Quan
hệ Việt - Trung sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc
Thanh Phương
- RFI
Đăng
ngày: 31/10/2022 - 09:24
Sau khi
kết thúc Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, ngày 23/10/2022, Ban Chấp
hành Trung ương mới đã bầu lại ông Tập Cận Bình vào chức tổng bí thư thêm một
nhiệm kỳ 5 năm, nhiệm kỳ thứ ba. Như vậy, ông Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo
có thế lực nhất ở Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.
Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 11/09/2021
tại Hà Nội, Việt Nam. AP - Le Tri Dung
Lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến gặp ông Tập Cận
Bình không ai khác hơn, chính là tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn
Phú Trọng. Ông Nguyễn Phú Trọng hôm qua, 30/10/202, đã bắt đầu chuyến viếng
thăm Bắc Kinh đến ngày 02/11, theo lời mời của ông Tập Cận Bình.
Trước đó,
vào ngày 23/10, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gởi điện chúc mừng Tập Cận
Bình nhân dịp ông được bầu lại làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong
bức điện này, ông Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ tin tưởng là, dưới sự lãnh đạo của
ông Tập Cận Bình, “ toàn Đảng và toàn dân Trung Quốc nhất định sẽ xây dựng
Trung Quốc thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn
minh, hài hòa và tươi đẹp.”
Lãnh đạo Đảng
Cộng Sản Việt Nam còn cho biết “luôn luôn hết sức coi trọng và sẵn sàng
cùng với ông Tập Cận Bình đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác
chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới”.
Ông Nguyễn
Phú Trọng như vậy đã là một trong những lãnh đạo các quốc gia Cộng sản và hậu Cộng
sản ( trong đó có Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào và Cam Bốt ) gởi điện chúc mừng ông
Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc .
Nếu như việc
gởi điện chúc mừng lãnh đạo láng giềng mới đắc cử hay mới tái đắc cử là chuyện
bình thường, thì việc Hà Nội nhanh chóng thông báo chuyến đi Trung Quốc của
ông Nguyễn Phú Trọng là một sự kiện đáng chú ý, tuy không hoàn toàn bất ngờ.
Không chỉ là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên gặp tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung
Quốc tái đắc cử, mà chuyến đi Bắc Kinh lần này còn là chuyến công du ngoại quốc
đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng kể từ khi ông tái đắc cử tổng bí thư nhiệm kỳ thứ
ba liên tiếp đầu năm 2021.
Trên trang
Nikkei Asia ngày 25/10, ông Nguyễn Thành
Trung, giảng viên thỉnh giảng về Việt Nam học, Đại học Fulbright Việt Nam,
nhận định: “ Thời điểm được chọn cho chuyến đi không chỉ là theo mong
muốn của phía Việt Nam, mà còn là theo ý của Trung Quốc. Hai quốc gia gần
gũi về ý thức hệ muốn khẳng định là quan hệ của họ vẫn luôn vững chắc. Không có
một thời điểm nào thích hợp hơn đối với một lãnh đạo Cộng sản để chúc mừng một
lãnh đạo Cộng sản khác vừa tái đắc cử. Việt Nam muốn nhân dịp này xác định
Trung Quốc là đối tác ngoại giao quan trọng nhất.”
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày
27/10, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận
định:
"
Chuyến thăm này của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Trung Quốc là theo lời mời của
chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình, tức là không
phải do phía Việt Nam đề xuất, mà Trung Quốc là phía chủ động. Điều này có
thể là thể hiện phần nào sự coi trọng của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt
là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày
càng căng thẳng.
Trong bối
cảnh cạnh tranh căng thẳng như vậy thì có lẽ là Việt Nam nhận được sự coi trọng
từ cả hai phía Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trung Quốc
không muốn Việt Nam xích gần lại quá gần Mỹ. Đây cũng là một dịp phù hợp để
Trung Quốc nhắc lại thông điệp này.
Điều thứ
hai là chuyến đi này cũng phù hợp với truyền thống trao đổi các chuyến thăm cấp
cao giữa hai bên sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Phía Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng
thì cũng cử các đặc phái viên sang Trung Quốc để thông báo cho các lãnh đạo
Trung Quốc về kết quả Đại hội. Tương tự như vậy, nếu Trung Quốc tổ chức các Đại
hội Đảng thì cũng sẽ cử người sang để thông tin cho Việt Nam về kết quả Đại hội.
Có lẽ là thay vì cử đặc phái viên sang Việt Nam, thì họ mời lãnh đạo Việt
Nam sang để trực tiếp trao đổi các thông tin, góp phần thúc đẩy quan hệ song
phương, đặc biệt trong bối cảnh từ mấy năm qua đã thiếu vắng các chuyến thăm cấp
cao giữa hai nước do đại dịch Covid-19.
Việt
Nam có lẽ cũng muốn tận dụng chuyến thăm lần này của tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng để giúp tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thể hiện sự tự
chủ chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và
Trung Quốc ngày càng căng thẳng.
Trong
nước, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng có thể muốn sử dụng chuyến viếng thăm
này để củng cố vị thế của mình, đặc biệt là sau một thời gian dài sức khỏe của
ông có vấn đề. Nếu thực hiện thành công, chuyến đi này sẽ thể hiện hoạt động của
ông đã trở lại bình thường, ông có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ của mình một cách
bình thường, ít nhất là cho tới năm 2026 khi kết thúc nhiệm kỳ của ông."
Việt Nam,
đặc biệt là về mặt kinh tế, ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo các dữ liệu
của Liên Hiệp Quốc, được Nikkei Asia trích dẫn, trong năm 2020, trao đổi mậu
dịch giữa hai nước láng giềng đã vượt qua mức 133 tỷ đôla, tăng hơn gấp ba so với
năm 2012, năm mà ông Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư khóa đầu. Đặc biệt
ngành sản xuất hàng hàng hóa có tốc độ tăng nhanh của Việt Nam phụ thuộc rất
nhiều vào nguồn cung linh kiện điện tử, chi tiết máy và nguyên liệu từ
Trung Quốc.
Tuy đang gặp
những khó khăn kinh tế do vẫn thi hành chính sách Zero - Covid, Trung Quốc hiện
vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo các số liệu
chính thức của Việt Nam, trao đổi mậu dịch song phương Việt-Trung đã đạt 132,38
tỷ đôla trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái,
nhưng trong đó có gần 70% là nhập khẩu vào Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương
mại quan trọng nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.
Ngoài ra,
tuy giữa hai Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều nghi kỵ và vẫn còn tranh chấp chủ
quyền biển đảo, quan hệ giữa hai đảng Cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc về mặt
chính thức vẫn rất chặt chẽ. Ấy là chưa kể, giống như Tập Cận Bình, ông
Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục nắm chức tổng bí thư quá giới hạn thông thường về
số nhiệm kỳ. Giống Tập Cận Bình, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng kiêm nhiệm
chức chủ tịch nước từ 2018 đến 2021.
Với nhiều
điểm tương đồng như vậy giữa lãnh đạo hai nước, sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung
Quốc lần này, quan hệ Việt-Trung sẽ có thay đổi gì lớn không ? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp dự
báo:
"
Khả năng cao là sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong quan hệ hai nước sau Đại hội
Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20. Quan hệ Việt-Trung sẽ vẫn tiếp tục theo
cái đà như lâu nay chúng ta thấy: Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song
phương, nhất là về kinh tế, tăng cường quan hệ chính trị, trong khi đó thì vẫn
tìm cách giải quyết, quản lý tranh chấp Biển Đông, không để quan hệ song phương
bị ảnh hưởng bởi tranh chấp này.
Việt
Nam thì vẫn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, do vai trò rất lớn của Trung Quốc
đối với Việt Nam về kinh tế, chiến lược, lẫn ý thức hệ. Chính vì vậy Việt Nam sẽ
vẫn tìm cách phát triển quan hệ với Trung Quốc, nhưng đồng thời, như lâu nay,
Việt Nam cũng tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng khác,
trong đó có Mỹ và các đồng minh.
Mục
tiêu của Việt Nam là tiếp tục chính sách đối ngoại cân bằng giữa các nước lớn,
đa phương hóa và đa dạng hóa, để vừa thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ
lợi ích của mình, vừa tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Ngược lại
phía Trung Quốc sẽ tiếp tục coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhưng có lẽ sẽ tiếp
tục dùng chính sách "cây gậy và củ cà rốt", vừa ràng buộc dùng kinh tế,
vừa dùng các yếu tố ý thức hệ để ràng buộc Việt Nam, vừa răn đe, gây sức ép lên
Việt Nam trên vấn đề Biển Đông.
Nhưng tôi
nghĩ Việt Nam mặc dù có sự liên hệ về ý thức hệ với Trung Quốc, nhưng lại
có cách tiếp cận ôn hòa hơn Trung Quốc. Cho nên Việt Nam có lẽ sẽ quan
sát, tiếp nhận một số bài học từ Trung Quốc, nhưng sẽ cố bảo đảm cho yếu tố ý
thức hệ không ảnh hưởng đến phát triển trong nước, cũng như đến chính sách
đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc, các nước lớn và các nước khác.
Tuy
nhiên, Biển Đông vẫn là yếu tố chứa đựng những bất ổn tiềm tàng. Nếu tranh chấp
Biển Đông được quản lý tốt thì quan hệ song phương sẽ được phát triển. Còn
trong trường hợp tình hình Biển Đông xấu đi thì quan hệ song phương sẽ gặp nhiều
trở ngại trong thời gian tới."
Nhưng với
việc ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực, liệu Bắc Kinh sẽ có chính
sách cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Việt Nam? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh:
"
Đúng là dưới thời ông Tập Cận Bình thì Trung Quốc có một chính sách đối ngoại cứng
rắn hơn so với thời của ông Hồ Cẩm Đào, không phải gần đây mà là kể từ năm
2013, lúc ông Tập Cận Bình mới lên cầm quyền. Sự kiện mà chúng ta vẫn nhớ đó là
khủng hoảng giàn khoan HD981 năm 2014.
Chính
sách đối ngoại của Tập Cận Bình nói chung và chính sách Biển Đông nói riêng nếu
có vẻ sẽ trở nên cứng rắn hơn thì cũng không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên,
chính sách cứng rắn đó không phải là cách tiếp cận thường xuyên của phía Trung
Quốc, mà Trung Quốc sẽ chọn những thời điểm để có cách tiếp cận phù hợp,
lúc thì cứng rắn, lúc thì có thể mềm mỏng, tùy thuộc vào các yếu tố như tình
hình khu vực, tình hình nội bộ Trung Quốc, hay tính toán của Trung Quốc đối với
Việt Nam trong từng thời điểm cụ thể.
Tuy
nhiên, Việt Nam sẽ mong muốn ưu tiên hơn cho mục tiêu duy trì hòa bình trên Biển
Đông, tìm cách duy trì các tiếp xúc, đối thoại để quản lý tốt hơn vấn đề
Biển Đông. Có lẽ chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng lần này là một phần trong
chính sách đó."
Không chỉ
trên biển, thể hiện qua việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc
nay còn là mối đe dọa cả trên bộ đối với Việt Nam, thông qua Sáng kiến Vành đai
và Con đường, và nhất là thông qua việc thực hiện ngày càng nhiều dự án lớn ở
hai nước láng giềng của Việt Nam là Lào và Cam Bốt, tranh giành ảnh hưởng với
Hà Nội tại hai quốc gia này. Một mặt phải cố duy trì quan hệ tốt với Bắc
Kinh, mặt khác Việt Nam phải tiếp tục tăng cường quan hệ với các cường quốc
khác, nhất là với Hoa Kỳ, để tạo thế đối trọng cần thiết và cũng để nâng cao khả
năng phòng thủ của mình.
Nhưng với
một lãnh đạo Trung Quốc có thế lực mạnh hơn bao giờ hết, Việt Nam có thể tiếp tục
giữ thế cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc đối địch Mỹ - Trung
không? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận
định:
"
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên
gay gắt như vậy, không chỉ Việt Nam, mà tất cả các nước trong khu vực đều
phải làm sao duy trì được sự cân bằng giữa hai cường quốc này. Đây là một bài
toán rất hóc búa, bởi vì động lực cạnh tranh Mỹ-Trung đến từ cả hai phía, cho
nên rất khó làm vừa lòng cả hai bên. Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc
duy trì cân bằng giữa hai bên, và đồng thời phát triển được quan hệ với
hai bên.
Tuy
nhiên, lợi thế của Việt Nam là do cạnh tranh chiến lược như vậy, do muốn tranh
giành ảnh hưởng như vậy, cho nên cả hai bên đều sẽ dành sự quan tâm lớn hơn cho
Việt Nam. Nếu như Việt Nam khéo léo thì có thể tận dụng điều đó để mang lại lợi
ích nhất định cho mình."
Tóm lại, với
việc ông Tập Cận Bình nay thâu tóm toàn bộ quyền lực, quan hệ Việt - Trung có
thể không có nhiều thay đổi, nhưng tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là một
thách thức lớn hơn đối với Hà Nội, đồng thời, giữa hai cường quốc hàng đầu thế
giới Hoa Kỳ, Trung Quốc, áp lực lên Việt Nam sẽ càng mạnh hơn.
-------------------------------
CÁC
NỘI DUNG LIÊN QUAN
Trung
Quốc tập trận vây Đài Loan và kinh nghiệm thực tế cho Việt Nam ở Biển Đông
Việt
Nam thận trọng trước thông tin về căn cứ Trung Quốc ở Cam Bốt
Việt
Nam trong “Tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Đông Nam Á”
No comments:
Post a Comment