Thursday, December 6, 2018

BẢN TIN NGÀY 6/12/2018 (Báo Tiếng Dân)




06/12/2018

Tin Biển Đông

Báo Dân Trí có bài: Chuyên gia: Trung Quốc “nuốt lời hứa” ở Biển Đông. Chuyên gia về Biển Đông Richard Heydarian từ Đại học De La Salle ở Philippines nhận định, Trung Quốc đã “nuốt lời hứa” “không quân sự hóa Biển Đông mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp cựu Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào năm 2015”.

Ông Heydarian nói thêm: “Vài năm trước khi nói tới Biển Đông, chúng ta nói về vạn lý trường thành bằng cát mà Trung Quốc bồi đắp trên biển. Nhưng điều chúng ta phải đối mặt hôm nay là vạn lý trường thành tên lửa”.

Chiến lược ‘vùng xám’ làm suy yếu lòng tin trên Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Đây là chiến lược được Trung Quốc áp dụng từ lâu ở Biển Đông, duy trì những mâu thuẫn nhỏ, kéo dài nhưng không để phát triển thành chiến tranh công khai, nhằm “gây ra nghi ngờ, làm suy yếu lòng tin giữa các lực lượng chấp pháp trên biển và gây mất ổn định khu vực”.

Quan hệ Việt – Trung

RFA đưa tin: Phái đoàn quân sự Việt Nam thăm Trung Quốc. Theo đó, phái đoàn gồm các cán bộ chính trị cấp cao thuộc Quân Đội Việt Nam có chuyến làm việc tại Trung Quốc từ ngày 2 đến 7 tháng 12. Phái đoàn do thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị dẫn đầu. Mục tiêu chuyến đi được cho biết, nhằm mục đích tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Bài viết lưu ý: Ngày 3/12 vừa qua, “ông Nguyễn Trọng Nghĩa có cuộc hội đàm với ông Trung Tướng Lưu Đức Vĩ, Phó Chủ Nhiệm Bộ Công tác Chính Trị Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc”. Lãnh đạo, tướng tá CSVN tiếp tục bắt tay với “bạn vàng” để “chống lại những quan điểm, tư tưởng bị cho là sai trái, thù địch”.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa chào xã giao Thượng tướng Miêu Hoa, Chủ nhiệm Bộ Công tác chính trị Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ngày 3/12/2018, tại thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Vĩnh Hà/ TTXVN

Tin nhân quyền

“Báo cáo nhân quyền UPR của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2019 là tuyên truyền”, theo RFA. Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ngày 3/12 tuyên bố Việt Nam thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhà báo tự do Chu Vĩnh Hải bình luận: “Dân gian nói ‘cả vú lấp miệng em’ là như thế. Người dân Việt Nam nói là ‘họ nói một đàng, nhưng làm một nẻo’. Về báo cáo UPR thì họ nói để làm trò cười cho thiên hạ”.

Liên quan đến tôn giáo ở Việt Nam, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cho biết: “Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là công cụ đàn áp nặng tay hơn và khốc liệt hơn so với Pháp lệnh về tự do tôn giáo”.

Trang Tin Tức Online Đa Chiều 24h viết: Đắk Lắk: Nhà Cầm Quyền Quyết Cưỡng Chế Đất Của Dân Để Giao Cho Doanh Nghiệp. Theo đó, “4h sáng nay ngày 5/12/2018 lực lượng an ninh chìm nối đã có mặt tại xã Ea Kiết huyện Cu’mung Ga tỉnh Đắk Lắk nhằm để cưỡng chế đất đang tranh chấp giữa dân với công ty lâm nghiệp Buon Za Wan”. Mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền địa phương đã kéo dài mấy năm nay, “thì nay nhà cầm quyền tỉnh này quyết đứng ra cướp đất giao cho doanh nghiệp”.

Facebooker Phan Xuân Lương có một số video clip ghi lại cảnh người dân Đắk Lắk chống cưỡng chế đất: https://www.facebook.com/xuanluong.phan.7/videos/2715650498660602/

Đến trưa 5/12/2018, Facebooker Phan Xuân Lương cập nhật tình hình“Đã tạm thời ngưng cưỡng chế! Dư âm còn lại là việc cán bộ chính quyền , giáo viên nhà trường dày vò các cháu học sinh sáng nay đã theo bố mẹ đến quan sát và tham gia phản đối việc cưỡng chế đất của gia đình Phan Xuân Lương”.
Trên trang Facebook cá nhân, LS Võ An Đôn cho biết đã kiện bộ Tư pháp. LS Đôn đã “đến Tòa án tỉnh Phú Yên nộp đơn khởi kiện ông Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ tư pháp, yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho tôi”. LS Đôn cũng cho biết, nếu căn cứ theo luật thì ông thắng kiện 100%. Tuy nhiên, dưới thời chế độ CSVN, không có tư pháp độc lập, nên khả năng LS Đôn thắng kiện là rất khó.

Vụ Thủ Thiêm

Chính quyền đã thừa nhận sai phạm ở Thủ Thiêm, 321 hộ dân bị giải tỏa oan, theo báo Tiền Phong. Theo đó, “Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho hay đã xác định được có 321 hộ dân có nhà đất bị giải tỏa trong khu đất 4,3 ha mà Thanh tra Chính phủ đã xác định nằm ngoài ranh quy hoạch”. Tuy nhiên, họ thừa nhận sai phạm nhưng vẫn chưa xử lý được các lãnh đạo gây ra sai phạm.

Ông nhân “vuốt ve dư luận” bằng cách “tự kiểm điểm”: 6 sai phạm Thủ Thiêm phải tránh, theo báo Đất Việt. Ông Nhân chỉ ra 6 loại sai phạm: “giao đất cho dự án triển khai mà không đấu thầu; giá đất phải được tính đúng và có hội đồng thẩm định phê duyệt, thông tin cần minh bạch; khi yêu cầu doanh nghiệp làm và thanh toán dự án cần xác định giá trị đầu tư của dự án; doanh nghiệp tăng vốn và bán cổ phần phải xác định giá khởi điểm (có cơ quan tư vấn rõ ràng), công khai, mang tính cạnh tranh”.

Những sai phạm quan chức nào cũng thấy, nhưng vẫn cứ sai bởi đó là cách kiếm tiền của họ, trên đất đai, xương máu của người dân. Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Vụ Thủ Thiêm: Giá bồi thường đất thấp, sao đủ cho người dân ổn định cuộc sống? Công thức chung của cộng sản là quy hoạch, áp giá rất thấp, hoặc tìm cớ không đền bù, rồi đuổi người dân đi, ai không đi sẽ bị công an, chính quyền mang máy xúc đến đàn áp. Với giá đền bù rẻ mạt, những người dân có đất bị quy hoạch hoặc trở thành vô gia cư hoặc phải ra ngoại thành. Dân oan cũng từ đó mà ra, trên cả nước chứ không chỉ Thủ Thiêm.

Trang Tin Tức Online Đa Chiều 24h chia sẻ video: “Sáng ngày 5/12/2018, bà con dân oan Thủ Thiêm đang canh giữ đất”.


Cán bộ sai phạm

Báo Đầu Tư đưa tin: Nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình hầu tòa trong vụ án Ngân hàng Xây dựng. TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam theo đơn kháng cáo của ông Đặng Thanh Bình, cựu Phó Thống đốc NHNN Việt Nam. Trước đó, phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đặng Thanh Bình 3 năm tù.

Chuyện xảy ra ở Quảng Ngãi, chủ tịch xã cấp hơn 1.000 m2 đất cho chính mình, theo báo Pháp Luật TP HCM. Thấy đất trống, ông Phan Ninh, chủ tịch xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) tự viết đơn xin cấp đất rồi tự xác nhận để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bị phát hiện, ông Ninh cho biết: “Mình trả đất rồi, làm kiểm điểm rồi. Chưa nghe Huyện ủy xử lý gì tiếp theo”.


Vụ “đồng chí” thanh toán “đồng chí”

Công an tỉnh Gia Lai khởi tố vụ phó chỉ huy quân sự phường bắn chết nữ phó chủ tịch HĐND phường, theo báo Thanh Niên. Thượng tá Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết, hiện đơn vị này vẫn đang chờ kết luận giám định để khởi tố vụ án “chiếm đoạt, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

Trước đó, phó Ban Chỉ huy quân sự phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, đã phá khóa tủ chứa súng trong kho vũ khí của Ban Chỉ huy quân sự phường này, để lấy hung khí sát hại bà H’Ven, Phó chủ tịch HĐND phường Đoàn Kết, rồi tự sát. Tuy nhiên, hung thủ đã được cấp cứu kịp thời.


Công an “nhân dân”?

Báo Một Thế Giới đưa tin: Đại úy công an bị bắt vì buôn thuốc lá. Chiều 5/12, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã bắt tạm giam ông Nguyễn Hoàng Nhiên về hành vi “vận chuyển hàng cấm”. Ngày 19/6/2018, lúc còn là đại úy công an, ông Nhiên “dùng xe thuê đi Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, thì bị một nhóm người khống chế, cướp xe”.

Đến khi công an Sóc Trăng tìm được chiếc xe thì họ cũng phát hiện chiếc xe vốn được ông Nhiên dùng chở hàng cấm, “đủ số lượng để xử lý hình sự. Sau khi xảy ra vụ việc, ông Nhiên xin nghỉ chế độ. Công an Sóc Trăng sau đó giải quyết cho đại úy này ra khỏi ngành”.

“Tận thu” trong giao thông

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Dự án BOT An Sương – An Lạc có thu phí “lố” 31 tháng? Vụ hàng chục tài xế tập trung phản đối trạm BOT này vào tối 3/12 “vì cho rằng thời gian thu phí tại đây đã quá hạn 31 tháng”, chủ đầu tư một mực cho rằng đó là “sự hiểu nhầm về toàn bộ dự án BOT An Sương – An Lạc”.

Bài báo cho biết: Ban đầu, dự án này “hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 31/12/2004, thời gian thu phí 145 tháng, tức đến ngày 31-1-2017 hết thời hạn”. Tuy nhiên, chủ đầu tư lấy lý do “áp lực giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực trên liên tục gia tăng” để làm thêm một số công trình, nhằm có cớ thu phí tiếp.  

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết về sự bịp bợm của TPHCM suốt 12 năm qua đã lừa bị người dân khi bắt họ phải đóng phí để sử dụng công trình chưa hoàn chỉnh. Ông Danh viết: “Mấy ảnh bày trò tráng men quốc lộ, thu hết hợp đồng thì bày ra cầu vượt, để ‘vượt cái đường mà mấy ảnh ăn ngập mặt trước đó’ để thu đến năm 2033. Rồi đến 2033, mấy ảnh chỉ cần đào thêm mấy cái hầm chui để chui dưới con đường và cầu vượt đã ăn ngập mặt trước đó là dân tàn đời“.

Vụ các tài xế phản đối trạm BOT An Sương – An Lạc vì thu phí quá hạn chưa nguôi, lại thêm công trình thu phí hàng chục năm ở Cà Mau. Báo Đất Việt đưa tin: Cà Mau: Thống nhất thu phí cầu Rạch Ráng 20 năm. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi làm việc với Công ty Liêm Duyên Hải, họ đã thống nhất “thời gian khai thác thu phí cầu Rạch Ráng 20 năm, kể từ tháng 7/2010”. Cơ quan này giải thích rằng nhà đầu tư có quyền thu phí theo tuổi thọ cầu.

Vụ cầu Rạch Ráng, quan chức hứa chấm dứt tình trạng cầu BOT thu phí không thời hạn trong tháng 12/2018, rồi giải quyết bằng cách đặt thời hạn thu 20 năm, theo báo Lao Động. Bài báo cho biết, cầu dân sinh Rạch Ráng được xây dựng từ năm 2010, do Công ty Liêm Duyên Hải làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. “Thời gian thu phí không được ấn định. Tình trạng này gây bức xúc cho cử tri vì không biết tuổi thọ của cây cầu này là bao lâu”.

Trước đó, hồi tháng 10/2018, do người dân phản ánh, Sở GTVT thuê tư vấn giám định, định giá cây cầu này. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận, đơn vị tư vấn từ chối giám định “tuổi thọ” của  cầu Rạch Ráng. Thêm bằng chứng cho thấy cái bắt tay của quan chức và doanh nghiệp để “tận thu” người dân.


Giáo dục VN: Bạo lực nối tiếp bạo lực

Vụ cô giáo bắt học sinh chịu 231 cái tát còn vẫn còn ồn ào, thì lại thêm vụ phụ huynh ở Hà Nội “tố” giáo viên chỉ đạo tát học sinh 50 cái, theo báo Người Lao Động. Chuyện xảy ra ngày 3/12, tại trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội. Em P, học sinh lớp 2A5 mắc lỗi “nói bậy”. Cô giáo xử phạt bằng cách ép bạn cùng lớp tát em 50 cái. Tát 20 cái thì mặt em P bầm tím, khóc lớn.

Phụ huynh em P cho biết: “Về nhà, cháu đã tỏ ra vô cùng sợ hãi khi kể lại sự việc. Cháu còn nói sẽ không đi học nữa. Tôi không thể chấp nhận được việc này, cô giáo không được phép phạt học sinh như vậy”.

Sự việc gây bàng hoàng dư luận, ngành giáo dục đã đình chỉ cô giáo phạt tát học sinh lớp hai 50 cái, theo báo Giao Thông. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, “về vụ việc này, ông đã nắm được thông tin và Sở đã có văn bản yêu cầu Phòng GD&ĐT quận điều tra xác minh và xử lý nghiêm nếu có”. Vẫn là điệp khúc chỉ đạo “đúng quy trình”, quan chức ngành giáo dục CSVN vẫn không thấy được cái sai từ gốc, đã tạo nên những côn đồ khoác áo giáo viên.

Trường tiểu học Quang Trung né trả lời báo chí về vụ tát học sinh, theo VOV. Ông Nguyễn Đức Phong, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nói: “Hiện nay, nhà trường cũng như phòng chức năng đang điều tra sự việc, sau đó sẽ có thông tin trả lời chính xác”. Khi PV hỏi nhận định của Ban giám hiệu và Ban phụ huynh nhà trường, ông Phong từ chối trả lời.

BBC có bài: Hai vụ tát học sinh liên tiếp: Sư phạm VN cần môn ‘ứng xử’. Tình trạng bạo hành học sinh liên tiếp xảy ra, thầy giáo Đỗ Việt Khoa chỉ ra một số nguyên nhân khiến giáo viên trở thành kẻ ác: Áp lực thi đua từ cấp trên; thầy cô lạm dụng quyền lực; và cuối cùng là trong hàng ngũ giáo viên vẫn còn những người có bản chất ác.

Ông Khoa đề nghị: “Cần phải có bộ môn ứng xử trong các trường sư phạm để dạy cho các giáo viên tương lai cách ứng xử và các quy phạm pháp luật, và tùy từng tình huống cư xử cho khôn khéo”.


Dự án chống ngập chục ngàn tỉ nhưng… càng chống càng ngập

Trang Infonet đặt câu hỏi: Không có giải pháp tối ưu cho vấn đề chống ngập tại TP.HCM? Thêm một hội thảo về chống ngập ở TP HCM vừa diễn ra ngày 5/12 chỉ để tốn thời gian, tiền bạc và các quan chức thừa nhận không có giải pháp chống ngập cho TP HCM. Dự án 10.000 tỉ, rồi hàng loạt “giải pháp” chục tỉ, trăm tỉ trước đó đều vô dụng trước cơn bão số 9 vừa đổ vào TP HCM.

Ông Lê Văn Thành, từ Viện nghiên cứu phát triển Thành phố cho rằng, tình trạng ngập nước của thành phố “do dân số quá đông, phát triển nhanh; cơ sở hạ tầng quá tải”. Một số trí thức “lề đảng” thật thà hơn thì thừa nhận rằng thành phố đã không còn vùng thoát nước.


Cập nhật tin Vũ “nhôm” và Ngân hàng Đông Á


Vụ bảo kê chợ Long Biên


***







No comments: