Wednesday, April 4, 2018

BẢN TIN SÁNG 4-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc lần đầu tiên đụng đầu trên Biển Đông? Ngày 26/3/2018, “ít nhất 43 tàu chiến Trung Quốc trong đó bao gồm biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã xuống Biển Đông” để tập trận từ ngày 5/4/2018 nên “hai lực lượng tàu chiến, tàu sân bay hùng hậu” là đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và đội tàu sân bay Liêu Ninh “cùng lúc có mặt tại Biển Đông”.

Ngày 30/3/2018, “Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo phong tỏa một khu vực trên Biển Đông, cấm tàu thuyền qua lại để tiến hành huấn luyện quân sự từ ngày 5 đến 11/4/2018”. Phía Trung Quốc có thể cấm các nước trong khu vực đến gần khi họ tập trận, nhưng họ có thể cấm một hạm đội tàu sân bay của người Mỹ.


Tái cơ cấu Bộ Công an
Báo Tuổi Trẻ bàn về lộ trình tái cơ cấu Bộ Công an: Cần ‘bàn tay sạch. Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nhận định: “Cuộc cách mạng này đụng chạm đến lợi ích của mấy trăm cán bộ cao cấp, tướng tá thì những người quyết định như ông Tô Lâm và Đảng ủy Công an trung ương, nếu không có bàn tay sạch và tâm sáng thì không thể làm được… Trong trường hợp này, Tổng bí thư cũng có vai trò quyết định”.

Ngày 3/4/2018, Bộ Công an xác nhận: Bộ Chính trị đồng ý tinh giản bộ máy công an, theo Zing. Một điểm quan trọng trong Nghị quyết tái cấu trúc bộ máy công an là: “Không tổ chức cấp trung gian; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân”.

Nhà báo Đào Tuấn viết: Bộ công an đề nghị xử lý ít nhất 4 tờ báo. Đó là các báo VTC News, Pháp Luật TPHCM, VnExpress, Tiền Phong. Bộ Công an cho rằng 4 báo này cùng với “một số báo điện tử khác” đã “đưa tin không chính xác về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân”.

Ông Tuấn khẳng định, đây là “tin chính thức từ Bộ Công an”. Phải chăng lãnh đạo Bộ Công an hiểu rằng, đợt tinh giản này rất nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị, nên họ phải răn đe báo chí từ trước?

RFA đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ Công an đã hết thời hoàng kim? Về khả năng đợt tái cơ cấu ngành công an có thể chạm đến cả Bộ trưởng Công an Tô Lâm, nhà nghiên cứu chính sách ẩn danh ở Hà Nội nói với RFA: “Có lẽ ông Tô Lâm sẽ không bị đụng đến, vì hình phạt mà Bộ Chính trị giáng xuống là bỏ tất cả các tổng cục của bộ này đã là một hình phạt nặng nề”.


Dừng cấp xe công vì ngân sách cạn kiệt?
Bộ Tài chính vừa yêu cầu tạm dừng cấp xe công cho cơ quan Nhà nước, theo báo Người Đưa Tin. Theo đó, “trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật Quản lý, sử dụng tài sản công chuẩn bị được ban hành”, bộ Tài chính đề nghị các cơ quan nhà nước “tạm dừng xem xét, giao điều chuyển, bán xe ô tô công cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án”.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn “yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018”.

Lâu nay, vấn đề xe công vốn đã được xem là gánh nặng của ngân sách. Ngày 26/10/2017, báo Lao Động có bài: Xe công, biên chế và gánh nặng ngân sách. Về đề xuất hạn chế mua xe công của ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, bài viết nhận định: “Chỉ cần cắt không mua xe công như đề xuất trên thì tiết kiệm một khoản tiền lớn”. Bây giờ các quan chức không yêu cầu hạn chế nữa, mà muốn dừng luôn chuyện mua xe công.  


Bất ổn ở các ngân hàng Việt Nam
Báo Dân Trí đưa tin: Tiền gửi bốc hơi, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo nên thường xuyên kiểm tra tài khoản. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “Quyền lợi người gửi tiền luôn được đảm bảo”, nhưng bà Hồng vẫn cảnh báo: “Khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các TCTD, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi”.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình, theo báo Tuổi Trẻ. Từ cuối năm 2016, ông Trần Phương Bình đã bị bắt và bị khởi tố, giờ cơ quan điều tra hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao để tiến hành truy tố ông Bình và các đồng phạm vì đã khiến Ngân hàng Đông Á “lỗ lũy kế đến 31.000 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2015”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ngân hàng Nhà nước lên tiếng vụ “vàng được xem là ngoại tệ”. Ngày 3/4/2018, NHNN khẳng định rằng “thông tư 22 chỉ hướng dẫn về hạch toán kế toán đối với các tổ chức tín dụng, không điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng nói chung”. Trước đó, thông tin “từ ngày 14 vàng được xem là một ngoại tệ” đã khiến nhiều người hoang mang vì “không biết việc mua bán vàng ngoài những nơi quy định có vi phạm pháp luật hay không”.


Vụ cây khủng của tướng công an
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhận định vụ chở cây ‘khủng’ trên quốc lộ: Xử nghiêm nếu có kiểm lâm tiếp tay, theo báo Tiền Phong. Ông Tuấn nói: “Cây to vận chuyển cả hàng trăm km trên quốc lộ như thế, rõ ràng là việc không bình thường”“nếu phát hiện cá nhân nào thuộc lực lượng kiểm lâm sai phạm, tiếp tay cho vụ việc này, thì phải xử lý ngay”.

Chuyện quan trọng nhất là danh tánh của người chủ mưu, mà nhiều thông tin cho là thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, đã bỏ tiền mua và tác động để 3 cây “khủng” trở nên vô hình trong mắt rất nhiều CSGT dọc theo quốc lộ 1, thì các quan chức không để ý, lại tìm cách bắt tội những người thừa hành.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Ảnh: Dân Sinh

Trang VietNamNet dẫn lời chủ cây ‘quái thú’ ở Đắk Lắk: Người ta đưa tôi xấp giấy bảo ký. Ông Nguyễn Ngọc Chung, ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, kể rằng, “cách đây khoảng một tháng, có người đến gặp ông hỏi mua cây này để tặng cho chùa. Theo ông Chung, do thấy cây đa lớn, che kín một góc rẫy, ảnh hưởng đến cây trồng và cũng muốn chuyển đổi cây trồng nên ông đồng ý bán”.

Cán bộ thuế đánh bạc
Chuyện ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang: Bắt quả tang cán bộ thuế và ngân hàng đang say sưa đánh bạc, theo báo Pháp Luật Plus. Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: Ông Lý Minh Chiến, cựu cán bộ ngành thuế huyện Giồng Riềng đã “lấy nhà của mình để chứa bạc. Hàng ngày có nhiều con bạc trong đó có cán bộ, đảng viên lui tới để đánh bài xập xám ăn tiền. Mỗi ván sát phạt nhau từ 500.000 đồng đến 1.300.000 đồng”.

Trong 6 đối tượng đánh bạc mà công an bắt được ở nhà ông Chiến chiều 3/4/2018, “có 2 cán bộ làm ngành thuế, 1 cán bộ ngân hàng ở huyện Giồng Riềng”.


Luật pháp vắng bóng, luật rừng lên ngôi
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Nguyên nữ thiếu tá công an nhờ đàn em bắn dằn mặt đối phương. Ngày 3/4/2018, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xử sơ thẩm vụ cựu thiếu tá công an, BTV Đỗ Thị Bích Hằng nhờ “đàn em” là ông Đào Văn Tùng nổ súng “dằn mặt” người có mâu thuẫn với bà Hằng. Tuy nhiên, HĐXX đã cho hoãn phiên tòa.


Nhân quyền ở Việt Nam
VOA đưa tin: Xảy ra tự sát tại Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia. Một phụ nữ Việt Nam tên Trần Thị Mai đã “tự sát bằng dao ngay tại Đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào ngày 3/4 sau khi tới đây để làm thủ tục xin cấp giấy thông hành về nước”.

Vụ tự sát “đã khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng tệ nạn lạm thu và thái độ bàng quang, vô trách nhiệm của các cán bộ tại các đại sứ quán Việt Nam đã dẫn đến những uất ức của người dân khi buộc phải đến làm thủ tục”.

Phiên xử luật sư Nguyễn Văn Đài khiến quốc tế quan ngại, theo VOA. Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền Debbie Stothard kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án “cuộc đàn áp không ngừng” của chính phủ Việt Nam: “Việc câu lưu tiền thẩm kéo dài và tùy tiện đối với Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà đáng bị toàn thể cộng đồng quốc tế lên án”.

Hôm qua 3/4/2018, trang web của Tòa thánh Vatican đưa tin về hội “Cờ Đỏ” tấn công người Công giáo ở Việt Nam. Dẫn nguồn từ các nhóm hoạt động nhân quyền ở Mỹ, cho biết, hội “Cờ Đỏ” tấn công các linh mục và các giáo dân, những người lên tiếng phản đối công ty thép Formosa tàn phá môi trường. Đức Tổng Giám mục Paul Nguyễn Thái Hợp, thuộc giáo phận Vinh, và bốn linh mục khác cũng đã bị họ đe doa.

Người Công giáo ở Việt Nam. Nguồn: AFP/ Vatican news

Du khách Trung Quốc
Sở Du lịch Đà Nẵng đã phạt hướng dẫn viên Việt để người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Trần Chí Cường, phó Giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng cho biết thanh tra sở này đã “lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt đối với hướng dẫn viên Trần A Hùng 12,5 triệu đồng đồng về hành vi ‘không quản lý khách du lịch theo hợp đồng hoặc chương trình mà doanh nghiệp lữ hành đăng ký’.

Về người phụ nữ thuyết trình xuyên tạc lịch sử Việt Nam ở bảo tàng Đà Nẵng, sở này đã “đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an đưa trường hợp bà Wang JiHong vào diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam”.



Giáo dục VN: Nhiều “giáo sư”, ít thành tựu
Báo Tiền Phong có bài: Hàng loạt quan chức không được công nhận giáo sư, phó giáo sư. Trong danh sách bị loại kể cả khi được xét lại lần 2 có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và một số quan chức Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT. Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc và ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM cũng không được công nhận GS.

Báo Hải Quan đưa tin: Nhiều ứng viên GS, PGS kê khai hồ sơ không chính xác. Bài báo cho biết: “Có ứng viên kê khai loại giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm, tuy nhiên khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn”. Bên cạnh đó, “có trường hợp vi phạm quy định về thâm niên… lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng thì giờ giảng đó không đúng quy định của pháp luật”.

Về chuyện nhiều ứng viên GS, PGS bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn, trang VietNamNet đặt câu hỏi: Ứng viên bị loại, hội đồng có vô can? GS Ngô Văn Lệ, cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM bình luận: “Đúng là hội đồng ngành không vô can khi để ra sai sót trong việc xét duyệt hồ sơ. Nhưng khi tiếp nhận hồ sơ, về mặt nguyên tắc, ứng viên là ai, ở đâu hội đồng ngành không biết trước”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định kỷ luật Bí thư, Chủ tịch huyện Krông Pắk trong vụ 500 giáo viên mất việc, theo báo Lao Động. Ông Nguyễn Thành Dũng, Bí thư huyện ủy và ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cùng bị kỷ luật khiển trách vì các sai phạm trong chuyện “quy hoạch và bổ nhiệm thừa 27 phó hiệu trưởng; quản lý, sử dụng biên chế giáo viên, nhân viên trường học sai quy định”“tuyển dôi dư hơn 400 giáo viên”.


Ô nhiễm môi trường
Chuyện ở quận Hà Đông, TP Hà Nội: Xưởng sản xuất sơn của Công ty Đại Việt đang ngày đêm gây ô nhiễm môi trường, theo Môi Trường và Cuộc Sống. Bài báo cho biết: Mỗi ngày, công ty sơn Đại Việt “xả thải trực tiếp ra môi trường với lượng bụi và khí thải lớn bao chùm cả khu dân cư đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của nhiều gia đình sinh sống tại đây mà không hề bị chính quyền địa phương kiểm tra xử phạt”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Án tù đầu tiên trong vụ điều tra bầu cử năm 2016 ở Mỹ: Luật sư liên hệ tới cựu phụ tá của Trump lãnh án, VOA đưa tin. Ông Alex van der Zwaan, người Hà Lan, là luật sư từng làm việc với ông Paul Manafort, cựu Chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump, đã bị tuyên án 30 ngày tù và bị phạt 20.000 Mỹ kim, vì “nói dối với các điều tra viên của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về những liên lạc với một quan chức trong ban vận động tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump”.

Báo Wall Street Journal đưa tin: Ông Mueller được trao quyền để điều tra Paul Manafort làm việc cho Ukraine. Theo hồ sơ tòa án dài 53 trang, được xếp loại bí mật hồi tháng 8 năm ngoái và mới được tiết lộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein đã trao cho Công tố viên Đặc biệt quyền được điều tra những mối quan hệ làm ăn của ông Manafort với chính phủ Ukraine.

Mananfort là cựu Chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump, đang bị điều tra về những cáo buộc thông đồng với các quan chức Nga, can thiệp vào bầu cử ở Mỹ năm 2016. Manafort cũng bị điều tra về những phi vụ làm ăn có liên quan tới Ukraine. Đầu năm nay, ông Manafort đã kiện Công tố viên Mueller lẫn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rosenstein, rằng cuộc điều tra của ông Mueller đi quá xa và ông Rosenstein trao quá nhiều quyền cho ông Mueller.




Tin Trung Quốc
VOA có bài: Đài Loan, Trung Quốc khẩu chiến về phát biểu của thủ tướng Đài Loan. Thủ tướng Lại Thanh Đức của Đài Loan nói với viện lập pháp rằng, rằng lập trường của ông là một nước Đài Loan độc lập, có chủ quyền. Ngay sau đó, Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc nên phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với thủ tướng của Đài Loan.

Global Times viết: “Nếu có bằng chứng đanh thép về những tội ác của ông ta, thì một lệnh truy nã toàn cầu có thể được phát đi đối với ông ta“. Ủy hội Đại lục, cơ quan của Đài Loan chuyên trách các chính sách về Trung Quốc, nói rằng, phát biểu của Hoàn Cầu Thời Báo và của chính quyền Bắc Kinh “có tính hăm dọa và phi lý”.


Bán đảo Triều Tiên
RFI đưa tin: Hàn Quốc: TT Moon Jae In xin lỗi quốc dân về vụ thảm sát 1948-1949. Hôm 3/4/2018, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã đến đảo Jeju, đại diện Nhà nước xin lỗi những người dân chết oan khoảng 70 năm trước. Ông Moon Jae-in nói: “Với tư cách là tổng thống, một lần nữa tôi bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc về những nỗi đau do bạo lực Nhà nước gây ra”.

Một cuộc thảm sát do quân đội chính phủ thực hiện, diễn ra từ ngày 3/4/1948 đến tháng 5/1949 trên đảo Jeju, đã giết chết khoảng 30.000 người dân ở đảo này, với lý do diệt trừ Cộng Sản. Và cũng như bao nhiêu nạn nhân khác, những người chết oan trong vụ này đã không được “bên thắng cuộc” giải oan cho tới gần đây, khi Tổng thống Moon Jae-in, Tổng thống đầu tiên đã tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân ở Jeju trong 10 năm qua.




***










No comments: