Một quan điểm về báo chí độc lập
24/12/21
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/23635-m-t-quan-di-m-v-bao-chi-d-c-l-p
Nhân đọc bài "Làm báo đọc lập là làm gì
?" trên trang Luật Khoa Tạp Chí đăng ngày 23 tháng 12 năm 2021, xin mạn
phép đóng góp hai ý kiến.
Một, Về cụm từ "Bản
tuyên ngôn quốc tế nhân quyền" dù không trong chủ đề nhưng vì là một ngộ
nhận bền bỉ quan trọng trong cách hiểu về một khái niệm chính trị có liên hệ
thường trực lên sinh hoạt chính trị ở Việt Nam vẫn được những nhà báo tiếp tục
phát tán. Và
Hai, về sự độc lập của báo
chí.
*
1. Tiếng Anh và tiếng Pháp chỉ có "Ngày nhân quyền" (Human
rights day, Journée des droits de l'homme) nhưng họ không ghép với từ quốc tế
(international-e) như trong bài viết (không chỉ có trong bài viết này mà rất phổ
thông trên mạng tiếng Việt).
Ghép từ quốc tế vào khái niệm nhân quyền làm
nó mất hết ý nghĩa, thậm chí phản bội lại Điều 2.2 của Bản Tuyên ngôn nhân quyền
phổ cập.
Vì do hiểu sai, dùng sai của cách dịch phổ biến
ở Việt Nam La
déclaration universelle des droits de l'homme, Universal Declaration of Human Rights là "Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền".
Universelle,
universal tiếng Việt là phổ cập, phổ quát ; international-e là quốc tế.
Rất khác nhau !
Quốc tế để chỉ những quan hệ giữa các định chế
(Nhà nước, tổ chức, hội đoàn) siêu quốc gia trong khi phổ cập vượt lên trên và
ra ngoài phạm trù quốc gia.
Vì ý thức được tiềm năng thao túng của các chế
độ độc tài về tính phổ cập của Bản tuyên ngôn, các nhà soạn thảo đã cẩn thận định
nghĩa rõ ràng sự khác biệt nền tảng này trong điều 2 của Bản tuyên ngôn ngay
sau khi khẳng định tính phổ cập của tinh thần và bản chất của nó trong điều thứ
nhất.
Luật pháp là một phạm trù mà sự chính xác có tầm
quan trọng cốt lõi vì nó có ảnh hưởng trực tiếp lên toàn xã hội. Có nghĩa là
lên rất nhiều người.
Sử dụng một cách cẩu thả về khái niệm quyền
con người phổ cập là vô tình hoặc gián tiếp giúp các chế độ độc tài thao túng
nó một cách tùy tiện ; hạn chế nó trong quan hệ quốc tế, nghiã là giữa các
chính quyền các nước, cho phép một chính quyền có tính chính danh để cho nó một
nội dung đặc thù và giải thích nó theo chiều hướng họ mong muốn.
Chúng ta, đăc biệt những nhà báo, cần có những
đóng góp để cải thiện sự sai lầm tệ hại này. Đã có cụm từ được dùng bởi khá nhiều
và nó chưa bao giờ nhận được sự phản kháng có lập luận : BẢN TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN PHỔ CẬP
lột tả chính xác ý nghĩa của nó.
2. Về sự độc lập báo chí. Bài viết có
đánh giá quá cao cho sự độc lập báo chí để đi đến kết luận chủ quan cho nó
"là con đường duy nhất đi đến tự do ?".
Hoàn toàn đồng ý sự độc lập của báo chí là một
điều kiện quan trọng cho một xã hội tự do nhưng nó không phải là con đường (điều
kiện) duy nhất.
Đã từng có một chuyển hóa từ độc tài sang dân
chủ thành công chỉ nhờ một yếu tố duy nhất báo chí độc lập ? Thậm chí đã có những
cuộc chuyển hóa về dân chủ thành công mà vai trò của báo chí gần như không đáng
kể, và nó cũng chỉ có tác dụng thực sự ở trong giai đoạn cuối của một quá trình
chuyển hóa, nếu phân biệt truyền thông với báo chí. Báo chí chỉ là một bộ phận
chuyên nghiệp của truyền thông bên cạnh những phương tiện truyền thông khác như
những tác phẩm triết học, bài viết, nghiên cứu của cá nhà tư tưởng, trí thức,
cơ quan truyền thông của các tổ chức chính trị...
Hơn nữa, như chúng ta có thể quan sát, những
năm gần đây ở hai nước dân chủ hàng đầu mà sự độc lập báo chí được coi là
thiêng liêng 1, Brexit ở Anh và 2, trong suốt nhiệm kì cũa tổng thống Trump, đặc
biệt trong giai đoạn tranh cử vừa qua ở Mỹ : một bộ phận không nhỏ báo chí có
thể độc lập trong sự thiển cận, gian trá, vô trách nhiệm vượt mọi tưởng tượng.
Sự độc lập đó hoàn toàn không đóng góp gì cho
tự do cả !
Phẩm chất
trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp (bao gồm sự độc lập) mới thực sự quan trọng của
ngành báo chí.
Một cuộc chuyển hóa từ một nền dân chủ phôi
thai, hạn chế sang dân chủ có phẩm chất thì vai trò của báo chí có trí tuệ và đạo
đức nghề nghiệp quả thật quan trọng vì trong các xã hội này đã ít nhiều có tự
do báo chí tương đồng với mức độ tự do xã hội. Nói cách khác là những ý niệm về
các giá trị phổ cập cho một nền dân chủ đã thẩm thấu trong nhân tố xã hội cũng
như sinh hoạt chính trị, dù còn yếu ớt, mờ nhạt, thì truyền thông báo chí có khả
năng rất lớn để thúc đẩy, phổ biến những ý niệm đó một cách đại chúng, tạo sức
ép cho những nhượng bộ của chính quyền về mức độ tự do xã hội. Đây là một quá
trình cải tiến.
Trong một nền độc tài chuyên chính thì rất
khác. Sự "chuyển hóa" chỉ có thể là một cuộc cách mạng (ôn hòa hay bạo
động), là một bước ngoặt. Nó rũ bỏ cả hệ thống đang có cho một hệ thống mong muốn
chứ không chỉ dừng lại ở sự rũ bỏ cái đang có. Nếu không nó chỉ là một cuộc nổi
loạn mà dẫu có thành công cũng chỉ mở ra một giai đoạn phiêu lưu bất định có thể
còn tồi tệ hơn cái đang có.
Như thế thì một cuộc cách mạng chủ yếu là một
bước ngoặt về văn hóa (nề nếp), về một thay đổi tâm lí tập thể đã được chuẩn bị
từ lâu. Đó là công việc dài hơi của các nhà tư tưởng chính trị, trí thức (có thể
cũng đồng thời là nhà báo) và các đảng phái chính trị đúng nghĩa. Thành phần
này có khả năng và điều kiện để đề nghị một hệ thống chính trị, một mô hình quản
trị đất nước qui mô mà báo chí không có nếu họ chỉ dừng lại ở truyền thông. Vai
trò của báo chí, đặc biệt trong môi trường cách mạng, là cổ võ, phổ biến một hệ
thống, mô hình chính trị được các nhà tư tưởng, các tổ chức chính trị đề nghị
phù hợp với khuynh hướng chính trị của mình; các tổ chức chính trị là điều kiện
duy nhất để thực hiện những điều mong muốn đó. Do dó ủng hộ hay tiếp tay cho một
tổ chức cách mạng là điều không thể né tránh của những người ao ước một cuộc đổi
đời, đặc biệt là giới báo chí. Trong trường hợp này và chỉ trong trường hợp này
thì báo chí nghiễm nhiên có vai trò quan trọng hàng đầu không thể chối cãi.
Nếu báo chí chỉ dừng lại ở sự xóa bỏ "cái
đang có" mà không cổ võ hay dửng dưng cho "cái cần có" và phương
tiện để thực hiện nó thì giá trị của báo chí cũng chỉ là sự kích thích nổi loạn,
không xứng tầm trong con mắt xã hội và nhất là không xứng tầm với chức nghiệp
mà họ có thể có.
Sự độc lập của giới báo chí trong cuộc đấu
tranh chuyển hướng lịch sử phải được nhìn, hiểu là độc lập với bạo quyền cũng
như với bất cứ một quyền lực nào khác. Nó nằm trong tương quan thành phần cai
trị / thành phần bị trị bao gồm cả giới báo chí chứ không phải là độc lập với
phần còn lại của giới bị trị. Không có liên hệ da thịt hay không cảm thấy có
nhu cầu một cố gắng chung với thành phần bị trị thì báo chí không có một công dụng
nào cả với xã hội.
Lê Mạnh Tường
(24/12/2021)
No comments:
Post a Comment