Wednesday, March 25, 2009

CẦN SỰ TIN CẬY VÀ MINH BẠCH Ở BIỂN ĐÔNG

Cần sự tin cậy và minh bạch ở Biển Đông

Tiến sĩ Ulises Granados

Viết cho BBCVietnamese.com từ Đại học Tokyo

Cập nhật:11:10 GMT - Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090324_ulises_granados_comment.shtml

Vào hôm 10.3, Tổng thống Philippines, Gloria Arroyo, ký thành luật Đạo luật Cộng hòa 9522, tái khẳng định chủ quyền với hơn 7100 đảo, bao gồm một số trong vùng Trường Sa đang bị Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam tranh chấp, và cả vùng Trung Sa (Macclesfield) bị Trung Quốc và Đài Loan tranh chiếm.

Trước đó, hôm 8.3, năm tàu Trung Quốc đã đối đầu với tàu Mỹ USNS Impeccable, cách đảo Hải Nam khoảng 120 cây số về phía nam.

Điều thú vị là cả hai vụ này đều liên quan diễn biến xây dựng hải quân của Trung Quốc và liên quan chính phủ Obama tại Mỹ.

Trước hạn chót của LHQ

Đạo luật của Philippines được ký sau hơn ba năm bàn bạc ở Quốc hội. Nó được thông qua gấp rút do tính chất khẩn thiết của việc định nghĩa ranh giới thềm lục địa trước hạn chót 13.5 của Liên Hiệp Quốc, theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Nhóm đảo Kalayaan, cùng bãi đá ngầm Scarborough - một phần của Trung Sa - đã nằm ngoài đường cơ sở này, khiến một số nghị sĩ Philippines đòi đặt chúng vào "khuôn khổ".

Trước phản đối của Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh nước ông rất coi trọng quan hệ song phương và đồng ý hợp tác với Trung Quốc để duy trì ổn định và hòa bình trong vùng.

Nhưng bước đi của Manila đã chỉ làm tăng lo ngại. Thủ tướng Malaysia, Abdullah Ahmad Badawi, hôm 5.3 đã thăm đảo đá Hoa Lau, nhắc lại yêu sách của riêng mình. Nó khiến Bắc Kinh lập tức có phản ứng, và cả Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phản đối Luật Cộng hòa 9522 vào ngày 13.3.

Toàn bộ vấn đề có ảnh hưởng to lớn trong vùng bởi vì nó có thể dính dáng tới vụ tàu USNS Impeccable và vì thế cũng liên quan tới ý định của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển. Tạp chí Jane's Defense Weekly nói Trung Quốc đã điều động tàu ngầm hạt nhân Jin ở Hải Nam và đã xây cơ sở hạ tầng ngầm dưới biển ở căn cứ Sanya. Tàu Impeccable, một tàu thám thính không vũ trang, được cho là đang dò tìm ở dưới đáy biển, nhưng có lẽ đúng hơn nó đang thu thập thông tin cho Hải quân Mỹ về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trong vùng.

Vụ va chạm đặc biệt đáng lo ngại không phải vì mục đích thu thập thông tin, mà đúng hơn là vì nó có những ảnh hưởng tới luật biển quốc tế. Theo UNCLOS, hoạt động của nước ngoài bên ngoài lãnh hải 12 hải lý nhưng bên trọng đặc khu kinh tế EEZ của một nước khác thì phải tuân theo luật của nước đó. Đây là biện luận của Trung Quốc, tức là tàu Mỹ lẽ ra phải được phép trước đó của họ.

Tuy nhiên, với những hoạt động phi kinh tế, các tàu nước ngoài được tự do đi lại bên trong EEZ cũng như ở ngoài biển - Lầu Năm Góc tuyên bố vụ việc xảy ra trong vùng biển quốc tế. Ý nghĩa của chữ "vùng biển quốc tế" và mức độ thực thi luật pháp của một nước đối với đặc khu kinh tế EEZ rõ ràng là điểm gây bất đồng. Việc diễn giải UNCLOS cũng lại là một vùng "xám", dễ bị các nước ký vào công ước lợi dụng.

Nhắm tới Mỹ?

Cần lưu ý đạo luật của Philippines và vụ va chạm tàu Trung Quốc - Mỹ xảy ra vài tuần sau khi Obama nhậm chức tổng thống. Cả hai vấn đề có vẻ đòi hỏi tân chính phủ Mỹ có phản ứng mạch lạc.

Trước hết, đạo luật của Manila không chỉ nhắm tới hạn chót Liên Hiệp Quốc, mà nó còn có thể nhằm buộc Mỹ bày tỏ thái độ về khả năng giúp Philippines chống Trung Quốc nếu xảy ra đụng độ ở Trường Sa, hoặc ít nhất cũng giúp Manila hiện đại hóa quân đội. Sử dụng "lá bài Trung Quốc" cũng có thể tái tục thảo luận về tương lai Hiệp định Quân lực Mỹ - Philippines, mà lâu nay bị một số dân biểu Philippines chê là bất công cho nước họ. Chính quyền Arroyo có thể đang muốn đẩy Washington phải có thái độ chủ động hơn về "mối đe dọa Trung Quốc".

Trong khi đó, vụ va chạm tàu USNS Impeccable hơi giống biến cố máy bay Mỹ EP-3 tháng Tư 2001, khi nó phải hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam vài tháng sau khi George W Bush lên nắm quyền.

Lúc này, lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt phe quân đội, có thể đang thăm dò chính sách hải quân của Obama cho vùng Viễn Đông. Hoặc ít nhất họ muốn thăm dò tân chính phủ Mỹ, bị phe bảo thủ Mỹ cho là "mềm yếu trong quan hệ quốc tế", có dám gây áp lực với Trung Quốc giữa cơn khủng hoảng tài chính hay không. Đa số các nước trong vùng cũng muốn sớm biết đâu là ưu tiên thực sự của đảng Dân chủ Mỹ.

Đòi hỏi minh bạch

Dù mưu tính thực sự của Bắc Kinh là gì, thì Trung Quốc, Mỹ và Philippines cần củng cố biện pháp xây dựng lòng tin, minh bạch ở Biển Đông. Họ cần thông báo trước về các hoạt động dân sự và quân sự, để tỏ thiện chí. Mặc dù UNCLOS và Tuyên bố 2002 về Hành xử Các bên ở Biển Đông (do Trung Quốc và ASEAN ký, không mang tính ràng buộc) có nhiều khiếm khuyết đáng nói, nhưng hai tài liệu này vẫn là khung quan trọng cho hợp tác khu vực.

Thật kỳ lạ, ít nhất đối với Trung Quốc, nước này có thể muốn ASEAN cập nhật Tuyên bố 2002 bằng một chữ ký của Mỹ như quan sát viên bên ngoài. Bởi vì như thế có thể phục vụ cho quyền lợi của Bắc Kinh, tức là theo dõi Mỹ ở vùng Biển Đông, đặc biệt khi mà việc can dự trực tiếp của Mỹ tại Biển Đông là khả năng sắp xảy ra. Sự can dự không trực tiếp dính líu tới yêu sách ở Trường Sa, bởi vì ngay từ trước Thế chiến Hai, chính phủ Mỹ đã tránh nêu quan điểm về tính chất pháp lý của các yêu sách lãnh thổ. Nhưng sự can dự ấy của Mỹ là nhắm tới sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc trên biển.

Tính minh bạch là yêu cầu khó nhưng vẫn là đòi hỏi chính trị trong vùng. Giữa Trung Quốc và Mỹ, rất cần khai thông liên lạc giữa hai quân đội để tránh các vụ như USNS Impeccable.

Trung Quốc, Philippines và Việt Nam cần tiết lộ tiến triển thực sự của thỏa thuận thăm dò địa chấn ba bên năm 2005, theo đó các công ty dầu khí ba nước sẽ tìm kiếm tiềm năng dầu và khí đốt ở một số vùng của Trường Sa. Chi tiết đang được giữ bí mật và ASEAN và Đài Loan bị gạt ra khỏi dự án.

Các biện pháp minh bạch có thể giúp cho một Biển Đông ổn định hơn trong tương lai gần, vì những tuyên bố hành xử, giống như thỏa thuận 2002, sẽ luôn chỉ là giấy vụn nếu chúng không được thực thi trong thực tế.

Về tác giả: Tiến sĩ Ulises Granados đã viết nhiều bài nghiên cứu liên quan vấn đề Biển Đông, trong đó có "The South China Sea islands during the Ming and Qing: levels of geographical knowledge and political control," East Asian History 32/33 (12. 2006/6. 2007) và "Japanese Expansion into the South China Sea - Colonization and Conflict, 1902 - 1939," Journal of Asian History 42.2 (2008).

No comments: