Cái
lý của những người ‘phóng sinh’
Tôi biết, có nhiều người đang rất thắc mắc rằng, tại sao một việc xấu
ác như bẫy bắt chim thú, đem giam cầm đến thân tàn ma dại rồi mang thả ra, và gọi
là ‘phóng sinh’ ấy, lại được rất nhiều ông sư và “Phật tử” hưởng ứng từ năm này
qua năm khác; chẳng lẽ họ đã mất hết lý trí và vô cảm trước nỗi khổ hiển hiện của
con vật rồi sao?
Không, trừ những người cố tình làm tiền bằng cách bày trò phóng sinh
ra, thì họ có lý lẽ riêng, thậm chí cái lý lẽ ấy mạnh tới nỗi dù nhìn thấy những
con chim chết đầy cổng chùa sau khi chính tay họ mở cửa lồng, nhưng họ vẫn nghĩ
mình đang “mở tâm từ bi”, và họ còn khăng khăng rằng những người phản đối họ là
“vô minh”. Vậy, lý lẽ ấy là gì?
Phóng sinh có hẳn một nghi lễ. Những con vật khốn khổ kia trước khi được
thả ra sẽ được các ông sư và Phật tử đốt nhang, tổ chức quy y Tam bảo, rồi đọc
kinh, hồi hướng, gõ chuông…
Tại sao họ làm thế? Vì họ tin rằng những con vật sau khi được quy y hay
nghe kinh kệ, chính là đã được “gieo hạt giống Phật trong tâm”, một cơ hội
“ngàn năm có một”, là “duyên lành muôn đời khó gặp”, để trong đời vị lai chúng
sẽ được giải thoát bởi cái “hạt giống” ấy.
Cho nên, dù chứng kiến cảnh què chân, gãy cánh hay đui mù mất mạng của
chim thú, nhưng những người phóng sinh vẫn tràn đầy lòng tin và sự kiêu hãnh của
kẻ vừa làm một việc đại từ đại bi!
Xin hỏi, có ai từng đi chùa mà không biết cái câu “Tất cả chúng sinh đều
có Phật tánh”; và vì thế mà Thích Ca mới nói “Ta là Phật đã thành, chúng sinh
là Phật sẽ thành”? Phật khẳng định rằng, muôn loài đều có “tánh Phật” viên mãn,
tròn đầy, chưa bao; giờ hao mòn, chỉ vì do “một niệm vô minh” mà thành ra đọa lạc,
luân hồi sinh tử. Vậy nếu đã có sẵn Phật tánh đủ đầy rồi thì còn “gieo” làm gì
nữa, phải không? Hay là gieo thêm cho nó có tánh Phật X2, X3, X4?
Thêm nữa, con người nghe kinh kệ nhiều khi còn chưa hiểu, huống gì con
vật. Có những gia đình sống suốt đời ngay cổng chùa mà chẳng biết đến Phật là
gì, thì làm sao những con vật trong lúc hoảng loạn vì vô cớ bị bắt bớ, giam cầm
lại có thể hiểu?
Người ta sẽ lại lý lẽ rằng, không cần hiểu, cứ một câu kinh lọt vào tai
là vĩnh viễn lưu lại trong tàng thức, gặp duyên lành sẽ trổ ra thành “quả bồ đề”!
Con người đọc kinh suốt đời, có khi thuộc nằm lòng như cháo chảy, hiểu hết
nghĩa lý mà còn chẳng sửa được tính mình, huống gì loài vật nghe chỉ như nghe một
tiếng động vô nghĩa?
Thử nghĩ coi, cứ cầm cái toa thuốc mà đọc thì có khỏi bệnh được không?
Phải mang cái toa ấy đi mua thuốc, uống vào người thì may ra mới hết bệnh. Chỉ
có người điên mới quả quyết rằng, đọc toa là “lợi ích thù thắng không thể nghĩ
bàn”! Nếu nói, chỉ cần nghe hoặc thấy mà ích lợi ghê gớm như thế, sao không bắc
loa lên trời ở khắp nơi thôn cùng xóm vắng cho đến thành thị, rừng rú mà mở
oang oang suốt ngày, như thế có phải tiện hơn không?
Trên thế giới có hơn 5.000 ngôn ngữ, mỗi giống người nói một thứ tiếng,
nếu giả sử tất cả các dân tộc ấy cùng đọc một câu kinh bằng tiếng của mình, thì
chim chóc nghe biết đường nào mà lần? Nếu ta không biết tiếng Nhật mà nghe người
Nhật đọc kinh, thì quý vị có thấy ích lợi gì không, hay chỉ thấy phiền não và
chán ghét trong lòng?
Văn – Tư – Tu (nghe/ đọc – suy ngẫm/ lý giải – và thực hành), phải hiểu
và làm thì mới có ích lợi chứ, cứ cắm đầu cắm cổ đọc như con vẹt từ ngày này
qua ngày khác rồi tin rằng mình đang “tu” thì quả là quái dị phi thường.
Vậy con vật tiếp xúc với chùa chiền và tăng sĩ, rốt cuộc có giá trị gì
không? Có. Nhưng với điều kiện những nơi ấy/ người ấy phải trí huệ, thanh tịnh,
từ bi…
Điều này rất dễ thấy, có những người mà khi ta vừa gặp họ, dù chưa nói
gì với nhau, đã có cảm giác rất dễ chịu, họ làm cho ta thấy yên bình và muốn
chia sẻ. Ngược lại, có những người khiến ta bất an ngay lập tức khi vừa tiếp
xúc, dù họ xinh đẹp, lịch sự… Là vì sao vậy?
Mỗi người đều có năng lượng tỏa ra. Tâm tính đẹp xấu, thiện ác của họ sẽ
có một từ trường tương ứng, chính cái đó mới mang sức mạnh cảm hóa. Chứ “miệng
nam mô, bụng bồ dao găm” thì khiến muôn loài sợ hãi, tránh xa, linh tánh của
con vật rất mạnh. Người nào càng tĩnh tâm, càng dễ cảm nhận được năng lượng của
người khác.
Không thiếu những câu chuyện trong kinh sách Phật giáo xưa và nay về những
trường hợp “thu phục” thú vật bằng cái năng lượng thiện lành ấy. Chúng ta cứ
quan sát sẽ thấy, có những người đi đến đâu là chó xồ ra sủa inh ỏi đến đấy;
ngược lại, có những người dù vào nhà ai thì chó dữ vẫy đuôi như thân quen từ
bao giờ. Là do cái tâm mang năng lượng tốt đẹp nơi họ khiến con vật cảm nhận được
sự gần gũi, vô hại.
Nhà Phật khuyến tấn rằng phải Tu là vì vậy. Anh phải tu để chuyển hóa
thân tâm từ ác thành thiện, từ xấu thành tốt, từ ô nhiễm thành thanh sạch, thì
anh mới “giúp đời” được, bằng không, dù bề ngoài anh đi làm từ thiện nhưng anh
chẳng cảm hóa được ai cả. Anh chỉ thu hút được những người nhẹ dạ cả tin và
tham lam, anh đi tới đâu gieo rắc năng lượng xấu ác đến đó, dù bề ngoài có hào
nhoáng bao nhiêu.
Phóng sinh là tùy duyên mà dùng lòng từ bi vô dục vô cầu để cứu mạng
con vật đang gặp nạn, chứ không phải đi bắt chúng nhốt lại, hành hạ cho sống dở
chết dở rồi mang thả ra và gọi đó là “làm việc phước thiện”.
Người Phật tử tại gia hay xuất gia thì lo tu tập để chuyển hóa bản tâm
của mình, chứ không cần lăng xăng bày trò phóng sinh, xem sao bói quẻ, cầu cúng
giải hạn, tụng niệm ma chay… Cứ tu sửa cho thành con người toàn vẹn, ắt thiên hạ
sẽ tự thái bình. Một vùng rộng lớn mà có một vị đạo hạnh cao dày cư ngụ, vùng
đó an lành.
Tánh Phật bị chê lấp là do tham sân si làm cho u mê, cho nên tu là bỏ bớt
chứ không phải thêm cái gì vào cả. Cứ gột hết những cáu uế thì tâm sáng sạch sẽ
hiện ra. Mà cái tâm ấy thì đủ cả Bi – Trí – Dũng. Nay đi tu dường như người ta
làm ngược lại, cứ đắp mãi vào cho phì nộn cả thân lẫn tâm ra.
Ở các nước văn minh, họ có thể chẳng biết đến Phật giáo là gì, nhưng cả
tuyến cao tốc lập tức bị tắc nghẽn chỉ vì một con vịt đang thong dong qua đường.
Cảnh sát sẽ có mặt ngay nếu anh dám bắn một con chim trời dù trong vườn nhà
anh. Đó mới là phóng sinh chân thật: Tôn trọng và bảo vệ cuộc sống, tính mạng
cho muôn loài. Nay ở ta, ngay nơi cửa Phật, mượn danh Phật để mua bán lòng từ
bi mà bày mãi trò phóng sinh giả dối, chẳng lẽ không còn biết hổ thẹn sao?
Nói đến Phật thì xin nhắc lại một câu trong Kinh Địa Tạng, vốn là kinh
phổ biến bậc nhất Việt Nam hiện nay: “Gặp người bẫy giăng bắt loài chim muông,
thì nói quả khổ thân thuộc ly tán”. Nếu thật lòng tin Phật thì đọc câu này có lẽ
cũng đủ để chùn tay lại.
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=694584792548543&set=a.225469346126759
.
Tác giả
https://fb.watch/mLSbHaad0g/?mibextid=Nif5oz
No comments:
Post a Comment