Căng
thẳng Mỹ-Trung : Viễn cảnh chủ tịch Hạ Viện Pelosi thăm Đài Loan đổ thêm dầu
vào lửa
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 28/07/2022 - 14:47
Tuần
trước, nhật báo tài chính Anh Financial Times tiết lộ chủ tịch Hạ
Viện Hoa Kỳ dự trù công du Đài Loan vào tháng 8/2022. Thông tin chưa được chính
đương sự xác nhận nhưng cũng đủ khiến Bắc Kinh sôi sục, rồi cả tổng
thống Joe Biden và bộ Quốc Phòng Mỹ đều phải lên tiếng. Một số
nhà bình luận cho rằng, khả năng Quân Đội Mỹ được lệnh hộ tống Nancy Pelosi
công du Đài Loan là một “bước ngoặt” trong quan hệ Mỹ- Trung.
Chủ
tịch Hạ Viện Nancy Pelosi họp báo tại Quốc Hội Mỹ, Washington, Hoa Kỳ, ngày
14/07/2022. REUTERS - ELIZABETH FRANTZ
Trong chưa đầy một tuần lễ Trung Quốc hai lần cảnh
báo sẽ “đáp trả mạnh mẽ” nếu chủ tịch Hạ Viện Mỹ duy trì kế hoạch
công du Đài Loan. Tại
Washington, tổng thống Biden bình luận, đến Đài Bắc vào thời điểm này không
là “một sáng kiến hay” và theo lời ông, kế hoạch của bà Nancy
Pelosi khiến quân đội Hoa Kỳ "lo ngại". Một số nhà quan
sát còn nêu lên kịch bản Bắc Kinh lợi dụng chuyến đi của chủ tịch Quốc
Hội Mỹ để khiêu khích, thậm chí xem đây là cái cớ để tấn công Đài Loan.
Một số
khác cho rằng, máy bay của phái đoàn Mỹ cũng có thể là mục tiêu của quân đội
Trung Quốc. Hãng tin AP trích lời một số quan chức tại Washignton cho biết,
trong trường hợp chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ duy trì ý định công du Đài Loan, “rất
có thể” Lầu Năm Góc sẽ huy động các phương tiện cần thiết để bảo vệ an
ninh cho chuyến bay của phái đoàn và trong suốt thời gian bà Pelosi có mặt tại
khu vực nhạy cảm này.
Nghịch lý ở đây là chủ tịch Hạ Viện Mỹ chưa chính
thức xác nhận tin được báo Financial Times loan tải, Đài Bắc thì cho biết “chưa
được thông báo về kế hoạch bà Pelosi thăm Đài Loan”, nhưng thông
tin này cũng đủ để gây ra một “cuộc chiến ngoại giao” giữa
hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Báo Nhật The Diplomat (ngày 26/07/2022) lưu
ý các kế hoạch viếng thăm Đài Loan của các quan chức Mỹ không mấy khi được rầm
rộ loan báo trước.
Thêm một
điểm nữa cần chú ý là từ khi Washington và Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ,
đây không phải là lần đầu tiên chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ đến thăm Đài
Loan, nhưng chưa bao giờ Trung Quốc lại có phản ứng mạnh mẽ như lần này.
Thậm chí một số quan chức trong chính quyền Biden tiết lộ với nhà báo Josh
Rogin của tờ Washignton Post về khả năng Trung Quốc chuẩn bị một kế hoạch đáp
trả có thể “khuynh đảo” tình hình.
Lo ngại Bắc
Kinh có thái độ liều lĩnh nào đó là có cơ sở hay không ? Vụ rò rỉ về kế hoạch
công du Đài Loan của bà Pelosi là cố ý hay vô tình ?
Nhà báo
Shannon Tiezzi của tờ The Diplomat đưa ra những giải thích khách quan : Trung
Quốc chuẩn bị họp Đại Hội Đảng, mở đường cho ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo
đất nước ít ra là thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Bắc Kinh “không thể
tỏ ra mềm yếu trên vấn đề Đài Loan”. Với công luận quốc tế, đặc biệt
là với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã liên tục cảnh cáo “không nên vượt lằn ranh
đỏ” và tuyên bố “chiến đấu đến cùng” để ngăn cản Đài Loan
tuyên bố độc lập. Trung Quốc cũng đã nhiều lên án Hoa Kỳ “cấu kết” với
phe ly khai Đài Loan.
Theo The
Diplomat, thái độ càng lúc càng quyết liệt đó của chính quyền Tập Cận Bình
cho thấy “áp lực rất lớn đang đè nặng lên Trung Quốc”. Ngoài
áp lực chính trị trước Đại Hội Đảng, Bắc Kinh cũng cần dùng lá bài Đài Loan để
đánh lạc hướng công luận trước những khó khăn chồng chất về kinh tế, khi
mà “hai trong số ba đầu máy tăng trưởng đã bị hỏng”.
Về phía
Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden cũng đang chịu áp lực chính trị lớn không kém, đặc
biệt là từ phía đảng đối lập. Thượng nghị sĩ Ben Sasse bên đảng Cộng Hòa cho rằng,
nếu chủ tịch Hạ Viện Mỹ hủy hay dời lại chuyến đi Đài Loan, đây
sẽ là dấu hiệu của một sự “mềm yếu” trong quan hệ giữa Washington với
Bắc Kinh. Bà Pelosi mà hủy chương trình của bà đến thăm một “đồng minh
thân thiết” của Hoa Kỳ sẽ là một sự “đầu hàng”.
Nhiều
chính khách bên đảng Cộng Hòa mạnh mẽ tuyên bố “ủng hộ sáng kiến” của
chủ tịch Hạ Viện Mỹ thuộc đảng Dân Chủ. Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo
cho biết ông sẵn sàng tháp tùng bà Pelosi đến Đài Bắc.
Nhờ tiết lộ
của báo Financial Times về kế hoạch của chủ tịch Hạ Viện Mỹ mà hai đảng
Dân Chủ và Cộng Hòa có cùng một tiếng nói, ít ra là trên vấn đề Đài Loan.
Sự đoàn kết
đó có thể giúp tổng thống Biden đạt được một mục tiêu kép cả về đối nội lẫn đối
ngoại : Vụ việc diễn ra trong lúc lúc Joe Biden chuẩn bị điện đàm với ông Tập Cận
Bình và rất có thể lãnh đạo hai nước sẽ trực tiếp đối thoại với nhau
lần đầu tiên từ khi Nhà Trắng đổi chủ, nhân thượng đỉnh G20 ở Bali vào mùa
thu này. Hơn nữa, đồng thuận giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa trên vấn đề Đài
Loan sẽ là tín hiệu tốt đối với tổng thống Biden trước bầu cử giữa nhiệm kỳ vào
tháng 11/2022.
Vấn đề Đài
Loan đang thu hút nhiều chú ý cả tại Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Đôi bên cùng xem
đây là một hồ sơ nóng bỏng và nhạy cảm, nhưng chưa chắc thông tin về kế hoạch
công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ bất lợi cho Bắc Kinh hay cho
Washington, nhất là với công luận trong nước của mỗi bên.
Dù vậy, quyết định có đến Đài Bắc hay
không là hoàn toàn thuộc về Nancy Pelosi. Những tính toán chính trị của các ông
Tập Cận Bình hay Joe Biden một phần đang trong tay chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ.
---------------------------------
CÁC
NỘI DUNG LIÊN QUAN
HOA
KỲ - TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN
Quân
Đội Mỹ chuẩn bị phương án bảo vệ chuyến đi Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện
Hàng
không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông
Lãnh
đạo Quốc Hội Mỹ đi Đài Loan, Quân đội Mỹ lo lắng: Thực hư ra sao ?
No comments:
Post a Comment