựa trên nguyên tắc “còn sống hay là chết” để đàn áp người dân. Ông Trọng cũng quên rằng, bài học của Đổi mới 1986 chính là, siết chặt chính trị và giáo điều chính trị chỉ tạo ra khủng hoảng; cởi mở tư duy chính trị và mở rộng cơ sở cho phát triển kinh tế mới tạo khả năng “đang phát triển”.

Một Chủ tịch nước đưa ra tuyên bố rất giáo điều, trong khi người đồng chí của ông là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày đêm nghĩ về việc tăng trưởng, và làm sao Việt Nam có thể cất cánh bay lên.

Kinh tế là chủ đạo

Về phía quốc tế, Giám đốc World Bank Việt Nam trong một chia sẻ với giới truyền thông Việt Nam, về những động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Ông Ousmane Dione cho biết, cần phải chú ý tới thúc đẩy khối tư nhân và cải cách các thể chế lõi của nhà nước dưới công thức T.I.P: Công nghệ (Technologies), Thể chế (Institutions) và Con người (People).

Công nghệ cần sáng tạo, và sáng tạo đến từ nhiều điều kiện của bối cảnh, trong đó có cả một nền giáo dục cởi mở. Hiểu đúng là, con người hay công nghệ phải được ươm mầm trong khuôn thể chế, nơi mà “thị trường hoàn chỉnh” để phân bổ nguồn lực hữu hiệu cho nền kinh tế.

Cách mạng 4.0 là liều thuốc cho con bệnh chế độ, Đảng của ông Chủ tịch nước có cầm quyền dài hơi hay không thì phụ thuộc vào cách ông xây dựng nền kinh tế như thế nào. Bởi chế độ cầm quyền ra sao phản ánh nền kinh tế như thế nào, nhưng cầm quyền đến thời hạn nào, thì phải dựa vào nền tảng kinh tế phát triển ra sao. Nếu tư duy kiểu “suy thoái kinh tế” không quan trọng, thì vận mệnh của chế độ cầm quyền lúc này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, như một chỗ dựa chính thống.

Trung Quốc, nước tự cho là bá chủ có thể thay thế Mỹ trong những năm dưới thời Tổng thống Obama giờ đây đang khốn khổ bởi cuộc chiến thương mại đến từ Mỹ. Và khi phía Mỹ đưa ra yêu cầu buộc phải mua hàng Mỹ, cắt giảm thuế cho hàng Mỹ vào thị trường Trung Quốc để giảm nhiệt chiến tranh thương mại, Bắc Kinh lập tức đồng ý.

Vì sao?

Vì ông Tập Cận Bình khôn ngoan khi biết rằng, nếu chiến tranh thương mại kéo dài thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng. Khi kinh tế khủng hoảng, thì ngay cả sự ghi nhận Chủ tịch không nhiệm kỳ trong Hiến pháp cũng không cứu được ông ta. Hoặc bị “đồng chí” hạ xuống, hoặc khủng hoảng khiến người dân “chết đói” và nổi dậy.

Ông Nguyễn Phú Trọng liệu có nên "học tập" ông Tập Cận Bình về kinh tế?

---------------------------

XEM THÊM

Minh Quân  -  VNTB  
7/12/2018

Khi nền kinh tế Việt Nam kéo lê cái thân hình ‘thế nước đang lên’ gần hết năm 2018,Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thừa nhận có đến 97.838 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này tăng 6,7% so với 10 tháng năm 2018 (91.711 doanh nghiệp).

'Thế nước đang lên' và đến chuột cũng chết!

Cũng trong tháng 11 năm 2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.637 doanh nghiệp, tăng 6,5%. Luỹ kế 11 tháng năm 2018, cả nước có 121.248 doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,5%.

Vào tháng Mười năm 2018, những số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới trong quý III/2018 là 96.611, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại nhiều bất thường, với 24.501 doanh nghiệp, tăng 76%. Tính chung 9 tháng kể từ đầu năm, có 73.103 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 48,1%.

Tuy trong 11 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn cao hơn số doanh nghiệp ‘chết’, nhưng hiện tượng đáng lo lắng là tất cả 17 ngành, nghề kinh doanh chính đều đang đối mặt với tình trạng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động do những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa được giải quyết, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Trong đó, hạn chế về năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, năng suất lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và bằng 87,4% của Lào.

Nhưng có thực đó là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp phải ‘chết’?

Tình trạng tham nhũng trong hệ thống thủ tục ‘hành là chính’, thiếu đầu ra và quá dễ phá sản là những nguồn cơn khiến nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với các chương trình khuyến mãi cho vay vốn của ngân hàng, trong tình trạng ngân hàng đang thừa mứa tiền không tiêu thụ được - hệ lụy của nạn in tiền quá nhiều từ Nhà máy In tiền quốc gia của Ngân hàng nhà nước và hình ảnh cơ suy thoái kinh tế Việt Nam đã kéo sang năm thứ 10 kể từ năm 2008. Nhiều doanh nghiệp vẫn không thể quên được vào năm 2011 họ đã phải vay ngân hàng với lãi suất cắt cổ lên đến 25 - 30%/năm (chưa kể phí ‘bôi trơn’), để sau đó không ít doanh nghiệp đã coi đó là thuốc độc mà ngân hàng bắt họ phải uống.

Cũng vào tháng Mười năm 2018, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố vào đã phải thừa nhận rằng nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,9%, đạt 4.908 tỷ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, đạt 33.646 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% đạt 4.855 tỷ đồng).

Khi năm 2017 trôi qua, chính Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã phải đánh giá rằng thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với dự toán với mức khá lớn và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.

Mặc dù Uỷ ban Tài chính - Ngân sách không nêu cụ thể thực trạng ‘thấp hơn’ là bao nhiêu, nhưng một số chuyên gia đã ước tính tỷ lệ thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt khoảng 80 -85% so với dự toán – tức thấp hơn rất nhiều so với kết quả của những năm trước.

Mà khi thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh, lấy đâu ra ‘Kinh tế Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng 7,31% GDP’ - gấp gần 3 lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ và EU - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên rao đầy tự hào vào cuối năm 2017, hay ‘GDP vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng 6,7% trong năm 2018’ như báo cáo của chính phủ ông Phúc và được các bộ ngành, giới chuyên gia cận thần và báo đảng đồng ca đầy sống sượng lẫn trơ tráo?






No comments: