Đánh
giá ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong đại dịch
Dominque Fraser và Richard Maude
- The Diplomat
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
28/07/2022
Mỹ đã không có biện pháp tương xứng với chính
sách ngoại giao dồn dập, có phối hợp của Bắc Kinh trên khắp Đông Nam Á trong cuộc
khủng hoảng Covid-19.
Ngày
13/01/2021, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngồi xuống, xắn tay áo lên, nhận
mũi tiêm Sinovac Covid-19 đầu tiên của mình, tự hào khoe hộp vắc-xin trước khán
giả truyền hình trực tiếp. Vaccine Trung Quốc đã đến Indonesia và phần còn lại
của Đông Nam Á vào thời điểm mà người ta rất cần đến chúng: về y tế, xã hội, và
kinh tế. Chúng đến vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo khu vực cần chứng minh rằng
họ có kế hoạch để xử lý khủng hoảng. Và Trung Quốc đem đến giải pháp.
Đại dịch: Cơ hội của Trung Quốc
Đại dịch
toàn cầu, bắt đầu với việc virus gây Covid-19 lan ra ngoài biên giới Trung Quốc,
có thể đã là thảm họa đối với ảnh hưởng của Bắc Kinh với các chính phủ trong
khu vực. Nhưng Trung Quốc đã tìm được cái may trong cái rủi. Họ đã hành động để
đáp ứng nhu cầu của khu vực, thông qua hỗ trợ ngoại giao và vật chất, hướng ra
bên ngoài trong khi Mỹ và các đồng minh chủ yếu hướng nội. Khả năng phản ứng sớm
của Trung Quốc, tạo ra một thông điệp cộng hưởng, duy trì dòng chảy thương mại,
và trực tiếp góp mặt – tất cả đã tạo ra những ấn tượng tốt đẹp, tồn tại ngay cả
khi Mỹ và các nước khác đã bắt kịp họ.
Thứ nhất, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ
y tế và vaccine với số lượng lớn, trong khi Mỹ và các đối tác lại ưu tiên cho
nhu cầu trong nước. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cung cấp vaccine cho khu vực
Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề. Khi khoản tài trợ đầu tiên từ Mỹ được chuyển
giao vào tháng 07/2021, Trung Quốc đã tài trợ hơn 7 triệu liều cho 9 quốc gia
Đông Nam Á (theo dữ liệu theo dõi vaccine ở Trung Quốc và Mỹ, lần lượt bởi
Bridge Consulting và Kaiser Family Foundation).
Thứ hai, Bắc Kinh đồng thời phát động một chiến
dịch tuyên truyền sâu rộng, được phối hợp chặt chẽ, bằng cả phương tiện truyền
thông truyền thống lẫn mạng xã hội, để thể hiện mình là một cường quốc “có
trách nhiệm” hành động cùng Đông Nam Á trong cuộc chiến chung chống lại đại dịch.
Thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc đã giúp làm giảm
bớt suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra ở Đông Nam Á. Trong năm 2020 và 2021,
khả năng giữ cho nền kinh tế mở cửa của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu cao từ Mỹ
và châu Âu, đặc biệt là đối với hàng điện tử, đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại
mạnh mẽ, và giúp mở đường phục hồi cho Đông Nam Á.
Thứ tư, trong khi bộ trưởng của các nước khác
chủ yếu ở lại quê nhà, thì bộ trưởng Trung Quốc đã lên đường. Các bộ trưởng và
quan chức cấp cao Trung Quốc đã tới Đông Nam Á để tổ chức 32 cuộc gặp trực tiếp,
đồng thời đón tiếp các bộ trưởng của khu vực này tổng cộng 23 lần, trong đó có
hai lần ở Bắc Kinh. Trái ngược với chính sách ngoại giao tích cực của Trung Quốc,
Mỹ trông như một kẻ đứng ngoài cuộc.
Lúc này
đây, khi Đông Nam Á học cách sống chung với Covid-19, một số khuyết điểm trong
chính sách ngoại giao đại dịch của Trung Quốc đã xuất hiện. Hiệu quả thấp của
vaccine Trung Quốc hiện đã rõ ràng, chưa kể đến việc hơn 90% vaccine Trung Quốc
dành cho khu vực này là bán chứ không phải được tặng. Mỹ đã vượt qua Trung Quốc
trong việc cung cấp viện trợ vaccine. Và chính sách “ zero-Covid” của Trung Quốc
đã cản trở cả thương mại lẫn ngoại giao cá nhân.
Tuy nhiên,
Đông Nam Á vẫn nhớ người đã ở bên cạnh họ khi họ cần. Khi được hỏi vào cuối năm
2021, 58% người trả lời từ nhóm các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, và xã
hội dân sự ở Đông Nam Á đánh giá mức hỗ trợ vaccine của Trung Quốc cho khu vực
là cao nhất. Chỉ 23% chọn Mỹ. Phần thưởng cho việc xuất hiện từ sớm dường như
cao hơn phần thưởng cho việc duy trì tốc độ đi lên ổn định.
Xu hướng có lợi cho Trung Quốc
Tất nhiên,
không phải mọi thứ đều tốt đẹp đối với Trung Quốc trong những năm đại dịch 2020
và 2021. Các yếu tố hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong giai đoạn này bao gồm
việc áp đặt nặng tay các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, xu hướng nói quá sự thật
nhưng lại hoàn thành dưới mục tiêu đối với các dự án cơ sở hạ tầng, lòng tin
công chúng thấp đối với Trung Quốc, và sự thận trọng đối với sự hiện diện của
Trung Quốc trong một số thể chế nhà nước, đặc biệt là quân đội.
Tuy nhiên,
lợi thế tự nhiên và ưu tiên dành cho Đông Nam Á của Trung Quốc có nghĩa là ảnh
hưởng của họ đối với khu vực này sẽ tiếp tục tăng lên so với các đối tác lớn
khác. Một số chuyên gia từ Đông Nam Á cảnh báo: không nên cho rằng ảnh hưởng
ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ hủy hoại bản năng bảo vệ quyền tự chủ “một
cách tự động và ăn sâu trong tâm trí” của khu vực. Nhưng những người khác lo lắng
rằng “không gian để Đông Nam Á ra quyết định đang dần hẹp lại”.
Rủi ro có
lẽ không phải là Đông Nam Á sẽ dứt khoát ngả theo Trung Quốc, mà là việc khu vực
này sẽ ngày càng thích ứng và chấp nhận các lợi ích của Trung Quốc. Trong một
tương lai như vậy, chúng ta sẽ thấy Trung Quốc nỗ lực hơn nhằm ngăn chặn hoặc hạn
chế sự hợp tác của Đông Nam Á với các bên mà Bắc Kinh cho là có hại cho lợi ích
của họ.
Trung Quốc
đã thường xuyên áp dụng chiến lược này, dù mức độ thành công là khác nhau. Các
ví dụ bao gồm cảnh báo Philippines trước bầu cử về quan hệ với Mỹ; nỗ lực hạn
chế sự tham gia của bên thứ ba trong đàm phán về Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông;
và nỗ lực ngăn cản các nước Đông Nam Á tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương (IPEF).
Bài học cho Mỹ và các đối tác
Chiến lược
hiện tại của Mỹ và các đối tác thân thiết ở Đông Nam Á là giúp hỗ trợ quyền tự
chủ và sự dẻo dai của khu vực, bằng cách cung cấp các lựa chọn hợp tác thương mại,
đầu tư, cơ sở hạ tầng, viện trợ, giáo dục, và an ninh. Đây vẫn là phản ứng tốt
nhất, có lẽ là phản ứng khả thi duy nhất, đối với sự gia tăng ảnh hưởng của
Trung Quốc.
Mỹ và các
đối tác hiện có một số lợi thế và động lực mới. Sự can dự của Nhật Bản vào khu
vực vẫn sâu sắc và được tôn trọng. Chính quyền Biden và chính phủ của Đảng Lao
động Australia mới được bầu gần đây cũng đang đưa ra các sáng kiến Đông Nam Á mới
và nỗ lực để dẫn đầu cuộc chơi.
Thách thức
là đưa càng nhiều mục tiêu cụ thể vào chiến lược càng tốt, và đảm bảo rằng những
mục tiêu này được nhìn nhận ngang bằng với các nỗ lực của Trung Quốc. Việc điểm
lại những thành công của Trung Quốc trong thời kỳ đầu của đại dịch sẽ giúp tìm
ra những bài học có thể định hình những lựa chọn chính sách này.
Bài học đầu
tiên và rõ ràng là Mỹ và các đối tác không thể không hành động khi cuộc khủng
hoảng tiếp theo ập đến, dù là dưới hình thức nào.
Cũng không
có gì thay thế được sự can dự và thăm viếng chính trị với cường độ cao, dù chuyện
này khó có thể duy trì trong các nền dân chủ bận rộn. Ngoại giao cá nhân là điều
cần thiết. Hiểu đúng những vấn đề cơ bản cũng có nghĩa là phải tập trung vào
toàn bộ khu vực, chứ không chỉ riêng Việt Nam hay Singapore, những quốc gia được
ưa chuộng theo quan điểm chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cũng cần phải
tạo ra một dòng quan điểm: nhấn mạnh các nguyên tắc được chia sẻ, như quyền bất
khả xâm phạm về chủ quyền, là một cách tiếp cận tốt hơn so với lập luận rằng
các nền dân chủ ưu việt hơn các chế độ chuyên chế.
Ưu tiên
cao nhất của Đông Nam Á là phục hồi kinh tế. Cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc
về cơ sở hạ tầng truyền thống không phải là cách tiếp cận tốt, đặc biệt khi khu
vực này cần sự giúp đỡ trong các lĩnh vực mà Mỹ và các đối tác có lợi thế so
sánh, chẳng hạn như hỗ trợ Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch
còn nhiều thách thức (như G-7 đang làm), xây dựng nguồn nhân lực, và củng cố nền
kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ của Đông Nam Á.
Trung Quốc
đầu tư rất nhiều vào các chương trình nhằm tác động đến giới tinh hoa, chẳng hạn
như các chuyến thăm được tài trợ, đào tạo và trao đổi trên phương tiện truyền
thông, tiếp cận các đảng phái chính trị, và các chương trình học bổng. Mỹ và
các đối tác của họ đang cố gắng bắt kịp, bao gồm cả các chương trình quyền lực
mềm và giao lưu nhân dân, mới hoặc được tăng cường. Trong một số lĩnh vực, chẳng
hạn như các chuyến thăm được tài trợ cho các quan chức và các chuyên gia đào tạo
ngắn hạn, một sáng kiến của Quad sẽ bổ sung vào những nỗ lực này trên quy mô
tương đương với Trung Quốc, vào thời điểm mà zero-Covid đang phức tạp hóa các
chương trình của Trung Quốc.
Cuối cùng,
thời kỳ đại dịch chứng tỏ rằng Trung Quốc đang chiến thắng trong cuộc chiến
thông tin ở Đông Nam Á. Đánh bật làn sóng tin tức và tuyên truyền của Trung Quốc
là điều không thể, nhưng Mỹ và các đối tác thân cận như Australia và Nhật Bản cần
tìm cách tham gia vào không gian thông tin ở Đông Nam Á. Mục đích không phải là
tấn công Trung Quốc mà để chống lại thông tin sai lệch, quảng bá nhiều hơn về
những đóng góp của đồng minh cho sự thịnh vượng và an ninh của khu vực, đồng thời
thúc đẩy tầm nhìn tích cực về trật tự khu vực.
-------------------------
Dominque Fraser là nghiên cứu viên tại Viện Chính
sách Xã hội Châu Á.
Richard Maude là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện
Chính sách Xã hội Châu Á.
Nguồn: Dominque Fraser và Richard
Maude, “China
Won Over Southeast Asia During the Pandemic,” The Diplomat,
20/07/2022
No comments:
Post a Comment