Sunday, December 2, 2018

CUỘC ĐẤU TRANH ĐẦU TIÊN ĐÒI LẠI ĐẤT TRONG LỊCH SỬ BANG GIAO VIỆT TRUNG (Hồ Bạch Thảo)




Hồ Bạch Thảo 
01/12/2018

Ngoại giao đòi lại đất :
các phái đoàn Lương Dụng Luật, Đào Tông Nguyên, Lê Văn Thịnh.

Về việc nhà Tống trả đất cho nước Đại Việt vào năm Nguyên Phong thứ 2 [1079], chính sử Trung Quốc như Tống Sử 1 chép “ bèn đem tất cả 4 châu 1 huyện trả lại 乃悉以四州一縣還之  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên 2 ghi “ bỏ Thuận Châu, đưa đất này cho Giao Chỉ 廢順州,以其地畀交阯 . Nhưng dân và triều đình Đại Việt không tin những lời tuyên bố huyênh hoang, “ kẻ nằm trong chăn biết có rận ”, cẩn thận xét nghiệm  thấy việc trả như vậy là chưa đủ, bèn tiếp tục đòi hỏi. Cuối cùng vua Tống đành phải chấp nhận cho xét lại ; lệnh đặt nơi bàn bạc về biên giới, đích thân đặt tên là Kế nghị biện chính cương chí sở 『計議辦正疆至所』(Nơi bàn bạc sửa lại đúng cương giới).

Mở đầu cho cuộc đòi hỏi này Vua Lý Nhân Tông cử một phái đoàn sang Trung Quốc, do Lễ tân phó sứ Lương Dụng Luật cầm đầu, mang nhiều vật cống. Không muốn đồ vật bị thất lạc, nhà Vua yêu cầu được chở đi kèm để phái đoàn có thể giám sát, Vua Tống không những chấp nhận lời yêu cầu, lại cho một viên quan làm bạn tống hướng dẫn :

Trường Biên, quyển 313. Năm Nguyên Phong thứ 4 [1081]

Ngày Nhâm Ngọ tháng 6 [4/8/1081], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức dâng biểu tâu :
“ Mới đây sai Sứ thần Đào Tông Nguyên đến triều cống, bị Quảng Châu [Quảng Đông] ngăn cấm, không cho đồ vận tải cùng đi theo. Nay sai Lễ tân phó sứ Lương Dụng Luật, bọn Trước tác lang Nguyễn Văn Bồi vào cống, xin triều đình ban chiếu chỉ cho tiến phụng giống như cũ. ”
Chiếu ban cho Quảng Châu chuẩn theo lệ cũ, không được cản trở. Sai 1 viên Nội sứ thần bạn tống, lại giáng chiếu dụ cho biết trước.

(交阯郡王李乾德上表言:「昨遣使臣陶宗元等朝貢,為廣州禁制,窒塞綱運,不同向時。 今遣禮賓副使梁用律【一一】、著作郎阮文倍等水路入貢,乞降朝旨,依舊進奉。」詔廣州悉準舊例,毋得邀阻。差入內使臣一員押伴,仍先降詔諭之。)

Qua 1 tháng sau phái đoàn đến quan ải, ty Chuyển vận sứ Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông] tâu về triều, cẩn thận hỏi về đường đi của sứ bộ, Vua Tống trả lời rằng muốn đi đường thủy cũng chấp nhận :

Trường Biên, quyển 314. Năm Nguyên Phong thứ 4 [1081]

Ngày Canh Tuất tháng 7 [1/9/1081], ty Chuyển vận Quảng Nam Đông Lộ tâu :
“ Cửa quan Tây Lộ báo người Giao vào cống, xin ra lệnh theo đường Kinh Hồ [Hồ Nam, Hồ Bắc] ”
Chiếu ban :
“ Người Giao như muốn theo đường thủy đến kinh khuyết, lệnh Quảng Tây kinh lộ chỉ huy ; nên y theo đường cũ, không phải thay đổi. 

(廣南東路轉運司言:「西路關報交人入貢,乞令自荊湖路。」詔:「交人如欲水路赴闕, 令廣西經略司指揮,須依舊所行道路,毋得創改。」)

Trái với thường lệ, lần này sứ bộ tăng thêm 56 người, quan địa phương tỉnh Quảng Tây lại phải gửi văn thư tâu lên, Vua Tống chấp nhận số lượng mới 156 người :


- HẾT –
Hồ Bạch Thảo

*
*
Hồ Bạch Thảo
27/11/2018

Ngoại giao đòi lại đất : các phái đoàn Lý Kế Nguyên, Đào Tông Nguyên

Người xưa có câu “ Tiên lễ hậu binh ”, có ý khuyên dùng nghi lễ ngoại giao trước, nếu không có kết quả mới phải dùng binh. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngược lại, đôi khi phải dùng binh biểu dương lực lượng khiến đối phương bối rối, mới đề nghị giải pháp ngoại giao.
Tình hình Trung Quốc vào thời Tống Thần Tông năm Hy Ninh thứ 10 [1077],  phía bắc bị các nước Liêu, Hạ gây áp lực, phía nam sau khi quân Tống rút, quân Đại Việt theo sau lưng và chiếm lại được huyện Quang Lang. Bấy giờ vua Đại Việt sai Sứ thần Lý Kế Nguyên đến biên giới ngỏ lời xin trả lại đất. Lời yêu cầu đúng lúc, vua Tống cũng muốn giải quyết cho yên việc tại phương nam, bèn theo lời đề nghị của Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ, hứa trả lại đất sau khi nước Đại Việt trả tù binh bị bắt trước kia tại 3 châu Ung, Khâm, Liêm :

Trường Biên, quyển 285. Năm Hy Ninh thứ 10 [1077]   

Ngày Bính Tuất tháng 10 [28/10/1077], ty Kinh lược an phủ Quảng Nam Tây Lộ tâu :
“ Người Giao sai bọn Lý Kế Nguyên và quan được sai bàn việc tại biên giới. Muốn ra lệnh quan được sai lấy ân tín của triều đình dụ Càn Đức, lệnh trả lại nhân khẩu đã cướp, rồi cấp cho đất đai. ”
Thiên tử chấp thuận.

(廣南西路經略安撫司言:「交人遣李繼元等與所差官於界首議事,欲令所差官以朝廷恩信 曉諭乾德,令送還所擄人口,給與疆土。」從之。)

Xác minh lời hứa trả lại đất sau khi Đại Việt trả lại tù binh, Vua Tống Thần Tông gửi chiếu thư cho Vua Lý Nhân Tông nước ta, nguyên văn như sau :

“ Chiếu thư cho biết rằng :
Khanh được trông coi tại Nam Giao, đời đời nhận tước Vương, nhưng phản bội đức, gian giảo không tuân triều mệnh, trộm gây bạo động tại vùng biên cảnh ; bỏ chính sách trung thuận của tổ tiên, phiền triều đình  phải cử binh thảo phạt. Khi quân lính thâm nhập, tình thế khẩn trương mới qui thuận ; xét về tội lớn, đáng phải truất tước. Nay sai sứ đến cống, dâng lên lời rất cung kính, đọc kỹ nội dung, thấy được sự hối hận. Trẫm trông coi vạn nước, không phân biệt xa gần ; chỉ hiềm những dân Khâm châu, Ung châu bị cướp dời đến vùng xa xôi nóng bức, xa quê hương lâu ngày, đợi khi đưa hết về biên giới tỉnh, sẽ đem Quảng Nguyên trả lại Giao Châu.” (Tống Sử quyển 488, Liệt Truyện Giao Chỉ)

(詔報之曰:「卿撫有南交,世受王爵,而乃背德奸命,竊暴邊城。棄祖考忠順之圖,煩朝 廷討伐之舉。師行深入,勢蹙始歸。跡其罪尤,在所絀削。今遣使修貢,上章致恭,詳觀詞情,灼見悛悔。朕撫綏萬國,不異邇遐。但以邕、欽之民,遷劫炎陬,久 鄉井,俟盡送還省界,即以廣源等賜交 州。」)

Đáp lời, Vua Lý Nhân Tông dâng thư cảm ơn và xin trả lại đất châu Quảng Nguyên và huyện Quang Lang. Huyện Quang Lang tuy đã bị quân Đại Việt chiếm vào năm trước, nhưng tại đây được nhắc lại với dụng ý muốn vua Tống công nhận việc xãy ra là hợp pháp :

Trường Biên, quyển 287. Năm Nguyên Phong thứ nhất [1078]

Ngày Ất Mão tháng giêng [25/1/1078], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức dâng biểu rằng :
“ Được ơn ban chiếu chấp nhận lời xin của thần, từ nay lại tu chức cống ; đã ra lệnh ty An phủ sai người vẽ xác định cương giới, không còn dám xâm phạm. Thần đã phụng chiếu sai người cống sản vật địa phương, xin trả lại các châu huyện Cơ Lang [Quang Lang], Quảng Nguyên.”
Chiếu ban :
“ Đợi người tiến phụng đến kinh khuyết, sẽ đem việc biên giới phân xử riêng.”

(交阯郡王李乾德上表言:「伏蒙賜詔,從臣所請,自今復修職貢,已令安撫司各差人畫定 疆界,毋得輒侵犯。臣已奉詔遣人送方物,乞賜還廣源、機榔等州縣。」詔:「候進奉人到闕,別降疆事處分。」)

Cũng cần phải ôn lại trong văn bản ngày 20/10/1078 đề cập tại bài thứ nhất, rằng vua Lý Nhân Tông xin hoàn lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu, Môn, cùng huyện Cơ Lang. Nếu so sánh, thì văn bản phía trên thiếu hai châu Môn và Tô Mậu ; có thể giải thích rằng châu Môn giáp với huyện Cơ Lang, chắc cùng chung số phận bị Đại Việt đánh chiếm nên không cần nhắc tới. Riêng châu châu Tô Mậu thì Toàn Thư chép rằng vào tháng giêng năm Mậu Ngọ [28/1/1078], sai Đào Tông Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi thuần, xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu và những người các châu ấy bị bắt đi. Sứ bộ Đào Tông Nguyên kế tiếp Lý Kế Nguyên trong việc bang giao.

Gần 2 tháng sau ty chuyển vận Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây], là giới chức tại tỉnh địa đầu biên giới sơ khởi tiếp xúc với sứ bộ Đào Tông Nguyên, nêu lên 3 việc cần triều đình giải quyết gấp, gồm : tờ biểu của  Giao Chỉ phạm húy, đòi trả người bị bắt, và hoạch định lại biên giới. Vua Thần Tông muốn giải quyết nhanh nên bỏ qua việc phạm húy ; riêng 2 việc còn lại thì quyết định đợi Sứ thần đến sẽ cùng bàn bạc. Ngoài ra nhà Vua lại chấp nhận cho đặt thêm viên Chủ bạ tại trại Thái Bình [Sùng Tả thị, Quảng Tây ; Chongzuo, Guangxi], để tiện việc liên lạc với An Nam sau này :


*
*
Hồ Bạch Thảo 
23/11/2018

Nhà Tống kinh doanh vùng đất mới chiếm, nhưng bị nước Đại Việt gây áp lực

Trình Di tự Chính Thúc [1032-1085], nhà lý học và giáo dục nổi tiếng thời Bắc Tống ảnh hưởng lớn đến hậu thế ; người học chữ Nho thời xưa đều tự nhận là môn đệ, nên thành ngữ có câu “ cửa Khổng sân Trình ”. Là học giả đối lập với với Thừa tướng Vương An Thạch, người chủ trương xâm lăng nước Đại Việt, nên ông theo dõi khá kỹ về cuộc chiến tranh này. Ông quê tại đất Hà Nam, lời của ông được đệ tử Tô Sung ghi lại trong sách Hà Nam Trình Thị Di Thư [河南程氏遺書], sách này có phần đề cập đến cuộc chiến Việt Trung, tổng kết phía Trung Quốc tổn thất đến 30 vạn người :

Trường Biên quyển 280. Năm Hy Ninh thứ 10 [22/3/1077]

….Sách Hà Nam Trình thị di thư, Tô Sung chép : “ Chính Thúc bàn về sự việc tại An Nam như sau ‘Đương sơ lúc biên giới có việc, không dùng các nơi gần tập hợp cứu viện, tuy bính tướng trải qua lam chướng, triều đình bảo lo lắng cho dân chúng, nhưng không cấp tuất. Lúc này không cứu viện, ứng phó, để cho giặc tung hoành, đánh giết đến mấy vạn. Nay bảo rằng đợi thời, nhưng không đợi đến mùa thu mát mẻ, ngay mùa đông đi vào đất giặc. Lương thực tích trữ tại phía bắc lãnh, phải chuyển vận đến phía nam lãnh ; vào tháng 7 vận chuyển qua lãnh, bị lam chướng, số người chết đến mấy phần, đến lúc qua biên giới, lương không  kế tục mang theo. Vào đến sào huyệt giặc, dùng bè chở 500 quân qua sông, vừa chặt vừa đốt, không phá nổi mấy trại giặc bằng tre. Rồi chèo bè không trở về để mang thêm quân tiếp cứu, thì số quân qua sông bị giặc bắt giết ; quân ta không được cứu, hoặc chết hoặc chạy trốn ; cuối cùng không thành công, vùng tranh chấp chỉ có 25 dặm. Lại muốn sang tiếp, nhưng không có thuyền, không có lương cho lính, sự tính toán sai lầm từ trước tới nay chưa từng xảy ra ! May mà giặc xin cung thuận, mới có lời để ứng phó ; nếu như chúng không chịu thuận, thì lấy gì xử trí đây ? Phu vận lương 8 vạn người chết, quân lính 11 vạn lam chướng chết ; chỉ còn 2 vạn 8 ngàn trở về, trong đó có nhiều người bị bệnh ; số người trước đó bị giặc giết, tất cả không dưới 30 vạn người ; sự hôn ám vô mưu đến như vậy là cùng ! 

(河南程氏遺書,蘇兖云:正叔論安南事:「當初邊上不使令逐近點集應急救援,其時雖將帥兵革冒涉炎瘴,朝廷以赤子為憂,亦有所不恤也。其時不救 應,放令縱恣,戰殺至數萬。今既後時,又不候至秋涼,迄冬一直趨寇,亦可以前食嶺北食積,於嶺南般運。今乃正於七月過嶺,以瘴死者自數分,及過境又糧不 繼。深至賊巢,以栰度五百人過江,且斫且焚,破其竹寨幾重不能得。復棹其空栰,續以救兵,反為賊兵會合禽殺,吾眾無救,或死或逃,遂不成功,所爭者二十五 里耳。欲再往,又無舟可度,無糧可戍,此謬算未之有也。猶得賊辭差順、遂得有詞具承當了,若使其言猶未 順,如何處之?運糧者死八萬,戰兵瘴死十一萬,餘得二萬八千人生還,尚多病者,又先為賊殺戮數萬,都不下三十萬口,其昏謬無謀如此甚也。」)

Với số tổn thất lớn như vậy, triều Tống chỉ mong khai thác được nhiều vàng tại châu Quảng Nguyên để dân chúng đỡ ca thán. Bèn ra lệnh mở mang châu này, ngoài việc điều động quân lính đến đồn trú, còn đày các tội nhân từ phía nam sông Hoài [Giang Tô] đến lập nghiệp, nhắm tăng dân số để đủ nhân lực khai thác nhiều mỏ vàng, bạc :


*
*
Hồ Bạch Thảo
15/11/2018

Ask not what your country can do for you — ask what you can do for your country. 
Xin đừng hỏi tổ quốc làm gì cho bạn – Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc.
J.F. Kennedy.

*
Lý Nhân Tông là vị vua giữ ngôi cao lâu dài nhất trong lịch sử nước ta, với 56 năm trị vì, đất nước được thái bình thịnh vượng ; lại có các tướng giỏi như Thái phó Lý Đạo Thành, Thái úy Lý Thường Kiệt phụ giúp, lập nên võ công hiển hách, phạt Tống, bình Chiêm ; khiến lân bang phải nể sợ. Bấy giờ nước ta bị mất một số đất vào tay nhà Tống ; qua tháng năm dài, khi dùng binh đe dọa, khi thư từ ngoại giao, nhà vua kiên trì đòi đất. Có lúc Vua đích thân gửi thư cho Vua Triết Tông nhà Tống, nội dung với lòng thiết tha tấc đất của tổ tiên, có đoạn như sau :

“ Tuy những đất này chỉ nhỏ như viên đạn, nhưng rất đau đớn trong lòng, thường không rời trong giấc mộng ; thực do tổ tiên thần trước đây giết bắt kẻ tiếm nghịch, xông pha nơi gian nan nguy hiểm, liều chết mới có được. Nay kẻ hậu sinh không thừa kế được tổ tiên, chưa tròn phận sự nơi cương vực, chỉ sống tạm trong khoảnh khắc mà thôi ” Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên, quyển 380, năm Nguyên Hựu thứ nhất [1086]

(雖此等彈丸之地,尤切痛懷、常不離夢寐者,誠以先祖臣平昔誅擒僭逆,衝艱冒險,畢命 之所致也。今末造不能嗣承,豈敢備數於藩垣,偷生於頃刻也)

Các bộ sử nước ta thời xưa như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép sự việc thiếu chi tiết, và chỉ chép đến lúc  đòi được châu Quảng Nguyên vào năm 1084 ; nhưng cuộc đấu tranh giành đất thực sự kéo dài đến năm 1088. Nhắm bổ sung và phối kiểm lịch sử, chúng tôi xin sao lục thêm nguyên văn các tư liệu liên quan đến việc đòi đất trong các bộ sử Trung Quốc như Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên của Lý Đào đời Tống và Tống Sử của Thoát Thoát đời Nguyên ; rồi xếp thành tiểu mục để độc giả tiện bề tham khảo ; các mục như sau :

– Vùng đất bị mất
– Nhà Tống kinh doanh vùng đất mới chiếm, nhưng bị nước Đại Việt gây áp lực.
– Ngoại giao đòi lại đất : các phái đoàn Lý Kế Nguyên, Đào Tông Nguyên.
– Ngoại giao đòi lại đất : các phái đoàn Lương Dụng Luật, Đào Tông Nguyên, Lê Văn Thịnh.
– Tiếp tục ngoại giao đòi đất cùng vụ án Lê Văn Thịnh.

Bài viết dùng nhiều tư liệu làm bằng chứng ; để tránh rờm rà, xin chép vắn tắt tên các sách, bản đồ trích dẫn :

Bản đồ Quảng Nam Tây Lộ cho đời Bắc Tống : Bản Đồ Q.
Bản đồ Googles : Bản đồ G.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên : Toàn Thư.
Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, Đào Duy Anh : Đất Việt Nam.
Đất Trung Quốc Giáp Việt Nam Qua Các Đời, Hồ Bạch Thảo : Đất Trung Quốc.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc sử quán triều Nguyễn : Cương Mục
Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên, Lý Đào : Trường Biên.
Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang : Tư Trị.   






No comments: