Việt Nam áp đảo
láng giềng tại giải Vô địch Đá cầu Châu Á
Phạm Cao Phong
Gửi tới BBC từ Paris
30 tháng 8 năm 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c985xvew0ppo
Tài hoa về đá cầu của Việt Nam một lần nữa
ghi dấu trong trang mở đầu của Giải vô địch châu Á (Asian Shuttlecock
Championships) lần thứ nhất.
Năm 2019, tại giải vô địch thế giới tại Pháp (Shuttlecock World
Championships), Việt Nam đã khẳng định thế áp đảo trước đại diện 17
quốc gia. Giải vô địch khu vực châu Á năm nay tổ chức tại Hong Kong,
đội Việt Nam lại lộ mặt là 'kẻ bắt nạt' hàng xóm ngay trên đất
Trung Hoa.
https://ichef.bbci.co.uk/news/641/cpsprodpb/cf30/live/f8dfc6b0-471e-11ee-a4d5-111ee7663a86.jpg
Những vận động viên đội
Đồng Tháp của HLV Nguyễn Tuyết Cương góp phần lớn trong giải
Vẻn vẹn trong 4 ngày thi đấu từ 22-26/8/2023, Việt Nam đã cho
thấy "lòng tham không đáy" khi cướp hết 11 huy chương vàng, 3
huy chương bạc trong 14 bộ huy chương của giải lần này.
Đây là lần đầu tiên các quốc gia châu Á đứng ra tổ chức ngày
hội thể thao đá cầu, gộp chung giải trẻ (Asian Youth Shuttlecock
Championships) và giải vô địch châu Á (Asian Shuttlecock Championships) quy
tụ 9 đội tuyển, gồm có: Campuchia, Trung Quốc, Chinese Taipei, Hong Kong
(China), Macau (China), Mông Cổ, Thái Lan, và Việt Nam.
Đại dịch Covid 19 đã cướp đi một dịp để thế giới đá cầu gặp
mặt tại CHLB Đức. Nên giải châu Á lần này như một thử thách về chức
vô địch toàn đoàn của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thật ra, đứng
về tài năng, so bì được với Việt Nam chỉ có đội Trung Quốc. Ông hàng
xóm có 1,4 tỷ dân này gặp Việt Nam đôi khi còn lên giọng được, chứ
các nước khác gặp ta len lét như rắn mùng 5.
Trong thể thao, giành được chức vô địch đã khó, giữ được lại
càng khó hơn. Thời gian là thử thách khắc nghiệt nhất, đồng thời là
phép thử chính xác nhất.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/adc1/live/61846950-471f-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg
Hai nữ cầu thủ Minh
Thuận và Bích Trâm của Việt Nam nhận huy chương vàng
Bảo vệ được ngôi vương 4 năm trước tại Pháp, đội Việt Nam làm
như môn này sinh ra để nước lạ thổn thức và bức bối. Mười giải thế
giới, là mười lần đội Trung Quốc ra ngõ gặp gái. Từ thế hệ Huyền
Trang, Cẩm Tú lần đầu đến bây giờ là thế hệ Tố Nguyên, Bích Trăm,
Minh Thuận, các cô gái Việt đã trở thành ác mộng với đội bạn. Ai
đời, thua hai ba lần còn nói cứng được, chứ thua sạch, thua trắng thế
cũng uổng một đời vác giầy ra sân khuya sớm ?
Tôi hỏi Minh Thuận, nữ tuyển thủ số 7 Việt Nam về không khí
thi đấu trong giải, nhất là các trận đối kháng với đối thủ đầy ân
oán ngay trên đất Hong Kong, em nói: "họ bao vây toàn sân, ủng hộ
lẫn nhau. Bọn con chỉ có một thân một mình, nhỏ bé lắm."
Họ ở đây là các đội còn lại. Đương nhiên Hong Kong, Macau gọi
là đội tuyển song vẫn một tỉnh "không thể tách rời của Đại
lục". Năm 2019, tôi chứng kiến một vận động viên chủ lực Hong Kong
rất to mồm, hét khản cả giọng cổ vũ đội Trung quốc mỗi khi gặp
Việt nam. Chỉ có đội Đài Loan là ủng hộ Việt Nam. Trước trận chung
kết đôi nam nữ gặp Trung Quốc, bác sĩ Đài Loan còn bấm huyệt cho
Trần Ngọc Hải, giải cơn đau cho vận động viên Việt Nam. Không có bàn
tay chữa trị của ông, chắc hẳn Ngọc Hải- Thúy Nga không có cơ hội
giành huy chương vàng trước Lý Tư Văn và Mai Vũ Thiên, hai át chủ bài
của đội bạn.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/66ab/live/ae797de0-471f-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg
Minh Thuận trong một pha đá cầu
Bộ môn đôi nữ 'rửa hận' cho trận thua 4 năm trước
Năm nay, trong bộ môn đôi nữ Việt Nam, Minh Thuận, Bích Trăm đã
rửa hận cho trận thua 4 năm trước. Hiệp đầu đội Trung Quốc giành phần
thắng, các em đã giật lại trận thứ hai đưa tỷ số về cân bằng 1-1.
Đến trận thứ ba, khi đối thủ đã lên đến 18 điểm, Minh Thuận
với hai cú vẩy rồng ngược quyết định, đã "một mình làm cả
cuộc chia ly …cho chiếc huy chương vàng" mà phía Trung quốc khát
khao, đưa tỷ số 21-18. Bốn năm trước, em cùng cùng Bích Trăm, Tô Minh
Đào giành huy chương vàng đồng đội nữ. Tôi còn nhớ, ở trận thứ ba,
khi điểm số là 12-13 giữa Trung Quốc và Việt Nam, Thuận phải nằm đo
sân vì căng cơ, tưởng không gượng đá tiếp được. Song Thuận đã cắn răng
cùng đồng đội thi đấu kiên cường. Kết quả, hai cú giật cầu xuất
thần thành công của Bích Trăm và Minh Đào đã mang chiến thắng chung
cuộc về cho bộ ba cô gái vàng năm đó. Năm nay Tô Minh Đào có em bé,
nên không tham dự giải.
Năm 2023 cũng là năm Minh Thuận tốt nghiệp chuyên ngành Giáo
dục thể chất trường Đại học sư phạm TDTT thành phố Hồ Chí Minh. Hy
vọng em với kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, chi chít huy chương vàng quốc
tế cùng kiến thức thu nhận được trên giảng đường sẽ còn đóng góp
nhiều hơn nữa cho thể thao Việt Nam.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2625/live/2d44d550-4722-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg
Cú vẩy " rồng ngược"
của Minh Thuận trong trận giành huy chương vàng trước Trung Quốc
Nhiều triển vọng nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng
Bộ chỉ huy chiến dịch đánh Hong Kong năm nay gồm các huấn
luyện viên Đào Thái Hoàng Phúc (Hà Nội), Nguyễn Văn Hiền (Thừa Thiên Huế),
Nguyễn Tuyết Cương (Đồng Tháp), Nguyễn Đăng Khoa (Tp.Hồ Chí Minh) vẫn giữ
vững được ưu thế và sức mạnh cho đội tuyển, thậm chí còn nâng lên
một tầm cao hơn, dù có nhiều vận động viên nòng cốt có mặt 4 năm
trước đã từ biệt sân chơi, hoặc vì lý do nào đó không có mặt hôm
nay.
Tôi theo dõi bước tiến của ba ngôi sao là Hồ Phước Sang (sinh năm
1998), Phạm Thị Tố Nguyên (1997), Nguyễn Thị Bích Trăm (1997) trong đội
Đồng Tháp của HLV Nguyễn Tuyết Cương. Cả ba đều có kỹ thuật siêu
đẳng, tâm lý thi đấu kiên cường, gắn bó mật thiết với các đồng đội
đến từ T.P Hồ Chí Minh như Lạc Chí Đức, Du Quế Lộc, Trần Anh Quân
(Phú Thọ), Nguyễn Huy Dương (Hà Nội), Phùng Mạnh Tú (Bắc Giang) thành
một tập thể vô địch. Lứa trẻ như Nguyễn thị Thùy Linh (sinh năm 2002),
Lê Thị Tâm (2000), Lê Phạm Hoàng Oanh (2001) cho thấy đội ngũ kế cận
đầy triển vọng.
Môn đá cầu khác với bóng bàn, tennis ở chỗ phát cầu thường
không phải chiếm lợi thế, vì trái cầu nếu đối phương vít được là cơ
hội để lên lưới đá quét hay phản công hiểm hóc hơn. Song, Phước Sang,
Tố Nguyên đưa giao cầu thành một vũ khí lợi hại, chọn điểm rơi rất
hiểm. Phước Sang còn bay lên như đại bàng, phát cầu biến hóa, xem rất
đã (nhưng phải mở ngoặc "nếu là người Việt Nam".)
Tôi đem điều tò mò ra hỏi HLV Nguyễn Tuyết Cương, tại sao Đồng
Tháp chỉ có 47 vận động viên đá cầu lại có tiếng nói trong làng
cầu như vậy và điều bí quyết gì ở một vùng sâu, vùng xa miền Tây
lại có những vận động viên đẳng cấp như các em. Anh cho tôi biết,
tỉnh Đồng Tháp đầu tư đào tạo các vận động viên nhí, khi các em mới
trong độ 4-7 tuổi, mới cắp sách đi học đã gieo đam mê môn đá cầu cho
các em, để từ đó tìm ra những năng khiếu. Thêm nữa tâm huyết, định
hướng, phương pháp luyện tập cũng như đầu tư tốt của ngành đã giúp
Đồng Tháp có được lợi thế đó. Theo anh, không thể đốt cháy giai
đoạn, đi về bề nổi.
Trung Quốc chính là nước mang trò này đến Olympic Berlin 1936
trình diễn hồi Hitler còn ở đỉnh cao quyền lực. Năm nay, tại Hong Kong,
Việt Nam mất ba huy chương vàng hạng dưới 21 tuổi vào đội trẻ Trung
Hoa. Đây là dấu hiệu cảnh tỉnh phía Việt Nam không được ngủ quên với
thái độ ngạo mạn, say men chiến thắng.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9c38/live/619c56c0-4722-11ee-9b58-cb80889117a8.jpg
Toàn đội Việt Nam tại
lễ trao giải Vô địch Đá cầu châu Á
Môn đá cầu như 'đứa con bị hắt hủi' ở VN?
Tôi đã có dịp chứng kiến những giải đá cầu mây tại Thái Lan,
môn thể thao quốc hồn, quốc túy của nước hàng xóm rất gần với đá
cầu. Môn này Thái trình diễn ở Seagame là vô đối, chưa ai qua mặt
được họ.
Tôi nghĩ rằng năm nay Shuttlecock Thái Lan còn bị Việt Nam dẫn
trước. Song nếu người Thái thức tỉnh, đầu tư thêm vào môn này thì
tương lai gần Thái sẽ là những đầu bếp không hề xoàng xĩnh, thết
Việt Nam những món ăn cay đứt lưỡi.
Đá cầu là đứa con hiếu thảo, tử tế nhất trong làng thể thao
Việt Nam. Lần nào mang chuông đi đánh nước người đều mang huy chương,
mang thành tích làm về. Song đây cũng là đứa con bị hắt hủi, ghẻ
lạnh nhất thì phải. Càng hiếu thảo càng bị lãng quên.
Có mặt trong chương trình thi đấu từ Seagame lần thứ 22 năm 2003
và lần thứ 25 năm 2009, song đá cầu biểu diễn mỗi tiết mục tàng
hình trong Seagame vừa qua tổ chức tại Việt Nam. Mà lệ làng Seagame
Đông Nam Á thì ai cũng biết, chủ nhà như Campuchia, Lào còn biết sáng
tạo ra những môn chơi hiếm, của độc "nhà trồng được" để một
mình một cửa hốt vàng. Hóa ra tư duy mình còn đi sau một bước Lào,
Campuchia ? Đau hơn là, đưa đá cầu vào Seagame trên sân nhà là bỏ gọn 7
bộ huy chương không cần bàn cãi, chơi trên đất Hong Kong mà còn thế cơ
mà ?
Lối hành xử theo mùa vụ, tùy hứng của Việt Nam, chưa xây một
chỗ đứng trong Seagame ở Đông Nam Á cho đá cầu, mà ngồi mong ngày nào
đó đá cầu sẽ trở thành một môn thể thao Olympic giống hình ảnh nằm
dưới gốc cây há mồm chờ sung rụng ?
Hình ảnh các quan chức Việt Nam đến xem Seagame vừa qua trên
khán đài với những biển tên đặt trước mặt, những bình trà và nước
ngọt quay bên trái, bên phải đều có thể dễ dàng với uống, tôi chạnh
lòng nhớ tới công lao học hành của các em trong bộ môn đá cầu.
Việt Nam có một khối quần chúng ham mộ đông đảo và yêu mến
các em. Con số 614 000 lượt người xem một trích đoạn trận trung kết
nữ ba đánh ba giữa Việt Nam và Trung Quốc mà phần thắng thuộc về
Minh Thuận, Bích Trăm, Tô Minh Đào bốn năm trước cho tôi niềm hy vọng.
Năm nay, huy chương vàng bộ môn này, cũng là huy chương vàng duy nhất
Trung Quốc cướp lại từ tay Việt Nam. Đó là lời cảnh tỉnh và đồng
thời là động lực để đá cầu Việt Nam thực hiện tham vọng 'bành
trướng bá quyền' trọn vẹn vốn đã thành tượng đài qua 10 giải thế
giới.
Biết đâu, 14 bộ huy chương giải Vô địch châu Á lần này các em
vừa mang về sẽ tiếp thêm niềm cảm hứng mới làm thay đổi tư duy một
ai đó ?
----------------------
*Bài thể
hiện quan điểm của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do sống ở Paris
No comments:
Post a Comment