Thursday, December 13, 2018

BẢN TIN NGÀY 13/12/2018 (Báo Tiếng Dân)




13/12/2018

Tin Biển Đông

RFI đưa tin: Chiến hạm Canada phát hiện hành vi phá lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ngày 11/12/2018, hạm trưởng Blair Saltel của chiến hạm HMCS Calgary xác nhận, “khi hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, tàu của ông thường xuyên bị tàu Trung Quốc bám đuôi”.






“Củi” Trần Bắc Hà

Báo Thanh Niên đưa tin, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang tiến hành phong tỏa tài sản của gia đình ông Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang. Đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an, “các tài sản gồm tài sản sở hữu cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến gia đình của ông Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang đều bị phong tỏa, không cho sang nhượng để phục vụ công tác điều tra”, ngay cả các khối tài sản đã được chuyển nhượng cách đây 1 năm vẫn bị phong tỏa.

Ông Trần Bắc Hà bị phong tỏa 2 doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án và tài sản khủng trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong đó có một resort diện tích hàng chục ngàn mét vuông, nằm dọc bờ biển, ngay trung tâm TP Quy Nhơn. Tài sản của ông Trần Lục Lang ở Bình Định là một căn biệt thự tại khu biệt thự sang trọng, do vợ con ông ta đứng tên.

Cùng với việc phong tỏa tài sản, công an cũng khám xét nơi ở của ông Trần Bắc Hà tại Bình Định, theo báo Pháp Luật TP HCM. Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khám xét các nơi ở của ông Trần Bắc Hà ở TP Quy Nhơn và huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Trong đó có nơi ở và làm việc tại resort Hoàng Gia, TP Quy Nhơn; khu nhà cùng quần thể lưu niệm của gia đình ông Hà tại huyện Hoài Ân.


Vụ Phạm Công Danh và 6.100 tỉ

VOV đưa tin: TPHCM: Xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2. Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 12 đến ngày 25/12, xét xử Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng cùng các đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Phiên phúc thẩm mở theo yêu cầu của VKSND tối cao và yêu cầu của Phạm Công Danh về việc thu hồi tài sản thất thoát. Trước đó, tòa đã tuyên Phạm Công Danh tổng hình phạt 30 năm tù.

Trần Quí Thanh, người đứng đầu tập đoàn Tân Hiệp Phát, không đồng ý trả 194 tỷ đồng cho Phạm Công Danh, theo VnExpress. Số tiền 194 tỉ đồng có nguồn gốc từ tang vật vụ án, do Phạm Công Danh chuyển cho ông Trần Quí Thanh trước đó, được tòa án phán quyết phải trả lại cho ngân hàng Xây Dựng, nhưng ông Thanh không đồng ý trả.

Báo Đất Việt có bài: Nhiều ẩn số cần làm rõ trong vụ án Phạm Công Danh. Một trong các “ẩn số”: Trước khi mua Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh “vay hàng ngàn tỷ tại BIDV do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch. Sau khi làm Chủ tịch Ngân hàng, Phạm Công Danh lại tiếp tục vay tiền từ BIDV hàng ngàn tỷ khác để tăng vốn và trả nợ”. Các cơ quan điều tra, xét xử lần này sẽ làm rõ liệu cá nhân ông Danh có đủ sức rút ruột một loạt ngân hàng ở Việt Nam, hay còn có sự thông đồng và bảo kê từ các cấp lãnh đạo cao nhất.

Báo Tiền Phong đưa tin: Không trích xuất ông Trầm Bê trong phiên xử 6.100 tỷ đồng. Phiên phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh, HĐXX cho biết, sẽ không trích xuất ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch HĐQT SacomBank. Trước đó, ông Trầm Bê đã bị tuyên 4 năm tù giam. Giới bình luận chính trị Việt Nam vẫn thường nhắc đến Trầm Bê cùng với Trần Bắc Hà, hai nhân vật thân thuộc của “đồng chí X”.

Chúng tôi nhận được tin nhưng không có điều kiện kiểm chứng: Hiện “đồng chí X” gần như bị giam lỏng. Căn biệt thư số 91 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM, nơi “đồng chí X” đang sống, có một số an ninh luôn túc trực, đang canh gác ngày đêm.

Được biết, khi còn đương chức, tại căn biệt thự này của “đồng chí X” luôn có người ở bên trong chuồng cu canh gác, nhưng sau khi “đồng chí X” về vườn “làm người tử tế”, thì không thấy lính canh ở chuồng cu. Thời gian gần đây, lính canh đã xuất hiện trở lại bên trong căn biệt thự, nhưng họ không còn là lính của anh Ba nữa, mà là lính của bác Cả.

Thông tin chúng tôi nhận được là, có thể bác Cả sẽ không bắt “đồng chí X”, nhưng anh X phải nhận hết những tội lỗi mà mình đã gây ra trước kia, để bác Cả xử lý hết các đàn em của anh X, thu tiền về cho ngân khố đang trống rỗng. Bản thân anh X cũng đã nộp nhiều tỷ VND để “khắc phục hậu quả”.


Chiến dịch “đốt lò” và mâu thuẫn Bắc – Nam

VOV có bài: Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ hội để thay đổi. Bài viết là lời hồi đáp phát biểu Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong. Khoảng tuần trước, trong lúc lửa từ “lò” của Tổng – Chủ Trọng ở miền Nam bắt đầu nóng, ông Phong lại nói: “Tình hình an ninh chính trị và các cuộc thanh tra, điều tra, truy tố cũng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố”.

Bài viết đặt câu hỏi: “Nếu thành phố phát triển năng động trên bề nổi trong khi các vụ ‘siêu’ tiêu cực, tham nhũng khuất lấp phía dưới thì có khác gì xây nhà cao tầng không có móng?” Một số bài tương tự có tính chất “đánh tiếng”, báo hiệu đợt thanh trừng nhắm vào các “đồng chí” miền Nam, vẫn còn tiếp diễn.


Gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng được hưởng án treo
Báo Pháp Luật TP HCM khẳng định: Tòa sai khi cho cựu phó thống đốc hưởng án treo. LS Trịnh Văn Hiệp cho biết: “HĐXX tách hai bị cáo trên 60 tuổi để cho hưởng án treo là không đúng quy định. Luật Người cao tuổi cũng không có quy định nào nói về việc người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên hưởng án treo”.

Cùng quan điểm, trên báo Gia Đình và Xã hội có bài: Luật sư lên tiếng chuyện ông Đặng Thanh Bình hưởng án treo nhờ… “cao tuổi”. LS Đặng Văn Cường khẳng định, “theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành thì “người cao tuổi” (người từ 60 tuổi trở lên nhưng chưa tới 70 tuổi) không phải là đối tượng được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự quy định chỉ có “người già” (người từ 70 tuổi trở lên) mà phạm tội thì mới được xem xét giảm một phần trách nhiệm hình sự”.

Việc tòa chuyển án từ 3 năm tù giam thành 3 năm tù treo, cho thấy, tòa án xem thường người dân, xem thường pháp luật, cố tình bao che cho cán bộ cao cấp. 15.000 tỷ thất thoát và bản án treo, thay vì bản án tù, cho thấy rõ bản chất của tòa án cộng sản, chỉ xử dân, bao che cán bộ.


Kinh tế bất ổn, ngân sách lâm nguy

Ngân hàng Thế giới có báo cáo dài 56 trang: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Báo cáo cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá khoảng 60 tỷ Mỹ kim mỗi năm, trong khi xuất siêu sang Mỹ khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Xem ảnh: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/12/H2-27-916x420.png

VOA dẫn lời chuyên gia đánh giá: 70% ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên là ‘quá cao’“Chi ngân sách nhà nước của Việt Nam trong 11 tháng vừa qua của năm nay vượt trên 1,21 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 54,5 tỷ đô la), theo báo chí trong nước”. 20% trong số này chi cho đầu tư, có đến 70% chi nuôi bộ máy, phần còn lại trả lãi nợ, nợ gốc vẫn còn yên đó, trông chờ vào vay đáo hạn. Với con số trên, ngân sách Việt Nam đang rất căng thẳng, nợ công tăng nhanh và không còn tiền để đầu tư phát triển.

Ngân sách trống rỗng, không có tiền chi cho đầu tư, người dân còn phải gánh thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Báo Dân Việt có bài: “Bom nợ” Đạm Ninh Bình và chuyện Vinachem “còng lưng” gánh nợ. Sau thời gian dài gánh nợ cho Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ, Vinachem đã không còn khả năng trả nợ các khoản vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong năm 2018 với số tiền lên tới 473,2 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, Đạm Ninh Bình có số lỗ lũy kế 3.197 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng, ngập trong nợ. Không chỉ các công ty còn, mà ngay cả Tập đoàn hóa chất Việt Nam cũng lâm nguy, để lại món nợ khổng lồ cho nhân dân trả.

Ngân sách thiếu thốn nhưng Quảng Bình xây tượng đài Bác Hồ gần 79 tỷ đồng, theo báo Dân Trí. Những công trình tượng đài khổng lồ, nguy nga nhưng vô nghĩa, chỉ càng góp phần tăng số người nghèo đói ở Việt Nam. Khi đói, người dân không thể chỉ nhìn vào tượng ông Hồ mà hết đói.


“Vặt lông vịt”

Báo Thanh Niên đưa tin: Hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá từ ngày 15.12. Theo đó, mức giá tăng trung bình 3,2%, trong đó giá khám bệnh ngày giường tăng bình quân 11%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%. Bộ Y tế viện lý do lương cơ bản tăng để tăng giá dịch vụ y tế, dù chất lượng khám chữa bệnh ở Việt Nam quá tệ, cơ sở vật chất thiếu thốn, tay nghề và y đức của bác sĩ ở mức rất thấp.

Bình luận về dự thảo Thuế Tài sản, báo Tuổi Trẻ có bài: Nếu nhà 700 triệu bị đánh thuế, số người phải nộp thuế rất lớn.  Nếu áp mức thuế nhà ở có giá trị từ 700 triệu trở lên, sẽ có khoảng 8% tỉ lệ hộ gia đình phải nộp thuế, con số này được đánh giá là rất cao. Các chuyên gia cho rằng, dự thảo thuế tài sản là “mong lung”, chưa rõ mục đích. Chỉ nên đánh thuế nhà ở giá trị trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh hàng ngàn thứ thuế trên vai, việc đánh thuế với nhà ở giá trị chỉ 700 triệu càng thêm gánh nặng cho người dân, vốn đã bần cùng dưới chế độ cộng sản.

Báo Dân Trí dẫn lời một số chuyên gia: Bộ Tài chính đừng tham vọng đánh thuế tài sản với ô tô, tàu thuyền. TS Vũ Sỹ Cường nhận định: “Nếu đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ô tô là phi lý vì những tài sản này mất giá theo thời gian”. TS Nguyễn Việt Cường cảnh báo: “Nếu mức đóng thuế từ 2-5 triệu đồng/năm thì khả năng chi tiêu của người dân giảm đi”. TS Nguyễn Đức Thành nói: “Không nên dễ dãi đưa ra một luật thuế vì phải xác định rõ ràng việc đánh thuế tài sản này là để điều chỉnh hành vi hay tăng thu cho địa phương?”

Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế ngày càng bất ổn, ngân sách và các quỹ gần tới giới hạn, mâu thuẫn nội bộ ngày càng trầm trọng, mà các lãnh đạo CSVN vẫn “quyết tâm” giữ chế độ, thì họ buộc phải tăng thuế, “tận thu” để duy trì thể chế, phá nhiều hơn xây.


Cán bộ sai phạm

VnExpress đưa tin: Ba cựu cán bộ trại giam hầu tòa vì đánh phạm nhân tử vong. Châu Minh Nhựt, Nguyễn Phước Thuận cùng Nguyễn Minh Huân đánh chết phạm nhân Lại Quốc Huy với lý do bỏ lao động. Mặc dù Lại Quốc Huy vùng vẫy nhưng 3 tay cán bộ vẫn đánh, rồi còng tay vào vách, cho đến khi phạm nhân 17 tuổi chết.

Với tội giết người, 3 cán bộ trên được tòa sơ thẩm tuyên án 2 năm đến 3,5 năm tù. Phiên phúc thẩm đang xử, có thể để chạy tội. Bình luận dưới bài viết, tất cả người đọc đều tỏ ra bất ngờ. Với hành vi giết người có tổ chức, các cán bộ được tuyên án như không.

Báo Người Lao Động đưa tin: Chủ tịch thị trấn bị quay clip khi vào nhà nghỉ cùng người phụ nữ. Ông Dương X.H, chủ tịch UBND thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bị người dân khống chế, quay clip khi bắt gặp ông cùng với một người phụ nữ tại một nhà nghỉ trong địa bàn huyện. Chính quyền Huyện cho biết “đang xác minh”. Vào nhà nghỉ là hoàn toàn bình thường, nhưng hai người đàn ông và phụ nữ trong clip được xác định đã có gia đình. Điều đó cho thấy đạo đức cá nhân, nhất là của giới quan chức, không còn.


Tin nhân quyền

BBC đưa tin: Giới ngoại giao nước ngoài đọc tuyên ngôn nhân quyền LHQ ở Hà Nội. Theo đó, 21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã “đọc bản tuyên ngôn nhân quyền vào ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12/2018”.

Trên trang Facebook cá nhân, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink kêu gọi mọi người cùng chia sẻ video được đưa lên cùng ngày “để cùng chúng tôi tôn vinh các quyền phổ quát, vĩnh cửu và không thể tách rời”. Mời xem clip: https://www.facebook.com/usambassador.vietnam/videos

Bà Caít Morgan, Đại sứ Cộng hòa Ireland đọc: “Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm”. Tuy nhiên, đó lại chính là những hành vi mà các tay an ninh, công an thường xuyên thực hiện khi đàn áp những người đấu tranh ôn hòa.
VOA đưa tin: Việt Nam sẽ gắn chíp điện tử vào hộ chiếu công dân. Theo dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam mới được đưa ra, Bộ Công an đề xuất “việc gắn chíp điện tử vào hộ chiếu để lưu trữ thông tin sinh trắc học đặc trưng của người được cấp”. Có lẽ lãnh đạo CSVN đang học tập và làm theo “bạn vàng 4 tốt” để kiểm soát dân chúng.
Xin được nhắc lại, chế độ phát xít Đức ngày xưa đã từng cố gắng kiểm soát công dân của họ đến mức tối đa, chế độ toàn trị ở Việt Nam ngày nay, ngoài việc học hỏi theo Tàu, họ còn học theo “con đường” của Đức Quốc xã. Kết quả ra sao, hãy nhìn vào kết cục của chế độ phát xít Đức sẽ rõ hơn.


Mua bán bào thai, nội tạng

VOV có bài: Giám đốc công an tỉnh Nghệ An cảnh báo nạn mua bán bào thai. Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nói: “Khi bắt giữ, chúng tôi chỉ có thể xử lý hành vi bán người, còn bán con không xử lý được”. Vậy, theo ông đại tá thì “con cái” không phải là con người?

Xuất hiện tình trạng buôn bán nam giới, bào thai, đẻ thuê…, theo VOV. Quan chức công an cho rằng nguyên nhân của vấn nạn là “tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết, nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt”. Đây chính là kết quả của một nền “kinh tế thị trường” méo mó, đề cao tính đảng hơn đạo đức con người.


Báo chí và “quy tắc ứng xử”

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử: Công chức dùng ảnh, tên thật trên mạng xã hội. Theo dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cơ quan Nhà nước phải “công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân chịu trách nhiệm trước những thông tin được đăng tải và cá nhân có trách nhiệm trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên trang mạng xã hội”.  

TS Chu Mộng Long viết: Hoan hô Bộ Truyền thông, nhưng áp dụng cho báo chí chính thống đã. Ông Long đặt câu hỏi: “Sự thật, những bút danh như Trần Dân Tiên, NVL (thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) và vân vân sau gần cả thế kỷ vẫn bí ẩn. Những bài báo chống các thế lực thù địch, phản động khó có thể xác minh tên thật của người viết là vì sao?” Những lãnh đạo cấp cao không công khai danh tính khi tuyên truyền thì sao làm gương cho dân?


***







No comments: