16/12/2018
Có một thực tế là trong nhóm các công dân bị cáo buộc
tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền
lợi ích hợp pháp của tổ chức…", "Lật đổ chính quyền nhân dân"
thì khi chấp hành án, luôn phải ở tù kiểu người đó đang ở miền Nam, thì phải chịu
tù tại miền Trung hoặc miền Bắc ; và ngược lại.
Tù nhân lương tâm ký giả Trương Minh Đức - Ảnh minh
họa
Nếu căn cứ theo Luật Thi hành án hình sự, do chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 17/06/2010, thì chuyện ‘tù Nam ra Bắc’
không chỉ có dấu hiệu của ‘ngược đãi tù nhân’, mà còn không phù hợp một số nội
dung của Luật Thi hành án hình sự.
Chuyển nhà tù như một hình thức trừng phạt. Có thể
nhận định như vậy bởi hệ thống trại giam, tức nhà tù do Bộ Công an trực tiếp quản
lý được trải đều trên toàn quốc. Tuy nhiên như đã nói ở trên, các tù nhân nằm
trong nhóm tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, tội lợi dụng các quyền tự do dân
chủ, thì luôn phải đến các trại tù cách xa gia đình từ vài trăm đến cả ngàn cây
số. Điều này được xem như một hình thức trừng phạt với cả phạm nhân cùng gia
đình của họ trong thăm nuôi hàng tháng.
Nhiều gia đình của tù nhân nói rằng việc chuyển tù
nhân từ miền Bắc vào miền Nam, và từ miền Nam ra miền Bắc đã khiến gia đình họ
vô cùng vất vả, và dễ lâm vào cảnh kiệt quệ nguồn tài chánh cho chuyện đi lại
thăm nuôi. Dĩ nhiên là luật cho phép thân nhân gửi đồ đạc, thực phẩm và cả tiền
bạc cho người tù qua đường bưu điện. Tuy nhiên việc trực tiếp thăm gặp sẽ là
nguồn động viên lớn của cả người trong chốn ngục tù, lẫn gia đình của họ đúng
như quy định ở Điều 4.8, Luật Thi hành án hình sự về bảo đảm sự tham gia của
gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án.
Bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức
[*], nghẹn ngào kể : "Trại giam Nam Hà không cho người thân của gia đình
làm thức ăn ở nhà mang vào, mà chỉ cho gởi tiền vào để mua đồ trong căn tin của
trại giam với giá cắt cổ... và người thân chúng tôi chỉ được mặc đồ ấm của trại
giam,.. chứ không được mặc những quần áo ấm của gia đình gởi vào, thì làm sao
giữ ấm bảo đảm được sức khỏe trong những ngày tháng lạnh khắc nghiệt của miền Bắc
này ? Nhìn cảnh người tù họ đi lao động với bộ đồ tù đi trong trời giá lạnh mưa
buốt thấu xương như vậy làm sao chịu nổi, dù tội tình gì họ cũng là con người…".
Ông Trương Minh Đức sinh năm 1960, là dân miệt Kiên
Giang và sống ở miền Nam khí hậu nắng ấm, nên khi phải chấp hành án ở nhà tù tại
miền Bắc, khí hậu mùa đông nơi đây khiến những người tù miền Nam như gánh thêm
sự đày ải tương tự như mức án khổ sai mà người ta thường thấy trên phim ảnh.
Câu hỏi đặt ra : vì sao lại đày đọa người tù đến như
vậy, trong khi nếu căn cứ theo luật định, hoàn toàn có thể thực thi việc chấp
hành án này ngay tại địa phương của người bị kết án ?
Luật Thi hành án hình sự, tại Điều 4 "Nguyên tắc
thi hành án hình sự" nói rằng việc thi hành án cần thỏa mãn cùng lúc các
yêu cầu là (1) đúng pháp luật ; (2) bảo đảm lợi ích của Nhà nước ; (3) quyền và
lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Khoản 3, Điều 4 còn nhấn mạnh : "Bảo đảm nhân đạo
xã hội chủ nghĩa ; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp
hành án". Như vậy, nếu ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc xuôi Nam’, thì trước tiên
đã cản trở thực thi nội dung của Điều 4.8 là "Bảo đảm sự tham gia của cơ
quan, tổ chức, cá nhân và gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành
án".
Nhà nước có lợi ích gì khi ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc
xuôi Nam’, nếu như đó không phải là một hình thức của trừng phạt ngoài luật định,
ngoài bản án đã tuyên ?
Luật Thi hành án hình sự, tại Điều 6 "Giám sát
việc thi hành án hình sự", ghi : "Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức trong thi hành án hình
sự và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự
theo quy định của pháp luật".
Như vậy thì chính Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam ở nơi mà ông Trương Minh Đức, cũng như các người ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc
xuôi Nam’ sinh sống, chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm cần bảo vệ, giám
sát như thế nào với những cử tri đã từng bỏ lá phiếu chọn lựa mình.
"Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa ; tôn trọng
nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án", sẽ mang đúng ý
nghĩa nếu như những người tù như ông/ bà Trương Minh Đức, Trần Huỳnh Duy Thức,
Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trần Thị Xuân, Trần Thị Nga… được
thực hiện quyền chọn lựa thi hành án ngay tại địa phương mà mình sinh sống, như
đã thể hiện trong nguyên tắc thi hành án hình sự, về quyền và lợi ích hợp pháp
của tổ chức, cá nhân của Luật Thi hành án hình sự.
------------------------
Chú
thích :
[*] Ông Trương Minh Đức bị kết án 13 năm tù và 5 năm
quản chế tại phiên xử ngày 5/4/2018 ở Hà Nội cùng với 5 thành viên (hay cựu
thành viên) của Hội Anh em dân chủ, với cáo buộc theo điều 79 ‘hoạt động nhằm lật
đổ chính quyền’, Bộ Luật hình sự 1999.
No comments:
Post a Comment