Tuesday, March 31, 2009

CẢNH GIÁC SAU PHIÊN TOÀ PHÚC THẨM VỤ THÁI HÀ

Cảnh giác trước thủ đoạn mới của Cộng sản sau phiên tòa phúc thẩm vụ án Thái Hà

VietCatholic News (31 Mar 2009 03:05)

http://www.vietcatholic.net/News/Html/65619.htm

Vụ án Thái Hà đã đi vào lịch sử như một sự kiện khởi đầu cho một giai đoạn mà người dân Việt không chấp nhận sự gian manh đổi trắng thay đen của bộ máy tuyên truyền cộng sản, không chấp nhận những hành vi của những kẻ đại diện nhà nước lại chà đạp lên luật pháp của chính nhà nước ban hành, không chấp nhận hành vi lừa dối, sự gian trá của các chính trị gia cộng sản, không chấp nhận sự chà đạp nhân quyền một cách trắng trợn và hung bạo trong một thế giới văn minh mà cộng sản vẫn rêu giao là đang dẫn dắt quốc gia hội nhập sâu rộng… Vụ án Thái Hà đánh dấu một bước chuyển biến căn bản trong tư tưởng người dân Việt trước bạo quyền cộng sản.

Sau một hồi dùng các thủ đoạn đê hèn, chà đạp lên luật pháp của chính mình ban hành, cộng sản ngày càng lộ mặt gian manh … Các phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án Thái Hà rõ ràng là những “vở tuồng” mà ai cũng biết trước kết thúc. Nhưng một điều cộng sản không ngờ tới là các bị cáo cùng cộng đồng dân Chúa không run sợ mà họ biến các “tấn tuồng tư pháp” này cuộc biểu dương lực lượng của người công chính. Trong số những người đi cổ vũ cho các bị cáo tại phiên toà, người ta thấy có mặt rất nhiều dân oan trong đó có cả nhà sư Thích Đàm Bình … Chính nghĩa có sức thu hút con người bất kể họ theo tôn giáo nào.

Một điều cộng sản cho là nguy hiểm là nhiều người dân sau khi chứng kiến vụ việc đã hiểu ra cách thức đấu tranh bất bạo động, biết cách đoàn kết bảo vệ lẫn nhau chống lại công an, kiên trì giải thích lẽ phải, kiên trì theo đuổi đấu tranh bất bạo động… Họ cũng biết rằng nếu không tranh đấu, không bao giờ cộng sản trả lại nhân quyền cho họ cả …

Theo giới phân tích chính trị độc lập tại Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Dũng ngay từ đầu đã muốn giải quyết vụ việc theo chiều hướng đấu dịu. Nhưng không phải ông ta muốn bênh người Công Giáo, hay ông ta ngộ ra chân lý, mà chỉ đơn thuần là ông ta không muốn nhiệm kỳ thủ tướng thêm những rắc rối mà vốn khởi đầu đã không suôn sẻ, trong nội bộ cộng sản việt nam và trên trường quốc tế…

Với bản chất của những kẻ chuyên dùng thủ đoạn đê hèn, các chính trị gia cộng sản cảnh giác với các đối thủ trong đảng không kém với “các thế lực thù địch” bên ngoài. Họ thường không đối mặt trực diện khi tranh đấu nội bộ, cho dù họ đã có đủ tài liệu để kất luận vấn đề… Trước một vấn đề và trước một đối thủ trong đảng, họ vẫn có lối hành sử cứ để hậu quả sảy ra rồi mới chính thức lên tiếng, vừa dễ hạ bệ đối phương, vừa tránh phải “đứng mũi chịu sào” giữ an toàn cho mình…

Vụ việc Thái Hà – Toà Khâm Sứ tuy được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quan tâm, nhưng về nguyên tắc nó được “lãnh đạo tập thể” là bộ chính trị chỉ đạo đường lối và giao việc cho Hà Nội. Đây là qui định phân cấp phân quyền mà thực chất là phân chia lãnh địa, quyền lợi giữa các phe nhóm cộng sản …

Nay khi phiên toà phúc thẩm đã kết thúc, mặc dù quan chức cộng sản Hà Nội áp dụng bao nhiêu thủ đoạn không những chẳng hữu hiệu, mà lại càng thúc đẩy giáo dân quyết đi tìm công lý bất chấp việc bị tước đoạt cả quyền hỗ trợ tư pháp từ phía luật sư… Các chính trị gia cộng sản trung ương mới bắt đầu đánh giá lại sự việc. Ông Nguyễn Tấn Dũng chất vấn quan chức Hà Nội về những việc làm thời gian qua của chính quyền Hà Nội, đặc biệt là việc quan chức Hà Nội cắt đất công viên Thống Nhất xây khách sạn Novotel Hanoi on the Park, một việc làm lố bịch và mâu thuẫn với những tuyên bố thu hồi hai khu đất của TGP HN để làm công viên tăng thêm diện tích cây xanh cho Hà Nội… Và vấn đề năng lực lãnh đạo, sự nhạy bén chính trị của đám quan chức Hà Nội được Dũng đặt ra cho những mục đích riêng của ông ta…

Ngay trước phiên toà phúc thẩm, PA 38 - Công an Hà Nội đã cho cán bộ gặp gỡ các linh mục để “bày tỏ sự quan ngại của chính quyền Hà Nội về tình trạng căng thẳng kéo dài của vụ việc Thái Hà – Toà Khâm Sứ”. Hiểu cho đúng thì đây là một chiêu thức nữa được họ đem ra “thử nghiệm”. Không đánh được thì quay sang đàm. Nhưng họ chỉ cho cấp thấp nhất đặt vấn đề đàm phán… Cũng như trước phiên xử phúc thẩm, họ để mấy tên cán bộ tập sự nhãi nhép của toà án Hà Nội đến tận nhà các bị cáo để đặt vấn đề hãy chấp nhận sự vắng mặt của luật sư Lê Trần Luật. Đây là một thủ đoạn của cộng sản nhằm thăm dò các giáo sĩ Công Giáo, thông qua đó để tìm hiểu thêm về nội tình giáo hội Công Giáo Việt Nam trước bạo quyền cộng sản. Việc đàm phán giải quyết căng thẳng nếu có, cũng lại chỉ như những cuộc hội đàm giữa nhà nước với Vatican mà thôi: “Chủ động đặt vấn đề và tiến hành đàm phán, đưa ra các quan điểm giải pháp để thăm dò đối phương… nhưng không tiến tới bất kỳ một thoả thuận nào kể cả thời gian và địa điểm cho lần gặp gỡ sau… “

Mặt khác cộng sản sẽ coi phiên toà phúc thẩm là sự đã rồi, án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay không thể cải sửa… Trên cơ sở đó cơ quan hành chính sẽ đẩy trách nhiệm sang cơ quan tư pháp, cơ quan cấp trên sẽ đẩy trách nhiệm cho cấp dưới… Một hồi đẩy qua đẩy lại, cộng sản sẽ viện ra lý do nguyên tắc tổ chức, viện ra lý do mâu thuẫn quan điểm giữa các phe nhóm cộng sản… Để thuyết phục người Công Giáo hãy bỏ qua vụ án này… Theo cộng sản, như thế là nó đã thắng, và nó sẽ lại chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền rêu rao về “sự cúi đầu nhận tội” của người Công Giáo… Dùng nó để lòe bịp đe doạ dân oan khác…

Công lý, sự thật không thể là cái mang ra thử nghiệm, chờ hậu quả sảy ra để các chính trị gia cộng sản hạ bệ nhau… Người dân không thể là con tin của các thủ đoạn tranh giành quyền lợi, quyền lực giữa các phe phái cộng sản… Nhân quyền lại càng không phải là thứ để chà đạp sau đó xin lỗi một cách lén lút, rồi hoà giải, hoà hợp, xí xoá… Người Công Giáo trong khi thực hành lời Chúa với đức khoan dung Kitô Giáo, cũng cần thận trọng để thuận lời Chúa dạy: “Của Thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em".

Lê Sáng

No comments: