Thursday, April 26, 2018

BẢN TIN SÁNG 26-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Trong khi Bộ NN&PTNT kêu gọi ngư dân “bám biển”, thì ngư phủ Việt kêu cứu từ trại giam Indonesia, theo VOA. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Vĩ nói với VOA: “Tôi bị bắt ngày 3/5/2017 đến nay đã gần một năm. Tôi xin nhắn nhủ với chính phủ (Việt Nam) rằng họ nên có một tiếng nói gì đó để bảo vệ và mang lại sự công bằng cho ngư dân của mình”.

Ông Vĩ khẳng định, phía Indonesia đã vào tận “vùng biển của mình và bắt ngư dân của mình. Họ phá hủy tàu thuyền, thiết bị định vị, phá hết các bằng chứng xác thực. Họ giam mình ở đây xem như vô thời hạn”. Lãnh đạo CSVN chỉ biết đẩy ngư dân vào chỗ chết, còn chuyện bảo vệ ngư dân đánh bắt cá trên biển là chuyện riêng của ngư dân.

VOA đặt câu hỏi: TQ đang ‘đẩy’ Việt Nam đến gần Tòa án Quốc tế? Các chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho rằng, trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam phản đối là cần thiết, nhưng chưa đủ, mà cần đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài Quốc tế. TS Hà Hoàng Hợp, nói: “Nó sẽ không đủ vì Trung Quốc hung hăng lắm. Họ cứ thế mà làm thôi. Việt Nam cứ phản đối, còn họ cứ làm. Và cuối cùng thì bây giờ trên thực tế đang có vấn đề lẩn quẩn”.

Sau khi Thượng Viện Canada ra nghị quyết lên án Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông, VOA đưa tin, TQ lên án khuyến nghị của Thượng viện Canada về Biển Đông. Theo đó, ngày 25/4, Trung Quốc phản bác, khuyến nghị của Thượng viện Canada kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động ở Đông là “vô trách nhiệm” và sẽ “khuấy động rắc rối”. Khuyến nghị này được Thượng viện Canada thông qua hôm 24/4 nhằm lên án “hành vi thù địch” của Trung Quốc ở Biển Đông.


Dời đồn biên phòng để xây resort
Nhà báo Trân Văn viết: Cứ ‘đánh’ như thế thì chắc chắn… chết! Vụ chính quyền tỉnh Quảng Ngãi dời đồn biên phòng ở vị trí rất nhạy cảm, gần Biển Đông, nhượng đất cho FLC, tác giả cho rằng, nếu đặt dự án này “bên cạnh chuỗi diễn biến liên quan tới chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, ắt sẽ thấy dự án ấy như một đòn của liên hoàn cước, ngay cả vô tình thì vẫn góp phần đáng kể vào việc giúp Trung Quốc củng cố yêu sách về chủ quyền tại biển Đông”.

Bài viết lưu ý: “Nếu theo dõi kỹ các diễn biến liên quan đến tương quan ngư dân – ngư nghiệp – chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, người ta không thể không nhớ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vì đó là địa phương liên tục có tàu đánh cá bị Trung Quốc tấn công, bắt giữ, tịch thu ngư cụ”.

Đức xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
BBC đưa tin: Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’. Nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết, nhân chứng người Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, không những người này chứng kiến vụ bắt cóc, mà còn đề nghị người bạn đang đi cùng quay xe đuổi theo chiếc xe van bắt người, cho đến cổng thành Brandenburger Tor thì không theo được nữa, nên người này đã “nhớ được cả biển số xe, mác xe”.

Trong phần cáo trạng, cơ quan công tố Đức đã đề cập đến nhiều cái tên có liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Những người bị nêu đích danh gồm “có ba người được xác định là thuộc cơ quan an ninh Việt Nam, gồm Trung tướng Đường Minh Hưng cùng các ông Le Anh Tu và Vu Quang Dung”.

Trang Thời Báo có bài phỏng vấn: Luật sư Stephan Bonell của bị cáo Nguyễn Hải Long trả lời đề nghị mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra Tòa án Đức làm nhân chứng cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Khi được hỏi về khả năng TT Nguyễn Xuân Phúc cũng được mời tới tòa làm nhân chứng, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Bonell trả lời:
“Tôi nghĩ rằng là không, vì nó phức tạp, nếu tôi nhận được hồi đáp từ bà Merkel thì cũng là tạm ổn, tất nhiên tôi cũng rất muốn nhìn thấy bà ấy ở đây”. Trước đó, ông Bonell đã nói “trường hợp cần thiết sẽ mời nữ Thủ tướng Đức đến làm nhân chứng”.

Trang Thời Báo đưa tin: Một Việt Kiều Berlin bị lợi dụng tiếp tay cho cán bộ Đại sứ quán Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bài viết bàn về “phần cung khai của nhân chứng Phong L. K., một Việt kiều sống lâu năm tại Đông Berlin”. Ông Phong đã khai toàn bộ quá trình ông bị cán bộ Đại sứ quán Việt Nam lợi dụng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Ông Phong cho biết, chính ông Lê Đức Trung, cán bộ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin đã gọi điện nhờ ông lấy giùm hành lý của một “người Việt Nam bị gãy tay”, chính là cô Đỗ Thị Minh Phương. Đến lúc xem tin và biết được cô Phương này chính là “chim mồi” trong vụ bắt cóc ông Thanh, ông Phong đã tới sở cảnh sát Berlin để trình báo sự việc.


Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh lại chuẩn bị hầu tòa vào ngày 7/5, theo VietNamNet. Đó là phiên tòa phúc thẩm sẽ được tiến hành để “xem xét kháng cáo của 15/22 bị cáo và kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Dự kiến phiên tòa kéo dài khoảng 10 ngày”. Hầu hết các bị cáo của vụ án sai phạm ở PVN, PVC kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, chỉ có Trịnh Xuân Thanh vẫn một mực kêu oan.

Ông Đinh La Thăng kháng cáo để mong được xét lại tội danh, hình phạt và mức bồi thường thiệt hại. Ông Thăng cho rằng, “bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, toàn diện khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo”.


Con quan lại làm quan
Ông Nguyễn Quốc Hà, lứa tuổi 8X, vừa được TP Hà Nội bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Ông Hà chính là con trai của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu. Cư dân mạng cho biết, vài tờ báo đăng tin đã gỡ bài, hoặc sửa cái tựa.

Nhà báo Mạnh Quân bình luận: “Chỉ là không bình thường khi không đủ tiêu chuẩn, không đủ bằng cấp, năng lực… mà bổ nhiêm liên tục, vài tháng 1 chức, như kiểu ‘cậu ấm’ Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng (bằng cấp không đạt chuẩn), rồi ông Giám đốc ‘mất chim’ Lê Phước Hoài Bảo (con ông Lê Phước Thanh) hay hàng loạt lãnh đạo cấp tỉnh bổ nhiệm tuốt tuột anh em, con gì chú bác hàng chục người đầy ắp cơ quan mình làm mà báo chí nêu vừa … thì không nói làm gì“.


Nhân quyền ở Việt Nam
RFA có bài: Tổ chức Phóng viên không biên giới: Việt Nam tiếp tục không có tự do báo chí. Bà Margaux Ewen, giám đốc điều hành của Tổ chức RSF tại Washington, nhận định: “Truyền thông Việt Nam hoàn toàn bị kiểm duyệt và những blogger và nhà báo độc lập luôn bị chính quyền đe doạ hay xách nhiễu. Nếu trước đây hình phạt cho những blogger này thường là 2 năm thì hiện nay họ có thể đối mặt với những bản án lên tới 15 năm tù giam”.

VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’, theo BBC. Báo cáo của Tổ chức RSF ngày 25/04, cho rằng, mô hình kiểm duyệt báo chí và internet của Bắc Kinh đã được chính quyền Hà Nội sao chép: “Trong nhiệm kỳ thứ nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, kiểm duyệt và theo dõi tại Trung Quốc chặt chẽ chưa từng với việc sử dụng diện rộng công nghệ mới. Phóng viên nước ngoài khó tác nghiệp và công dân Trung Quốc nay có thể đi tù chỉ vì chia sẻ thông tin trên mạng xã hội hoặc trò chuyện qua tin nhắn”.


Nhìn lại Tháng Tư Đen
Bài thứ 3 trong loạt bài của BBC về một điểm tiếp nhận người Việt tị nạn ở Indonesia: Đảo Kuku, bài 3: Chuyến đi ‘có thể chưa là cuối cùng’ của Carina. Bài viết kể về bà Carina Hoàng và hành trình quay lại đảo Kuku để đưa người tìm mộ thuyền nhân. Năm 1979, bà Carina và người em vượt biên, em bà đã mất ở đảo này.

Về lý do vượt biên, bà nói: “Bố tôi là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bị bắt vào cuối tháng 4/1975 và bị giam gần 14 năm… Toàn bộ tài sản của gia đình bị tịch thu. Với lý lịch gia đình như vậy, mẹ tôi lo là khi các con của bà đủ tuổi thì sẽ bị bắt đi nghĩa vụ quân sự”.

CSVN luôn tìm cách tô vẽ, lý tưởng hóa ngày họ bức tử được chánh quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, dù có tìm cách tô vẽ thế nào thì tháng 4/1975 vẫn là tháng Tư Đen, ngày đánh dấu giai đoạn như địa ngục trần gian đầy máu và nước mắt của bao gia đình có người thân phải đi “cải tạo”, vượt biên, hoặc bị đẩy vào chốn rừng thiêng, nước độc, với cái tên mỹ miền là “vùng kinh tế mới”.

RFA có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kinh nghiệm kinh tế 1975. Về thành tựu kinh tế của chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa, ông Nghĩa cho biết: Thời Đệ nhất Cộng Hòa, người dân phải tìm cách tổ chức lại nền sản xuất và phân phối, trong tình hình bị chiến tranh phá hoại, rồi phục hồi trong vòng 10 năm, nhờ “kế hoạch Cải cách điền địa năm 1956 và sự xuất hiện của nền kỹ nghệ nhẹ và dịch vụ”.

Đến thời Đệ nhị Cộng Hòa, thành tựu đáng kể nhất của miền Nam là đạo luật Người Cày Có Ruộng và chương trình Lúa Thần Nông, “sự thật thì chỉ cần sáu tháng không giao tranh là Việt Nam đã có thể tự tức về lương thực và một năm sau sẽ là một nước xuất cảng gạo đáng kể của Đông Nam Á”.

Tuy nhiên, sau khi “thống nhất”, Việt Nam “vẫn là nước nghèo và thua các lân bang cùng kích thước. Cụ thể là lợi tức bình quân vẫn còn quá thấp và chưa ra khỏi trình độ làm gia công cho thiên hạ. Đấy là một lãng phí oan uổng sau mấy chục năm giết nhau”.


“Thượng đế” bị hành
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Sau nộp ảnh chân dung, người xài điện thoại bị ‘hành’ thêm gì nữa? Trích: “5 năm trước, người dân đổ xô đi cung cấp CMND để đăng ký thuê bao điện thoại. 5 năm sau, người dân lại đổ xô đi nộp ảnh chân dung. 5 năm tiếp theo nữa là gì? Có ai đó dám chắc chắn rằng chúng ta không phải xếp hàng đi lăn dấu vân tay?

Nhà báo Đào Tuấn viết: “Nếu chỉ cần một nửa trong 120 triệu thuê bao phải làm thủ tục, nếu mỗi thuê bao mất 2h thì thời gian vật chất, cùng với chứng stress sẽ là khủng khiếp. Mới nói sức phá hoại của một chính sách nó ghê gớm như thế nào! Hiện có 38 triệu thuê bao thông tin cá nhân không chính xác, lỗi là do nhà mạng. Và bây giờ chúng mình phải sửa lỗi cho nó, y như kiểu không quản lý được vệ sinh an toàn thực phẩm chúng bắt chúng mình phải là người tiêu dùng thông thái“.


Môi trường bị ô nhiễm
Trang VietNamNet đưa tin: Cá chết trắng đập ở Bình Phước, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Vài ngày gần đây, người dân sống gần đập Bình Hà 1, Bù Gia Mập, Bình Phước, rất lo lắng trước hiện trạng cá chết hàng loạt, trắng đập. Số lượng cá chết lên đến hàng chục tấn.

Không chỉ cá trong đập, ở các kênh, rạch, ao gần kề cũng xuất hiện tình trạng cá chết. Cá chết phân hủy, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Một người dân cho biết: “Gia đình tôi nuôi cá đã hơn 13 năm nhưng chưa bao giờ xảy ra hiện tượng như thế”. Theo ước tính ban đầu, có đến 90% cá trong hồ chết, thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng.

Đà Nẵng: Hỗ trợ người dân lân cận hai nhà máy thép khôi phục sản xuất nông nghiệp, báo Dân Sinh đưa tin. Đà Nẵng thông báo, cho người dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp tại khu tái định cư gần 2 nhà máy thép DANA Ý và DANA Úc gây ô nhiễm ở huyện Hòa Vang. Chính quyền cũng hứa cải tạo đất và nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, lời hứa và việc làm của lãnh đạo CSVN thường có khoảng cách lớn. 


Giáo dục Việt Nam
Song song với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thời điểm này cũng là cuộc đua vào các trường cấp 2 cấp 3 thuộc top trên. VTV đưa tin: Cuộc đua vào lớp 6 trường chuyên căng thẳng hơn thi đại học. Cuộc đua này rất khốc liệt, 7 thí sinh chỉ lấy 1. Điều này đang khiến nhiều em nhỏ đối mặt với áp lực nặng nề, nhiều đứa trẻ phải miệt mài ôn thi, ngay cả khi mới vào lớp 1.

Chương trình giáo dục thay đổi liên tục, cả học sinh và giáo viên đều bị biến thành “chuột bạch”. Báo Giáo Dục và Thời Đại có bài: Nâng chuẩn đội ngũ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trước tình hình đạo đức sa sút nghiêm trọng, nhiều kiến nghị nêu việc chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Trình độ giáo viên mầm non và tiểu học phải từ cao đẳng trở lên mới đảm bảo chất lượng. Các trường đào tạo ngoài công lập cũng cần siết chặt quản lý, tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không có đủ nghiệp vụ, kiến thức sư phạm.

***

Tin thế giới

Tự do báo chí thế giới
Xếp hạng tự do báo chí toàn cầu của Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới năm 2017: Hận thù báo chí đe dọa nền dân chủ. Nhìn chung, tự do báo chí trên toàn cầu suy giảm. Theo bảng xếp hạng, Na Uy là nước đứng đầu danh sách, báo chí nước này có tự do nhất thế giới, trong khi đó Bắc Hàn xếp hạng chót, là nước không có tự do báo chí.

Xem bản đồ về tự do báo chí của RSF và ghi chú bên dưới của TD:

RFI có bài: “Hận thù giới làm báo”, củi khô đốt nền dân chủ. Năm 2017 là năm báo chí trên thế giới bị đàn áp kỷ lục. Báo cáo của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vừa công bố, báo động về tình trạng thù ghét giới truyền thông lan ra các châu lục, kể cả châu Âu và Mỹ.
RSF tố cáo ba siêu cường thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc là những nước đứng đầu xu hướng chống tự do báo chí. Lãnh đạo ba nước: Trump, Putin, Tập, là khắc tinh của tự do báo chí. Trung Quốc bị xếp hạng 176/180 nước, Nga hạng 148/ 180, Mỹ hạng 45/ 180. Mỹ bị tụt hai hạng so với năm trước, do TT Trump thường xuyên tấn công báo chí và lên án phóng viên là “kẻ thù của nhân dân”.

RSF cảnh báo: “Công kích vai trò chính đáng của nhà báo là đùa với lửa. Một nền dân chủ không chỉ bị tiêu diệt vì một cuộc đảo chính mà nó còn có thể bị những ngọn lửa nhỏ thiêu sống. Hận thù nhà báo là những nhánh củi đầu tiên“.


Chính trường Mỹ
Báo Người Việt có bài: Tổng Thống Trump ngày càng xài điện thoại riêng nhiều hơn. Dẫn nguồn từ CNN cho biết, Tổng Thống Donald Trump ngày càng sử dụng điện thoại riêng của ông ta nhiều hơn trong các cuộc điện đàm, thay vì dùng điện thoại có các biện pháp bảo mật dành cho tổng thống. Điều này rất nguy hiểm vì gián điệp mạng có thể nghe được các cuộc gọi.

Mặc dù ông Trump thường lên án bà Hillary Clinton, chuyện bà sử dụng email có server riêng cho công việc, gọi bà là “crooked Hillary” (Hillary lừa đảo) và dọa bỏ tù bà, nhưng ông Trump cũng làm giống như bà Clinton, sử dụng email và điện thoại riêng cho công việc. Tháng 9 năm ngoái, báo chí Mỹ đưa tin, ông Trump đã sử dụng email riêng để liên lạc với các cộng sự trong tòa Bạch Ốc.

VOA đưa tin: Hồi ký ‘bật mí tất cả’ của cựu giám đốc FBI bán chạy như tôm tươi. Cuốn hồi ký “Lòng trung thành cao hơn: Sự thật, Dối trá và Lãnh đạo”, của ông James Comey, cựu Giám đốc FBI, là người đã bị ông Trump bất ngờ sa thải hồi tháng 5/2017, đã bán được 600.000 cuốn trong tuần lễ đầu tiên. Cuốn sách này qua mặt cuốn hồi ký của bà Hillary Clinton ‘Điều gì đã xảy ra’, và cuốn ‘Lửa cháy và Cuồng nộ’ của nhà báo Michael Wolff.

Cuốn hồi ký này đã làm cho ông Trump giận dữ, khi ông James Comey so sánh ông Trump như một trùm mafia, “luôn luôn đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối của mọi người với cá nhân ông, đặt bản thân lên trên luật pháp, trong khi không tự giới hạn bằng những khái niệm về đạo đức hay sự thật“.






***











No comments: