Wednesday, March 25, 2009

HẢI NGOẠI CỬ HÀNH NGÀY GIỖ PHAN CHÂU TRINH

Cựu học sinh Phan Chu Trinh Đà Nẵng làm lễ giỗ nhà cách mạng họ Phan

Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
Tuesday, March 24, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92462&z=1

WESTMINSTER, California (NV)- Trên 200 cựu nam nữ học sinh trung học Phan Chu Trinh Ðà Nẵng vừa có cuộc họp mặt tưởng niệm nhà ái quốc Phan Chu Trinh vào sáng hôm Chủ Nhật 22 tháng 3 vừa qua tại nhà hàng Paracel, Westminster.

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng, theo ông Nguyễn Tuấn, cố vấn hội cho biết, thì nay có trên 300 thành viên. Hàng năm thường có hai cuộc hội ngộ, một vào ngày giỗ cụ Phan Chu Trinh và một vào dịp Hè là Ngày Ðại Hội Văn Hóa nhằm ngày Lễ Ðộc Lập Hoa Kỳ 4 tháng 7. Ngoài những cuộc họp mặt này các tổ chức liên lớp 1958-1965 và liên lớp 1965-1972 cũng có những cuộc họp mặt để hàn huyên và giúp đỡ bạn học cũ khó khăn còn trong nước. Nay hội đang được điều hành bởi một ban chấp hành, một ban cố vấn với hội trưởng là Ðỗ Thái Nhiên, phó ngoại là Nguyễn Diệu Liên Hương (nha sĩ), phó nội là Nguyễn Văn Minh, tổng thư ký là Vũ Ðình Huân, thủ quỹ là Tạ Minh Nguyệt.

Trước bàn thờ có di ảnh cụ Phan Chu Trinh và một màn hình chiếu liên tục một số hình ảnh đám tang của cụ vào tháng 3 năm 1926, các thầy cô và cựu nam nữ học sinh trường Phan Chu Trinh đã cùng các hội bạn như Liên Trường Quảng Nam Ðà Nẵng, Sao Mai, Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), Trần Quí Cáp (Hội An) và Gia Long (Sài Gòn) đã cử hành trọng thể lễ giỗ nhà ái quốc, nhà cách mạng Phan Chu Trinh rất trọng thể.

Giáo Sư Trần Hữu Nhuận đã mở đầu buổi lễ, phát biểu rằng: “Húy nhật cụ Phan Chu Trinh là ngày 24 tháng 3, chúng ta những người đã được học trong mái trường mang tên Phan Chu Trinh là dịp cho chúng ta quây quần tưởng niệm đến nhà cách mạng đã lãnh đạo phong trào dân chủ vào thời bấy giờ. Nhưng những điều của cụ nêu lên đều là những điều tiên tri. Bởi ngày nay, sau hơn một thế kỷ, chúng ta đã thấy mọi nơi trên thế giới đều phải cần đến những điều cụ chủ trương. Hôm nay chúng ta làm lễ giỗ cụ cũng là để cho chúng ta nung nấu tinh thần dân chủ. Tinh thần ấy sẽ là động lực cho mọi phong trào dân chủ không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho cả toàn thế giới”.

Sau đó các giáo sư cựu hiệu trưởng trường Phan Chu Trinh Nguyễn Ðăng Ngọc, Thái Doãn Ngà và cựu Luật Sư Nguyễn Phương Minh tức nhà báo Ðỗ Thái Nhiên đã lần lượt nhắc lại hoạt động của nhà cách mạng Phan Chu Trinh, phân tích tư tưởng chủ đạo của nhà cách mạng ôn hòa này.

Ông Ðỗ Thái Nhiên, trong ban tổ chức ngày giỗ, nhấn mạnh sự khác biệt về chủ trương của hai nhà cách mạng cùng thời, cùng họ Phan là Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu. Sư khác biệt ấy là cụ Phan Chu Trinh chủ trương tranh đấu ôn hòa bất bạo động còn cụ Phan Bội Châu chủ trương cuộc cách mạng phải bằng quân sự.

Cựu hiệu trưởng trường Phan Chu Trinh Ðà Nẵng Nguyễn Ðăng Ngọc phân tích chủ trương của cụ Phan Chu Trinh rằng: “Cụ Phan chủ trương và đã không ngừng hoạt động cách mạng toàn dân trên ba phương diện là dân sinh, dân trí và dân khí. Dân sinh là phải làm sao cho đời sống người dân được nâng cao. Dân trí là phải làm cho người dân mở mang trí tuệ, biết yêu thương gia đình dân tộc và biết đến đạo đức làm người. Dân khí là ý chí chung của người dân, lòng yêu thương hòa thuận trong nghĩa đồng bào”.

Giáo Sư Nguyễn Ðăng Ngọc sau đó đã chiếu ba chủ trương của cụ Phan Chu Trinh vào những lớp học trò của trường qua các thế hệ và giáo sư thấy rằng người cựu học sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng nay hầu hết đã vượt được lên trên trung bình trong cuộc sống của mình chiếu theo ba điều trên.

Một giáo sư cựu hiệu trưởng khác là Giáo Sư Thái Doãn Ngà cũng cho rằng: “Lý thuyết của nhà cách mạng Phan Chu Trinh vẫn còn giá trị mãi mãi. Bởi vì muốn có được dân chủ cho đất nước thì dân phải giầu, nước phải mạnh. Cho nên chúng ta phải khuyến khích cho con cháu học càng cao thì mới có được dân trí tốt. Dân trí cao sẽ làm thay đổi được đất nước”.

Nhà cách mạng Phan Chu Trinh có hiệu là Tây Hồ nên sử sách cũng còn gọi là Phan Tây Hồ, sinh tại Quảng Nam trong lúc đất nước bị thực dân Pháp áp đặt chế độ thực dân lên toàn cõi. Trong Nam thì bị lấy làm thuộc địa, ngoài Bắc và miền Trung thì bị bảo hộ dưới quyền người Pháp. Trên toàn cõi đã diễn ra nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp nhưng phần lớn đều không thành công. Trước tình trạng đó cụ Phan Chu Trinh đã đi từ Nam ra Bắc để liên kết với các nhà hoạt động cách mạng lúc ấy như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp, Hoàng Hoa Thám và Phan Bội Châu. Sau khi gặp gỡ với các nhà đang hướng dẫn các cuộc cách mạng chống Pháp, cụ Phan Chu Trinh thấy rằng chủ trương quân sự khó thành công nên đã chọn con đường ôn hòa bất bạo động để đánh thức lòng dân trước nạn lệ thuộc. Từ đó cụ đã đi nhiều nơi diễn thuyết, tới cả Pháp để tranh đấu qua những bài viết đòi chính phủ Pháp phải thay đổi đường lối cai trị ở VN. Những hoạt động của cụ đã bị chính quyền Pháp và triều đình Huế bắt giam cụ nhiều lần nhưng vẫn không làm sờn ý chí đấu tranh của cụ.

Cụ Phan Chu Trinh mất ngày 24 tháng 3 vì bạo bệnh. Ðám tang của cụ được dân chúng và học sinh các nơi về đưa đám đến cả hàng ngàn người.

Tư tưởng của Phan Chu Trinh đã ảnh hưởng không ít đến giới sĩ phu trong nước cho mãi đến ngày nay. (N.H.)

-------------------------------------

Ban tổ chức ngày giỗ nhà cách mạng Phan Chu Trinh trước di ảnh cụ Phan (phía sau bên trái).

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/92462-medium_NVHN-090323-PhanChuTrinh%201.jpg

Cựu nam nữ trung học Phan Chu Trinh Ðà Nẵng cùng cất cao tiếng hát trong khúc ca “Hiệu Ðoàn Phan Chu Trinh” ngày nào.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/92462-medium_NVHN-090323-PhanChuTrinh%202.jpg

No comments: