Sunday, November 30, 2014

Đi du lịch để xem dân chủ (Lê Phan)



Lê Phan
Saturday, November 29, 2014 1:54:47 PM

Nghe ra thì hơi lạ nhưng quả thật là đang có những du khách từ Hoa Lục đổ đến Đài Loan để “xem dân chủ.”
Số là suốt mấy tuần nay Đài Loan sôi sục các cuộc vận động tranh cử cho cuộc bầu cử địa phương. Từ đô trưởng thủ đô Đài Bắc đến các viên chức địa phương, cuộc bầu cử với hơn 20,000 ứng cử viên cho hơn 10,000 chức vụ phải nói là đầy màu sắc. Phải nói đây là những cuộc bầu cử ở một mức độ chưa từng thấy. Cử tri sẽ lựa chọn 9 bậc chính quyền bởi ở đảo quốc dân chủ này, mọi cấp chính quyền từ ông xã trưởng đến mọi viên chức ở các cấp, trừ tổng thống và Quốc Hội đều được bầu lại.

Và với pháo nổ đì đùng khắp nơi, tiếng chuông trống inh ỏi từ các xe vận động, và các ứng cử viên vẫy chào cử tri trong những đoàn vận động đi khắp hang cùng ngõ hẻm, quả thật là vui. Đó là mới chỉ là các nghị viên của các hội đồng địa phương. Những vị ứng cử thị trưởng, đô trưởng có những cuộc trình diễn âm nhạc, có những cuộc diễn hành như ngày lễ Tết với nhiều chục ngàn người tham dự. Sống động, ồn ào và náo nhiệt, những cuộc vận động tranh cử ở nền dân chủ trẻ trung này quả là rất hấp dẫn. Ấy là chưa kể những bữa ăn hay những món quà hòng lấy lòng cử tri.

Chả thế mà theo tờ Ming Báo ở Hồng Kông, cuộc vận động tranh cử đã lôi cuốn du khách từ Hoa Lục đến để được tận mắt chứng kiến “bầu không khí hội Hè nhộn nhịp.”

Đã có những “hướng dẫn cho du khách” được phổ biến online, dạy cho người dân Hoa Lục những gì có thể hay đừng làm để được thưởng thức hương vị dân chủ, dầu cho có đặc tính độc đáo của Đài Loan. Một hướng dẫn trên Sina.com viết, “Nếu muốn gặp một ứng cử viên nào đó, đi đến trụ sở ban vận động của ông hay bà đó. Họ sẽ cho quý vị chi tiết về lộ trình vận động của ứng cử viên của họ.”

Hướng dẫn đó cũng khuyên du khách hãy cẩn thận trong việc giúp đỡ các ứng cử viên vận động tranh cử, khuyến cáo là họ có thể bị trục xuất nếu họ hăng say quá. Sina.com còn nhắc nhở là ngay cả mặc màu xanh lá cây hay xanh da trời cũng có những hậu quả không mong muốn bởi đó là màu của hai đảng chính. Xanh lá cây là của Đảng Dân Tiến đối lập trong khi xanh da trời là của Quốc Dân Đảng.

Nhưng bản tin của Formosa EnglishNews cho biết không phải ai cũng có thể tìm đến theo dõi các cuộc meeting vận động. Đa số người Hoa đi trong các tour lớn và họ không được quyền tách ra khỏi nhưng tour này. Những người này chỉ có thể tối về mở tivi lên xem.

Nhưng những người có tiền, đi du lịch độc lập, mới được tham gia những cuộc vận động. Và theo chủ nhân của một công ty du lịch thì trong tháng 11 này, số quota mà chính phủ Đài Loan cho phép du khách đến độc lập, chỉ có 4,000, đã hết sạch, trong khi bình thường tháng này ít hơn nhiều.

Sina.com còn khuyến khích những du khách hãy đến xem một cuộc meeting của ứng cử viên Liên Thắng Văn để hy vọng được nghe chính Tổng Thống Mã Anh Cửu đọc diễn văn.

Nhưng nếu họ được hướng dẫn nhiều hơn thì những người du khách này đã học được một bài học dân chủ thực sự. Bởi dưới bầu không khí hội hè đó, các cuộc bầu cử địa phương lần này hết sức quan trọng, nhất là trong vấn đề liên hệ giữa Đài Loan và Hoa Lục. Các ứng cử viên của đảng cầm quyền Quốc Dân Đảng đang cố gắng hết sức để giữ được quyền kiểm soát sáu thành phố lớn nhất nước, nơi mà hai phần ba dân chúng Đài Loan cư ngụ.

Mặc dầu hiện nay đang nắm cả hành pháp lẫn lập pháp cũng như hầu hết các thành phố lớn và các quận quan trọng, Quốc Dân Đảng đang có triển vọng mất những nơi vốn là những ghế an toàn của đảng như hai chức đô trưởng Đài Bắc và Đài Trung. Đài Nam vốn vẫn là đất nhà của đảng đối lập Dân Tiến. Chả thế mà khi viên chức cao cấp nhất của Bắc Kinh đến thăm Đài Loan hồi đầu năm nay, ông này đã phải bỏ về sớm khi đến Đài Nam vì bị dân chúng phản đối quá mức.

Ở chính Đài Bắc, Bác sĩ Kha Văn Triết, một tay mơ về chính trị có triển vọng trở thành đô trưởng. Nếu ông bác sĩ 55 tuổi, xuất thân gia đình bình dân, chiến thắng đối thủ Liên Thắng Văn, một cựu giám đốc ngân hàng đầu tư mà cha là Liên Chiến, cựu thủ tướng và phó tổng thống, thì đây là một thất bại chua cay cho Quốc Dân Đảng, vốn coi Đài Bắc là đất nhà của mình. Vả lại ngoại trừ hai lần khi ông Trần Thủy Biển của Đảng Dân Tiến thắng được, chức đô trưởng Đài Bắc đều vào tay Quốc Dân Đảng.

Bác Sĩ Kha còn có nhiều điều đặc biệt khác. Ông không mua quảng cáo nào và chi ra ít tiền hơn là bất cứ một ứng cử viên nào trước đây.

Ấy vậy mà ông được sự chú ý của báo chí. Cũng như Tổng Thống Barack Obama, ông đã nhận được hầu hết tài trợ từ đóng góp cá nhân qua internet. Tuy ứng cử độc lập, ông được sự ủng hộ của Đảng Dân Tiến đối lập. Đảng Dân Tiến đã chọn không đưa ra ứng cử viên của mình mà ủng hộ ông. Chiến dịch vận động của ông nhằm khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội dân sự và tìm cách vượt sự chia rẽ giữa Quốc Dân Đảng và những ai muốn có liên hệ chặt chẽ hơn với Hoa Lục và Đảng Dân Tiến cùng những người muốn có một Đài Loan độc lập.

Nhấn mạnh đến tính bình dân, Bác Sĩ Kha ít khi mặc đồ Tây lớn, khác với các ứng cử viên khác. Sự thiếu kinh nghiệm chính trị của ông đã dẫn đến nhiều nhà bình luận nghĩ là sự thắng thế lúc đầu của ông trong các cuộc thăm dò dư luận sẽ tan biến trước tổ chức nhà nghề của Quốc Dân Đảng.

Nhưng lại chính ông Liên, vốn cũng không có kinh nghiệm chính quyền, đã không lợi dụng được sự yếu kém của đối thủ, mặc dầu ông là con nhà nòi. Ông thường nhấn mạnh đến các đề tài kinh tế, khoe kinh nghiệm đầu tư của ông cũng như vai trò chủ tịch của một công ty đã điều hành thẻ smartcard cho hệ thống chuyên chở công cộng của Đài Loan. Nhưng liên hệ gia đình cộng với sự giàu có cá nhân lại làm dân chúng không tin tưởng vào ông trong giai đoạn mà người dân đang ngày càng lo ngại trước hố phân biệt giàu nghèo. Một giáo sư về chính trị học tại Viện Nghiên Cứu Academia Sinica, một viện nghiên cứu của chính phủ, giải thích, “Ông ta còn trẻ quá (mới 46 tuổi), thiếu kinh nghiệm quá, và không hiểu cuộc sống bình thường của dân chúng ở Đài Bắc.”

Cũng xin thêm trong ba vị tổng thống của Đài Loan từ khi có dân chủ đến nay, cả ba đều là đô trưởng Đài Bắc trước khi lên làm tổng thống. Thành ra cuộc bầu cử ở Đài Bắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng không những cho Đài Loan mà còn cho vùng nữa.

Mùa xuân năm nay, những sinh viên chống lại chính sách thân Bắc Kinh của Quốc Dân Đảng đã chiếm đóng Quốc Hội hơn ba tuần lễ để chống lại một thỏa thuận mậu dịch với Hoa Lục mà các nhà chỉ trích bảo là sẽ cho Bắc Kinh thêm ảnh hưởng đối với nền kinh tế Đài Loan.

Ông Liên, vốn đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm ngoái, đã bị phe đối lập chỉ trích là quá thân Trung Quốc, và muốn củng cố thêm nữa liên hệ với Hoa Lục.

Giáo Sư Jonathan Sullivan của Viện Đại Học Nottingham ở Anh giải thích, “Ông Liên không thể thuyết phục được ai là ông ta có gì khác hơn là một dòng con lãnh tụ xuất thân từ một trong những gia đình giàu có nhất và quyền thế nhất nước. Cố gắng nửa vời của ông để tỏ ra mình bình dân đã theo sau những hớ hênh cho thấy rõ nguồn gốc ‘hoàng tử’ của ông cũng như suy nghĩ thực của ông.” Một thí dụ là khi bị chỉ trích quá nhiều về nguồn gốc, ông bèn đưa ra một chiến dịch quảng cáo nói là Đức Phật Thích Ca đã “chẳng là một hoàng tử đã ngộ đạo” đó sao. Việc ông so sánh mình với Đức Phật Thích Ca đã bị cho là hỗn xược.

Nếu những du khách từ Hoa Lục có thể hiểu được một phần nào cuộc tranh luận ở Đài Loan và sự việc là đảng cầm quyền vẫn có thể bị chỉ trích và bị thay đổi thì quả thật là quá tốt. Trên địa chỉ Reddid, một người viết, “Lão tử viết, 'Cây lớn một ôm, khởi sinh từ một cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi từ một giỏ đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước.'” Biết đâu cái mầm dân chủ đó rồi sẽ bám rễ.





No comments: