Tuesday, December 11, 2018

GIAO THƯƠNG NHƯNG LUÔN CẢNH GIÁC VỚI TRUNG QUỐC (Trần Giao Thủy)




Trần Giao Thủy

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu hiện nay là một cơ hội khác để Canada một lần nữa xác định giá tri của chính mình như một nền dân chủ pháp trị, một xã hội đa nguyên yêu hòa bình và nhân bản.

Vụ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của Hoa Vi (Huawei) bị nhà chức trách Canada bắt giữ ngày 1/12/2018 khi chuyển máy bay ở Hong Kong – cùng lúc hai ông Xi và Trump đang hội họp đình chiến thương mại và yến tiệc ở Buenos Aires – là một thử thách về mặt ngoại giao nhưng cũng cơ hội để chính phủ Canada xác định giá trị của một xã hội dân chủ pháp trị, và tam quyền phân lập.

Vài ngày sau Thứ trưởng thường vụ Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa, Nhạc Ngọc Thành (Le Yucheng) nổi giận gọi vụ bắt giữ là “bất chấp luật pháp, vô lý, tàn nhẫn và tồi tệ”. Ngày 8 tháng 12, ông Thứ trưởng khẩn cấp gọi John McCallum Đại sứ Canada tại Trung Quốc, đặt vấn đề đàm phán nghiêm chính và phản đối quyết liệt về vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei. Tân Hoa Xã cho biết, ngày 9 tháng 12, Nhạc Ngọc Thành lại triệu tập Terry Branstad Đại sứ Mỹ Tại bắc Kinh và nói vụ bắt giữ công dân Trung Quốc là một “sai lầm quá mức” và đòi Hoa Kỳ xóa bỏ lệnh bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.

Với giọng điệu mềm mỏng hơn chút, một phát ngôn viên của ngành kỹ nghệ nước ngoài của Trung Quốc phàn nàn rằng Canada đã “vi phạm nhân quyền” của bà Mạnh, tương tự như luận điệu của ‘tiếng chuông cảnh cáo thế giới’ trên tờ Nhân Dân Nhật báo ngày 9/12,
“Đối xử với một công dân Trung Quốc như một tội phạm nghiêm trọng, thô bạo chà đạp nhân quyền cơ bản và làm mất phẩm giá con người…”

Ngày 10 tháng 12, tại một da tiệc ở Vancouver Tổng Lãnh sự CHND Trung Hoa Tong Xiaoling, đã phát biểu như một cán bộ tuyên truyền hơn là một nhà ngoại giao, dài dòng nhưng cũng chỉ lập lại luận điểm hù dọa của Bắc Kinh đôi với Canada.

Một số tin tức chung quanh vụ việc tập trung về mặt kinh tế vì Hoa Vi là một trong những công ty kỹ thuật cao lớn nhất thế giới và là một phần tử quan trọng trong chiến lược kỹ nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Vi không phải là một công ty viễn thông bình thường. Nhậm Chánh Phi (Ren Zhengfei), cha của Mạnh Vãn Chu, người sáng lập Hoa Vi là một cựu sĩ quan của Giải Phóng Quân Nhân dân (PLA), một đảng viên cộng sản rất gần gũi với giai cấp lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa. Hoa Vi hoạt động trong một lĩnh vực chiến lược, là cốt lõi của lợi ích bảo mật ở Hoa lục. Hoa Vi còn là công ty cung cấp thiết bị “viễn thông” cho Giải phóng Quân Nhân dân và đươc gọi là một công ty vô địch quốc gia. Dù không phải là công ty quốc doanh nhưng rõ ràng Hoa Vi không thể độc lập với và đứng ngoài tầm ảnh hưởng của chính quyền Cộng sản Trung Hoa.

Mặt khác, có quan điểm cho rằng đây là một phát súng nổ ngay giữa cuộc đình chiến thương mại Mỹ-Trung. Mỹ và Canada không thể tùy tiện bắt giữ người dân, ngay cả người nước ngoài. Nhưng dường như chính quyền Bắc Kinh không hiểu hay không muốn hiểu vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là một vấn đề công lý và tội phạm thuộc phạm trù của ngành tư pháp độc lập. Bắc Kinh không hiểu hay không muốn hiều “tư pháp độc lập” cũng có thể vì họ là một trong những xứ độc đảng toàn trị.

Trên thực tế, chính quyền Hoa Kỳ đã điều tra Hoa Vi và theo dõi Mạnh Vãn Chu từ lâu, vì nghi ngờ họ đã vi phạm lệnh trừng phạt xuất cảng của Hoa Kỳ đối với Iran. Nếu không có bằng chứng thuyết phục buộc tội Manh Vãn Chu, không có tòa án nào ở Canada có thể chấp thuận dẫn độ bà về Mỹ; và nếu không có bằng chứng dứt khoát không thể nghi ngờ, thì không có tòa án nào ở Mỹ có thể kết án Mạnh Vãn Chu.

Nói chung, phản ứng sôi nổi của Bắc Kinh phần lớn nhắm vào Ottawa hơn là về phía Washingon. Trung Quốc đang muốn có một hiệp định hương mại tự do với Canada có thể là một lý do để họ bắn vào điểm yếu trong việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.

Hôm nay, 11 tháng 12, Bắc Kinh vưa bắt giữ ông Michael Kovrig, một cựu nhân viên ngoại giao đoàn của Canada – hiện là cố vấn cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) – và không một lời giải thích. Đây không phải lần đầu Trung Quốc bắt giữ công dân Canada. Năm 2014 Canada cáo buộc Trung Quốc tấn công hệ thống máy tính của chính phủ ở đây. Một tuần sau hai vợ chồng công dân Canada, Kevin và Julia Garratt, có quán cà phê nhỏ và đi truyền đạo ở Trung Quốc đã bị bắt giữ và bị cáo buộc tội gián điệp. Năm sau bà Julia Garratt được trả tự do nhưng ông Kevin phải ngồi tù đến 2016, bị kết tội gián điệp và bị trục xuất khỏi Trung Quốc.

Những tấn công ngoại giao và bắt người tùy tiện của Trung Quốc liệu có phải là những ứng xử hợp lý không? Cũng nên nhắc lại, đến nay Canada là nước duy nhất trong nhóm mạng lưới tình báo “Five Eyes” – Australia, Canada, New Zealand, United Kingdom và United States chưa từ chối không cho Hoa Vi tham gia vào cong trình kiến thiết cơ sở hạ tầng điện thoại không dây thế hệ 5G.

Đa dạng hóa thương mại để bớt lệ thuộc vào nước láng giềng phía Nam là điều quan trọng nhưng không thể phủ nhận dù sao đi nữa thì Hoa Kỳ hiện nay vẫn là một trong những nền dân chủ quan trọng hàng đầu thế giới.

Hành động hôm nay của Bắc Kinh cho thấy rõ ràng ve vãn địch thủ của phe dân chủ, hãy khoan nói đến việc đồng hành với một quốc gia có thành tích chà đạp nhân quyền thô bạo như Bắc Kinh, là diều không bao giờ người dân Canada có thể chấp nhận được.

Điều đó không có nghĩa là Canada phại chịu áp lực của bất kỳ cường quốc nào để không giao thương tự do với Trung Quốc. Là một quốc gia có chủ quyền, Canada có quyền lập chính sách thương mại (cũng như chính trị) để phục vụ cho lợi ích của người dân ở đây. Nhưng về mặt an ninh quốc gia, thì đây không chỉ là lợi ích quốc gia mà đó còn là nghĩa vụ của Canada với tư cách là một đồng minh trong khối tự do. Canada không thể, như một số cho rằng, “đang kẹt giữa hai lằn đạn”.

Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Canada đứng với người Mỹ. Đơn giản và rõ ràng.

Nhà chức trách ở Canada đã đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ một cách đúng dắn như họ đã làm – vì thực sự Canada có nghĩa vụ phải thực hiện hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Việc bắt giữ đã thực hiện, và khi tòa án đã phán quyết, kết quả tất nhiên là Canada không thể từ chối dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu về Mỹ.

Hình : Thủ tướng Justin Trudeau: “Chúng tôi có một nền tư pháp độc lập.” Nguồn: shutterstock.com/Art Babych/File.

Tuy nhiên bộ trưởng bộ tư pháp Canada vẫn có quyền phủ quyết hay việc phê chuẩn yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Nhưng nếu tòa án Canada thấy rằng bà Mạnh Vãn Chu sẽ không bị vi phạm nhân quyền, thì không có lý do gì để bộ trưởng phủ quyết việc dẫn độ.

Vì bất cứ áp lực nào – không vì ích lợi quốc dân và ngoài nghĩa vụ của một đồng minh – mà không dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu thì chọn lựa đó không những chỉ gây đổ vỡ lớn cho quan hệ Canada-Hoa Kỳ, mà còn được coi là nhu nhược khấu đầu nhượng bộ trước những hăm dọa của Trung Quốc. Và kinh nghiệm cho thấy “nộp tiền chuộc mạng” không những không ngăn chận được mà còn khuyến khích kẻ tống tiền tiếp tục thói côn đồ.

Một hiệp định thương mai tự do song phương giữa Canada và Trung Quốc là điểu đôi bên đều muốn. Nhưng người dân Canada sẽ không chấp nhận một hiệp định thương mại với bất cứ giá nào.

Không có một hiệp định thương mại nào đáng để cho Canada từ bỏ trách nhiệm lên tiếng bênh vực cho những nạn nhân đang bị chính quyền Cộng sản Trung Hoa đàn áp, chà đạp nhân phẩm. Và cũng không có một thỏa hiệp thương mại nào có thể khiến Canada buông thả, để mất cảnh giác về mặt an ninh quốc gia của chính chúng ta và của các nước đồng minh.

Canada không gây hấn, nhưng không sợ hãi khấu đầu trước áp lực.

Chính phủ Trudeau đã chứng tỏ đủ tỉnh thức trước mối đe dọa của Trung Quốc và đã phủ quyết việc bán công ty xây dựng khổng lồ Aecon hồi cuối tháng Năm 2018.

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu hiện nay là một cơ hội khác để Canada một lần nữa xác định giá tri của chính mình như một nền dân chủ pháp trị, một xã hội đa nguyên yêu hòa bình và nhân bản.

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

DCVOnline biên tập và minh họa.






No comments: