Putin không lạc quan
sau 8 tháng xâm lăng Ukraine
Hiếu Chân/Người Việt
October
28, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ukraine-sau-8-thang-chien-tranh-khong-lac-quan/
Cuộc chiến
Ukraine đã bước sang tháng thứ chín, từ mùa Xuân đã bắt đầu chuyển sang mùa
Đông. Theo dõi cuộc chiến, người ủng hộ chính nghĩa của Ukraine có phần lạc
quan khi thấy quân Nga ngày càng thảm bại. Tổng Thống Vladimir Putin của Nga
đang loay hoay tìm cách leo xuống khỏi lưng con cọp mà ông đã cưỡi lên hồi
Tháng Hai. Nhưng nếu suy nghĩ thấu đáo, sẽ thấy tình hình không thật sáng sủa,
mà có khi còn tối tăm hơn, thế giới phải cảnh giác trước những bước leo thang sắp
tới của ông.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/10/BL-Putin-Vung-Lay-Ukraine-1068x725.jpg
Tổng
Thống Vladimir Putin của Nga phát biểu tại Moscow, Nga, hôm 27 Tháng Mười.
(Hình: Sergei Karpukhin//Sputnik/AFP via Getty Images)
Cuộc chiến còn kéo dài
Cho dù
phát động chiến tranh với mục đích gì thì tám tháng vừa qua là thời kỳ ác mộng
của ông Putin: Cuộc chiến đã biến thành một vũng lầy khổng lồ, đe dọa chính sự
tồn tại của nước Nga. Tại thời điểm này, ông Putin có rất ít lựa chọn. Như người
chơi xì phé gặp bài xấu, ông chỉ còn cách tố mạnh thêm và chấp nhận rủi ro. Vấn
đề nằm ở khả năng của quân Nga củng cố sự kiểm soát các vùng đất đã chiếm được
và khả năng của Ukraine phản công giành lại những vùng lãnh thổ đó.
Trong
Tháng Chín và Tháng Mười, quân dân Ukraine giành được nhiều thắng lợi có ý
nghĩa, đuổi quân Nga ra khỏi vùng Kharkiv, phản công khắp vùng Kherson,
Donetsk, và Lugansk, tấn công các kho vũ khí và sân bay trên bán đảo Crimea,
đánh bom phá cầu Kerch nối Crimea với Nga – vừa cản trở đường tiếp liệu cho
quân Nga trên chiến trường miền Nam Ukraine vừa giáng một đòn tâm lý nặng vào
tinh thần của đội quân xâm lược.
Những người
lạc quan nghĩ rằng cuộc chiến sắp kết thúc, Nga sắp phải tháo chạy khỏi
Ukraine. Niềm tin đó càng được củng cố qua thông tin từ các cơ quan nghiên cứu
Phương Tây, theo đó quân Nga đã cạn kiệt các loại vũ khí tầm xa, đến mức phải
mua máy bay không người lái (UAV) của Iran và đạn đại bác của Bắc Hàn. Nhưng
chúng tôi nghĩ rằng hãy còn quá sớm để nói tới chiến thắng. Rất khó đoán trước
Putin sẽ phản ứng như thế nào trước cục diện chiến trường và ông sẽ sử dụng những
con bài gì để xoay chuyển tình thế.
Những đòn hiểm của ông Putin
Ông Putin
là một nhà độc tài máu lạnh, đã cử một viên tướng Nga khét tiếng tàn bạo chỉ
huy cuộc chiến ở Ukraine. Vài ngày sau vụ cầu Kerch bị tấn công, ông cho bắn hỏa
tiễn vào các đô thị đông dân ở Ukraine, phá hủy các khu dân cư, các nhà máy
cung cấp điện nước và hơi sưởi ấm cho thường dân, gây ra một thảm họa nhân đạo
mà mùa Đông sắp tới sẽ cho thấy sự tàn khốc của nó.
Mùa Đông
đang đến cũng là một yếu tố bất lợi cho quân kháng chiến mà nay đã chuyển sang
thế phản công chứ không còn phòng thủ bảo vệ lãnh thổ. Băng tuyết, nền đất
nhão, và thời tiết giá lạnh làm cho việc huy động binh sĩ và các vũ khí hạng nặng
của quân Ukraine gặp khó khăn nhiều hơn so với quân Nga phòng thủ trong các chiến
hào đã được chuẩn bị suốt mấy tháng qua.
Ông Putin
đã tìm cách bổ sung và mở rộng lực lượng Nga trên chiến trường. Hôm 25 Tháng
Tám, ông ký sắc lệnh gia tăng quân số của Nga thêm 137,000 người nhưng sau khi
quân Nga tử vong quá nhiều, ngày 21 Tháng Chín, ông phải công bố lệnh “động
viên một phần” để huy động thêm 300,000 lính nữa. Lệnh động viên khiến cho khoảng
200,000 thanh niên Nga chạy ra nước ngoài. Đến 14 Tháng Mười, ông Putin công bố
ông đã có thêm 220,000 lính mới có thể ra mặt trận trong vòng hai tuần. Bộ Quốc
Phòng Nga hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Mười, thông báo cuộc động viên đã kết thúc và
không cần bắt lính thêm nữa. Nếu lời của ông Putin là đúng thì việc động viên của
ông có thể giúp Nga tăng quân số và phòng thủ vững chắc những lãnh thổ mà họ
chiếm được.
Ông Putin
sẽ không cần dùng tới vũ khí nguyên tử. Hôm Thứ Năm, 27 Tháng Mười, phát biểu tại
Diễn Đàn Valdai ở Moscow, ông Putin khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ chủ động
nói bất cứ điều gì về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi chỉ phản
hồi những bình luận của các nhà lãnh đạo các nước Phương Tây.”
Mùa Đông và chiến tranh năng lượng
Nhà lãnh đạo
Nga còn có những quân bài khác: Đó là mùa Đông khắc nghiệt và cuộc chiến dầu
khí, trong đó, mùa Đông băng giá ở Châu Âu là một đồng minh, hỗ trợ đắc lực cho
lợi thế về năng lượng của Moscow.
Ngay từ giữa
Tháng Mười, ông Alexey Miller, một tài phiệt thân cận với ông Putin và là CEO của
tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom, đã nói thẳng, với việc Nga đóng đường ống
dẫn khí đốt sang Châu Âu thì nhiều thành phố có thể bị đóng băng trong nhiều
ngày, kể cả khi thời tiết mùa Đông năm nay ấm áp hơn những năm trước.
Hành động
rải thảm hỏa tiễn xuống cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine không ngoài một mục
tiêu ác độc là đẩy người dân nước này vào thảm cảnh không có điện nước và hơi sưởi
ấm giữa băng tuyết mùa Đông. Ông Putin cho rằng, thảm cảnh đó sẽ thúc đẩy người
Ukraine lên tiếng chống lại chính phủ Kiev, buộc Tổng Thống Volodymyr Zelenskiy
phải chấp nhận ký kết thỏa thuận hòa bình theo những điều kiện có lợi cho
Moscow.
Chiến tranh
năng lượng của ông Putin ảnh hưởng tới cả thế giới, nhất là sau khi ông vận động
được Saudi Arabia và các quốc gia OPEC Plus thông qua kế hoạch giảm 2 triệu
thùng dầu/ngày, bất chấp sự vận động ráo riết của chính quyền Joe Biden. Giá dầu
cao do nguồn cung ứng thiếu hụt là yếu tố gây lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế
phát triển, làm dấy lên sự phản đối của người dân và đòi hỏi các chính phủ phải
nhanh chóng giải bài toán năng lượng – có nghĩa là làm hòa với Nga.
Ngay tại
Hoa Kỳ, giá xăng dầu tăng cao, thúc đẩy lạm phát, đang xói mòn uy tín của chính
quyền Biden và đảng Dân Chủ cầm quyền ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8
Tháng Mười Một sắp tới. Ông Biden đã phải cho xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược
quốc gia để kéo giá xăng xuống nhưng xem ra không có nhiều tác dụng.
Nhà bình
luận Thomas Friedman của nhật báo The New York Times dự đoán, trong Tháng Mười
Hai, Nga có thể ngừng hẳn việc xuất cảng dầu và khí đốt tới các nước đồng minh
của Ukraine trong vòng 30 tới 60 ngày để chống lại biện pháp của Châu Âu áp giá
trần đối với dầu khí Nga. Ông Putin sẽ dùng “bom xăng dầu” như một món quà
Giáng Sinh tặng Phương Tây, giá dầu có thể tăng đến $200 mỗi thùng, giá khí đốt
cũng lên tương ứng và người dân Mỹ phải mua xăng với giá $10-$12/gallon. Không
khó hình dung chuyện gì sẽ xảy ra trên chính trường Mỹ khi giá xăng vượt quá
$10/gallon.
Cần tiếp tục hỗ trợ Ukraine
Những diễn
biến trên cho thấy bất chấp những tổn thất gần đây trên chiến trường Ukraine,
ông Vladimir Putin vẫn còn nhiều thủ đoạn thâm độc và không từ bỏ dã tâm của
mình. Trong hoàn cảnh đó, người dân Ukraine cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa,
không chỉ vũ khí đạn dược mà cả những vật dụng thiết yếu như máy phát điện và
lương thực thực phẩm.
Cuộc chiến
Nga-Ukraine có thể sẽ kéo dài. Bây giờ chưa phải là lúc lạc quan mà phải chứng
tỏ cho ông Putin thấy ông không thể thắng được, không có lựa chọn nào khác là
rút ra khỏi vũng lầy, trả lại sự yên bình cho đất nước Ukraine.
Những
tuyên bố ồn ào của các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Mỹ, nói rằng Washington sẽ
cắt viện trợ Ukraine nếu đảng Cộng Hòa giành được đa số tại Hạ Viện trong cuộc
bầu cử giữa kỳ, những suy nghĩ ngây thơ của 30 dân biểu cấp tiến của đảng Dân
Chủ trong lá thư gửi Tổng Thống Biden đề nghị ông đàm phán với ông Putin… chỉ
làm cho nhà lãnh đạo Nga thêm hoang tưởng và thêm tàn bạo mà thôi. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment