Thursday, November 27, 2014

Phân tích Sắc lệnh Di trú của Tổng thống Obama (Dr. Tristan Nguyễn)



Dr. Tristan Nguyễn, San Francisco
22/11/2014

Trong ngày Thứ Năm 20/11/2014 Tổng Thống Obama đã sử dụng quyền hành pháp để giải toả sự đe dọa trục xuất một số ước lượng năm triệu người, tương đương 44% phần trăm của khoảng 11.3 triệu người di dân đã nhập cư bất hợp pháp và đang sống lén lút ở trong khắp nước Mỹ.  Đa số người di dân nhập cư bất hợp pháp không có một loại giấy tờ gì hợp lệ, và họ đã từ các nước Trung Mỹ Châu La Tinh (Latinos) và Mễ Tây Cơ vượt biên vào nước Mỹ. Hiện có sáu tiểu bang đã đang tạm dung ước tính 60% phần trăm số người di dân bất hợp pháp này là California, Florida, Illinois, New Jersey, New York và Texas. Họ đã đang sống tại nước Mỹ được 13 năm hoặc lâu hơn trong tình cảnh sống lén lút trong “bóng tối/the shadows”, mà bây giờ với Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama có hiệu lực thì “Họ có thể bước ra khỏi bóng tối/Obama:You can come out of the shadows” để có thể sống đàng hoàng, “danh chánh ngôn thuận” hội nhập đầy đủ vào trong xã hội Mỹ.

Lẽ tất nhiên là Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama không thể một lần bao gồm hết tất cả số 11.3 triệu người di dân bất hợp pháp với đủ thứ hạng người mà họ cũng cần phải được gạn lọc tốt xấu. Bởi vì Hạ Viện do Đảng Cộng Hoà chiếm đa số không chịu tổ chức một cuộc bỏ phiếu đồng thuận thông qua một Dự Luật Cải Tổ Toàn Bộ Di Trú Mỹ mà Thượng Viện do Đảng Dân Chủ chiếm đa số đã chấp thuận rồi. Trong tình trạng hai đảng ở quốc hội dằn co với nhau khiến cho cả Quốc Hội Mỹ không thể dứt khoát quyết định cải tổ toàn bộ hệ thống di trú; chính vì thế cái sắc lệnh di trú của tổng thống thực sự là một bắt đầu tốt, một động lực mạnh để làm chạy một guồng máy “Bảo-Thủ-Ù-Lì”.  Tiếp sau đây là sơ lược phân tích từng phần cái Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama để giúp cho người đọc tiếng Việt có thể hiểu cái Sắc Lệnh Di Trú này ở một mức độ nào càng nhiều càng tốt:

1)  Cho Phép Làm Việc Trong Ba Năm - Một chương trình mới tạm hoãn hành động sẽ che chở cho con số ước lượng năm triệu di dân không có giấy tờ cư trú hợp lệ khỏi bị trục xuất, và cho phép họ được nộp đơn xin giấy phép làm việc trong ba năm tại nước Mỹ.  Những người có đủ điều kiện theo tiêu chuẩn này là phải đã và đang ở trong nước Mỹ lâu hơn 5 năm, và là cha hoặc mẹ của một công dân Mỹ, hoặc của một thường trú nhân hợp pháp được sinh ra trước ngày hay vào ngày 20/11/2014, là đúng ngày TT Obama ban hành Sắc Lệnh Di Trú.  Điều kiện quan trọng cần thiết cho người nộp đơn xin là phải có một quá trình sinh sống tốt và làm việc không phạm pháp, có đóng thuế dù nhiều hay ít cũng được. Đương sự phải không có tiền án, tiền sự và được thông qua thủ tục sưu tra tiền án, tiền sự cá nhân. Đương sự sẽ phải trả một lệ phí là $465 đô la để được cơ quan chức năng tiến hành duyệt xét đơn xin của đương sự. Vào Mùa Xuân năm 2015 thì Bộ Nội An Mỹ (USDHS-US Department of Homeland Security) sẽ bắt đầu nhận vào các đơn xin Giấy Phép Làm Việc Trong Ba Năm.
2)  Mở Rộng Con Đường Cho Những Di Dân Trẻ- TT Obama cũng đang mở rộng một chương trình của tổng thống đã thực hiện kể từ tháng Sáu năm 2012 đặc biệt dành cho người di dân trẻ tuổi, đó là Chương Trình Hoãn Trục Xuất Người Di Dân Tới Mỹ Lúc Vị Thành Niên (Deferred Action for Childhood Arrivals-DACA).  Việc thực hiện chương trình DACA này đã làm hợp pháp hoá cư trú cho hơn sáu trăm ngàn (600000) người di dân trẻ, và khi được mở rộng hơn thì chương trình DACA này có khả năng sẽ hợp pháp hoá cư trú cho thêm khoảng 270000 người di dân trẻ hiện còn sống trong nước Mỹ.  Khi so sánh với chương trình DACA thực hiện lúc đầu có ngày ấn định là 15/6/2007 thì những trẻ em được đem nhập cư vào nước Mỹ không có giấy tờ hợp pháp trước ngày 1/1/2010 là hiện nay có đủ tiêu chuẩn hợp pháp hoá cư trú.  Hơn nữa, tuổi giới hạn tối đa là 31 tuổi căn cứ theo chương trình DACA lúc đầu thì nay được cho phép không bị giới hạn tuổi nữa.

Như trước đây, những người nộp đơn xin hợp pháp hoá cư trú là phải đến nước Mỹ trước năm 16 tuổi, đương sự phải có đi học, hoặc là đã có văn bằng trung học hay văn bằng tương đương.  Đương sự cũng có thể là đã đi lính Mỹ và được giải ngủ hợp lệ, và không có tiền án. tiền sự.  Trước đây Giấy Phép Làm Việc được chấp thuận là hai năm, hiện nay được phép gia hạn lên ba năm.
3) Vấn Đề Trục Xuất Người Di Dân Phạm Tội Hình Sự– Đã có những cuộc tranh luận và nổi bật lên một quan điểm biện hộ cho người di dân không có giấy tờ cư trú hợp lệ như sau: “Người Di Dân không có giấy tờ cư trú hợp lệ có thể là Bất Hợp Pháp, nhưng họ rõ ràng không phải là những Tội Phạm Hình Sự/ Undocumented  Immigrants May Be Illegal, But They Are Clearly Not The Criminals”.  Chính Quyền Liên Bang Mỹ sẽ dành nhiều nổ lực trong vấn đề trục xuất tập trung vào những mục tiêu ưu tiên “được xác định chắc chắn rõ ràng hơn”.  Những đối tượng phải bị trục xuất là những “di dân bất hợp pháp đã phạm tội ác nghiêm trọng và bị kết án” cũng như những người vượt biên giới vào nước Mỹ bất hợp pháp trong thời gian mới đây.  Chính Quyền Liên Bang Mỹ sẽ dành thêm nhiều nguồn tài nguyên để giúp tăng cường việc canh giữ an ninh biên giới, làm tăng nhanh mức độ thực hiện thủ tục trục xuất người vượt biên. Các thủ tục của Toà Án Di Trú sẽ được cải tiến qui trình thống nhất để giúp giải quyết nhanh hơn những trường hợp được toà án xét xử còn đang tồn đọng.
4) Thực Hiện Sự Di Trú Hợp Pháp- Chính Phủ Liên Bang Mỹ một cách cân đối và thiết thực sẽ thi hành một chương trình cấp chiếu khán dài hạn cho những công nhân chuyên nghiệp kỷ năng cao, các chuyên gia khoa học và sinh viên du học các chuyên ngành kỷ thuật khoa học.  Biện pháp này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 500000 người nước ngoài được cấp chiếu khán dài hạn dựa trên tiêu chuẩn STEM. Những sinh viên du học đã tốt nghiệp ở các trường ĐH Mỹ trong các lãnh vực STEM-(Science, Technology, Engineering, Mathematics)- sẽ được cho phép làm việc lâu hơn tại nước Mỹ, mà họ không cần phải xin một chiếu khán mới. Đây là một chương trình di trú mở rộng có tên gọi là “Optional Practical Training/Lựa Chọn Sự Huấn Luyện Thực Hành". .

