Wednesday, December 29, 2010

VĂN HỌC TRƯỚC HẾT LÀ VĂN BẢN (Nguyễn Hưng Quốc)


Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 29 tháng 12 2010

Nhà văn Võ Phiến

Trong một cuộc tán gẫu về văn học quanh một bàn nhậu ở Việt Nam, dịp tôi về thăm nhà vào cuối năm 2000, một người nghe đâu cũng làm thơ hỏi tôi:
"Nghe nói hình như anh có viết một cuốn sách về Võ Phiến?"

Tôi gật đầu xác nhận. Người ấy nói tiếp:
"Tôi không hiểu tại sao anh lại mất thì giờ như vậy. Tôi thấy Võ Phiến viết xoàng lắm."

Tôi kiên nhẫn:
"Anh có đọc Võ Phiến nhiều không?"

"Không. Trước năm 1975, tôi chỉ đọc vài bài viết của ông ấy trên báo thôi."

"Còn sau năm 1975 thì sao?"

"Không. Tôi không đọc gì của ông ấy cả."

Tôi nói cho qua chuyện:

"Sau năm 75, qua Mỹ, Võ Phiến viết nhiều lắm. Mới đây ông ấy cho in bộ sách về văn học Miền Nam dày đến 7 tập."

Nhà thơ nọ bỗng lên giọng, gay gắt:
"Tôi thấy ổng chỉ viết linh tinh."

Tôi ngạc nhiên:
"Ủa, anh đọc rồi hả?"

Nhà thơ nọ đáp, đầy tự tin:
"Chưa. Tôi không có bộ sách đó. Nhưng tôi có đọc mấy câu Võ Phiến phê bình Vũ Khắc Khoan được trích trong một bài báo đăng trên tờ gì đó ở Mỹ."

Thành thực mà nói, tôi không quan tâm đến việc nhà thơ vô danh nọ không đồng ý với tôi hay coi thường Võ Phiến. Một phần, qua buổi trò chuyện, tôi không đánh giá cao sự hiểu biết cũng như khả năng phán đoán của nhà thơ ấy cho lắm; phần khác, quan trọng hơn, cho dù sự bất đồng ấy đến từ một người thông minh và nhạy cảm hơn, tôi cũng cho là chuyện bình thường. Trong phạm vi văn học, có lẽ chỉ có những điều vớ vẩn nhất, tức những điều ngay cả những người không biết đọc và không biết viết cũng biết, mới hy vọng có thể được mọi người đồng ý.

Tuy nhiên, tôi vẫn không ngớt ngạc nhiên về thái độ của nhà thơ ấy, một thái độ thô bạo và ngây thơ lạ thường. Thô bạo ở chỗ sẵn sàng công kích bất cứ ai nói khác điều mình nghĩ, và ngây thơ ở chỗ cả tin vào một vài câu trích dẫn bâng quơ đâu đó đến độ suồng sã nhảy xổ ra tranh luận về những cuốn sách anh chưa hề đọc.

Thái độ thô bạo và ngây thơ như vậy, tôi ngờ là xuất phát từ một sự ngộ nhận về phê bình và dẫn đến hậu quả là làm cho công việc phê bình các hoạt động phê bình cứ loanh quanh mãi trong vòng đàm tiếu vu vơ và vô bổ.

Điều đáng ngạc nhiên và cũng đáng lo ngại hơn là thái độ thô bạo và ngây thơ như vậy hình như lại khá phổ biến.

Vài ba tháng trước khi tình cờ gặp nhà thơ kể trên, tôi được một nhà văn thuộc loại khá có tiếng tăm ở California chuyển cho xem một xấp tài liệu của một diễn đàn văn nghệ được tổ chức qua hệ thống internet.

Nội dung của xấp tài liệu ấy là cuộc thảo luận tập trung vào một bài phê bình bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến. Đọc các ý kiến được trình bày trong cuộc thảo luận, tôi thấy rõ một điều: những người tham gia đều là những trí thức loại khá. Nhìn chung, ai cũng có vẻ am hiểu tình hình sinh hoạt văn học Miền Nam trước năm 1975 và văn học hải ngoại sau năm 1975. Họ có lối lập luận khúc chiết, một lối diễn đạt mạch lạc và đặc biệt, một thái độ nghiêm túc, lịch sự và đầy nhiệt tình.

Tuy nhiên, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là cả những người đồng ý và bênh vực bài phê bình lẫn những người không đồng ý và phản đối bài phê bình ấy đều thú nhận là họ chưa hề đọc bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến. Chưa hề đọc bộ sách, tất cả những cứ liệu người ta dùng để thảo luận với nhau một cách say sưa và... uyên bác là một số câu trích dẫn cụt đầu cụt đuôi trong bài phê bình nọ, một bài phê bình vốn đầy ác ý đối với Võ Phiến và được viết bởi một người, theo tôi, có một trình độ hiểu biết và cảm thụ văn học khá tầm thường.

Chỉ dựa trên một nguồn tài liệu cực kỳ nghèo nàn và chắp vá như thế, những người tham gia vào diễn đàn nhiều khi phải suy diễn thêm, phải kết hợp với một số tin đồn họ thu nhận được đâu đó, cuối cùng, cuộc thảo luận càng lúc càng đi xa những gì Võ Phiến thực sự viết.

Nói cách khác, những người trí thức và có vẻ như yêu thích văn học ấy đã bỏ rất nhiều thì giờ để thảo luận về những điều họ... nghe nói, trên cơ sở của những gì họ... nghe nói. Tôi cho một việc làm như thế, dù xuất phát từ những động cơ đầy thiện chí, vẫn là một chuyện ngồi lê đôi mách, một việc làm vô cùng nhảm nhí.

Không những nhảm nhí, nó còn phản văn học.

Chúng ta đã có chữ phản khoa học để chỉ thái độ thiếu tôn trọng các giá trị khoa học và đi ngược lại các phương pháp khoa học. Chữ phản văn học tôi dùng ở đây nhằm chỉ thái độ coi rẻ các đặc trưng cơ bản của văn học, đối xử với văn học như một cái gì không phải là văn học.

Đặc trưng cơ bản của văn học là gì? Có nhiều cách trả lời tuỳ theo những quan điểm khác nhau, tuy nhiên, có một điểm hầu như mọi trường phái phê bình hiện đại đều chấp nhận, đó là: tính không thể giản lược và không thể thay thế được của các tác phẩm văn học.

Với các nhà hình thức luận ở Nga, những kẻ xem nghệ thuật là kỹ thuật như tựa đề một bài viết nổi tiếng của Viktor Shklovsky "Art as Technique" (1), mục tiêu chính của nghiên cứu văn học là tính văn chương; yếu tính của tính văn chương nằm ở những sự vi phạm vào các thói quen để ngôn ngữ được lạ hoá; nơi thể hiện chính của tính văn chương là các thủ pháp nghệ thuật; và nơi tồn tại của các thủ pháp ấy chỉ có thể là văn bản.

Với các nhà Phê Bình Mới, tác phẩm văn học là một cái gì có tính tự trị: để hiểu nó, người ta phải tiếp xúc trực tiếp với nó, căn cứ vào những yếu tố hình thức trong văn bản, chứ tuyệt đối không được đi qua bất cứ một thứ trung gian nào khác, kể cả tác giả (điều họ gọi là nguỵ luận về ý định, intentional fallacy) và độc giả (điều họ gọi là nguỵ luận về hiệu ứng, affective fallacy).

Với các nhà cấu trúc luận, văn học không có gì khác hơn là ngôn ngữ; ngôn ngữ không có gì khác hơn là các quan hệ; và các quan hệ ấy không có gì khác hơn là cách cấu trúc của văn bản. Sau này, các lý thuyết văn học hậu hiện đại đều phủ nhận tính khép kín và tính tự trị của văn bản, đều nhấn mạnh vào tính liên văn bản, và đều tin là bên trong hoặc đằng sau văn bản bao giờ cũng có sự hiện diện của vô số những yếu tố khác, từ ngôn ngữ đến lịch sử, văn hoá, chính trị, xã hội, phái tính, chủng tộc, v.v... Tuy nhiên, để tiếp cận với những yếu tố ấy, con đường duy nhất mà nhà phê bình phải đi qua là chính cái văn bản mà họ phê bình.

Văn bản văn học dù được xem là một chỉnh thể thống nhất và tự tại như chủ trương của các nhà Phê Bình Mới, hình thức luận và cấu trúc luận hoặc như một bức khảm của những trích dẫn (mosaic of quotations) như chủ trương của các nhà giải cấu trúc luận, hậu cấu trúc luận, hậu thực dân luận, nữ quyền luận, đều là một cái gì không thể thay thế được.

Như thơ, chẳng hạn. Đến với thơ là phải đến với văn bản thơ. Khi bị tóm tắt, tức là khi không còn là cái văn bản nguyên thuỷ của nó, thơ không còn là thơ nữa. Nó chỉ còn lại một ít sự kiện và ý tưởng trong khi ai cũng biết thơ không phải chỉ là sự kiện và ý tưởng. Bên cạnh sự kiện và ý tưởng, thơ còn có ngôn ngữ với những cách thức tổ chức đặc biệt của nó, từ việc khai thác các âm, vần, thanh điệu, cú pháp đến cách xây dựng hình tượng, đến cả cách trình bày trên trang giấy, v.v... Đó là hình hài của thơ, là da thịt của thơ, là nhan sắc của thơ, là... gần như tất cả thơ. Chính vì vậy, trước đây các nhà Phê Bình Mới đã cực lực phản đối việc diễn xuôi (paraphrase) thơ. Họ cho đó là điều bất khả.

Mà bất khả thật. Làm sao người ta có thể chuyển ra văn xuôi mà vẫn giữ được cái nét độc đáo trong hai câu thơ quen thuộc này của Xuân Diệu: "Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ / Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya"?

Thế cụm từ "chưa xong nhớ" bằng bất cứ một hình thức diễn đạt nào khác, chẳng hạn,"chưa nguôi nhớ" nghe chừng hợp lý hơn, hương vị của câu thơ chắc chắn sẽ bị phai nhạt rất nhiều. Bởi vì chính chữ "xong" ấy đã làm cho chữ "nhớ" mới hẳn: từ một động từ diễn tả tâm tình nó trở thành một động từ diễn tả động tác, có tính vật lý và đầy sức nặng.

Diễn ra văn xuôi, người ta có thể giữ được sự liên tưởng đến hai câu thơ nổi tiếng của Lý Bạch ngày xưa "Cử đầu vọng minh nguyệt / Đê đầu tư cố hương", từ đó giữ được tính liên văn bản và tính xuyên thời gian của văn học; có thể giữ được cái ấn tượng lửng lơ khi đằng sau động từ "ngắm" không hề có một đối tượng gì cả; có thể giữ được cái ám ảnh về không gian và thời gian bằng cách lặp lại ở đầu câu trên hai động từ liên quan đến không gian (ngẩng / ngắm) và lặp lại ở cuối câu dưới hai danh từ liên quan đến thời gian (đêm / khuya); có thể giữ được cái cách dùng một mùi hương để diễn tả ý niệm thời gian; và có thể giữ được sự nhấn mạnh vào yếu tố thời gian ấy bằng cách dùng thật nhiều các phụ từ như: mãi, chưa, xong, rồi, đã, v.v... Nhưng làm sao người ta có thể giữ được cái cảm giác mang mang và man mác ở câu trên, khi để diễn tả động tác ngắm và nỗi niềm nhớ, tác giả đã dùng thật nhiều vần trắc và nguyên âm mở (ngẨng đẦu ngẮm mÃi chưa xOng nhỚ) và cái cảm giác sâu lắng, thoáng chút bùi ngùi và hắt hiu ở câu dưới, khi để diễn tả nỗi cô đơn trong khuya khoắt, tác giả đã dùng thật nhiều vần bằng và nguyên âm khép (hoa bƯỞi thƠm rồi: đÊm đã khuYa)?

Thơ như thế mà văn xuôi thì cũng như thế. Một cuốn tiểu thuyết, chẳng hạn, không phải chỉ là một cốt truyện để có thể tóm tắt được một cách dễ dàng. Dùng một cốt truyện, được viết bởi hai nhà văn khác nhau, chúng ta có thể có hai tác phẩm khác nhau một trời một vực. Thử tước bỏ tất cả cách diễn tả độc đáo và sắc sảo của Nguyễn Tuân hay của Phạm Thị Hoài, chỉ giữ lại cốt truyện trong các truyện ngắn của họ, chúng sẽ còn là cái gì? Chắc chắn chúng không khác các truyện ngắn trong các tờ báo học trò bao nhiêu cả.

Chú thích:

1.Bài này được nhiều người dịch ra tiếng Anh và in trong rất nhiều tuyển tập phê bình và lý thuyết khác nhau, chẳng hạn, trong cuốn Contemporary Literary Criticism,Literary and Cultural Studies, do Robert Con Davis và Ronald Schleifer biên tập, nxb Longman, New York,1989, tr. 54-66; cuốn Literary Theory: an Anthology do Julie Rivkin và Michael Ryan biên tập, Blackwell Publishers, Massachusetts,1998, tr. 17-23, v.v...

--------------------------------------

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.
.
.
.
.
.

No comments: