Lữ Giang
December 14, 2017
Trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm 6 Tháng Mười Hai,
2017, Tổng Thống Donald Trump phát biểu: “Tôi cho rằng đã đến lúc chính thức
công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các tổng thống trước kia của Mỹ coi
đây là một cam kết trong chiến dịch tranh cử của họ, nhưng cuối cùng không thực
hiện được. Giờ đây, tôi sẽ hiện thực hóa nó.” Ông cũng chỉ đạo Bộ Ngoại Giao Mỹ
“bắt đầu việc chuẩn bị để chuyển Sứ Quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới
Jerusalem.”
Biểu tình chống quyết định của Trump về Jerusalem.
(Hình: Getty Images)
Quyết định này đã gây ra những phản ứng dữ dội. Các
nước Hồi Giáo trên thế giới, từ Ai Cập đến Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia hay Malaysia đều
đồng loạt phản đối. Châu Âu lo ngại bạo động lại dấy lên tại vùng Cận Đông. Bạo
động thật sự đang xảy ra. Tại sao Tổng Thống Trump lại đưa ra một quyết định
như thế trong lúc này? Ít ai có thể hiểu được, vì ông ta có thói quen cứ thích
là nói, thích là làm, chẳng coi luật pháp ra gì… Nếu có bị ai phê bình thì ông
ngụy biện để tự bào chữa!
Vài
nét về lịch sử Do Thái
Thánh Kinh mô tả về dân Do Thái, đất Do Thái và
thành Jerusalem rất nhiều chi tiết. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ lược
qua một vài nét chính để độc giả có thế thấy biến cố mà Donald Trump mới gây ra
một cách rõ ràng hơn.
Tổ tiên người Do Thái (Hebrews) đã hiện diện trên
vùng đất có tên là Canaan từ khoảng năm 1800 trước Công Nguyên (TCN). Vùng đất
này ngày nay nằm trong lãnh thổ của Israel, West Bank và một phần Jordan. Đến đời
Jacob, Thượng Đế đã chúc phúc và đặt tên cho ông là Israel, có nghĩa là “Kẻ chiến
đấu với Thượng Đế.” Và kể từ Jacob, người Hebrew được gọi là dân Israel.
Thời cực thịnh của Do Thái là dưới thời vua David.
Năm 1003 TCN, vua David chọn Jerusalem làm kinh đô của Do Thái. Jeru có nghĩa
là thành thánh và Salem là hòa bình. Vua Salomon, người kế nghiệp vua David, đã
cho xây dựng một Đền Thánh nguy nga, lộng lẫy. Trong hơn 3000 năm lịch sử,
Jerusalem đã từng bị phá hủy 2 lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần, và
44 lần bị chiếm rồi tái chiếm. Ngày nay, Jerusalem vẫn là vùng đất ẩn chứa nhiều
căng thẳng. Sau đây là các diễn biến chính.
Do Thái đã bị các đế quốc Assyrians (720 TCN),
Babylonians (khoảng năm 580 TCN), Ba-Tư và Hy-Lạp (khoảng năm 320 TCN) xâm chiếm.
Hầu hết người Do Thái phải bỏ vùng đất Canaan ra đi lưu vong. Khoảng năm 200
TCN, người Do Thái phục hồi lại được vương quốc của họ quanh vùng Palestine và
thủ phủ Jerusalem ngày nay. Đến năm 61 TCN, đế quốc Roma đến xâm chiếm cả vùng
này, trục xuất người Do Thái ra khỏi Jerusalem và năm 70 đã phá hủy thành
Jerusalem.
Để cắt đứt sự quan hệ giữa người Do Thái và vùng đất
Canaan, đế quốc Roma đã đổi tên vùng này thành Syria Palestina. Tên Palestine
có từ đó. Nhưng người Do Thái vẫn tin chắc rằng Jerusalem sẽ mãi mãi là của người
Do Thái, vì Thánh Kinh đã nói như thế. Thánh Vịnh 147 được mở đầu bằng câu
“Lauda Jerusalem Dominun” (Hỡi Jeeusalem hãy ngợi khen Thiên Chúa). Câu thứ 2
nói rất rõ: “Thiên Chúa xây lại Jerusalem, quy tụ dân Israel lưu lạc về.” Đây
là thánh vịnh được nhiều nhạc sĩ danh tiếng trên thế giới phổ nhạc.
Sau đế quốc Roma, đến lượt đế quốc Byzantine của
Syrian chiếm cứ và cai trị vùng Palestine cho đến thế kỷ thứ 7 thì bị Hồi Giáo
đánh đuổi. Đế quốc Hồi Giáo Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục toàn bộ Trung Đông
năm 1517 và tồn tại cho đến khi Đệ Nhất Thế Chiến kết thúc. Đế chế Hồi Giáo đã
cai trị Jerusalem kéo dài trong 12 thế kỷ.
Tái
lập lại nước Israel
Sau Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918), nước Anh đánh bại
đế quốc Ottoman, đuổi Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vùng Ả Rập và quản lý vùng này. Qua
nhiều cuộc vận động ráo riết của người Do Thái lang thang, ngày 2 Tháng Mười Một,
1917, ngoại trưởng Anh là Arthur James Balfour tuyên bố sẽ cho lập một nước Do
Thái tại đất Palestine. Thật ra, từ lâu các quốc gia Tây phương đã nghĩ đến việc
phân chia khối Hồi Giáo Trung Đông ra thành nhiều mảnh và thiết lập một trọng
điểm có thể đối kháng với sự vùng dậy của khối này. Israel đã được chọn để làm
trọng điểm đó.
Năm 1922, chính phủ Anh đã chia vùng đất mà người Ả
Rập và Do Thái đang cư ngụ ở hai bên bờ sông Jordan ra làm 2 vùng: Vùng phía
Tây sông Jordan kéo ngang qua tới Địa Trung Hải được giao cho người Do Thái.
Vùng phía Đông sông Jordan dành cho người Palestine. Người Ả Rập không chấp nhận
sự phân chia của Anh. Họ nhất định đòi lại Jerusalem và dải Gaza.
Không giải quyết được sự tranh chấp, Anh đưa nội vụ
ra Đại Hội Đồng Liên Quốc xin giải quyết. Ngày 29 Tháng Mười Một, 1947, Đại Hội
Đồng LHQ đã họp và biểu quyết nghị quyết số 181, phân chia lại lãnh thổ của người
Do Thái và Palestines: Lấy vùng West Bank và dải Gaza thành lập một quốc gia Ả
Rập mới, sau này đổi thành Palestine. Phần còn lại cho thành lập quốc gia Do
Thái.
Riêng thành phố Jerusalem, Liên Hiệp Quốc đặt dưới một
quy chế đặc biệt (special regime) do Liên Hiệp Quốc quản trị. Năm 1948, thành
phố Jerusalem cũng được chia làm hai, nửa phía Tây thuộc về Israel, nửa phía
Đông và Cổ Thành do Jordan chiếm giữ.
Với cách phân chia này, Do Thái và Palestine nằm lẫn
lộn nhau, giống như những ốc đảo ở trên biển, Việc giao thông giữa các vùng gặp
rất nhiều khó khăn.
Cuộc
chiến bùng nổ
Có 5 quốc gia bao quanh lãnh thổ Do Thái, trong đó
Ai Cập, Jordan và Syria quyết ăn thua đủ với Do Thái, còn Lebanon và Saudi
Arabia vì có quan hệ với Anh nên không muốn gây sự. Khi Tướng Gamal Abdel
Nasser lên làm tổng thống Ai Cập, ông cho thành lập Phong Trào Giải Phóng
Palestine (PLO) và dùng quân này để quấy rối. Đầu Tháng Năm 1967, Ai Cập yêu cầu
quân LHQ rút khỏi vùng biên giới giữa dải Gaza và bán đảo Sinai. Cả LHQ lẫn Do
Thái đều hiểu rằng Ai Cập chuẩn bị khai chiến.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 5 Tháng Sáu, 1967, Do Thái bất
thần mở cuộc tấn công vào bán đảo Sinai và các vùng đóng quân của Jordan và
Syria. Phi cơ Do Thái đã phá tan hết các phi cơ chiến đấu và chuyên chở của Ai
Cập trên bán đảo Sinai, sau đó cho xe tăng và quân tiến vào, chiếm được thành
phố Jerusalem, đuổi quân Jordan ra khỏi vùng Judea và Samaria. Quân Ai Cập
không kịp phản ứng đã bỏ chạy. Có khoảng 10,000 quân Ai Cập bị giết và 5,000
quân bị bắt làm tù binh. Ngày 10 Tháng Sáu, 1967, lệnh đình chiến do Liên Hiệp
Quốc ban ra đã cứu được người Ả Rập.
Kết quả, Israel chiếm bán đảo Sinai của Ai Cập, đồi
Golan của Syria và Ɖông Jerusalem của Jordan.
Ngày 30 Tháng Bảy, 1980, Israel ban hành Jerusalem
Law, một đạo luật lập quy chế Jerusalem là thủ đô “vĩnh viễn và không chia cắt
được” của Israel.
Ngày 20 Tháng Tám, 1980, Hội Đồng Bảo An LHQ ban
hành Nghị Quyết 478 lên án Israel âm mưu sáp nhập Đông Jerusalem và kêu gọi các
nước có cơ quan ngoại giao tại Jerusalem rời khỏi thành phố. Theo Liên Hiệp Quốc,
quy chế cuối cùng của Jerusalem phải do các bên liên quan đàm phán.
Mưu
đồ của Hoa Kỳ và Do Thái
Mặc dầu đã có nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ như
trên, năm 1995, Tổng Thống Bill Clinton đã ký một sắc lệnh công nhận: “Từ 1950,
Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel.” Ngày 23 Tháng Mười, 1995, Quốc Hội Mỹ
thông qua Đạo Luật Đại Sứ Quán Jerusalem (Jerusalem Embassy Act) quy định Sứ
Quán Mỹ ở Tel-Aviv phải được chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, có một điều khoản
trong luật này cho phép tổng thống Mỹ đương nhiệm hoãn thời hạn áp dụng luật
này.
Để hoãn việc di dời tòa đại sứ và chờ thời gian
thích hợp, các tổng thống tiền nhiệm Mỹ như Bill Clinton, George W. Bush và
Barack Obama cứ 6 tháng một lần, đã ký lệnh hoãn áp dụng luật nói trên. Vào
Tháng Sáu, 2017, Donald Trump cũng đã làm như vậy.
Đùng một cái, ngày 5 Tháng Mười Hai, 2017, chính phủ
Israel ra tuyên bố tái xác định: “Jerusalem là thủ đô của dân tộc Do Thái từ
3.000 năm và là thủ đô của Israel từ 70 năm nay.” Jerusalem được nhắc đến ở đây
gồm cả phần phía Tây và phần phía Đông của Jerusalem. Qua ngày 6 Tháng Mười
Hai, 2017, Tổng Thống Donald Trump cũng tuyên bố xác định Jerusalem là thủ đô
không thể chia cắt được của nhà nước Israel. Tại sao Trump đã có hành động đột
ngột như vậy?
Những
cố gắng giải thích
Ngày 3 Tháng Mười Hai, 2017, Jared Kushner, con rể
kiêm cố vấn tối om của Tổng Thống Trump giải thích về kế hoạch mới của Mỹ như
sau: “Rất nhiều nước Trung Đông muốn cùng một điều: tiến bộ kinh tế, hòa bình
cho dân tộc của họ. Họ nhận thấy các mối đe dọa trong vùng và tôi nghĩ rằng họ
nhìn thấy Israel, một kẻ thù truyền kiếp, thực ra đã trở thành một đồng minh tự
nhiên của họ vì Iran, vì tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Trung Đông.”
Ngày 8 Tháng Mười Hai, 2017, Donald Trump lại nói: “Tôi đã giữ lời hứa khi
tranh cử. Những người khác thì không.”
Cả Donald Trump và con rể đều ngụy biện. Các nước Hồi
Giáo trong vùng dù là Sunni hay Shia đều coi Jerusalem là thánh địa bất khả nhượng
của họ. Vì thế, người Hồi Giáo Sunni không bao giờ vì lo sợ sự tấn công của
Iran mà trao thánh địa Jerusalem cho Israel và đứng về phe Israel. Ngày 10
Tháng Mười Hai, 2017, tổng thống Iran là Hassan Rohani đã lên tiếng khẳng định
rằng Iran “sẽ không dung thứ cho việc xâm phạm các thánh địa” và kêu gọi “người
Hồi Giáo phải đoàn kết trước âm mưu lớn này.” Trong thực tế, Jerusalem hiện nay
là di sản của ba tôn giáo: Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.
“Đạo Luật Đại Sứ Quán Jerusalem” là do Quốc Hội Mỹ
ban hành ngày 23 Tháng Mười, 1995, chứ không phải do Trump làm. Mục đích của đạo
luật này là báo cho các nước Ả Rập biết Mỹ sẽ bảo vệ Israel, chớ có mưu đồ lấn
chiếm. Việc khi nào sẽ dời tòa đại sứ đến Jerusalem là tùy thuộc vào tình thế,
chứ không phải do “giữ lời hứa” hay không. Vào Tháng Sáu, 2017, Trump cũng đã
ký lệnh hoãn thi hành như 3 tổng thống tiền nhiệm.
Sự phản đối mạnh mẽ của khối Hồi Giáo cho thấy quyết
định của Trump không phải là động lực nối kết khối Sunni lại với Israel để chống
Iran và ISIS như cậu Jared Kushner đã giải thích.
Nhiều người tin rằng do sự vận động của cậu con rể gốc
Do Thái là Jared Kushner nên Trump đã tuyên bố như trên để lấy lòng Do Thái và
lấy le, không cần biết luật pháp và các hậu quả sẽ như thế nào. Một số chuyên
gia khác lại coi vấn đề dời Tòa Đại Sứ Mỹ từ Tel-Aviv tới Jerusalem cũng nằm
trong chiến lược “Một Trung Đông Mới” của Hoa Kỳ, nên các chiến lược gia Mỹ đã
để cho Donald Trump làm như vậy. Xem ra Donald đang bị biến thành con bài thí
cho việc triển khai chiến lược Một Trung Đông Mới.
Mở
con đường đi tới?
Như chúng tôi đã nói, trong kế hoạch “Một Trung Đông
Mới” Mỹ đã quyết định chia 5 nước trung tâm của Hồi Giáo ra thành 14 nước. Ba nước
Iraq, Libya và Syria đã bị xé ra làm ba và Yemen đã bị vỡ ra làm hai. Vậy nước
thứ 5 là nước nào? Nhiều người tin rằng nước sau cùng sẽ là Saudi Arabia, vì
đây là nước giàu có về dầu mỏ, thi hành luật Hồi Giáo một cách khắt khe nhất,
đã từng huấn luyện và yểm trợ các tổ chức khủng bố Hồi Giáo trên thế giới, nổi
bật nhất là al-Qaeda và ISIS. Các tên khủng bố trong vụ 911 đều phát xuất tử
Saudi Arabia…
Chúng tôi xin nhắc lại, ngày 14 Tháng Bảy, 2015, một
hiệp ước về hạt nhân giữa Iran và Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Đức đã được
thỏa thuận. Hiệp ước này đã thả Iran ra để nước này có thể củng cố và lãnh đạo
khối Hồi Giáo Shia đối đầu với khối Hồi Giáo Sunni đang do Saudi Arabia lãnh đạo,
tạo thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Trong khi dó, Mỹ lại tìm cách nối kết giữa Saudi
Arabia và Israel để chia rẽ khối Hồi Giáo Sunni. Trang nhà Stratfor, một tổ chức
chuyên nghiên cứu về địa chính trị tại Mỹ và trên toàn thế giới, đã phân tích sự
liên minh bất thường giữa Israel và Saudi Arabia, “Bên ngoài là kẻ thù, Bên
trong là đồng minh” (Public foes. Secret allies) đang đưa Trung Đông vào tình
thế mới. Cũng có thể Saudi Arabia đã liên minh với Israel để khỏi bị đập bể làm
ba như Iraq, Libya và Syria.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 16 Tháng Mười Một,
2017, ông Eisenkot, bộ trưởng Quốc Phòng Israel đã tuyên bố trên truyền hình
Saudi Arabia rằng Israel sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo về Iran với Saudi
Arabia. Sau đó, Bộ Trưởng Năng Lượng Israel Yuval Steinit xác nhận mối quan hệ
giữa Israel và vương quốc này đang ngày càng được củng cố.
Sự tiết lộ này đã đưa tới nhiều hậu quả nghiêm trọng,
trước hết là làm suy giảm niềm tin giữa các quốc gia Hồi Giáo trong Liên Đoàn Ả
Rập với Saudi Arabia, sau đó tạo ra sự xung đột giữa các quốc gia này với Saudi
Arabia, vì nước này đã liên kết với Israel, “kẻ thù truyền kiếp” của họ. Đây là
vấn đề chúng tôi sẽ trình bày sau.
Trăm
dâu đổ xuống đầu Trump
Chiến lược Một Trung Đông Mới sẽ diễn biến như thế
nào, ít ai được biết. Nhưng tiếng phản đối Trump đang lan tràn khắp nơi. Tất cả
đều cho rằng quyết định của Trump vi phạm quốc tế công pháp và nghị quyết của Hội
Đồng Bảo An LHQ.
Chiều 6 Tháng Mười Hai, Tổng Thư Ký LHQ Antonio
Guterres đã mạnh mẽ lên án một quyết định “đơn phương” từ phía Hoa Kỳ về
Jerusalem. Hội Đồng Bảo An LHQ họp khẩn cấp sáng 7 Tháng Mười Hai, 2017, tại
New York để phê phán quyết định của Trump. Năm nước Châu Âu đã đưa ra tuyên bố:
“Tình trạng của Jerusalem cần phải được định đoạt bằng con đường đàm phán giữa
Israel và Palestine để có được thỏa thuận cuối cùng” và Liên Hiệp Âu Châu sẽ
không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn bộ thành phố Jerusalem.
Ngày 10 Tháng Mười Hai 2017, trong cuộc họp của 22
các nước thành viên tại Cairo, Ai Cập, Liên đoàn Arab đã đưa ra tuyên bố nói rằng
quyết định của của Tổng Thống Trump hôm 6 Tháng Mười Hai là “sự vi phạm nguy hiểm
luật quốc tế,” không có ảnh hưởng về pháp lý và “vô giá trị.”
Phản ứng gay gắt nhất đến từ Thổ Nhĩ Kỳ: Ngay hôm 6
Tháng Mười Hai, 2017, Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan thông báo triệu tập đại
diện 57 nước thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo vào ngày 13 Tháng Mười Hai
tại Istanbul để bàn về quyết định của Mỹ về quy chế Jerusalem. Rõ ràng là
Erdogan muốn dẫn đầu phong trào chống lại “đồng minh” của mình là Washington. Bộ
trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quyết định của Hoa Kỳ về Jerusalem là một
“đám cháy khó dập tắt.”
Saudi Arabia, một “đồng minh truyền thống” của Hoa Kỳ,
cũng phải lên án hành động “vô trách nhiệm” của Trump. Còn Iran nói tới viễn cảnh
một “cuộc chiếm ném đá Intifada” khác sắp mở ra.
Quyết định dời Tòa Đại Sứ Mỹ từ Tel Aviv đến
Jerusalem của Trump là một chuyện phiêu lưu và không cho thấy có lợi ích thực tế
nào trong hiện tại, nhưng nó đang cô lập Mỹ. Một lần nữa Trump lại chọc cho người
ta chửi! Chơi lá bài Jerusalem, Trump đang thua đậm. (Lữ Giang)
No comments:
Post a Comment