Friday, July 1, 2022

NATO - THÀNH TRÌ DUY NHẤT BẢO ĐẢM AN NINH CHO CHÂU ÂU? (Minh ANh / RFI)

 



NATO – Thành trì duy nhất bảo đảm an ninh cho Châu Âu ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 30/06/2022 - 10:20

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20220630-nato-bao-dam-an-ninh-chau-au

 

Giống như liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng có một điều khoản về phòng thủ hỗ tương của riêng mình. Tuy nhiên, việc Thụy Điển và Phần Lan – thành viên của EU – quyết định xin gia nhập NATO dường như cho thấy niềm tin đối với điều khoản phòng thủ trên của EU là rất mong manh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0bdce844-f77d-11ec-b5fb-005056a97e36/w:1024/p:16x9/AP22179727660416.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các lãnh đạo các nước thành viên khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO đến dự thượng đỉnh tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, ngày 28/06/2022. AP - Jonathan Ernst

 

Trong hai ngày 29 - 30/06/2022, các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, họp thượng đỉnh tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina kéo dài từ hơn 4 bốn tháng qua. Cuộc xung đột này đánh dấu một bước ngoặt lớn cho an ninh châu Âu và NATO – liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

 

Điều 42 khoản 7 của EU và Điều 5 của NATO : Bên nào mạnh hơn ?

 

Hành động gây hấn của Nga đối với Ukraina gây ra một hệ quả khác có nguy cơ dẫn đến những biến đổi địa chính trị lớn tại châu lục : Thụy Điển và Phần Lan, quyết định từ bỏ thế trung lập, xin gia nhập Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Trên đài RFI, Jean-Pierre Maulny, chuyên gia về quốc phòng, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược, nhận định :

 

« Chịu trách nhiệm đầu tiên của việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập khối NATO là thuộc về Nga. Nếu như Nga không xâm lược Ukraina, không bao giờ hai nước này sẽ đệ đơn xin gia nhập, dù là những năm gần đây hai nước này có xu hướng xích lại gần hơn và tăng cường hợp tác nhiều hơn với NATO.

Điểm thứ hai, tôi cho rằng cần phải nhìn tổng thể các tác nhân. Thụy Điển và Phần Lan đều là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Và khối này cũng có một điều khoản tương trợ : đó là điều số 42 khoản 7. Do đó, thông thường nếu Thụy Điển và Phần Lan bị tấn công, các nước Liên Hiệp Châu Âu phải hỗ trợ hai nước này. »

 

Được thông qua hồi năm 2007 và có hiệu lực ngay từ năm 2009, điều khoản tương trợ phòng thủ này quy định rằng « nếu một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang ngay trên lãnh thổ của mình, các nước khác có nghĩa vụ cung cấp trợ giúp bằng bất kể phương tiện gì trong quyền hạn của mình. »

 

Điều 42 khoản 7 cũng nói rằng nếu như nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau là mang tính rằng buộc cho tất cả các nước thành viên của EU, « nghĩa vụ này không ảnh hưởng đến thế trung lập của một số nước của Liên Âu và có thể tương thích với những cam kết của các nước trong khối EU và là thành viên của NATO ». Theo trang mạng Euronews, điều đó có nghĩa là kiểu hỗ trợ được cung cấp, nếu như có, luôn phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo chính trị từ nhiều nước thành viên khác nhau.

 

Tương tự, điều khoản số 5 về phòng thủ tập thể trong Hiệp ước Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng dự trù rằng « một cuộc tấn công nhắm vào một Đồng minh được xem như là một cuộc tấn công chống lại cả liên minh ». Nhưng điều 5 còn quy định chi tiết rằng bất kỳ đồng minh nào, « trong việc thực hiện quyền tự vệ của cá nhân hoặc tập thể », sẽ thực hiện « với tư cách cá nhân và phối hợp với các bên khác, hành động mà họ cho là cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực ».

 

Về điểm này, nhà sử học Laurent Warlouzet, chuyên nghiên cứu về châu Âu, trường đại học Sorbonne trên đài RFI có lý giải như sau : « Nên nhớ là điều số 5 của NATO là do Pháp, Anh, các nước Tây Âu thời đó yêu cầu vì cảm thấy rất lo lắng. Họ lo sợ Liên Xô, giờ có thể cho là hơi thái quá. Nhưng vào thời đó, thời Liên Xô của Stalin và còn có nhiều sự kiện khác nữa : Bức tường Berlin, chiến tranh Triều Tiên nên châu Âu muốn có một sự bảo đảm tự động từ Mỹ và do vậy, chính Hoa Kỳ đã cấp điều khoản này nhưng vẫn để cho họ quyền lựa chọn phương thức can thiệp, nghĩa là có nghĩa vụ hỗ trợ nhưng mọi hành động phải được tham vấn về cách thức thực hiện. »

 

NATO : Mỹ vẫn là cột trụ chính

 

Dù vậy, trong nhãn quan phần lớn các nước trong khối Liên Âu mà cũng là thành viên của NATO, điều 42 khoản 7 « có phần yếu về mặt chính trị ». Vẫn theo vị giáo sư sử học, chính việc phân bổ trách  nhiệm đã làm cho vai trò phòng thủ của Liên Âu kém hấp dẫn hơn so với NATO. Cộng đồng Kinh tế châu Âu (CEE), rồi sau này là Liên Hiệp Châu Âu, chăm lo chủ yếu các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, còn vấn đề an ninh – quốc phòng hầu như được phó thác cho NATO, vốn dĩ thật sự là một liên minh quân sự.

 

Một quan điểm cũng được ông Jean-Pierre Maulny đồng chia sẻ : « Liên Hiệp Châu Âu trên phương diện quốc phòng chỉ là một tác nhân thứ yếu bởi vì trên thực tế là không có Mỹ. Chính thế mạnh của Mỹ tạo nên sức mạnh của NATO, chứ không phải tự bản thân NATO. Khối liên minh quân sự này cũng có một số phương tiện nhưng nếu nới to chiếc gạch nối, Liên Hiệp Châu Âu cộng thêm Mỹ, sức mạnh quân sự chính là Mỹ. »

 

Điều này giải thích vì sao, ngay khi xung đột bùng phát, Phần Lan và Thụy Điển ngay lập tức đã nhìn vào điều 42 khoản 7 mà hỏi « cụ thể, quý vị có thể làm được gì với điều khoản này, chúng sẽ cung cấp cho chúng tôi được điều gì ?... » Khi tuyên bố muốn gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển muốn nói rằng vì Liên Hiệp Châu Âu đã không mang lại những bảo đảm an ninh mà hai nước này đang tìm kiếm, nên hướng sang tổ chức khác có thể cung cấp điều họ muốn.

 

Theo một số nhà quan sát, qua việc nhắc đến điều 42 khoản 7, Phần Lan và Thụy Điển còn nhằm mục đích thúc đẩy chính sách an ninh và quốc phòng chung châu Âu. Chính việc thiếu vắng một cơ cấu an ninh, năng lực quân sự ít nhiều góp phần tạo cơ hội cho Nga gây ra cuộc xung đột ngày nay ở Ukraina.

 

EU và NATO : Những đối tác « bổ sung »

 

Đây chính là những gì mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất từ nhiều năm gần đây nhưng không mấy thành công kể từ sau vụ tấn công khủng bố tháng 11/2015. Paris cho rằng châu Âu nên gánh vác thêm một phần lớn trách nhiệm cho an ninh tập thể. Nhưng ông Jean-Pierre Maulny lưu ý : « Điều đó phải được thực hiện trong khuôn khổ của Liên Hiệp Châu Âu và trong khuôn khổ của NATO, chứ không chỉ có bên này hay bên kia. »

 

Giờ đây, trong bối cảnh chiến tranh, chính phủ Pháp muốn rằng Liên Hiệp Châu Âu và NATO phải là hai đối tác bổ sung cho nhau. Theo Paris, « khái niệm chiến lược 2030 » - trên nguyên tắc phải được công bố sau kỳ thượng đỉnh này – nên bao gồm cả « la bàn chiến lược » của Liên Âu, được công bố hồi tháng 2/2022, đồng thời nhấn mạnh đến sự hợp tác cần thiết giữa hai cơ chế.

 

Một số nhà phân tích khác cho rằng, nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không còn gây trở ngại, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO còn là một tín hiệu tốt, mang lại cho châu Âu một tiếng nói có trọng lượng hơn, tạo một thế cân bằng giữa Washington và châu Âu, và cho phép có những cuộc đối thoại chính trị sâu rộng và ít bị phụ thuộc hơn như châu Âu thường lo ngại.

 

Về mặt chiến lược, châu Âu và NATO củng cố thêm sườn phía bắc, theo như phân tích của Jean-François Bureau, cựu trợ lý tổng thư ký NATO (2007-2010), trong một chương trình tranh luận địa chính trị của RFI : « Sườn phía bắc của NATO có một tầm quan trọng ngày càng lớn vào một thời điểm mà mọi vấn đề an ninh liên quan đến vùng Bắc Cực sắp trở thành một vấn đề lớn trong quan hệ với Nga. Nên nhớ rằng Matxcơva tỏ rõ các tham vọng chủ quyền lãnh thổ giống như Trung Quốc tại Biển Đông, và các đòi hỏi lãnh thổ tại các đảo nhỏ cho phép hỗ trợ chủ quyền lãnh thổ Nga tại những trục lưu thông hàng hải tương lai một khi băng tan. »

 

Nhìn chung, giới quan sát tại Pháp đều cho rằng trong ngắn hạn, trước mối đe dọa đến từ Nga hiện nay, việc mở rộng NATO, đón tiếp thêm thành viên mới là điều khó tránh khỏi. Nhưng Jean-Pierre Maulny cảnh báo, « liên minh quân sự hiện nay ngày càng có nguy cơ biến thành một liên minh các nền dân chủ. Điều này không phải cũng được nước nào chấp nhận, một số nước có thể xem liên minh quân sự này như là một mối đe dọa ».

 

Thế nên, theo nhà nghiên cứu này, trong trung và dài hạn, Liên Hiệp Châu Âu nên có một cơ cấu an ninh hòa dịu hơn, như dự án Châu Âu Địa Chính Trị đang được thảo luận hiện nay, không chỉ đơn thuần về an ninh – quốc phòng mà có thể bảo đảm một sự hợp tác thật sự ở cấp độ toàn lục địa. Châu Âu không thể ở mãi trong tình trạng đối đầu vĩnh viễn !

 

---------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÁP - CHÂU ÂU - AN NINH

Các ngoại trưởng Liên Âu họp tại Brest bàn về chiến lược an ninh chung của khối

LIÊN ÂU - QUỐC PHÒNG

Liên Hiệp Châu Âu chi kỉ lục cho quốc phòng nhưng thiếu hợp tác trong khối

ĐIỂM BÁO

Thượng đỉnh Mỹ - Trung và chiếc « la bàn chiến lược » của Liên Hiệp Châu Âu





No comments: