Monday, March 12, 2018

ÔNG KIM JONG-UN & DONALD TRUMP CÓ THỂ LÀM CHÚNG TA PHẢI "NHẬN THỨC LẠI" THẾ GIỚI? (Hồng Thủy)




Hồng Thủy
0:11 09/03/18

GDVN) - Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ sự "háo hức" của mình về cuộc gặp Tổng thống Mỹ càng sớm càng tốt.


Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 9/3 đưa tin, Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận đề nghị của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rằng hai ông sẽ gặp nhau càng sớm càng tốt.
Thông báo được đưa ra sau một năm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dẫn tới việc hai nhà lãnh đạo này lời qua tiếng lại trên truyền thông và mạng xã hội.

Những diễn biến bất ngờ

Ông Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo, sẽ không tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa hoặc hạt nhân nào nữa.

Ông Donald Trump đã đánh giá cao cuộc gặp giữa 2 miền bán đảo, và sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng Năm 2018.

Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đọc thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/3. Ảnh: Yonhap.

Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc cũng chuyển lời của Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ sự trân trọng của cá nhân ông với vai trò lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên.

"Vai trò lãnh đạo và chính sách gây áp lực tối đa của ông ấy (Donald Trump) cùng với sự đoàn kết quốc tế đã đưa chúng ta tới ngày hôm nay", ông Chung Eui-yong cho biết.

Thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders ra tuyên bố cho biết:
"Tổng thống Donald Trump rất biết ơn những lời tốt đẹp của phái đoàn Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae-in.
Ông sẽ chấp nhận đề nghị gặp ông Kim Jong-un tại một địa điểm và thời gian xác định.
Chúng tôi mong muốn phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Trong lúc chờ đợi, tất cả các biện pháp trừng phạt và gây áp lực tối đa vẫn được duy trì." [1]

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: Arizona's Family.

Tổng thống Mỹ cũng đã xác nhận điều này ngay trên trang Twitter của mình, theo The Guardian ngày 9/3:
"Ông Kim Jong-un nói về phi hạt nhân hóa với các quan chức đại diện Hàn Quốc, không chỉ là sự đóng băng.
Ngoài ra, trong thời gian này sẽ không có cuộc thử nghiệm tên lửa nào.
Những tiến bộ to lớn đang đạt được, nhưng các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn còn cho tới khi đạt được thỏa thuận. Cuộc gặp đang được lên kế hoạch!"

The Guardian cũng dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc nói rằng, Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ sự "háo hức" của mình về cuộc gặp Tổng thống Mỹ càng sớm càng tốt. [2]

Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump có thể khiến chúng ta nhận thức lại thế giới?

The New York Times ngày 8/3 bình luận, diễn biến mới này cho thấy một cuộc "cách mạng ngoại giao táo bạo", đưa 2 nhà lãnh đạo mạnh mẽ và luôn đe dọa chiến tranh đến gần nhau.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hàn Quốc. Ảnh: The Recorder.

Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc nói rằng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói với ông, ông ấy hiểu rằng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn sẽ được tiến hành như dự kiến sau khi kết thúc Thế vận hội Paralympic cuối tháng này.

Theo The New York Times, ông Kim Jong-un và ông Donald Trump có chung một đặc điểm là thích những bước đi táo bạo và mạnh mẽ, cũng như sự tham dự của cá nhân họ trong các cuộc đàm phán có thể mang tới nhiều bất ngờ.

Về phía Triều Tiên, ông Kim Jong-un dường như đã lên kế hoạch cải cách chính sách ngoại giao một cách có phương pháp.

Cải cách này bắt đầu bằng diễn văn năm mới 2018 của ông Kim Jong-un với thông điệp chủ đạo là hòa giải với miền Nam, tiếp đó là "cuộc tấn công quyến rũ" tại Thế vận hội Mùa Đông Pyongchang.

Trong khi mới năm ngoái, ông Kim Jong-un đã làm rung chuyển khu vực và thế giới bằng một loạt các cuộc thử tên lửa tầm xa và hạt nhân.


Sau đó ông đột ngột trả lời đề nghị đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tuy nhiên, không ít quan chức và các nhà quan sát Hoa Kỳ hoài nghi về khả năng một bước đột phá trong vấn đề Triều Tiên, do ám ảnh bởi những thất bại trước đây về các nỗ lực đối thoại và đàm phán.

Quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng đến Bắc Triều Tiên là Ngoại trưởng Madeleine K. Albright năm 2000. Tiến sĩ Albright đã lên kế hoạch sắp xếp chuyến thăm Bình Nhưỡng cho Tổng thống Bill Clinton.

Tuy nhiên kế hoạch này phá sản khi cha ông Kim Jong-un đã không đồng ý với điều kiện dừng chương trình tên lửa. Ông Kim Jong-il muốn đàm phán trực diện với Tổng thống Bill Clinton.

Bill Clinton đã quyết định không chấp nhận rủi ro này, bỏ qua chuyến đi và sử dụng chuyến công du cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình để đến Trung Đông. [3]

Trong khi đó cũng có những chuyên gia đánh giá cao động thái mới này, và cho rằng Tổng thống Donald Trump đã tạo được một bước đột phá lớn, quan trọng trong việc đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán. [4]

Phản ứng và bình luận đáng chú ý từ phía Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị cho đến Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu đều đánh giá cao cuộc gặp 2 miền Triều Tiên.
Bắc Kinh kêu gọi Mỹ - Triều nhanh chóng đối thoại trên tinh thần hai bên cùng nhượng bộ để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo.

Đáng chú ý nhất là bình luận từ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, tất cả các thông tin mới về cục diện bán đảo Triều Tiên đều do phía Hàn Quốc đơn phương tiết lộ;
Do đó Bình Nhưỡng công khai chứng thực đến mức độ nào là điều cần chú ý theo dõi.


Cho đến nay, thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA chưa nêu ra bất cứ thông tin nào về quan điểm, câu nói của nhà lãnh đạo Kim Jong-un như những gì phía Hàn Quốc cung cấp cho dư luận. [5]

Ngày 7/3 KCNA còn có bài xã luận: "Mỹ sẽ phải trả giá cho những hành động khiêu khích quân sự." [6]

Chúng tôi cho rằng bình luận của Hoàn Cầu thời báo, hay lo ngại của một số quan chức và học giả Hoa Kỳ không phải ngẫu nhiên, bởi trong quá khứ những cơ hội đã từng bị bỏ lỡ, cũng như tính cách khó đoán của 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.

Tuy nhiên, với sức ép của chiến lược gây áp lực tối đa mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi, khó khăn mà Bình Nhưỡng đang gặp phải, thì khả năng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hoàn toàn có thể xảy ra.

Chưa kể tới thái độ của ông Kim Jong-un với Trung Quốc cũng có thể khiến Bắc Kinh phải xem lại chính sách "hà hơi thổi ngạt" của mình.

Triều Tiên chưa bao giờ cho thấy họ "dễ bảo" trong quan hệ bang giao với Trung Quốc, ngay cả lúc khó khăn nhất cần phải dựa vào Trung Quốc.

Còn Nga hiện nay cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề đối nội lẫn đối ngoại, khả năng thay Trung Quốc "bao" Triều Tiên là khó, huống hồ Bình Nhưỡng cũng không dễ bị "giật dây".

Sự im lặng của Bình Nhưỡng những ngày qua có thể lý giải như một đường lùi, đề phòng trường hợp Nhà Trắng dội nước lạnh vào đề xuất của ông Kim Jong-un thì còn có chỗ bảo toàn thể diện.

Bài xã luận ngày 7/3 dường như chỉ là một động thái duy trì quan điểm chính thống trong xã hội Triều Tiên về Hoa Kỳ, trước khi có những bước đột phá cần thiết và đủ mạnh để thay đổi suy nghĩ, nhận thức của dân chúng nước này.

Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra suôn sẻ và đạt được thành tựu đột phá, cục diện chính trị Đông Bắc Á, và có thể là cả châu Á - Thái Bình Dương sẽ thay đổi, và có nhiều quan điểm, nhận thức bấy lâu cũng sẽ phải thay đổi.

----------------------
Tài liệu tham khảo:







Hồng Thủy

------------------------------------

Mời xem thêm :


Trần Nguyên  /  Người Xứ Bưởi    11/03/2018









No comments: