Người Việt Online
December 19, 2018
LOS ANGELES, California (NV) – Hội Đồng Giám Sát Los Angeles County vừa chấp thuận một kiến nghị của Giám Sát Viên Hilda Solis, lên án việc đòi trục xuất những người Việt Nam được thỏa thuận năm 2008 bảo vệ không bị trả về quê hương.
Giám Sát Viên Hilda Solis. (Hình: hildasolis.org)
Thông cáo báo chí của hội đồng gởi ra hôm Thứ Ba, 18
Tháng Mười Hai, trích lời bà Solis nói:
“Nhiều người tị nạn đến đất nước này bị khủng hoảng vì cuộc chiến Việt Nam. Nhiều
người là con cái của những người từng ủng hộ và sát cánh chiến đấu cùng với người
Mỹ. Họ đến Mỹ để trốn tù đày và tra tấn tại quê hương của họ. Bây giờ, chính
quyền này lại nói với những người tị nạn là họ phải trở về nơi mà họ từng chịu
nhiều đau đớn và mất mát, một nơi mà nhà cửa họ không còn.”
“Điều này là sai,” bà Solis, từng làm bộ trưởng Bộ
Lao Động và từng là dân biểu liên bang, cho biết tiếp. “Trục xuất những người Việt tị nạn này là trái với lương tâm của nước Mỹ.”
Theo luật di trú hiện hành, những người không phải
là công dân Mỹ, vi phạm luật, và có án lệnh trục xuất của tòa di trú, phải bị
trục xuất về quê hương của họ.
Tuy nhiên, ngày 22 Tháng Giêng, 2008, dưới thời Tổng
Thống George W. Bush, Mỹ và Việt Nam có ký một thỏa thuận, theo đó, những người
Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày mà Washington và Hà Nội
chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, cho dù có án lệnh trục xuất, sẽ không
bị trả về quê hương.
Thỏa thuận này có hiệu lực trong 5 năm, và được tự động
gia hạn mỗi 3 năm, trừ khi hai phía muốn điều chỉnh hoặc rút lui, thì phải báo
cho phía bên kia biết.
Thỏa thuận này được chính quyền George W. Bush và
chính quyền Barack Obama tôn trọng.
Sau khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống
vào năm 2017, chính quyền này diễn giải thỏa thuận 2008 theo cách khác, và cho
rằng thỏa thuận này không bảo đảm những người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995
không bị trục xuất.
Bắt đầu từ Tháng Ba, 2017, Mỹ bắt đầu trục xuất một
số người, và ép Việt Nam nhận họ.
Tuy nhiên, phía Việt Nam chỉ nhận một số mang tính
tượng trưng, và vẫn đòi hỏi phía Mỹ tôn trọng thỏa thuận năm 2008.
Đến Tháng Tám năm nay, phía Mỹ ngưng trục xuất những
người này.
Theo Hội Đồng Giám Sát Los Angeles County, đầu Tháng
Mười Hai năm nay, đại diện của Việt Nam và Mỹ gặp nhau tại Washington, DC để
bàn việc hủy bỏ thỏa thuận năm 2008.
Hiện có hơn 8,000 người tị nạn Việt Nam phạm tội tại
Mỹ – một số bị tội nhẹ và đã mãn hạn tù – có thể bị trục xuất, theo Hội Đồng
Giám Sát Los Angeles County.
“Los Angeles County luôn luôn ủng hộ cư dân quận hạt, và sẽ tiếp tục ủng
hộ người Việt tị nạn. Người Việt tị nạn đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế khu
vực chúng ta, cũng như văn hóa đa dạng của chúng ta,” Giám Sát Viên Solis nói thêm. “Chúng
ta phải hành động và làm mọi cách có thể để bảo vệ hàng xóm và người quen của
chúng ta bằng cách phản đối sự thay đổi sai lầm này của chính sách liên bang.”
Kiến nghị của Giám Sát Viên Solis sẽ có chữ ký của cả
năm giám sát viên, sẽ được gởi đến Bộ Nội An và các thành viên Quốc Hội, lên án
việc trục xuất di dân Việt Nam được thỏa thuận năm 2008 bảo vệ, theo thông cáo
báo chí.
Đây là kiến nghị thứ 33 do Giám Sát Viên Solis làm
tác giả nhằm bảo vệ, bào chữa, và đấu tranh cho quyền của di dân kể từ cuộc bầu
cử tổng thống năm 2016, vẫn theo thông cáo. Những cố gắng của bà Solis còn bao
gồm một kiến nghị thành lập các “địa điểm tế nhị” (sensitive location) khắp Los
Angeles County, như trường học, nhà trẻ, trạm xe buýt… để giới hạn sự khám xét
của cảnh sát di trú, cũng như đóng góp $3 triệu cho LA Justice Fund, và thành lập
Văn Phòng Di Dân Quận Hạt đầu tiên từ trước tới nay.
Bà Hilda Solis làm dân biểu liên bang đại diện Địa Hạt
32, tiểu bang California, từ năm 2001 đến năm 2009. Tháng Hai, 2009 bà trở
thành phụ nữ gốc Hispanic đầu tiên làm bộ trưởng Bộ Lao Động Mỹ. Năm 2014, bà đắc
cử chức giám sát viên Địa Hạt 1 Los Angeles County, bao gồm khoảng 30 thành phố
và cộng đồng phía Đông thành phố Los Angeles, với số dân 2 triệu. Năm 2018 bà
tái ứng cử nhiệm kỳ thứ nhì bốn năm, không có đối thủ. (Đ.D.)
No comments:
Post a Comment