An Chi – TheLEADERT
08:05, 21/12/2018
Theo
TS. Vũ Sỹ Cường, hoạt động thương mại xuyên biên giới đang đặt ra rất nhiều
thách thức đối với các cơ quan thuế. Nếu không thể đánh thuế hoặc đánh thuế
không đầy đủ những doanh nghiệp này sẽ gây thất thu lớn ngân sách và tạo môi
trường cạnh tranh thiếu công bằng với các doanh nghiệp trong nước.
TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính
Chỉ cần nhấn like, bình luận về một bộ quần áo, món
ăn hay một điểm đến du lịch nào đó trên Facebook, ngay lập tức ứng dụng này sẽ
chọn lọc và hiển thị hàng loạt những sản phẩm, gợi ý mua hàng tương tự để người
dùng chọn lựa.
Chính vì sự quá nhanh nhạy trong việc nắm bắt hành
vi của khách hàng, nhiều người còn nói đùa với nhau rằng, Facebook, Google
thậm chí còn "hiểu" họ hơn chính vợ, chồng hay người thân của họ.
Để làm được điều "kỳ diệu" này, Facebook
đã "theo dõi" người dùng, đọc các hoạt động trong group, fanpage, từ
đó định hình sở thích, nhu cầu của khách hàng và sử dụng nó cho các đơn vị kinh
doanh, nhằm đưa sản phẩm đến đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao nhất.
Tại Việt Nam, số lượng tài khoản sử dụng
Facebook, Google đã đạt hơn 100 triệu, trong đó, Facebook đạt
khoảng 70 triệu và Google đạt gần 40 triệu tài khoản.
Đáng nói, thị trường trên internet của Việt Nam hầu
như đang nằm hoàn toàn trong tay các công ty nước ngoài. Mạng xã hội nước ngoài
chiếm 95%, các công cụ tìm kiếm 98%; thương mại điện tử 80%.
Bao trùm lên tất cả các lĩnh vực trên là số tiền
"khổng lồ" thu được từ quảng cáo. Theo thống kê sơ bộ, hiện tiền quảng
cáo các công ty nước ngoài điển hình là Facebook và YouTube chiếm tới 80% thị
phần. Riêng số tiền quảng cáo mà hai công ty Facebook và YouTube năm 2017 thu
được là 320 triệu USD.
Tuy nhiên, những khoản thuế từ doanh thu quảng cáo
nói trên đều không thu được. Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh
Hùng từng khẳng định rằng, các mạng xã hội nước ngoài sang Việt Nam làm giàu,
hưởng nhiều lợi ích ở Việt Nam nhưng chưa tuân thủ pháp luật, chưa đóng thuế đầy
đủ. Tình trạng này đã kéo dài và không thể để tiếp tục tồn tại.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, TS. Vũ Sỹ Cường,
Học viện Tài chính cho rằng, trong bối cảnh thương mại xuyên biên giới ngày
càng nở rộ, đang tồn tồn tại một thực tế là các doanh nghiệp công nghệ tạo ra
doanh thu trên lãnh thổ một quốc gia nhưng lại không phải nộp thuế tại quốc gia
đó.
"Đây là sự thay đổi rất lớn trong xã hội, bởi
trước đây, chúng ta chỉ nghĩ rằng đánh thuế đối với những thứ hiện hữu, song hiện
có những thứ không hiện hữu nhưng lại rất có giá trị. Điển hình như thông tin,
giá trị được tạo ra bởi người sử dụng", ông Cường cho hay.
Chính bản thân Facebook cũng đang sử dụng thông tin
mà người dùng khai báo để khai thác, mang lại lợi nhuận bằng việc bán thông tin
đó cho các đơn vị quảng cáo.
Chia sẻ tại Tọa đàm "Đánh thuế thế nào
đối với các hoạt động thương mại và dịch vụ xuyên biên giới", vị
chuyên gia này cho rằng: "Câu chuyện ở đây là Facebook ở tận Mỹ nhưng lại
thu lợi nhuận từ những người Việt Nam, thông qua đại lý tại Việt Nam. Trong khi
đó, cách đánh thuế thông thường như trước đây chỉ quy định đánh thuế dựa trên các
hàng hoá hữu dụng, hữu hình. Nếu hàng hoá đó được chuyển qua các quốc gia thì
đánh thuế thông qua thuế xuất nhập khẩu".
Như vậy, vấn đề đặt ra là hàng hoá mà Facebook phân
phối qua các quốc gia là thông tin, thông tin được phân phối qua internet thì
đánh thuế như thế nào khi không có cơ quan hải quan nào có thể kiểm soát được?
Bên cạnh đó, bản chất của thuế là đánh thuế theo đơn
vị lưu trú, hàng hoá hữu dụng, trong khi đó, Facebook, Google không có đơn vị
lưu trú tại Việt Nam và hàng hoá hữu dụng thì đánh thuế trên cở sở nào?
Theo ông Cường, hoạt động thương mại xuyên biên giới
đang tồn tại những thách thức lớn không chỉ đối với Chính phủ Việt Nam mà còn
là vấn đề nan giải chung của cả thế giới. Trong đó, đáng chú ý là hai thách thức
cơ bản.
Thách thức thứ nhất là xác định giá trị đánh
thuế của các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Đối với những sản
phẩm hữu hình, việc xác định giá trị này rất đơn giản bởi nó có chi phí sản xuất,
song hàng hoá vô hình như thông tin lại hoàn toàn khác, để tính toán được con số
cụ thể vẫn đang là câu hỏi lớn.
Liệu có thể xác định dựa trên giá trị người dùng là
bao nhiêu không, ví dụ mạng xã hội có 100.000 người dùng khác mạng xã hội một
triệu người dùng, hay Youtube có 500 người like với một triệu like. Trong khi
đó, muốn đánh thuế, trước hết phải xác định được giá trị của sản phẩm.
Thách thức thứ hai là đối tượng đánh thuế.
Theo ông Cường, rõ ràng không thể đánh thuế người dùng bởi như vậy sẽ cản trở
người dùng, càng không thể đánh thuế Facebook hay Google vì các công ty này
không ở Việt Nam.
Một cách khác là đánh thuế đại diện các công ty này
tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng gây tranh cãi vì các doanh nghiệp này
cho rằng, họ chỉ thu hộ các công ty chủ tại nước ngoài.
Hơn nữa, theo cách đánh thuế hàng hoá thông thường,
VAT hàng xuất khẩu bằng 0, trong khi đó, thông tin của người dùng tại Việt Nam
xuất ra nước ngoài cho các doanh nghiệp đó khai thác, nhưng bán dịch vụ cho quảng
cáo thì lại là các đại lý ở trong nước. Do đó, để tính toán được ai là đối tượng
chịu thế và mức thuế như thế nào là điều không đơn giản.
Lấy dẫn chứng cho điều này, ông Cường chỉ ra câu
chuyện của Vinasun và Grap. Theo đó, nếu Grap bị đánh thuế như taxi thông thường
10% VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp thì không hợp lý bởi bản thân Grap
không cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà từng cá nhân lái xe cung cấp dịch dụ.
Trong khi đó, theo Luật Thuế quy định VAT trên hộ gia đình chỉ chịu mức thuế
khoán.
Về vấn đề bảo hiểm xã hội cho người lao động, Grap
không sử dụng hợp đồng thuê mướn lao động giữa hai bên (doanh nghiệp và người
lao động) như Vinasun, vì thế không có căn cứ để bắt công ty này đóng bảo hiểm
xã hội. Mặt khác, Grap ở Singapore, vậy thu thuế doanh nghiệp như thế nào?
"Trong khi đó, không thu được thuế thì nhà nước
thất thu ngân sách, người lao động không được đóng bảo hiểm thì bị thiệt, nhưng
nếu bắt họ thực hiện thì không biết dựa trên căn cứ nào và tính ra sao",
ông Cường chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp
trong nước có pháp nhân, phải nộp thuế thu nhập, nếu không thể thu thuế hoặc
đánh thuế không đầy đủ những doanh nghiệp có hoạt động thương mại xuyên biên giới
sẽ tạo môi trường cạnh tranh không công bằng.
Các hoạt động thương mại xuyên biên giới đang đặt ra
rất nhiều những thách thức cho các cơ quan thuế. Đó là sự thay đổi cơ bản về
cách thức xác định giá trị, đối tượng chịu thuế, đối tượng đánh thuế. Để đánh
thuế đối với các doanh nghiệp này cần có sự nghiên cữu thật kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, Ông Cường cũng cho rằng, có những xu thế
không thể chống lại, Việt Nam không phải là nước duy nhất đang gặp tình trạng
này. Đơn cử như khi Netflix vào, không chỉ truyền hình, rạp chiếu phim ra đi
cũng là bình thường.
Hơn nữa, việc đưa ra hành lang pháp lý để đánh thuế
những ông lớn như Facebook, Google sẽ rất khó khăn vì nếu làm mạnh, họ sẵn sàng
từ bỏ thị trường Việt Nam nếu cân bằng giữa chi phí và lợi nhuận không hấp dẫn,
khi đó, Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được.
No comments:
Post a Comment