Sau khi xem xét phân tích từng phần Chương Trình Di Trú của TT Obama như vừa nêu trên, người ta cũng nhận thấy có một “Tính Cách Giáo Dục” được bao gồm trong Chương Trình Di Trú mới này.

Vào ngày Thứ Năm 20/11/2014 đứng ở hành lang của Toà Bạch Ốc TT Obama đã tuyên bố cho Nhân Dân Mỹ biết những chương trình đổi mới sẽ được thi hành bằng sắc lệnh để chấp pháp Luật Di Trú của nước Mỹ. 

Một ngày sau đó là Thứ Sáu 21/11/2014 TT Obama đã đến trường Trung Học Del Sol tại Las Vegas để nói rõ hơn nữa về Chương Trình Di Trú của tổng thống.  TT Obama đã từng chọn địa điểm đọc diễn văn là trường Trung Học Del Sol vào tháng Giêng năm 2013 để đặt vấn đề cải tổ toàn bộ hệ thống di trú của nước Mỹ; bây giờ TT Obama trở lại trường Trung Học Del Sol một lần nữa để nói về những đổi mới trong chương trình di trú và chương trình cấp giấy phép làm việc ba năm trong nước Mỹ là có ý nghĩa ám chỉ “chương trình di trú cũng là một chương trình có tính cách giáo dục”. Bởi vì vào tháng Sáu năm 2012 TT Obama đã ký một sắc lệnh để thành lập một chương trình có tên gọi là DACA- “Deferred Action for Childhood Arrivals/Hoãn Trục Xuất Người Di Dân Tới Mỹ Lúc Vị Thành Niên; chương trình DACA này đã tạm ngưng việc trục xuất và cho phép người nhập cư vào nước Mỹ bất hợp pháp trước khi đương sự16 tuổi được phép làm việc ở nước Mỹ trong thời gian hai năm thì phải xin gia hạn giấy phép, và đương sự cũng bị giới hạn số tuổi là không quá 31 tuổi.

Học Viện Chính Sách Di Trú Mỹ/ US Migration Policy Institute có con số ước lượng khoảng 1.2 triệu người di dân bất hợp pháp đã được hội đủ điều kiện có tiêu chuẩn khi chương trình DACA này bắt đầu, và trong tháng Mười năm 2014 vừa qua có thêm hơn 580000 người nộp đơn xin theo chương trình DACA này đã được chấp thuận. Căn cứ vào kết quả của một cuộc điều tra thăm dò trên toàn nước Mỹ thì 70% phần trăm của người tham gia chương trình DACA đã có thể tìm được việc làm mới, có khuynh hướng tự lập hơn và họ trở nên độc lập hơn trong vấn đề tài chánh cá nhân của họ. Hơn nữa khi họ cải thiện được đời sống và việc làm thì họ lại có khuynh hướng muốn được đi học thêm những khoá học cao hơn, hoặc các khoá chuyên nghiệp hơn.

Khi xem xét chương trình DACA và các sinh viên tham gia chương trình này người ta nhận thấy các sinh viên không đủ tiêu chuẩn để nhận trợ cấp tài chánh của liên bang cho họ đi học, nhưng lại có một loại học bổng của tổ chức TheDream.Us giúp đỡ cho họ có thể học các lớp đại học toàn thời gian. Và trường Đại Học Cộng Đồng Miami Dade Community College ở tiểu bang Florida cũng đã bắt đầu thu loại học phí sinh viên trong tiểu bang dành cho những người tham gia chương trình DACA, nghĩa là họ đã được hưởng tiêu chuẩn miễn học phí cho sinh viên trong tiểu bang, hoặc họ được hưởng tiêu chuẩn trả học phí rẻ hơn loại học phí sinh viên ngoài tiểu bang Florida.

Cũng có một cuộc điều tra thăm dò chương trình DACA do tổ chức National UnDACAmented Research Project thực hiện đã cho biết kết quả là có khoảng 43% phần trăm sinh viên tham gia chương trình DACA để theo đuổi việc học đại học đã từng tạm thời tự nghỉ học ít nhất một lần để đi làm một công việc gì đó kiếm tiền phụ giúp gia đình sinh sống một thời gian khi gặp cảnh tài chánh gia đình khó khăn, hoặc tạm nghỉ học để đi làm kiếm tiền dành dụm lên được một số tiền nào đó rồi sẽ tiếp tục đi học nữa.

Trong mùa Hè 2014 vừa qua tiểu bang Florida đã trở thành tiểu bang thứ 17 thông qua một luật tiểu bang chấp thuận cho những sinh viên không có giấy tờ cư trú hoặc là sinh viên tham gia chương trình DACA nếu họ hội đủ điều kiện và đủ tiêu chuẩn ấn định thí dụ như họ đã tốt nghiệp trung học trong tiểu bang mà họ cư trú trong một số năm vừa qua, thì họ được miễn học phí dành cho sinh viên trong tiểu bang, có nghĩa là họ được học đại học tiểu bang miễn phí. Hiện nay có thêm tám tiểu bang nữa đang cứu xét việc miễn học phí cho những sinh viên không có giấy tờ cư trú cho họ được phép học ở các trường cao đẳng và đại học công lập. Áp dụng chương trình DACA bằng sự kết hợp cách trả học phí trong tiểu bang với cơ hội được làm một công việc hợp pháp đã thực sự giúp đỡ rất nhiều cho những sinh viên không có giấy tờ cư trú ở nước Mỹ.

Trong thời gian giữa niên học 2012-2013 số lượng sinh viên không giấy tờ cư trú đã nộp đơn xin các trường cao đẳng và đại học công lập miễn học phí trong tiểu bang đã gia tăng nhiều thêm. Cũng trong thời gian này có thêm sáu tiểu bang đã tự tổ chức các dịch vụ trợ giúp học phí ở cấp tiểu bang hoặc là tổ chức cấp học bổng do tư nhân tài trợ để giúp đỡ những sinh viên không giấy tờ cư trú. Trong năm 2013 tiểu bang California lần đầu tiên đã chấp thuận cấp một loại trợ giúp tài chánh cho khoảng 20700 sinh viên đã hoàn tất đơn xin Dream Act của tiểu bang California, và có 6943 sinh viên đã nhận được học bổng CalGrant để trang trải trả học phí và các chi phí đi học khác của sinh viên có lợi tức thu nhập thấp.  Dựa trên thông tin của Uỷ Ban Trợ Giúp Sinh Viên Tiểu Bang Californa thì năm 2014 số lượng sinh viên nộp đơn xin Dream Act của tiểu bang California đã tăng lên 26676 người, trong số này có 8282 sinh viên đã nhận được học bổng CalGrant, và 6400 sinh viên khác đã nhận được một loại mới-học bổng trung cấp của tiểu bang California- được thành lập trong năm 2014.

Trong khi đã có các nổ lực của cấp liên bang và cấp tiểu bang ở một số tiểu bang, quả thật chưa có được toàn thể 50 tiểu bang của nước Mỹ tham gia chương trình DACA, để một phần nào có thể giải quyết vấn đề sinh viên không giấy tờ cư trú được đi học cao đẳng và đại học, để rồi sau đó có thể cải thiện đời sống của họ và gia đình họ ở nước Mỹ;
ngược lại, về phía Đảng Cộng Hoà luôn luôn chống đối lại chương trình DACA của TT Obama.  Đảng Cộng Hoà đã có lập trường không chấp nhận những sinh viên không có giấy tờ cư trú ở Mỹ. Đảng Cộng Hoà lập luận rằng “các khoản nhập học vào những trường Cao Đẳng và Đại Học Mỹ đều đã được ấn định và có giới hạn.  Nếu áp dụng cách trả học phí trong tiểu bang, hoặc trợ cấp tài chánh và cấp học bổng cho những người di dân bất hợp pháp được thụ hưởng, thì điều đó áp đặt những công dân Mỹ phải trực tiếp cạnh tranh với những người di dân bất hợp pháp trong việc thụ hưởng các quyền lợi công dân được đi học cấp cao đẳng và cấp đại học ở nước Mỹ.  Kể từ năm 2013 đến ngày nay Quốc Hội Mỹ đã có một Dự Luật Cải Tổ Toàn Bộ Chương Trình Di Trú và nó đã được Thượng Viện Mỹ trong lúc Đảng Dân Chủ chiếm đa số ghế thượng viện đã thông qua dự luật này; tuy nhiên, khi dự luật được chuyển tới Hạ Viện Mỹ để bỏ phiếu đồng thuận thì Đảng Cộng Hoà chiếm đa số ghế hạ viện đã “chần chờ câu giờ” không chịu tổ chức cuộc bỏ phiếu đồng thuận thông qua dự luật cải tổ hệ thống di trú. Như thế là “chần chờ câu giờ” cho tới khi Đảng Cộng Hoà chiếm luôn đa số ghế thượng viện như hiện nay.  Bởi vì Hạ Viện do Đảng Cộng Hoà kiểm soát nên không tổ chức cuộc bỏ phiếu đồng thuận thông qua dự luật cải tổ di trú, điều này đã khiến TT Obama phải sử dụng quyền hành pháp ban hành Sắc Lệnh Di Trú trước ngày Đảng Cộng Hoà thực sự kiểm soát Thượng Viện vào đầu năm 2015 sắp tới, vào lúc đó Đảng Cộng Hoà chiếm đa số ghế dân biểu và nghị sĩ và thực sự có quyền trong Quốc Hội Mỹ.
Nói chung là Đảng Cộng Hoà đã và đang chống đối lại TT Obama thuộc Đảng Dân Chủ trên mọi bình diện. Thí dụ cụ thể như là Đảng Cộng Hoà muốn trục xuất hết tất cả di dân bất hợp pháp đang sống trong nước Mỹ, nhưng công việc trục xuất hàng triệu người nhập cư lậu ra khỏi nước Mỹ sẽ khó khăn không thể tưởng tượng, nếu không nói là không thể làm được việc này. Tuy nhiên, Đảng Cộng Hoà cũng khăng khăng nhất định chống đối TT Obama cho tới cùng. Cũng như Đảng Cộng Hoà đã thưa kiện TT Obama và chương trình bảo hiểm sức khoẻ ObamaCare ra toà án, thì bây giờ đối với Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama mới ban hành vào ngày 20/11/2014 cũng sẽ bị Đảng Cộng Hoà có thể đưa ra toà án để xét xử rằng có vi phạm hiến pháp hay không!  Đảng Cộng Hoà cũng có thể áp dụng một biện pháp “keo kiệt nhỏ nhen nhất” để chống đối TT Obama là “từ chối không cấp ngân sách” để tổng thống phải chịu một “tình huống không có tiền thì bị bó tay không làm gì được”.

Tuy nói châm biếm hài hước như vậy, mà sẽ không phải vậy, bởi vì Đảng Cộng Hoà cũng sẽ phải xét lại lập trường và những chính sách của mình xem có phù hợp với thực tế của nước Mỹ hay không, thí dụ cụ thể như công việc trục xuất mấy triệu người di dân bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ rõ ràng là một chuyện tưởng tượng. Hơn nữa những tổng thống tiền nhiệm thuộc Đảng Cộng Hoà như TT Dwight D. Eisenhower, TT Ronald Reagan, và TT George H.W. Bush trước đây cũng đã từng ký ban hành những sắc lệnh có liên quan tới sự giải quyết vấn đề di trú ở nước Mỹ. Như vậy TT Obama không phải là tổng thống đầu tiên sử dụng quyền hành pháp để giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp ở nước Mỹ, nhưng cái Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama có một tầm ảnh hưởng rất rộng lớn và liên quan tới hơn mười triệu người di dân bất hợp pháp hiện đang ở trong nước Mỹ, và nó không chỉ là một chương trình di trú mà nó còn là một chương trình giáo dục được đặt lên một nền tảng chắc chắn cho tương lai xa hơn khi những sinh viên không giấy tờ cư trú nhận được sự trợ giúp của các cấp tiểu bang và liên bang để cuối cùng trở thành những công dân Mỹ có năng lực tốt có thể đóng góp nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội Mỹ, cũng như những sinh viên du học đã tốt nghiệp ĐH Mỹ và chuyên viên nước ngoài có kỷ năng cao trong các chuyên ngành khoa học kỷ thuật sẽ được phép làm việc trong nước Mỹ nhiều năm hơn trước đây.   

Nếu xét về khía cạnh ảnh hưởng tâm lý của những người di dân bất hợp pháp hiện ở trong nước Mỹ đối với Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama đã ban hành vào ngày 20/11/2014 vừa qua là họ rất vui mừng. Tuy nhiên, cũng có một số đông người di dân vẫn còn lo sợ bị bắt giữ rồi bị trục xuất khi họ nghe theo lời kêu gọi của TT Obama “bước ra khỏi vùng bóng tối/Obama: You can come out of the shadows” của cuộc sống nhập cư bất hợp pháp để sống công khai, đàng hoàng trong xã hội Mỹ và được luật pháp bảo vệ nhưng tự bản thân phải biết tôn trọng luật pháp của nước Mỹ. Đối với Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama thì người di dân bất hợp pháp có thể có một cảm xúc lẫn lộn giữa niềm vui mừng và nỗi lo sợ của sự đổi mới hoàn cảnh sống. Họ có thể còn hoài nghi về việc thực hiện chương trình di trú mới này, và họ vẫn còn rất sợ Đảng Cộng Hoà khi đa số dân biểu, nghị sĩ của Đảng Cộng Hoà đã có thể kiểm soát Quốc Hội Mỹ thì cũng gây đủ thứ chuyện khó khăn cho TT Obama.

Lẽ tất nhiên dễ hiểu là hành động đơn phương của TT Obama ban hành Sắc Lệnh Di Trú vào ngày 20/11/2014 đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn chưa từng có như vậy trong lịch sử di trú của nước Mỹ, và nó cũng đã gây ra những phản ứng tâm lý của công chúng Mỹ kể cả giới lãnh đạo chính trị Mỹ với những cảm xúc xen lẫn gồm có vui mừng, hài lòng, lo lắng, hoài nghi, bất mãn và giận dữ. 
Có một điều đáng được lưu ý là “tại sao một số chính trị gia lãnh đạo Đảng Cộng Hoà lại tỏ ý bất mãn và giận dữ” đối với Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama, khi họ đã nói rằng việc TT Obama ban hành sắc lệnh di trú như một hành động “bỏ thuốc độc vào giếng nước uống/Boehner: Don’t poison the well” hoặc như là “vẩy một lá cờ đỏ trước mặt một con bò rừng/McConnell: (Obama) waves a red flag in front of a bull”, có ý ám chỉ TT Obama đã làm cho Đảng Cộng Hoà nổi giận.

Ngược lại, cũng có một điều rất rõ ràng là những Cộng Đồng Người Mỹ Da Màu, Cộng Đồng Người Mỹ-Mễ và Cộng Đồng Người Mỹ-Trung Mỹ Châu La Tinh (Latinos) đã tỏ ý hài lòng, rất vui mừng đối với việc ban hành Sắc Lệnh Di Trú của TT Obama trong khi Quốc Hội Mỹ do Đảng Cộng Hoà chiếm đa số kiểm soát quốc hội và đã chưa thông qua Dự Luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú của nước Mỹ. Ở đây người ta cũng có thể nói rằng Quốc Hội Mỹ chưa thông qua Dự Luật Di Trú Mỹ vì Đảng Cộng Hoà ở Hạ Viện còn “chần chờ câu giờ”, nhưng họ vẫn còn đủ thời giờ để gấp rút có thể bỏ phiếu đồng thuận thông qua dự luật, rồi chuyển tới TT Obama để ký thành Luật Di Trú vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu xem xét cẩn thận mọi khía cạnh tại sao Đảng Cộng Hoà ở Hạ Viện phải “chần chờ câu giờ” là vì nếu TT Obama có thể ký thành Luật Di Trú vĩnh viễn, thì điều đó là một chiến thắng vẻ vang của TT Obama và của Đảng Dân Chủ trong vấn đề cải tổ toàn bộ hệ thống di trú.  Tình hình tranh giành quyền lực đã diễn biến như thế thì Đảng Cộng Hoà vẫn cứ như là một “Con Voi/GOP hay đã đang biến dạng thành một Con Bò Rừng nổi điên nổi khùng khi bị vẩy lá cờ đỏ “Cải Tổ Di Trú” ở trước mặt của nó!!

Người ta rất dễ nhận thấy là khi TT Obama ký ban hành Sắc Lệnh Di Trú thì mối quan hệ giữa TT Obama và những người lãnh đạo Đảng Cộng Hoà trong Quốc Hội Mỹ đã xấu quá rồi sẽ càng xấu nhiều hơn nữa. Quốc Hội Mỹ với đa số ghế đại biểu và nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hoà sẽ có thể không bao giờ đồng thuận với Đảng Dân Chủ để thông qua Dự Luật Cải Tổ Toàn Bộ Hệ Thống Di Trú Mỹ, một cái dự luật di trú đã được Thượng Viện lúc Đảng Dân Chủ chiếm đa số ghế thượng viện thông qua rồi để đó chờ Hạ Viện do Đảng Cộng Hoà kiểm soát cho tới hôm nay vẫn còn chờ!  Cũng có những ghi dấu rõ ràng của sự chống đối TT Obama ở trên mọi bình diện, thí dụ như là các hệ thống truyền hình lớn của Mỹ luôn luôn đưa thông tin có khuynh hướng bảo thủ như đài NBC. CBS, Fox, và ABC đã cùng nhau không trực tiếp phát thanh, phát hình lúc TT Obama đọc diễn văn tuyên bố Sắc Lệnh Di Trú; họ cũng không có thông tin kể cả lúc TT Obama nói chuyện về chương trình di trú tại trường Trung Học Del Sol ở Las Vegas. Họ chỉ nêu lý do là quyền lợi thương mại của đài truyền hình của họ quan trọng hơn các sự kiện chính trị không liên quan tới họ.

Cho dù mối quan hệ giữa TT Obama và những người lãnh đạo Đảng Cộng Hoà ở Quốc Hội Mỹ càng lúc càng xấu, thì sau ngày TT Obama ký ban hành Sắc Lệnh Di Trú đã làm cho mối quan hệ giữa TT Obama với các Cộng Đồng Người Mỹ Da Màu, Cộng Đồng Người Mỹ-Mễ, và Cộng Đồng Người Mỹ-Trung Mỹ Châu La Tinh (Latinos) càng tốt hơn, và điều này sẽ có thể là một thắng lợi cho Đảng Dân Chủ trong năm 2016 bầu cử tổng thống sắp tới.

Để kết luận một cách thẳng thắn khách quan người ta có thể nói rằng sự kiện TT Obama ký ban hành Sắc Lệnh Di Trú vào ngày 20/11/2014 là một sự kiện trọng đại có ảnh hưởng mạnh mẽ tới rất nhiều người di dân bất hợp pháp các loại và các hạng tuổi, nó cũng có ảnh hưởng tới cả một số ngoại kiều đang du học hoặc đang làm việc trong nước Mỹ, và nó cũng đã gây cho một số chính trị gia Mỹ danh tiếng và có thế lực thuộc Đảng Cộng Hoà phải bày tỏ phản ứng giận dữ chống đối TT Obama chưa từng thấy trong lịch sử di trú của nước Mỹ./.
Dr. Tristan Nguyễn
San Francisco
22/11/2014






No comments: