Monday, March 26, 2018

TÔI LÀ GÌ TRONG ĐẤT NƯỚC NÀY?! (Trương Minh Ẩn)




Trương Minh Ẩn
26-3-2018

Tôi là gì trong đất nước này?! Để đi tìm câu trả lời, trước tiên tôi xin tự giới thiệu, mình là một thường dân mang quốc tịch Việt Nam. Chắn chắn tôi là một con người.

Như vậy tôi có điểm không giống ông Trịnh Công Sơn, ông vẫn hỏi “Tôi là ai, là ai, la ai?”, nhưng có điểm giống, đó là “Mà yêu quá cuộc đời này” (Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng).

Phải, tôi yêu thương đất nước mình, yêu thương đồng loại của mình.

Tôi nhớ bạn bè, tôi đi thăm hỏi bạn, dùng chung trà, ly cà phê hoặc chén rượu để mạn đàm đôi câu chuyện.

Tôi lấy xe Honda chậm rãi mà chạy, ngó trước, dòm sau cho an toàn, với lại tôi cũng muốn tuân thủ luật giao thông. Không chỉ luật giao thông, tôi muốn tuân thủ tất cả các luật lệ được ban hành. Nhưng, thú thật rất khó.

Một bữa, tôi bị cảnh sát giao thông (CSGT) thổi vào. Dĩ nhiên tôi có lỗi là bị lấn làn, tôi không còn trẻ nữa để chạy theo cách sống nhanh như bây giờ, nên tôi phân bua, xe cộ đông đúc, người lạng ra kẻ lách ra kể cả xe hơi, xe buýt, đố mà không phạm lỗi. CSGT chẳng nói gì chỉ… trố mắt, cái trố mắt cho tôi hiểu rằng “ông dám hỏi đố sao ông già?”. Thôi đành im lặng, và chịu phạt theo hai cách, một là chung tiền tại chỗ vào túi CSGT, cách này nhanh gọn, đỡ tốn thời gian phải đi chầu chực đóng tiền phạt, hai là cầm biên lai phạt, đóng cho nhà nước.

Có những cái bảng giao thông làm… “anh hùng núp”, “núp” trong lùm, tôi chứng kiến một số người bị “dính bẫy” có cãi vả, CSGT phớt lờ vì cho rằng đó không phải việc của họ, căng hơn thì họ liệt vào chống người thi hành công vụ chớ không chơi. Những chuyện thật như đùa còn rất nhiều. Có khi chẳng tội tình gì cả, bị thổi vào, CSGT tìm mọi cách để áp cho có lỗi.

Những lần sau, khi ra đường tôi phải láo liên, đến nỗi có người nhìn thấy giống kẻ trộm. Tôi chạy đúng làn, buộc phải chạy chậm thì người ta chửi tôi tội gây cản trở, làm kẹt xe. Có chiếc xe đậu chắn hết làn xe máy tôi cũng không dám vượt, canh chừng dữ lắm mới đi chứ không lại phải an ủi bằng “định luật bảo toàn”, “tiền không tự sinh ra, không mất đi, nó chỉ chuyển từ túi mình vào túi CSGT” mà thôi.

Tôi cứ nơm nớp lo sợ và như một… tội phạm mỗi khi ra đường. Tôi chán ngán, không đi nữa. Bà con, bạn bè bảo tôi lười biếng, mất tình mất nghĩa, thay tính đổi nết. Tôi giải thích lý do thì được “thông cảm” bằng cách đổi họ, không còn họ Trương nữa mà mang họ Đỗ (tuy họ này phải là Đổ), Đỗ Thừa… rồi Ẩn. Ngoài tội biếng nhát, hết tình, thay đổi, đổ thừa hoàn cảnh, tôi mang thêm cái tội gian dối, gian dối mới tìm đủ lý do.

Nhà rách nát, dột lên dột xuống, tôi lên phường xin cần sữa chữa gấp. Cán bộ phường hứa hẹn rất nhanh rồi… ngâm tờ đơn có lẽ lên men dấm. Trời đổ cơn mưa ướt nhẹp nhà cửa, nóng ruột, tôi mua mấy xe gạch, cát, đá đổ sẵn phía trước, chờ có cái giấy phép là bắt tay làm liền. Vừa đổ xuống thì… thanh tra xây dựng, trật tự đô thị có mặt. Cũng như CSGT, không cần biết, không cần giải trình… Tôi lại phải xài “định luật bảo toàn” và mang thêm tội lanh chanh, cầm đèm chạy trước ô tô.

Nhiều người nói tôi già mà còn dại. Phải, tôi ngu ngơ quá. Để hết mang nỗi khờ dại, để hết hứng chịu những cơn mưa, tôi phải cầm cái bì thư, dĩ nhiên trong đó không có thư, nó là thứ để biết điều trà nước, bia bọt, nhưng không phải ít với dân đen. Tôi “tự” tròng vào mình cái tội hối lộ cán bộ nhà nước. Cán bộ không có lấy đâu nghen, chỉ là “bồ câu đưa thư” thôi, và hình như trong đó có tờ giống tờ tiền nếu lỡ có ai nhìn thấy.

Con tôi đi học, rất may là đúng tuyến. Chứ không thì phải nhờ tới “bồ câu đưa thư”. Tôi chứng kiến đứa em, phải nhờ “bồ câu” mang thư trong đó có 20 triệu tiền in hình ông Hồ đến trao cho một người thân cận với ông hiệu trưởng, để con được học trường chỗ tôi, tôi rảnh rang đón con của hai anh em mà. Người ta nói đó là giá phải chăng, giá hữu nghị.

Tôi thoát được tội này nhưng vẫn vấp tội khác. Tội không lo cho con cái, không cho con đi học thêm, để con học ngu… hơn những đứa có học thêm. Con tôi cũng trách tôi tội như vậy, để con bị bêu rếu, bị đì hoài.

Đứa lớn học ra trường, rồi không xin được việc. Nó trách tôi tội không biết làm quan, trách tôi tội sao nghèo để không có “bì thư” cho chính nó chứ chẳng cần bồ câu mang cho sếp tuyển chọn.

Mệt mỏi, tôi sinh bệnh, phải nhập viện. Bệnh viện không đủ giường, tôi chưa nặng nhứt nên được “đặc cách” nằm…dưới nền. Nóng bức, ngột ngạt bởi người là người, ai nấy than thở thì được “an ủi”, “ai biểu bệnh mà chi”. Tôi cũng than thở, tôi thành tội đồ tự sinh ra bịnh.

Bác sĩ khám bệnh (không chắc có phải bác sĩ không nữa, người ta mua bằng vẫn được mà) nói tôi không chỉ tự sinh bệnh từ mệt mỏi, chán chường mà còn do nhiễm độc từ thực phẩm bẩn. Thực phẩm do gia đình tôi, do tôi mua ăn hàng ngày thì cũng do tôi chứ do ai. Tôi khù khờ không biết lựa chọn, tôi ngu si không biết cách làm cho sạch. Nói một cách khác là do tôi ăn ở dơ bẩn.

Biết tội mình, tôi sợ sự dơ bẩn. Thấy rác ngập con hẻm ngay nhà mình, tôi nêu ý kiến trong cuộc họp tổ dân phố, tiện thể tôi nói luôn những sợi dây điện chằng chịt lòng thòng dễ gây chập mạch, dễ gây cháy nổ, được đà tôi nói tới trong khu phố mình vẫn còn tệ nạn,… Tôi dứt lời, bà con vỗ tay tán thưởng còn cán bộ vỗ… tán mặt. “Anh cho rằng chúng tôi có mắt như mù sao? Chúng tôi không quan tâm, không làm tròn trách nhiệm sao? Anh xem lại nhà anh đi nhé, cái nhà không ra nhà mà đi phê phán người khác à, anh muốn gây sự chứ gì, anh muốn gây rối chứ gì, anh muốn gây mất đoàn kết trong khi nhà nước ta gầy dựng đại đoàn kết dân tộc vững bền bao nhiêu năm nay phải không?”.

Ôi thôi! Tội tày đình nhiều quá, tôi nói nữa có nước bị gô cổ. Bà con trong tổ chỉ còn vỗ… mặt bàn ở nhà mình dùm cho tôi.

Tôi nhìn lại nhà mình, nghèo xơ xác. Tôi đi xin làm cái sổ hộ nghèo. Họ hỏi… “bì thư” đâu, và khi có sổ rồi, được nhận hỗ trợ rồi thì lại quả 15% nhá.

Tôi không biết phải làm sao. Không biết có nên làm không nữa. Phân vân quá, bức xúc quá. Sực nhớ, vẫn còn một nơi giài bày. Tôi lên mạng kể lại sự tình.

Tôi được sự đồng tình của nhiều người. Song song đó, tôi cũng bị chửi như tát nước vào mặt. Những câu chửi bẩn thỉu không thể nào còn bẩn thỉu hơn, không tiện nói ra đây của những người xưng danh từ các hội rất mỹ miều, hội cờ đỏ, hội yêu sao vàng, hội ghét phản động, hội 47,… những hội gọi chung là hội dư luận viên. Và cũng từ đây tôi bị cán bộ tổ, khu phố, phường quy kết như họ quy kết. Rằng tôi là kẻ phản động, là kẻ nói xấu chế độ, kích động quần chúng, nghe theo “các thế lực thù địch”, nhận tiền của “các thế lực thù địch”… mà tôi chẳng biết mặt mũi cái thằng “thế lực thù địch” này là thằng nào, nó ở đâu. Họ cấm tôi mở miệng, liệt tôi vào sổ đen, nếu còn thì dĩ nhiên cái gông chực chờ phía trên cổ.

Tôi mang bệnh hoạn, đầu óc mụ mị, nhớ được chỉ bấy nhiêu chuyện của tôi, không có chuyện gì to tát của đất nước cả. Nhưng chỉ chừng đó mà tôi thấy mình đâu phải là con người, đâu có quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

Tôi chưa bị cái gông tròng vào cổ nhưng tôi đã là kẻ tội đồ. Đất nước đẹp đẽ này đã trở thành cái nhà tù của tôi.

Ngẫm nghĩ thêm, hiện tại có quá nhiều quan chức, viên chức tinh tướng, người dân đòi sa thải ngay, không có chuyện đó, bởi không phải họ sợ hết người, mà họ sợ hết người được đào tạo tinh tướng, tinh tướng để đối phó với dân đen. CSGT quát tháo vào người vi phạm rằng bằng lái quốc tế vô giá trị ở Việt Nam, ông công an đụng người chết thì dàn cảnh khác đi, và chỉ bị phạt hành chính… họ được bao che để tiếp tục ở trong đội ngũ tinh tướng. Và cũng thông cảm cho dân đen dưới cái ách độc tài, tinh tướng, dù biết rất nhiều chuyện như đành phải vin vào câu nói đã cổ hủ ‘Trời kêu ai nấy dạ’.

Nhưng, tôi cũng tin, cái ách ngày càng lớn, lớn càng nhanh, nó sẽ lớn như núi đè trên cổ trên đầu dân đen thì thế nào cũng vỡ, vỡ nát một ngày gần thôi. Không có gì vượt quá được giới hạn. Không có gì là vĩnh cửu.








No comments: