Saturday, April 12, 2025

AI SẼ THẮNG TRONG CUỘC CHIẾN THUẾ QUAN? (Trương Nhân Tuấn / Facebook)

 



Ai sẽ thắng trong cuộc chiến thuế quan ?

Trương Nhân Tuấn  

11-4-2025  02:53  

https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/pfbid0292zkVQXFrziNZ9bs7c2dZYdmrmcuc1iCN4EVSuqRARd78HKvb12kCs9o6zpYo91gl

 

Ai sẽ thắng trong cuộc chiến thuế quan ?

 

Nếu TT Trump đặt mục tiêu là "hốt tiền" ngàn tỉ mỗi năm để lấp đầy "lổ đen" nợ quốc gia (36 ngàn tỉ đô). Thì chuyện áp thuế của TT Trump có thể sẽ không thành công. Yếu tố quyết định, nước Mỹ có "hốt" ngàn tỉ mỗi năm hay không là do những nhà xuất-nhập khẩu từ Mỹ và TQ. Khi mức thuế cao hơn mức lợi nhuận của nhà xuất-nhập khẩu thì không còn xuất nhập chi nữa hết. TQ không xuất được hàng và dân Mỹ không mua được hàng TQ. Điều này có nghĩa là Mỹ không thâu được thuế.

 

Chuyện TT Trump "gài số de" vụ thuế "có qua có lại" cho toàn thể các quốc gia ở mức 10%, ngoại trừ TQ. Người thì nói đó là hành vi TT Trump "thao túng thị trường chứng khoán". Thật vậy, trong ba ngày quyết định áp thuế của TT Trump được ban bố và thâu hồi, thị trường chứng khoán Mỹ dao động 30.000 ngàn tỉ đô la. Những người biết được chính sách "sớm nắng chiều mưa" của TT Trump, dĩ nhiên chỉ là các tỉ phủ thân cận trong nội các Trump. Chắc chắn những người này, trong một ngày, đã "hốt" rất nhiều tiền. Người thì cho rằng đó là bước "thoái lui chiến thuật" của TT Trump, nhằm dồn toàn lực "đánh" TQ. Người thì cho rằng đó là chiến thắng của thị trường tự do. Người thì cho rằng đó là do phản ứng trái chiều của dân chúng biểu tình trên đường phố...

 

Theo tôi, như đã viết hôm 4 tháng tư, chính sách kinh tế của TT Trump sẽ áp dụng theo nội dung "Cẩm nang tái cấu trúc hệ thống giao dịch toàn cầu" (User’s Guide to Restructuring the Global Trading System) của Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Kinh tế của TT Trump. Việc áp dụng cẩm nang nhắm tới cùng lúc nhiều mục tiêu: 1/ nâng tính cạnh tranh hàng hóa của Mỹ đồng thời phục hồi các cơ sở sản xuất của Mỹ bằng cách hạ giá đồng đô la. 2/ giảm nợ quốc gia, sử dụng thuế quan để buộc các quốc gia chấp nhận hoán đổi các khoản nợ của Mỹ thành ra "trái phiếu thế kỷ", lãi suất 0%, có thời hạn 100 năm. Tức là Mỹ sẽ buộc các nước cung cấp tiền cho Mỹ xài (mà không trả tiền lời). 3/ tái cấu trúc hệ thống liên minh quốc tế trên những thỏa thuận địa chính trị mới. Tức là các quốc gia nhượng bộ các yêu sách của Mỹ thì sẽ được Mỹ bỏ hàng rào thuế quan và được Mỹ bảo vệ quân sự.

 

Ta thấy ngay rằng việc áp dụng cái gọi là "cẩm nang Miran" từ đầu đã có trục trặc.

 

Trong bài viết ngày 2 tháng hai tôi có cảnh báo rằng "Đối thủ của Mỹ là TQ chớ không phải là các đồng minh EU, Canada hay Mexico. Bởi vì TQ sẽ vượt qua Mỹ về kinh tế lẫn quốc phòng, vấn đề chỉ là thời gian, nếu Mỹ vẫn loay hoay "phe ta đánh phe mình", bỏ lỡ những cơ hội cũng như không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn đà tiến của TQ."

 

Theo tôi chính sách thuế quan của Mỹ đối với TQ chỉ có thể thành công nếu TT Trump lôi kéo được EU đứng cùng phe với mình.

 

Mỹ không thể dùng thuế quan để buộc các tập đoàn TQ vào đầu tư ở Mỹ. Đơn giản vì ông Tập vừa có lịnh cấm. Người ta ước đoán là do hệ quả thuế quan chỉ số tăng trưởng GDP của TQ sẽ sụt xuống còn 2 đến 3%. Dân TQ có "nổi loạn" hay không ? Theo tôi là không! Dân TQ không có thói quen chống chỉnh phủ và họ đã có thói quen chịu đựng cực khổ từ lâu.

 

Nhưng nếu Mỹ bị suy thoái ?

 

TT Trump hiện đang sử dụng thuế quan để buộc các tập đoàn thuộc Đài loan, Nhật, Nam Hàn, EU... đổ tiền đầu tư vào Mỹ. Nhứt cử lưỡng tiện, nước Mỹ vừa có tiền tươi, vừa tạo công ăn việc làm. TT Trump vừa yêu sách tập đoàn TSMC của Đài loan đầu tư vào Mỹ 100 tỉ đô la. TT Trump cũng có những yêu sách tương tự với các tập đoàn khác thuộc Nhật, Hàn v.v... Vấn đề là chuyện này có "ép phê" hay không ?

 

Theo tôi là chưa chắc. Nước luôn chảy về chỗ trũng cũng như tài phiệt chỉ đổ tiền vào nơi sanh lợi nhuận nhiều hơn. Các quốc gia EU, Nhật, Nam Hàn... đã có những cuộc gặp gỡ với TQ để bàn về một thỏa thuận kinh tế, trong trường hợp nước Mỹ trở về chủ nghĩa biệt lập.

 

Các quốc gia EU có nhận thức rõ ràng rằng họ đang bị tấn công từ hai phía: thuế quan của Mỹ và hàng giá rẻ của TQ. Liệu chuyện "gài số de" của TT Trump có quá trễ để lôi kéo EU về phía mình để chống TQ hay không ?

 

Lập trường của Mỹ dưới thời TT Trump về cuộc chiến tranh Ukraine cho thấy đi ngược lại với luật quốc tế và Hiến chương LHQ (về cuộc xâm lược của Nga trên lãnh thổ Ukraine). Nhưng yêu sách ngang ngược của TT Trump đối với Greenland, Panama hay đối với Gaza... đã khiến đồng minh mất niềm tin vào nước Mỹ. Bây giờ TT Trump đe dọa chiến tranh với Iran.

Theo báo chí, Pháp sẽ cùng một số quốc gia Ả Rập sẽ công nhận "quốc gia" Palestine vào tháng 6 tới đây.

 

Một nước Mỹ mất uy tín. Một tổng thống Mỹ chỉ biết lợi ích của mình (và Do thái), bất chấp đồng minh. TT Trump không thể mở mặt trận thuế quan (sau đó là chiến tranh tiền tệ) trong lúc các vấn đề địa chính trị chưa giải quyết.

 

Theo tôi thái độ của dân Mỹ trong những ngày sắp tới có thể sẽ định hướng lại hướng đi (chếch choáng) của nước Mỹ.

7 BÌNH LUẬN  

 

 

 



No comments: