Monday, October 31, 2022

ÔNG TRỌNG ĐI BẮC KINH, CƯ DÂN MẠNG LO LẮNG VIỆT NAM NGẢ VỀ TRUNG QUỐC QUÁ NHIỀU (RFA)

 



Ông Trọng đi Bắc Kinh, cư dân mạng lo lắng Việt Nam ngả về Trung Quốc quá nhiều

RFA

31/10/2022

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/during-the-visit-of-trong-to-beijing-netizens-concerned-about-vietnam-closeness-to-china-10312022090815.html 

 

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 30/10 đã gây ra những chú ý và bình luận bày tỏ lo lắng về việc Hà Nội dường như đang ngả quá nhiều về phía Bắc Kinh.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/during-the-visit-of-trong-to-beijing-netizens-concerned-about-vietnam-closeness-to-china-10312022090815.html/@@images/29c20d9b-56b1-43e1-982c-907fb538a34f.jpeg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hà Nội năm 2015

 Reuters

 

Người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc khi Tập Cận Bình chiến thắng thêm nhiệm kỳ thứ ba chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, khả năng ông Tập sẽ ở lại cương vị này đến hết đời.

 

Truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 30/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều quan chức cao cấp đã ra sân bay quốc tế Nội Bài để tiễn đoàn- một sự kiện chưa từng có trong quá khứ khi hai trong số bốn tứ trụ ra tiễn một lãnh đạo Đảng đi công tác nước ngoài.

 

Facebooker Thanh Mai với hơn 52.000 người dõi theo, nhận định từ việc Chủ tịch nước và Thủ tướng cùng ra sân bay tiễn ông Trọng cho thấy chuyến đi “là minh chứng cho sự thống nhất cao của giới lãnh đạo của Việt Nam cũng như vị thế số một của ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.”

 

Việc tổ chức buổi đưa tiễn trọng thị và chưa có tiền lệ “truyền đi thông điệp rõ ràng rằng ngài Nguyễn Phú Trọng đang đại diện cho giới lãnh đạo Việt Nam, vì vậy mọi thoả thuận và cam kết của ngài Nguyễn Phú Trọng với Trung Quốc đương nhiên cũng sẽ là thoả thuận của tất cả các cơ quan quyền lực khác của Việt Nam.

 

Theo Facebooker này thì ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay đặt kỳ vọng rất cao về chuyến đi của ông Trọng.

 

Trung Quốc là một trong bốn nước hiện có quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam, tức là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa các nước. Ba nước còn lại là Nga, Ấn Độ, và Nam Hàn.

 

Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2021 đạt 230,2 tỷ đô la, tăng 19,7% so với năm trước đó.

 

Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng có những tương đồng về mặt chính trị khi cả hai nước đều do đảng cộng sản lãnh đạo độc quyền.

 

Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam viết rằng chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư trên cương vị Tổng bí thư Đảng của ông Trọng diễn ra ngay sau khi kết thúc Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là “sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc.”

 

“Chuyến thăm nhằm củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai đảng làm định hướng cho quan hệ giữa hai nước; tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; tạo chuyển biến mới tích cực trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác; nâng cao hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường sự hợp tác tại các diễn đàn quốc tế; phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân và thúc đẩy xu thế tích cực trong thông tin, tuyên truyền,” báo Nhân Dân viết.

 

Ông Trọng đã từng sang thăm Trung Quốc với cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vào các năm 2011, 2015 và 2017.

 

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra (Úc) bình luận qua tin nhắn gửi đến Đài Á Châu Tự Do rằng chuyến đi của ông Trọng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng với nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng.

 

Từ vị trí thuận lợi của Hà Nội, những bất ổn về tương lai của Nga dưới thời Vladimir Putin và Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden sau cuộc bầu cử giữa kỳ chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và liên tục ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.”

 

Giáo sư Carl Thayer nhận định mục tiêu chính của chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng là cùng người đồng cấp đưa ra phương thức hợp lý để giữ cho quan hệ song phương có thể dự đoán được và đi vào chiều hướng đồng đều. 

 

Cuộc gặp giữa tổng bí thư của hai đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam là rất quan trọng đối với cả hai bên về đối nội vì nó nhấn mạnh tính hợp pháp của chế độ độc đảng, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và con đường phát triển của họ.” - Giáo sư Carl Thayer viết.

 

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Paris so sánh chuyến đi của ông Trọng ngay sau khi ông Tập tái cử với tập quán vua một triều đại của Việt Nam sai sứ sang Trung Quốc, thể hiện sự thần phục đối với thiên triều của một phiên bang thời xa xưa.

 

Ông viết trong trang Facebook cá nhân: “Trọng vương tự đày đọa tấm thân (trong chuyến đi xa) chỉ để chứng minh rằng mình là một trong những người trung thành nhứt với Tập đại đế.”

 

Ông còn nói Việt Nam đã, đang và sẽ rập khuôn mô hình của Trung Quốc và “thay vì nhân dân là mục tiêu trung tâm để Đảng phục vụ thì Đảng trở thành mục tiêu trung tâm để nhân dân phụng sự.”

 

Cách so sánh này cũng đã được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn viết trong một nghiên cứu trước đó vào năm 2016.

 

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ bốn năm phải có một sứ bộ sang chầu.

 

Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa băng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

 

Nhà văn Lưu Trọng Văn, với hơn 106.000 người dõi theo, thì cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay nên cân bằng ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

 

Trên trang Facebook của mình, nhà văn Lưu Trọng Văn cũng nhắc lại trong tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Donald Trump cũng mời ông Trọng sang Mỹ. Lúc đó ông Trọng cũng vui vẻ nhận lời nhưng rồi cũng vì lý do sức khoẻ nên ông Trọng không thực hiện được.

 

Bây giờ ông Trọng rất khoẻ rồi, rất tiếc ông Trump lại về vườn, ông Trọng không thể đáp lễ như đáp lễ ông Tập được.

Hy vọng Bộ Ngoại giao sớm ra thông báo, Tổng thống Biden tiếp tục giữ lời mời của ông Trump mời ông Trọng qua Mỹ để cán cân đối ngoại của Việt Nam không bị lệch như đường lối lâu nay mà lãnh đạo Hà Nội vẫn tuyên bố.”

 

Theo nhà văn này thì ông Trọng nên mở lời trước muốn được gặp ông Biden với nội dung như ông mở lời trước muốn gặp ông Tập.

 

Dân Việt hình như không được công bằng lắm, đa số chắc sẽ hớn hở hơn nếu lãnh đạo tối cao của mình có lời với Tổng thống Mỹ như đã có lời với lãnh tụ Trung Hoa,” nhà văn Lưu Trọng Văn bổ sung.

 

Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ “Đối tác toàn diện.” Washington thời gian qua đã nhiều lần đề nghị đưa mối quan hệ này lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” nhưng Hà Nội chưa đồng ý. Một số nhận định của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam còn ngần ngại vì sợ làm Bắc Kinh tức giận.

 

Theo Giáo sư Carl Thayer: “Việt Nam không thể quay sang Hoa Kỳ vì hai lý do: sợ bị cuốn vào một liên minh chống Trung Quốc và sợ bị bỏ rơi nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc thoả thuận ngầm với nhau."





No comments: