Monday, April 9, 2018

BẢN TIN SÁNG 9-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Khi tàu sân bay Liêu Ninh tập trận. Bài viết phân tích: “Vai trò chính của tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay chủ yếu là đáp ứng nhu cầu huấn luyện, thậm chí là nền tảng thực hành tổng thể tác chiến hải – lục – không quân”

Bên cạnh đó, sự kiện tàu sân bay Liêu Ninh và hàng chục tàu chiến đến tập trận ở Biển Đông “còn mang ý nghĩa đối nội khi giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện quyền kiểm soát quân đội giữa những diễn biến chính trị hiện tại”.

Tương lai tăm tối
Báo Lao Động có bài: Tàu đánh bắt xa bờ nằm bờ, 83 loài hải sản tuyệt tích!  Cá tiếp tục chết, ngư dân vẫn kiệt quệ: “Cá chết dạt bờ suốt dọc 5km bờ biển các xã Triệu An, Triệu Vân của huyện Triệu Phong và Gio Hải, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Cơ quan chức năng hầu như chỉ nhìn thấy thủ phạm ngư dân… Nhưng còn có rất nhiều nguyên nhân khác cũng nguy hiểm không kém. Và còn là việc các con tàu sắt hoặc đang nằm bờ”.

“Rừng vàng” đã hết, “biển bạc” cũng không còn. Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa miền Tây đang phải chống chọi vớingập lụt và hạn mặn, nông dân ở đây nay phải loay hoay kiếm sống. Nông dân bị mất đất canh tác, ngư dân bị mất ngư trường vì ô nhiễm… Tương lai tăm tối đang chờ người dân ở phía trước.

Hậu Formosa, hai năm sau
UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cố tình… trích hơn 100 triệu tiền đền bù sự cố Formosa đi du lịch, theo trang VietNamNet. Bài viết lưu ý: Cả 9 thôn ở xã này đều chịu thiệt hại nặng sau thảm họa môi trường biển miền Trung năm 2016 do Formosa gây ra, có 7.322 trường hợp được phê duyệt đền bù.

UBND xã Cảnh Dương đã dùng hơn 50 triệu trong số tiền hỗ trợ ngư dân để… trang trí cổng làng, sửa máy photocopy, rồi dành hơn 100 triệu để… cho cán bộ đi du lịch. Họ “xà xẻo” không chừa một thứ gì, kể cả số tiền đền bù, nếu ngư nhân nhận đủ, vẫn không đủ bù đắp thiệt hại cho ngư dân.

Cả 9 thôn ở xã Cảnh Dương bị thiệt hại rất nặng nề sau sự cố Formosa. Ảnh: VNN

Trang An Ninh Tiền Tệ đặt câu hỏi vụ xã định ‘ém’ tiền hỗ trợ của Formosa đi du lịch: Chủ tịch huyện nói gì? Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, biện minh: “Đây là tiền hỗ trợ các cán bộ thôn, xã phục vụ công tác thống kê, thẩm định chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển chứ không phải tiền hỗ trợ ngư dân”.

Trong khi đó, ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, đã thừa nhận sai phạm: “Nếu làm theo phương án cũ thì trích lại một phần tiền của anh em khoảng hơn 100 triệu để đi du lịch…Vừa rồi dịp tết cũng chi 55 triệu để làm cái bảng cổng làng văn hóa cũng trích nguồn từ đó”.

Báo Người Đưa Tin có bài: Sự thật về thông tin cá chết tại âu thuyền TX.Kỳ Anh. Nguyên nhân cá chết, “lực lượng chức năng xác định, số lượng cá chết tại khu vực là những loại cá nhỏ, trong quá trình ngư dân rũ lưới sau khi đánh bắt đã rơi xuống biển rồi dạt vào bờ; số lượng khoảng 3kg“.


Người Trung Quốc ở Việt Nam
Trang Zing đưa tin: Người Việt bị từ chối phục vụ ở ‘phố Tàu, nước Nga’ giữa Nha Trang. Phóng viên của Zing xác nhận: Nhân viên các cửa hàng bán đồ thủ công, mỹ nghệ, các văn phòng dịch vụ du lịch không những tỏ ra rất khó chịu khi phải… tiếp đón người Việt, mà không ít người còn nói thẳng là chỉ phục vụ khách Trung Quốc, khách Nga!

Khi PV Zing đến một khách sạn, nhân viên lễ tân nói: “Khách sạn này chỉ tiếp khách Trung Quốc”, một chủ homestay khác trả lời: “Dịch vụ của tôi chỉ phục vụ người nước ngoài, không tiếp người Việt nên không cần thiết phải ghi tiếng Việt”.

Song song với cuộc xâm lăng bằng vũ lực trên Biển Đông, cuộc xâm lăng ngầm mang tính dân sự vẫn đang diễn ra ngay trong các “phố Tàu” ở Việt Nam. Điều bi kịch nhất là không ít người Việt Nam sẵn sàng tiếp tay cho cuộc xâm lăng văn hóa này.


Về chiến dịch “đốt lò”
Báo BBC đặt câu hỏi về chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng ‘đốt lò’: Mạng xã hội nói gì? Một độc giả “góp ý cùng ông TBT Nguyễn Phú Trọng: Điều mà toàn dân VN hiện nay quan tâm là con thuyền CSVN không có người lái và không có bến đỗ. Dân VN bị tàu Trung Cộng đâm chìm biết bao nhiêu chiếc mà không thấy TBT nói một câu nào để ngăn chặn, để tố cáo trước quốc tế”.

Một độc giả bình luận: “Chế độ Liên Xô sụp đổ, Đông Âu tan rã đã làm mất đi phân nửa niềm tin vào CNXH của ba triệu Đảng viên CSVN. Phân nửa còn lại tưởng rằng ông Thủ tướng Khải sẽ giữ gìn lấy nó, lấy lại niềm tin cho Đảng, không ngờ hai Thủ tướng sau này là ông Dũng và ông Phúc làm mất sạch”.

Biếm họa của báo Tuổi Trẻ Cười về chuyện củi lửa.

“Công bộc” của dân
Công an bắt quả tang phó phòng Cục thuế Quảng Ninh nhận hối lộ vào tối 5/4/2018, theo báo Người Lao Động. Ông Lê Quốc Hùng, Phó trưởng phòng tuyên truyền và hỗ trợ thuế, Cục thuế tỉnh Quảng Ninh, đã bị bắt quả tang khi “đang nhận tiền của một doanh nghiệp tại một quán cà phê trên địa bàn TP Hạ Long”.

Bài báo cho biết: Trước đó, ông Hùng “khi tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp đã phát hiện dấu hiệu vi phạm của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Hạ Long”. Ông Hùng đề nghị doanh nghiệp này “chung chi” để ông bỏ qua sai phạm.


“Quản lý” đất công
Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định phục hồi điều tra vụ án “biếu không” 700ha đất công cho tư nhân” ở Bình Dương, theo báo Lao Động. Bộ Công an đã ủy bỏ quyết định“tạm đình chỉ điều tra vụ án” ngày 16/7/2015, đồng thời tiến hành phục hồi điều tra vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Các bị can Cao Minh Huệ, cựu Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương, Đỗ Văn Sâm cựu cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Bến Cát và Phan Văn Trung, cựu Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bến Cát đã giúp hợp thức hóa vụ “biếu không” 658ha đất công cho tư nhân.


Vụ cây khủng của tướng công an
Báo Đất Việt đặt câu hỏi về vụ cây quái thú bên đường: Chiêu đơn giản qua mặt CSGT? Các tài xế khai rằng họ “phải di chuyển vào ban đêm để tránh công an và lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ”. Trong lúc vận chuyển, họ “dò đường” bằng cách sử dụng tín hiệu “nháy đèn” để “thăm dò tình hình chốt chặn của lực lượng CSGT phía trước”.

Tuy nhiên, chừng ấy thủ thuật có thật sự đủ để đoàn xe này vượt qua khoảng chục trạm kiểm soát của 7 tỉnh, theo như phân tích trong bài lẽ nào xe chở cây “quái thú” có thuật tàng hình? trên báo Công Lý ngày 6/4/2018? Thậm chí, chiếc xe chở cây khủng tới được thủ đô đã vượt qua… ít nhất 20 trạm kiểm soát giao thông. Ngay cả các chuyến xe chở hàng lậu với những thủ đoạn tinh vi, chấp nhận đi đường rừng, cũng chưa chắc làm được như vậy.

Trang An Ninh Tiền Tệ có bài: Xác minh hồ sơ 3 cây ‘quái thú’: Kiểm tra trách nhiệm Phó Chủ tịch xã ‘ký bừa’. Theo đó, UBND Krông Năng đã tiến hành điều tra, xác minh thông tin “Phó chủ tịch xã Ea Hồ ký xác nhận vào hồ sơ xin khai thác, vận chuyển cây đa sộp cổ thụ trên địa bàn”. Bà Phan Thị Diệu Trang, Chánh văn phòng UBND huyện Krông Năng, khẳng định: “Qua kiểm tra từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn xã Ea Hồ không khai thác cây đa cổ thụ nào”.


Lâm tặc lộng hành
Cơ quan Kiểm lâm tỉnh Phú Yên chuyển công an điều tra vụ tận thu gỗ rừng trồng trái quy định, theo báo Nông Nghiệp Việt Nam. Sau cơn bão số 12 đầu tháng 11/2017, rừng phòng hộ Tây Hòa bị thiệt hại hơn 97 ha. UBND tỉnh Phú Yên đã xin Tổng cục Lâm nghiệp cho phép khai thác khu rừng này. Kết quả là có gần 500 cây gỗ bị đốn hạ trái quy định. “Nhân tai” đã làm được điều mà trước đó thiên tai không làm được.

Đến cả cán bộ cũng kiêm thêm nghề … lâm tặc. Ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu: Cả chục cây xà cừ của dân bị cán bộ xã ‘xẻ thịt, chia nhau xài’. Ông Lục Văn Nghị, ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, đã gửi đơn tố cáo, các cán bộ xã Lộc Ninh đã lợi dụng chuyện nâng cấp đường “để đốn hạ 7 cây gỗ xà cừ trên phần đất của ông và của người dân lân cận chia nhau sử dụng vào mục đích cá nhân”.

Trang Môi Trường và Đô Thị đưa tin: Thừa Thiên Huế: Gian nan công tác bảo vệ rừng tại Phong Điền. Một người dân địa phương cho biết: Lâm tặc chặt phá những thân cây lớn ở sâu trong rừng rồi “thả nhiều khúc gỗ tròn, gỗ đã cưa xẻ được thả từ đỉnh đồi xuống theo các khe suối. Số gỗ này bao gồm các loại dổi, dạ chồn, sến đỏ… Những người phá rừng sau đó chất gỗ lên ô tô rồi chuyển về Phong Điền hoặc chuyển ngược lên A Lưới vào ban đêm”.

Về vụ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhân viên kiểm lâm ký cam kết không tiếp tay cho lâm tặc, báo Người Lao Động có bài: Phận sự phải làm, sao lại cam kết! Một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam bình luận: “Nếu phát hiện kiểm lâm tiếp tay, bao che cho lâm tặc thì bắt phạt tù vì luật đã có những quy định cụ thể rồi, cam kết thì có tác dụng gì. Làm như vậy sẽ tạo ra suy nghĩ lâu nay lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay, bao che cho lâm tặc”.


Cát tặc hoành hành
Trang VietNamNet đưa tin: Cả làng bất lực nhìn hàng chục tàu rút ruột sông Lam. Ông Trần Ngọc Vinh, đại diện các hộ dân ở xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, cho biết: Mỗi ngày có khoảng 30 tàu đến khai thác cát trên sông Lam, mỗi tàu hút khoảng 100m3 cát. “Bình quân mỗi ngày khoảng 3.000m3 cát dưới sông bị hút lên”.

Một người dân đặt câu hỏi: “Ai cấp phép để khai thác cát sỏi hai bên bờ sông với những đống cát khổng lồ? Tiếng động cơ tàu máy lớn gầm rú khiến chúng tôi hết sức bất bình. Công trường hút cát tập kết sát khu dân cư, đêm hôm ầm ĩ, cuộc sống người dân không được yên”.


Môi trường bị tàn phá
Bài thứ 7 trong loạt bài trên báo Môi Trường và Cuộc Sống về các bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông ở xã Tri Phương, huyện Tiên Du, Bắc Ninh: Bến bãi tập kết vật kiệu xây dựng, trạm trộn bê tông trái phép hoạt động “thách thức” pháp luật, chính quyền có làm ngơ?

Mặc dù UBND tỉnh Bắc Ninh đã “cấm khai thác, hoạt động tập kết cát, sỏi lòng sông và phải giải tỏa toàn bộ các trạm trộn bê tông, vật liệu xây dựng trái phép” tại xã này, nhưng các bãi, trạm này vẫn tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường. Bài viết lưu ý: “Để cho các trạm trộn bê tông và các công ty trái phép này hoạt động lớn mạnh như vậy là nhờ chính quyền nơi đây ngang nhiên cho lắp đặt thêm những trạm biến áp sát nhà dân xóm 3, thôn Cao Đình”.

Về chuyện Bộ Tài chính lấy lý do “môi trường” để tăng thuế, trong khi môi trường ngày càng ô nhiễm, báo Dân Trí có bài: Lý giải “ngược” của Bộ Tài chính về giảm thuế môi trường với xăng E5. Trước đề xuất về mức thuế bảo vệ môi trường có tính “ưu đãi” dành cho xăng sinh học E5, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng, Bộ Tài chính giải thích, “nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung sẽ… giải quyết được vấn đề này”.


Giáo dục: Đầy rẫy sai phạm
Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Xã hội đang sao nhỉ, con người tại sao lại vậy? Bài viết bàn về hiện tượng tha hóa đạo đức trong xã hội Việt Nam càng lúc càng trầm trọng: Từ vụ giáo viên bạo hành học sinh cả về thể xác lẫn tinh thần, chuyện “cô phạt, bắt trò quỳ thì bố trò đến bắt cô quỳ. Trò đánh thầy, đâm thủng bụng thầy để trả thù. Phụ huynh  vào hẳn trường học hành hung giáo viên”, đến chuyện “lạm phát” học hàm.

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Đâu rồi, lòng trung thực? Ở xã hội Việt Nam, lòng trung thực đã chết từ lâu rồi, nên sự tha hóa càng lan rộng, nữ sinh dũng cảm phản ánh chuyện giáo viên “quyền lực” không giảng bài suốt nhiều tháng, để cuối cùng phải chuyển trường do không chịu nổi áp lực từ chính trường cũ.

Trang VietNamNet có bài: Hoá giải mặt trái của thứ giáo dục “cá ăn kiến, kiến ăn cá”. Câu “cá ăn kiến, kiến ăn cá” được dùng để chỉ hiện tượng phụ huynh liên tiếp bạo hành giáo viên theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”. Như vụ ông Võ Hòa Thuận bắt cô giáo Nhung quỳ xin lỗi, vụ bà Phan Thị Nghĩa hành hung cô giáo đang mang thai, vụ “một phụ huynh đã tấn công một giáo viên dạy thể dục đến mức phải nhập viện” ở Nghệ An.

Trang Zing bàn về vụ cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng: ‘Sản phẩm lỗi’ của trường sư phạm. TS Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng, các trường hợp như cô giáo Hương là “sản phẩm lỗi” của các trường sư phạm và “hy vọng các nhà giáo không dùng những lý do như áp lực cuộc sống, lương thấp, học trò nghịch để biện giải cho việc mình mất kiên nhẫn, thậm chí đối xử thô bạo với các em”.



Cháy nổ ở VN: Hỏa hoạn hay nhân tai?
Vụ cháy xảy ra vào tối 7/4/2018, khiến lực lượng bảo vệ rừng phải thức trắng đêm cứu rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, theo trang Đại Đoàn Kết. Ông Võ Hữu Phương, Phó Giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết: Đến rạng sáng ngày 8/4/2018,  khoảng 4h sáng cùng ngày, vụ cháy mới được không chế. “Vẫn chưa có thống kê thiệt hại, tuy nhiên, khoảng hàng chục ha rừng đã bị ngọn lửa thiêu rụi”.

Vụ cháy xảy ở trường tiểu học Đằng Hải, TP Hải Phòng: Đốt rác gây cháy phòng học, theo báo Công An Nhân Dân. Ông Lương Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Đằng Hải cho biết: “Đám cháy xuất phát từ một đống rác trong khuôn viên nhà trường, sau đó bén vào đường dây và hệ thống điện của trường gây chập điện dẫn đến cháy một số phòng học”. Nếu vụ cháy không phải xảy ra vào Chủ Nhật thì không biết hậu quả thế nào.

Vắng luật pháp, luật rừng lên ngôi
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bắt nghi phạm chém lìa đầu nạn nhân, chém luôn công an. Bài báo cho biết: Lúc xông vào nhà của nghi phạm chém lìa đầu người khác để bắt giữ người này, trung tá Phạm Văn Minh, trưởng công an phường 3, TP Sa Đéc bị chém đứt lìa 2 ngón tay.


***
Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Về cuộc chiến thương mại, với Trump đó chỉ là trò chơi. Hôm 8/4 ông Trump tweet rằng, ông ta và Tập Cận Bình mãi mãi vẫn là bạn bè, dù có tranh cãi về thương mại. Và rằng Trung Quốc sẽ tháo bỏ những rào cản thương mại, rồi chuyện thuế má sẽ đảo ngược và hai nước sẽ đạt được thỏa thuận về sở hữu trí tuệ. Tương lai sáng lạn cho cả hai nước! Cũng giống như TT Nga Putin, ông Trump vẫn coi chủ tịch Trung Quốc là ‘bạn’.

Tòa tháp Trump ở New York bị cháy, một người chết, 6 người bị thương. Trump khoe khoang trên Twitter rằng, tòa tháp của mình chịu đựng được lửa, nhưng ông ta im lặng về người đàn ông chết cháy trong vụ hỏa hoạn này. Theo Washington Post, người đàn ông chết cháy đó là Todd Brassner, 67 tuổi, sống ở khu 50C. Những người bị thương đều là lính chữa lửa.


Cựu Tổng thống Brazil đi tù
Cựu Tổng thống thứ 35 của Brazil, ông Luiz Inácio Lula da Silva, còn được gọi là Lula, làm tổng thống từ năm 2003-2011. Tháng 7/2017, Lula bị kết án 9 năm rưỡi tù giam, tội rửa tiền và tham nhũng 1,2 triệu đô của công ty OAS, giúp công ty này trúng thầu, nhưng được tại ngoại để kháng cáo. Ông kháng cáo và bị kết án 12 năm tù giam trong một phiên xử ngày 24/1/2018.

Lula phủ nhận cáo buộc và tiếp tục kháng cáo. Tòa án Tối cao Brazil bác bỏ đề nghị được tự do của ông cho đến khi đơn kháng cáo hết hiệu lực. Ngày 5/4, thẩm phán Liên bang Sergio Moro phát lệnh bắt ông, Lula cố thủ hai ngày trong trụ sở công đoàn công nhân thép ở Sao Paoplo, đến ngày 7/4, cựu Tổng thống Brazil ‘nộp mình’ cho cảnh sát.

Video clip của Guardian, cho thấy những người ủng hộ ông Lula ngăn cản cảnh sát bắt giữ ông:

Ông Lula 72, tuổi, là một ứng viên sáng giá cho cuộc chạy đua tổng thống 2018, sẽ bầu cử vào ngày 7/10/2018. Ông cho rằng người ta muốn bỏ tù ông là vì không muốn ông tiếp tục làm tổng thống. Năm 2011, ông Lula bị phát hiện ung thư họng và đã làm hóa trị, được chữa khỏi bệnh ung thư.




***










No comments: