Saturday, March 28, 2009

KHÔNG SỢ GIÀU MÀ SỢ CÁCH LÀM GIÀU SAI

Không sợ giầu mà sợ cách làm giầu sai

Ngô Nhân Dụng
Friday, March 27, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92698&z=7

Ngày hôm qua Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố trong ba tháng đầu năm nay, kinh tế nước ta chỉ tăng 3.1%, giảm quá nửa so với tỷ số tăng trưởng 7.5% cùng thời kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, chính quyền Cộng Sản vẫn dự đoán Tổng Sản Lượng Nội Ðịa Việt Nam sẽ tăng 6.5% trong cả năm 2009, một con số khó lòng đạt được. Theo Ngân Hàng Thế Giới thì trong năm nay kinh tế Việt Nam sẽ lên được chừng 5.5%, còn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dự đoán xuống 4.75%. Nhưng cả hai con số đó vẫn còn quá lạc quan so với số tiên đoán của các chuyên viên nghiên cứu kinh tế trong tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU, Tin kinh tế). Ông Justin Wood thuộc EIU mới nói chuyện ở Hà Nội hôm giữa Tháng Ba 2009, cho biết EIU dự đoán kinh tế Việt Nam năm nay sẽ chỉ tăng 0.3%, tức là gần số không.

Ví thử như dự đoán của EIU thành sự thật, thì cũng không có gì lạ. Vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, những nước không đủ nội lực thì chịu ảnh hưởng nặng nhất. Cũng trong bản báo cáo của IMF, họ dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng thêm 6.5% trong năm nay, sụt mạnh so với tỷ số tăng trưởng tới 10% trong mấy năm trước.

Kinh tế Việt Nam cũng như Trung Quốc thiếu nội lực vì lệ thuộc quá nhiều vào hàng xuất cảng và đầu tư của người ngoại quốc. Khi hai hoạt động đó giảm bớt vì cơn khủng hoảng toàn cầu thì kinh tế những nước thiếu nội lực đều sa sút nặng. Có những nước như Singapore, Ðài Loan, hoặc lãnh địa Hồng Kông, họ sống nhờ xuất cảng, họ phải chịu tai vạ; lý do vì dân số thấp, một điều kiện họ không thay đổi được. Còn Việt Nam và Trung Hoa là 2 nước đông dân nhưng cũng chịu tai vạ, vì chính sách của chính quyền sai. Trong hàng chục năm qua các nước này chỉ nhắm vào sản xuất nhiều để bán ra ngoài, chứ không đặt ưu tiên nâng sức cao tiêu thụ của người dân, không lo phát triển một thị trường nội địa có căn bản. Cho nên bây giờ không xuất cảng được nhiều nữa thì chịu tai vạ lớn hơn.

Chính sách thúc đẩy sản xuất để xuất cảng, không phát huy thị trường nội địa, đưa tới những hậu quả kinh tế và xã hội. Nhà nước sẽ nâng đỡ các công ty xuất khẩu, đặc biệt là những công ty do đảng viên cầm đầu và các doanh nhân ngoại quốc. Những cán bộ kinh doanh của đảng này sẽ kiếm lợi lớn cho đảng cầm quyền và cho chính họ; các xí nghiệp ngoại quốc được ưu đãi khi chia chác với các cán bộ nhà nước; nhưng lớp người thực sự làm công việc sản xuất là nông dân, ngư dân và công nhân thì sẽ bị thiệt thòi. Lương của từng cá nhân người lao động thấp đã đành, nhưng các chính sách khác của nhà nước cũng bỏ rơi họ.

Có hai yếu tố sản xuất là vốn và lao động. Khi chính sách quốc gia chỉ nhắm vào xuất cảng mà không tìm cách nâng cao sức tiêu thụ của người trong nước, thì nỗ lực đầu tư sẽ chuyển phần lớn vào máy móc thiết bị, thu hút các nguồn vốn bằng các chính sách ưu đãi; họ sẽ không cố gắng đầu tư thêm vào lao động, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động. Nhà nước theo chính sách đó sẵn sàng ưu đãi các công ty lớn, giảm thuế khóa, cho họ được sử dụng đất lấy của dân. Nhà nước hỗ trợ họ tổ chức thi hoa hậu hay làm sân cù giải trí thì được; nhưng không có tiền chi nâng cao giáo dục và y tế ở nông thôn là những yếu tố cần thiết nâng cao sản năng lao động. Ngân sách giáo dục quốc gia thấp, các học sinh tiểu học phải đóng tiền, thì lớp người chịu hậu quả nặng nhất là con cháu công nhân và nông dân, chứ không phải con cái các cán bộ và giới trung lưu thành thị. Vì những người có tiền vẫn có thể cho con đi học tư, có thể gửi con đi ngoại quốc ngay từ bậc trung học. Ngân sách y tế công cộng thấp thì những người bị bỏ rơi không được chữa bệnh, không biết phòng bệnh cũng là những người nghèo. Nói chung, những người nghèo nhất nước cũng bị thất học và yếu ớt, bệnh tật nhiều nhất, quốc gia đã bỏ rơi không đầu tư vào những người này.

Cho nên, khi nhà nước theo đuổi một chính sách chỉ nhắm làm giầu nhanh chóng bằng việc xuất cảng, khuyến khích xuất cảng bằng bất cứ giá nào, thì giới lao động ở nông thôn và thành thị đều bị thiệt thòi. Nếu ví lợi tức chung của quốc gia là một cái bánh dầy hay bánh chưng, chúng ta thấy phần chia cho giới lao động thì thấp quá, kinh tế lên lợi tức của họ cũng không tăng được bao nhiêu; còn phần chia cho các nhà kinh doanh xuất cảng, trong và ngoài đảng Cộng Sản, thì lớn và được tăng lên mãi. Cho nên cảnh bất công xã hội ngày càng trầm trọng.

Nhưng khi số thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam bị kìm hãm vì họ bị bỏ rơi thì một hệ quả là khả năng tiêu thụ trong nước cũng rất thấp. Khả năng mua (cũng gọi là mãi lực) của người dân thấp vì phần lợi tức quốc gia chia cho họ thấp, vì họ không thuộc “diện ưu tiên.” Ngoài ra, nếu kiếm thêm được đồng nào họ cũng chỉ lo để dành vì lo khi đau ốm, lo con đi học. Ở Trung Quốc số tiền nông dân gửi ngân hàng tăng 18% một năm vì dân nhịn ăn nhịn mặc. Chính phủ các nước chủ trương ưu tiên xuất cảng đều bóc lột người dân trong nước họ để chiều đãi các khách hàng ở các nước giầu. Riêng chính phủ Trung Quốc thì bắt dân nhịn tiêu thụ để bán hàng rẻ cho Mỹ thật nhiều, khi thu được tiền Mỹ rồi lại đem cho Mỹ vay, giúp dân Mỹ được hưởng lãi suất thấp.

Khi đa số người dân trong một nước mà nghèo, không được học, sức khỏe không được bảo vệ, thì hậu quả tai hại trên nền kinh tế sẽ rất lâu dài. Kỹ năng làm việc sẽ thấp, cả nước sẽ tự hạ thấp mình chỉ làm những việc mà người dân các nước tiên tiến không muốn làm nữa vì công việc không có giá trị cao.

Trên mặt xã hội, ai cũng thấy cần xóa bỏ cảnh bất công; nhưng trên mặt kinh tế, bất công xã hội còn là một trở ngại cho sự phát triển nữa. Mà chỉ trong những nước chưa quen sống tự do dân chủ thì cảnh bất công mới nặng nề và gây nhiều tai hại về mặt kinh tế.

Ở Trung Quốc, một nửa phần trăm dân Trung Hoa thuộc lớp người giầu nhất nước là chủ nhân của 60% tài sản của tư nhân; những người còn lại, 99.5% làm chủ 40% tài sản tư. Ðó là do Boston Consulting Group tính toán năm 2006. Ở một nước chậm tiến như Mexico mà người giầu nhất nước này cũng có lúc là người giầu nhất thế giới. Ông Carlos Slim có tài sản 59 tỷ Mỹ kim vào năm 2007, trong năm đó ông Bill Gates ở Mỹ chỉ có 56 tỷ. Nhưng tài sản của Bill Gates chưa lớn bằng một nửa phần trăm (0.4%) Tổng Sản Lượng Nội Ðịa nước Mỹ; còn gia sản của ông Slim lớn bằng 6.6% GDP của nước ông ta. Trong số 100 người giầu nhất thế giới có 40 người Mỹ, nhưng tổng cộng tài sản của họ cũng chỉ lớn bằng 4.5% GDP nước Mỹ.

Ðiều phân biệt giữa các người Mỹ giầu và Carlos Slim là bọn Mỹ phải cạnh tranh gắt gao mới giầu được. Còn ông Slim may mắn nắm được một độc quyền khi chính phủ Mexico tư nhân hóa công ty điện thoại quốc gia vào năm 1990. Nhà nước Mexico ngoảnh mặt đi, ông Slim dùng độc quyền đó như một cái máy in tiền, nhờ nắm được thời cơ lúc công nghiệp điện tử phát triển. Sau 70 năm sống dưới chế độ độc đảng, Mexico là một nước tư bản có xã hội bất công nhất. Mà đó cũng là nước nghèo nhất trong lục địa Bắc Mỹ. Có một mối liên hệ giữa công bằng xã hội và phát triển kinh tế, những xã hội càng công bằng thì phúc lợi kinh tế của người dân càng cao hơn. Có hai định chế tạo ra tình trạng đó: chính trị tự do dân chủ và kinh tế cạnh tranh bình đẳng.

Ở Việt Nam có nhiều người giầu, nhiều người cũng làm việc hết mình mới trở nên giầu sang chứ không nên có thành kiến hễ giầu là phải tham nhũng. Một nước có nhiều người giầu không có gì hại cả, còn tốt nữa. Nhưng đứng trên mặt kinh tế thuần túy mà bàn thì câu hỏi quan trọng là: “Họ làm giầu bằng cách nào?”

Khi mọi người trong một nước làm giầu nhờ thành công trong thị trường cạnh tranh thật sự, thì việc làm giầu của họ cũng đồng thời giúp cho quốc gia giầu thêm, nhiều người khác được chia sẻ lợi nhuận.

Còn khi những người làm giầu, dù làm giầu bằng việc kinh doanh chứ không phải hối mại quyền thế, nhưng họ chỉ trở nên giầu có nhờ khéo chạy chọt, đút lót, nhờ tìm gốc lớn để bám và dù lớn để che, thì công việc làm giầu của họ không mang lại lợi ích cho quốc gia bằng những người làm giầu nhờ giỏi cạnh tranh trong thị trường.

Ðức Khổng Tử nói, “Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân” nghĩa là “Không lo thiếu thốn mà lo chia không đều.” Câu này ngày xưa ông Hồ Chí Minh hay đem ra dậy đảng viên, nhưng coi bộ chẳng có anh nào nhớ cả; bây giờ các quan lớn Cộng Sản chỉ lo làm giầu cho mình thôi, dân thất học hay bệnh hoạn “mặc kệ nó.”

Bây giờ chúng ta có thể nhại lời Ðức Thánh Khổng mà nói thêm rằng: “Không lo có người giầu mà nên lo phương cách làm giầu thế nào.” Nếu chính sách quốc gia đặt ưu tiên phải viết ra và thi hành những luật lệ cạnh tranh công bằng, tạo cơ hội cho tất cả mọi người như nhau trong thị trường cạnh tranh, thì trong nước càng nhiều người giầu càng lợi chung cho kinh tế quốc dân. Ngược lại, nếu những người cầm quyền chủ trương dành ưu tiên cho phe cánh mình, đảng viên của mình, và những người khác nếu chịu đút lót cho phe cánh, đảng viên của mình, cho bọn người được ưu đãi đó cơ hội làm giầu dễ và giầu to nhất; thì chính sách đó không ích lợi cho đất nước, đáng xóa bỏ, cần thay thế.

Nhìn lại chính sách kinh tế của các chính quyền Cộng Sản tại Trung Quốc và Việt Nam thì ai cũng thấy họ tạo ra cảnh bất công xã hội. Nhưng không phải vì kinh tế thị trường tự do cạnh tranh tạo nên cảnh giầu nghèo chênh lệch đó. Chính chủ trương ưu đãi các đảng viên và phe cánh của đảng Cộng Sản đã gây bất công xã hội. Nhưng tai hại nhất là chính sách này còn cản trở cả sự phát triển kinh tế của quốc gia nữa. Vì bọn người được hưởng thụ nhờ các chính sách ưu đãi đó đang trở nên một thế lực, họ sẽ ngăn cản tất cả những thay đổi cần thiết để tạo dựng khuôn khổ cho các luật lệ cạnh tranh công bằng và cơ hội đồng đều. Khi chưa có thị trường cạnh tranh thật sự thì quốc gia không thể lợi dụng được những ưu điểm của cơ chế thị trường để phát triển. Ở Bắc Mỹ có ba nước theo kinh tế tư bản, nhưng Mexico khác hẳn Canada và Mỹ.

No comments: