Robert Micky, Steven Levitsky, và Lucan
Ahmad Way,
Foreign
Affairs,
May-June, 2017
Trần
Ngọc Cư dịch
06/12/2017
Lý do tại sao Hiệp Chúng Quốc có nguy cơ rơi vào thoái trào dân
chủ
------------------------
“Chính
quyền của Tổng thống Trump đã chọc thủng niềm tin tưởng của nhiều người Mỹ về
tính ưu việt của nước họ. Nền dân chủ Mỹ không miễn nhiễm đối với tình trạng
thoái trào [trở lại thời kỳ thiếu dân chủ tại miền Nam trước thập niên 1970].
Trên thực tế, dân chủ Mỹ đang đối diện một thách thức vượt quá thời đại Trump:
đó là duy trì một nền dân chủ đa chủng [multiracial democracy] được khai sinh
cách nay nửa thế kỷ. Ít có nền dân chủ nào tồn tại qua những thời kỳ quá độ
trong đó các nhóm chủng tộc giữ ưu thế trong lịch sử mất địa vị đa số của mình.
Nếu dân chủ Mỹ có thể làm được điều này, nó sẽ chứng minh được tính ưu việt của
mình trên thực tế”.
-------------------------
Tổng
thống Donald Trump
Robert
Micky là
Phó Giáo sư Chính trị học tại Đại học Michigan và là tác giả cuốn Paths
Out of Dixie: The Democratization of Authorization Enclaves in America’s Deep
South, 1944-1972.
Steven
Levitsky là
Giáo sư Chính phủ học tại Đại học Harvard.
Lucan
Ahmad Way là
Giáo sư Chính trị học tại Đại học Toronto và là đồng tác giả, với Levitsky, cuốn Competitive
Authoritarianism: Hybrid Regimes After the Cold War.
----------------
Việc đắc cử Tổng thống Mỹ của Donald Trump - một người
từng ca ngợi các nhà độc tài, khuyến khích bạo động trước đám cử tri hậu thuẫn
ông, đe dọa bỏ tù đối thủ chính trị, và chụp mũ giới truyền thông chính mạch
[mainstream media] là “kẻ thù” - đã gia tăng nỗi sợ hãi rằng Hoa Kỳ có thể đang
tiến tới chủ nghĩa độc tài. Mặc dù các tiên đoán về một tình trạng tuột dốc dân
chủ để rơi tõm vào chủ nghĩa phát-xit là thổi phồng quá đáng, nhưng triều đại của
Tổng thống Trump có thể đẩy Hiệp Chúng Quốc vào một dạng thức nhẹ của cái mà
chúng ta gọi là “thể chế độc tài có cạnh tranh” [competitive authoritarianism]
- một chế độ trong đó các thiết chế dân chủ quan trọng vẫn tồn tại nhưng Chính
phủ lạm dụng quyền lực Nhà nước để đưa các đối thủ của mình vào thế bất lợi.
Song những thách đố đối với thể chế dân chủ Mỹ đã xuất
hiện qua nhiều thập niên trước khi Trump bước vào sân khấu chính trị khá lâu. Kể
từ thập niên 1980, sự phân cực ngày càng sâu sắc của chính trị Mỹ cùng với tiến
trình cực đoan hóa Đảng Cộng hòa đã làm suy yếu các nền tảng định chế vốn từng
gìn giữ thể chế dân chủ Mỹ qua một thời gian lâu dài - khiến cho một chế độ Tổng
thống kiểu Trump ngày nay trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với trường hợp nó ở
vào những thập niên trước đây.
Nghịch lý là, động cơ phân cực hóa chính trị Mỹ đang
đe dọa thể chế dân chủ hiện nay, có gốc rễ từ tiến trình dân chủ hóa muộn màng
của Hiệp Chúng Quốc. Mãi đến đầu thập niên 1970 - khi phong trào dân quyền và
Chính phủ liên bang bài trừ được chủ nghĩa độc tài tại các tiểu bang miền Nam -
nước Mỹ mới thật sự trở nên dân chủ. Tuy nhiên, tiến trình này cũng góp phần tạo
ra sự chia rẽ trong Quốc hội, liên kết cử tri lại với nhau theo ranh giới chủng
tộc và đẩy Đảng Cộng hòa khuynh hữu thêm nữa. Hệ quả của sự phân cực này vừa
giúp Trump trỗi dậy vừa khiến các định chế dân chủ trở nên yếu kém trước hành
vi độc tài của ông.
Các biện pháp an toàn cho thể chế dân chủ có lẽ
không xuất phát từ những nơi người ta có thể kỳ vọng. Cam kết của xã hội Mỹ đối
với thể chế dân chủ không đảm bảo ngăn chặn được việc quay lại tình trạng thiếu
dân chủ trước đây; cả những biện pháp hiến định nhằm kiểm soát và quân bình quyền
lực giữa các ngành của Chính phủ, lẫn bộ máy thư lại hoặc báo chí tự do cũng
không làm được việc này. Rốt
cuộc, có thể chính khả năng huy động hậu thuẫn quần chúng của Trump - khả năng
này bị hạn chế nếu chính quyền ông hoạt động tồi tệ, song to lớn hơn nếu có chiến
tranh hay một cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng - sẽ định đoạt số phần của thể
chế dân chủ Mỹ.
THẾ
NÀO LÀ TRỞ VỀ TÌNH TRẠNG MẤT DÂN CHỦ
Nếu có một cuộc suy thoái dân chủ sẽ diễn ra tại Hiệp
Chúng Quốc, nó không mang dạng thức một cuộc đảo chính; do đó sẽ không có tuyên
bố thiết quân luật hay áp đặt chế độ độc đảng. Nói cho ngay, trải nghiệm của hầu
hết các chế độ độc tài đương đại cho thấy rằng tình trạng thoái trào dân chủ sẽ
diễn ra qua một loạt gồm những bước gia tăng nhỏ bé, ít ai nhận thấy, hầu hết
là hợp pháp và nhiều bước có vẻ không quan trọng. Nhưng tập hợp lại, những bước
chuyển biến này sẽ làm nghiêng sân chơi về phía có lợi cho đảng cầm quyền.
Sự dễ dàng cũng như mức độ mà các Chính phủ có thể đạt
được điều này thay đổi tùy theo từng nơi. Ở đâu mà các định chế dân chủ và chế
độ pháp trị có nền móng vững chắc và các lực lượng công dân cũng như đối lập vững
mạnh, như tại Hiệp Chúng Quốc chẳng hạn, nạn lạm quyền vừa khó thực hiện vừa ít
nghiêm trọng hơn tại các nước như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela. Tuy nhiên, nạn
lạm quyền đã từng diễn ra tại Hiệp Chúng Quốc trong quá khứ gần đây, do đó
chúng ta không thể loại trừ khả năng này.
Loại lạm quyền đầu tiên là chính trị hóa các định chế
Nhà nước và sử dụng chúng để chống lại đối lập. Các Nhà nước hiện đại sở hữu một
loạt cơ quan khác nhau để điều tra và trừng phạt các sai phạm của công chức và
tư nhân - như các tòa án; các công tố viên; các ủy ban giám sát của Quốc hội;
các cơ quan thi hành luật pháp, tình báo, thuế vụ, và điều tiết kinh tế hoặc
môi trường. Vì những cơ quan này được thiết kế để làm chức năng đứng giữa trọng
tài, chúng vừa là một thách thức vừa là một cơ hội cho những kẻ có tham vọng độc
tài. Bao lâu mà các cơ quan điều tra vẫn còn độc lập, chúng có thể vạch trần và
trừng phạt nạn lạm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu bị các phần tử trung
thành với Chính phủ kiểm soát, chúng có thể bao che các sai trái của chính quyền
và được sử dụng như một loại vũ khí rất hữu hiệu để chống lại các đối thủ của
Chính phủ.
Như vậy các nhà độc tài dân cử được khuyến khích mạnh
mẽ trong việc thanh trừng các công chức chuyên nghiệp và các viên chức có đầu
óc độc lập, rồi thay thế họ bằng đảng viên của mình. Các cơ quan không dễ bị
thanh trừng, như ngành tư pháp có thể bị chính trị hóa bằng nhiều cách khác.
Các chánh án, chẳng hạn, có thể bị hối lộ, bị bắt nạt, hoặc bị hăm dọa buộc phải
phục tòng, nếu không họ có thể bị công khai bôi bẩn là bất lực, tham nhũng, hoặc
không yêu nước. Trong các trường hợp cực đoan, họ có thể là đối tượng để đem ra
xử tội trong lúc tại chức [impeachment].
Thao túng các cơ quan Nhà nước bằng cách cài đặt
chúng bằng đảng viên của mình chẳng khác chi mua đứt trọng tài trong một trận đấu
thể thao: không những đội nhà có thể tránh các cú phạt đền mà còn ép địch thủ
chịu thêm nhiều cú phạt. Một trong những hậu quả là, Chính phủ có thể tránh được
các cuộc điều tra, các vụ kiện, và các cáo buộc hình sự, và do đó Chính phủ có
thể được bảo đảm rằng các hành động vi hiến của mình sẽ không bị chặn đứng. Một
hậu quả khác là, Chính phủ có thể tùy tiện thi hành luật pháp, chỉ đặt vào tầm
ngắm của mình các nhà chính tri, các doanh nghiệp và các hãng truyền thông đối
lập trong khi để yên cho các đồng minh của mình (hoặc những thành phần chịu im
miệng). Vlamidir Putin, chẳng hạn, đã thẳng tay loại trừ hầu hết địch thủ của
mình sau khi trở thành Tổng thống Nga bằng cách truy tố họ ra tòa về tội tham
nhũng trong khi nhắm mắt làm ngơ trước hành vi tương tự của các đồng minh.
Đồng thời, một lực lượng cảnh sát được chính trị
hóa, có thể được Chính phủ tin dùng để đàn áp các người biểu tình chống đối
trong khi dung túng các hành vi bạo động của bọn côn đồ thân Chính phủ - một
chiến thuật tỏ ra hữu hiệu tại Venezuela. Về phần mình, các cơ quan tình báo được
chính trị hóa có thể được sử dụng để theo dõi những người chỉ trích Chính phủ
và đào xới tư liệu để gây sức ép. Lãnh tụ đối lập hàng đầu của Chính phủ
Malaysia, ông Anwar Ibrahim, bị cho ra rìa bằng cách này: sau một cuộc điều tra
rất đáng nghi ngờ của cảnh sát, ông bị kết tội kê gian [sodomy / làm tình với một
nam trợ lý] năm 1999 và bị đưa vào tù. Chắc chắn là, ngay cả bộ máy hành chính
tại các nước dân chủ cũng dễ bị chính trị hóa, nhưng tình trạng này thường được
hạn chế và bị trừng phạt khi trở nên quá tồi tệ. Trái lại, trong các chế độ độc
tài có cạnh tranh, tình trạng chính trị hóa có tính hệ thống và nghiêm trọng.
Cách thứ hai các nhà độc tài dân cử có thể làm
nghiêng lệch sân chơi là bằng cách vô hiệu hóa các bộ phận then chốt của xã hội
dân sự. Ít có chế độ độc tài đương đại nào tìm cách tiêu diệt đối lập ngay lập
tức. Nói đúng ra, các chế độ này có âm mưu chiêu dụ, bóp nghẹt hoặc gây khập khễnh
cho các nhóm có khả năng vận động đối lập: các hãng truyền thông, các lãnh đạo
doanh nghiệp, các công đoàn, hội đoàn tôn giáo, vân vân. Con đường dễ nhất là
mua chuộc. Bằng cách này, gần như mọi Chính phủ độc tài cống hiến bổng lộc hoặc
trực tiếp hối lộ các nhân vật lãnh đạo truyền thông, doanh nghiệp, và tôn giáo.
Các báo đài thân hữu được ưu tiên tiếp cận chính quyền; các lãnh đạo doanh nghiệp
ưu đãi được nhượng những nguồn lực béo bở hoặc nhận được các hợp đồng Chính phủ.
Để đối phó những người chống đối, các nhà độc tài vận dụng các cơ quan chức
năng được chính trị hóa. Các mạng lưới báo đài và website nào tố cáo việc làm
sai trái của Chính phủ đều phải đối diện những vụ kiện vu khống và phỉ báng hoặc
bị truy tố vì công bố tài liệu được cho là cổ vũ bạo động hoặc đe dọa an ninh
quốc gia. Các lãnh đạo doanh nghiệp dám chỉ trích Chính phủ thường bị điều tra
về gian lận thuế má hoặc các vi phạm khác, đồng thời các nhà chính tri đối lập
thường bị lún sâu vào các vụ tai tiếng do các cơ quan tình báo đào xới hoặc chỉ
việc bịa đặt ra.
Sự sách nhiễu kéo dài theo kiểu này có thể làm suy yếu
phe đối lập một cách nghiêm trọng. Báo chí có thể vẫn còn độc lập trên danh
nghĩa nhưng phải âm thầm tự kiểm duyệt, như tại Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela. Giới
doanh nghiệp có thể rút khỏi chính trường thay vì gặp rủi ro đối đầu với các cơ
quan thuế vụ hay điều tiết kinh tế của Chính phủ, như thường xảy ra tại Nga.
Qua thời gian, các bài chỉ trích Chính phủ trên báo đài sẽ giảm dần, và cùng với
việc các doanh nghiệp hàng đầu và các công đoàn không còn dám sinh hoạt chính
trị nữa, các đảng đối lập gặp khó khăn hơn nữa trong việc gây quĩ, khiến họ gặp
một bất lợi đáng kể.
Cuối cùng, các nhà độc tài dân cử thường viết lại luật
chơi chính trị - cải tổ hiến pháp, hệ thống tuyển cử, hoặc các định chế khác -
khiến các đối thủ chính trị khó cạnh tranh hơn. Những cải tổ này thường được biện
minh trên cơ sở bài trừ tham nhũng, trong sạch hóa các cơ quan tuyển cử, hoặc củng
cố dân chủ, song mục đích thực sự là đen tối hơn. Tại Ecuador, chẳng hạn, một
cuộc cải tổ luật tuyển cử do Chính phủ của Tổng thống Rafael Correa thông qua
năm 2012 đã hạn chế gắt gao các đóng góp vận động tranh cử của tư nhân, bề
ngoài nói là để giảm bớt ảnh hưởng thối nát của đồng tiền trong chính trị.
Nhưng trên thực tế, cuộc cải tổ này đã làm lợi cho đảng cầm quyền của Correa,
mà sự tiếp cận các nguồn lực của Chính phủ không bị kiểm soát đã mang lại một lợi
thế to lớn cho họ.
Tại Malaysia cũng như tại Zimbabwe, Chính phủ viện dẫn
mục đích phân quyền cho các địa phương để biện minh cho những cải tổ nhằm gia
tăng phiếu bầu của các vùng nông thôn dân cư thưa thớt, gây bất lợi cho các
trung tâm thành phố, nơi phe đối lập tỏ ra có lợi thế nhất. Các cải tổ định chế
loại này là đặc biệt nguy hiểm vì chúng duy trì một bộ mặt hợp pháp ở bên
ngoài. Tuy nhiên, chúng làm nghiêng lệch các kết quả bầu cử một cách có hệ thống
và, trong nhiều trường hợp, cho phép người đang tại chức bám chặt vào các lợi
thế tạo được nhờ lạm dụng quyền hành từ ban đầu.
MỘT
NỀN DÂN CHỦ NON TRẺ
Người ta có thể sa vào cám dỗ để tin rằng nền dân chủ
kéo dài hàng thế kỷ của Hiệp Chúng quốc là không thể bị thẩm thấu bởi hiện tượng
xói mòn dân chủ [democratic erosion], nhưng sự tin tưởng này không được đặt
đúng chỗ. Trên thực tế, thể chế dân chủ tự do bình đẳng [liberal democracy] - với
đầy đủ quyền bầu cử của người trưởng thành và sự bảo vệ rộng rãi các quyền dân
sự và chính trị - là một phát triển tương đối gần đây tại Hiệp Chúng Quốc. Theo các tiêu chuẩn đương đại,
nước Mỹ mới chỉ hoàn toàn dân chủ trong thập niên 1970.
Bắt đầu từ những năm 1890, sau Nội chiến và sự thất
bại của thời kỳ Tái thiết [Reconstruction], các nhà chính tri Đảng Dân chủ tại
mỗi một trong số 11 bang của Liên minh Miền Nam cũ đã xây dựng được các lãnh địa
độc tài độc đảng nằm ngay trong nước Mỹ [single-party, authoritarian enclaves].
Sau khi giành được một số địa vị để điều động quyền lực từ Tối cao Pháp viện,
ngành lập pháp, và Đảng Dân chủ quốc gia, các đảng viên Dân chủ bảo thủ [Miền
Nam] đã tước đoạt quyền bầu cử của người da đen và nhiều cử tri da trắng nghèo,
đàn áp các đảng đối lập, và áp đặt các khu vực công dân [civic spheres] phân chủng
- và mất tự do đáng kể. Mục đích của giớ chính trị gia này là đảm bảo lao động
nông nghiệp rẻ và địa vị độc tôn của người da trắng [white supremacy], do đó họ
sử dụng bạo lực do tiểu bang bảo trợ [state-sponsored violence] để đạt được mục
tiêu.
Suốt nửa thế kỷ, các bang miền Nam tận dụng ảnh hưởng
của mình tại Quốc hội và Đảng Dân chủ quốc gia để che chắn cho mình tránh khỏi
các nỗ lực cải tổ đến từ bên ngoài. Tuy vậy, năm 1944, Tối cao Pháp viện Mỹ đã
bãi bỏ các cuộc bầu cử sơ bộ dành riêng cho người da trắng [white-only
Democratic primaries] của Đảng Dân chủ tại miền Nam. Kể từ quyết định đó, các
nhà tranh đấu da đen đã thúc đẩy và tận dụng các phán quyết của tòa án liên
bang, các luật Quốc hội, và các cải tổ đảng phái quốc gia để triệt hạ âm mưu tước
đoạt quyền bầu cử của người da đen, chế độ phân chủng tại các phương tiện công
cộng [segregation], và các hành vi đàn áp của tiểu bang [state repression]. Mãi
đến đầu thập niên 1970, các nhà độc tài miền Nam mới thật sự bị đánh bại; ngày
nay có khoảng 6.000 viên chức dân cử đang phục vụ tại các đơn vị cử tri miền
Nam.
Nhưng chủ nghĩa độc tài Mỹ không chỉ là một hiện tượng
miền Nam. Kể từ thời thành lập FBI, CIA, và Cơ quan An ninh Quốc gia [National
Security Agency], các Tổng thống Mỹ thường sử dụng chúng để theo dõi nhân viên
Nhà Trắng, các nhà báo, các đối thủ chính trị và các nhà tranh đấu. Từ năm 1956
đến 1971, FBI đã tung ra hơn 2000 chiến dịch để triệt hạ uy tín và quấy nhiễu
các tổ chức biểu tình của người da đen, các nhóm phản chiến, và các hoạt động
khác bị coi là đe dọa. Cơ quan này thậm chí còn cung cấp cho Dwight Eisenhower
những thông tin bôi nhọ ứng viên Đảng Dân chủ Adlai Stevenson, đối thủ của ông
trong cuộc tuyển cử 1952. Tương tự như thế, chính quyền Nixon đã sử dụng Văn
phòng của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ và các cơ quan khác để chống lại “kẻ thù” của nó
trong Đảng Dân chủ và trong giới truyền thông. Và các cuộc điều tra của Quốc hội
nhắm vào cái gọi là âm mưu lật đổ Chính phủ đe dọa các quyền dân sự và quyền tự
do hơn nữa. Cũng như chủ nghĩa độc tài miền Nam, việc lạm dụng các cơ quan tình
báo và cơ quan thi hành luật pháp liên bang gần như đã chấm dứt trong thập niên
1970 - trường hợp này diễn ra tiếp theo sau những cải tổ hậu Watergate (the
post-Watergate reforms).
Thể chế dân chủ Mỹ hãy còn lâu mới đạt được mức độ
lý tưởng. Các cựu tù nhân thường phạm, phần lớn là người da đen, thường bị cấm
sử dụng lá phiếu; nhiều tiểu bang đang thử nghiệm một loạt hạn chế mới đối với
quyền bầu cử; và việc tập trung các đóng góp tài chính vận động tranh cử trong
tay giới nhà giàu nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về tính đại diện thật sự
của nền dân chủ Mỹ. Tuy vậy, Hiệp Chúng Quốc đã là một nền dân chủ đa chủng
chân chính [a bona fide multiracial democracy] gần ngót nửa thế kỷ nay.
Nhưng đúng vào lúc Hiệp Chúng Quốc thể hiện được hứa
hẹn dân chủ của mình, các nền tảng của hệ thống chính trị lại bắt đầu suy yếu.
Mỉa mai là, chính tiến trình dân chủ hóa tại miền Nam đã gây ra tình trạng phân
cực gay gắt hiện đang đe dọa nền dân chủ Mỹ.
SỰ
CHIA RẼ TRẦM TRỌNG
Các học giả từ lâu đã nhận ra tình trạng phân cực
hóa chính trị là yếu tố chính đằng sau sự suy sụp của một nền dân chủ. Sự phân
cực quá đáng sẽ khiến các nhà chính tri và thế lực hậu thuẫn họ coi địch thủ của
mình là thiếu chính nghĩa và, trong một số trường hợp, là mối đe dọa cho sinh mệnh
chính trị của mình. Thường thường, các chuẩn mực dân chủ trở nên suy yếu khi
các chính trị gia cố tình phá luật, hợp tác với các phần tử cực đoan phản dân
chủ, và thậm chí dung túng hoặc khuyến khích bạo động để loại bỏ đối thủ của
mình ra khỏi quyền lực. Ít có chế độ dân chủ nào tồn tại lâu dài dưới các điều
kiện như thế.
Mãi cho đến gần đây, Hiệp Chúng Quốc có vẻ không bị
lây nhiễm bởi các mối đe dọa đó. Thật vậy, truyền thống tự chế ngự và tinh thần
hợp tác trước đây đã giúp Hiệp Chúng Quốc tránh được các hình thức đảng phái đấu
đá nhau đến chết, vốn đã tiêu diệt các nền dân chủ tại Đức và Tây Ban Nha trong
những năm 1930 và tại Chile trong những năm 1970. Tại Hiệp Chúng Quốc, các lãnh
đạo Đảng Dân chủ từng chống lại nỗ lực cài người vào Tối cao Pháp viện của Tổng
thống Franklin Roosevelt [là người cùng Đảng - DG], và nhiều nhân vật Cộng hòa
cũng từng hậu thuẫn cuộc điều tra và truy tố Tổng thống Richard Nixon. Đảng nắm
được Nhà Trắng [trong quá khứ] không bao giờ sử dụng quyền lực Chính phủ đến mức
tối đa để chống lại phía bên kia. Trên thực tế, sự khiếm dụng quyền lực có hệ
thống [the systematic underutilization of power] của các Tổng thống và phe đa số
trong Quốc hội từ lâu đã đóng vai trò một nguồn sinh lực cho sự ổn định dân chủ
tại Hiệp Chúng Quốc.
Nhưng sau khi Đạo luật Dân quyền và Đạo luật Quyền bầu
cử được phê chuẩn trong những năm 1960, Đảng Dân chủ (từ lâu là thế lực bảo trợ
sự độc tôn của người da trắng) và Đảng Cộng hòa (“Đảng của Lincoln”) đã tổ chức
lại chính trường quốc gia theo ranh giới chủng tộc. Dân da đen miền Nam đăng ký
cử tri là đảng viên Dân chủ và dân da trắng miền Nam ngày càng trở thành đảng
viên Cộng hòa. Nhiều người da trắng miền Nam bầu Cộng hòa vì những lý do giai cấp:
mức thu nhập của miền Nam lúc bấy giờ đang gia tăng, do đó tăng cường sức thu
hút của các chính sách kinh tế do Đảng Cộng hòa đưa ra. Nhưng nhiều người đã chọn
các ứng viên Cộng hòa vì lập trường bảo thủ của họ về các vấn đề chủng tộc và
vì họ kêu gọi tăng cường “luật pháp và trật tự”.
Công cuộc tái tổ chức này đã giúp thay đổi thành phần
của Quốc hội. Trong những thập kỷ sau đó, miền Nam đã chuyển đổi từ một khu vực
độc đảng của Đảng Dân chủ thành một khu vực do Cộng hòa khống chế. So với thời
trước miền Nam đã từng gửi các nhân vật Dân chủ ôn hòa đến Quốc hội, thì ngày
nay miền Nam lại bầu hoặc là các ứng viên Dân chủ da đen hay gốc châu Mỹ La
tinh có xu thế tự do bình đẳng hoặc, thông thường hơn nhiều, các ứng viên Cộng
hòa da trắng rất bảo thủ. Tình trạng phân cực hóa ý thức hệ trong Quốc hội chắc
chắn có nhiều nguyên nhân khác, nhưng kinh nghiệm dân chủ hóa miền Nam là một
nguyên nhân rất quan trọng. Hậu quả là hiện có hai đảng chính trị mà mỗi đảng
trở nên thuần nhất về ý thức hệ - và có kỷ luật - hơn trước rất nhiều. Đã qua
đi cái thời có những vấn đề mà hai đảng cùng chia sẻ quan điểm, một khả năng
làm lắng dịu sự xung đột đảng phái, cùng với những nhân vật ôn hòa trong mỗi đảng
rất cần thiết cho việc soạn thảo các thoả hiệp lập pháp.
Sự chiến thắng của thể chế dân chủ ở miền Nam không
những phân cực hóa Quốc hội về mặt ý thức hệ; nó còn phân cực hóa hàng ngũ cử
tri theo đường lối của mỗi đảng. Bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1960, các ứng
viên Dân chủ và Cộng hòa bắt đầu khẳng định quan điểm ngày càng khác biệt về
chính sách công, trước hết trên các vấn đề chủng tộc (chẳng hạn chống kỳ thị
khi thuê mướn nhân viên / affirmative action) và sau đó trên một phạm vi rộng lớn
hơn gồm nhiều vấn đề khác. Như nhà nghiên cứu chính trị Michael Tesler từng
tranh luận, những kêu gọi vận động tranh cử có ngụ ý chủng tộc [racially coded
campaign appeals] thúc đẩy cử tri đánh giá các chương trình Chính phủ căn cứ
trên các nhóm xã hội được hưởng lợi từ những chương trình đó. Qua thời gian,
thái độ chủng tộc của cử tri da trắng ngày càng ảnh hưởng lên quan điểm của họ
về chính sách công, thậm chí trên những vấn đề bề ngoài không liên quan đến chủng
tộc, như y tế, an sinh xã hội, và thuế.
Theo chỉ dẫn của các lãnh đạo Đảng, cử tri ngày càng
tự xếp mình vào hàng ngũ Đảng có ý thức hệ “đúng đắn” phù hợp với mình: do đó số
cử tri Cộng hòa trung-tả hoặc Dân chủ trung-hữu [cử tri có thái độ ôn hòa]
không còn lại bao nhiêu. Càng ngày càng có nhiều cử tri da đen ủng hộ các ứng
viên Dân chủ hơn bao giờ cả, trong khi đa số cử tri da trắng ngày càng có xu thế
bỏ phiếu cho các ứng viên Cộng hòa. Mặc dù chỉ một số lượng phần trăm nhỏ cử
tri Mỹ có ý thức hệ cao độ (không tương ứng với số đại biểu của họ trong Quốc hội),
nhưng cử tri ngày nay biểu hiện một thái độ thù nghịch cao hơn trước đối với
các chính trị gia và cử tri của đảng đối lập - điều mà các nhà nghiên cứu chính
trị Alan Abrahamowitz và Steven Webster gọi là “tinh thần đảng phái tiêu cực”.
Sự phân cực theo tinh thần đảng phái đã được củng cố
do sự suy yếu của các hãng truyền thông chính mạch, vốn là một thành phần rất
quan trọng để duy trì trách nhiệm giải trình dưới thể chế dân chủ. Mãi cho đến
thập niên 1990, hầu hết dân Mỹ tiếp nhận tin tức từ một số mạng lưới truyền
hình có uy tín. Chính bản thân các chính trị gia cũng tùy thuộc vào báo chí rất
nhiều để thu hút sự chú ý của dân chúng, do đó họ không thể làm mất lòng nhà
báo. Nhưng trong 20 năm qua, các hãng truyền thông ngày càng trở nên phân cực
hóa. Sự trỗi dậy của hãng truyền thông Fox News đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các
kênh tin tức nặng tinh thần đảng phái.
Trong khi đó, Internet đã tạo điều kiện dễ dàng hơn
trước để người dân tìm ra các tin tức khẳng định tín lý chính trị hiện có trong
đầu họ và đã đóng một vai trò trong việc các nhật báo địa phương và vùng miền bị
đóng cửa khắp nơi.
Ngày nay, cử
tri Dân chủ và cử tri Cộng hòa tiêu thụ tin tức từ các nguồn hoàn toàn khác
nhau, và ảnh hưởng của các hãng truyền thông truyền thống đã suy giảm nhanh
chóng. Do đó, cử tri ngày càng dễ tiếp thu các tin tức ngụy tạo [fake news] và
càng đặt nhiều tin tưởng vào người phát ngôn của Đảng. Khi các biến cố được sàng lọc qua các phương tiện truyền thông manh mún
và phân cực, người Mỹ gần như theo dõi các biến cố chính trị qua lăng kính thuần
túy đảng phái. Ta thử xem xét những gì xảy ra sau khi Trump phá vỡ chính sách
truyền thống của Đảng Cộng hòa để trở nên thân thiện với Putin: một thăm dò dư
luận cho thấy chỉ số ủng hộ Putin trong giới cử tri Cộng hòa đã gia tăng từ 10
phần trăm vào tháng Bảy 2014 lên đến 37 phần trăm vào tháng Mười Hai 2016.
Khoảng cách ngày càng tăng giữa những người Mỹ giàu
nhất nước và dân chúng còn lại cũng làm nổi bật sự phân cực chính trị. Tình trạng
bất bình đẳng về mức thu nhập đã đạt đến điểm cao nhất từ thời Đại Suy trầm
Kinh tế 1930 cho đến nay. Tăng trưởng lợi tức bộc phát của những người ở chóp
bu đã gia tăng hậu thuẫn của giới cử tri giàu và những người đóng góp quĩ vận động
tranh cử đối với các chính sách kinh tế bảo thủ, đặc biệt trên vấn đề thuế, và
đã đẩy các nhà lập pháp Cộng hòa về cánh Hữu. Hơn nữa, tình trạng đồng lương của
giai cấp công nhân đứng yên một chỗ suốt ba thập kỷ đã châm ngòi một phản ứng hữu
khuynh có ngụ ý chủng tộc [racial overtones], đặc biệt từ những người da trắng ở
vùng quê, những người đã dồn sự giận dữ của mình vào các chương trình chi tiêu
phóng khoáng mà họ cho là có lợi cho các nhóm thiểu số [da màu] ở thành thị.
Những dị biệt chính trị ngày một gia tăng về vấn đề
bản sắc [identity] đã vượt ra ngoài tính nhị phân trắng-đen truyền thống [the
traditional black-white binary]. Từ những năm 1970, số người nhập cư gia tăng
đã cộng thêm người Mỹ gốc châu Mỹ La tinh và gốc châu Á vào danh sách cử tri,
phần lớn là đảng viên Dân chủ, vì thế đào sâu khoảng cách giữa người da trắng
và người da màu. Những xu thế này đã làm tồi tệ thêm nỗi lo lắng của người da
trắng về việc mất địa vị ưu việt về dân số, văn hóa, và chính trị - giống hệt
như người da trắng từng lo lắng trước khi tiến trình dân chủ hóa diễn ra. Như vậy,
trong nhiều lãnh vực, chính trị màu da của miền Nam đã lan rộng cả nước.
NHỮNG
MỐI NGUY CỦA PHÂN CỰC HÓA CHÍNH TRỊ
Sự phân cực theo tinh thần đảng phái đặt ra một số
nguy cơ cho nền dân chủ Mỹ. Trước hết, nó dẫn đến tình trạng tắc nghẽn
[gridlock] lập pháp, đặc biệt khi một đảng nắm lập pháp và đảng kia nắm hành
pháp. Do tình trạng phân cực hóa gia tăng, số đạo luật được Quốc hội thông qua
càng ngày càng ít đi, để lại nhiều vấn đề nghiêm trọng không được giải quyết. Sự
rối loạn chức năng này xoái mòn lòng tin tưởng của dân chúng đối với các định
chế chính trị, và việc này diễn ra theo đường ranh đảng phái. Các cử tri hậu
thuẫn Đảng không nắm được Nhà Trắng, mất tin tưởng ở Chính phủ một cách đáng ngạc
nhiên: trong một cuộc thăm dò dư luận năm 2010, do các nhà nghiên cứu chính trị
Marc Hetherington và Thomas Rudolph tiến hành, đa số cử tri Cộng hòa được thăm
dò cho rằng họ “không bao giờ” tin tưởng Chính phủ liên bang.
Nạn tắc nghẽn lập pháp, tiếp đó, thúc đẩy các Tổng
thống theo đuổi hành động đơn phương bên lề những hạn chế hiến định. Khi một
Chính phủ bị chia rẽ, với đảng không cầm quyền quyết tâm chặn đứng nghị trình lập
pháp của Tổng thống, các Tổng thống nản chí tìm cách tránh thông qua Quốc hội.
Họ bành trướng thế lực của mình qua các lệnh hành pháp [executive orders] cũng
như các biện pháp đơn phương khác, và tập trung trong tay mình quyền kiểm soát
bộ máy hành chính liên bang. Đồng thời, tình trạng phân cực hoá khiến Quốc hội
khó giám sát Nhà Trắng hơn, vì các thành viên Quốc hội gặp nhiều trở ngại trong
việc tạo ra một phản ứng tập thể mang tính lưỡng đảng trước sự qua mặt của hành
pháp.
Khi một đảng kiểm soát cả Quốc hội lẫn Nhà Trắng,
các nhà lập pháp ít khi có động lực thi hành sự giám sát chặt chẽ đối với Tổng
thống. Vì thế, tình trạng phân cực hiện nay giảm thiểu cơ may các nhân vật Cộng
hòa trong Quốc hội sẽ hạn chế quyền hành của Trump. Mặc dù nhiều lãnh đạo Đảng
muốn thấy một nhân vật Cộng hòa dễ tiên đoán hơn nắm giữ Nhà Trắng, nhưng hậu
thuẫn mạnh mẽ của Trump trong khối cử tri Cộng hòa ngụ ý rằng bất cứ một sự chống
đối nghiêm trọng nào từ bên trong chắc chắn sẽ xẻ đôi đảng này và khuyến khích
người cùng Đảng ra tranh cử thách thức lại Tổng thống [primary challenges], và
đe dọa nghị trình bảo thủ đầy tham vọng của Đảng Cộng hòa. Vì thế, các đại biểu
Cộng hòa trong Quốc hội không thể đi theo dấu chân của các vị tiền nhiệm Cộng
hòa từng kiềm hãm Nixon trước đây. Trên thực tế, cho đến nay họ vẫn không chịu
nghiêm chỉnh điều tra những xung đột lợi ích của Trump hay những cáo buộc về việc
ban vận động tranh cử của ông thông đồng với Chính phủ Nga.
Thậm chí còn nguy hiểm hơn nữa, Đảng Cộng hòa đã trở
nên cực đoan đến mức độ, theo lời các học giả Thomas Mann và Norman Omstein,
“bác bỏ luôn tính chính danh của đối lập chính trị”. Trong hai thập kỷ vừa qua,
nhiều viên chức dân cử, các nhà hoạt động và giới truyền thông Cộng hòa đã bắt
đầu coi các đối thủ Dân chủ của mình như một mối đe dọa cho sinh mệnh chính trị
của họ - cho an ninh quốc gia và cho lối sống của họ - và không còn nhìn nhận
tính chính danh của đối lập. Bản thân Trump đã vươn lên đài danh vọng chính trị
bằng cách đặt nghi vấn về điều kiện công dân [nơi sinh] của Barack Obama. Trong
suốt mùa tranh cử 2016, Trump liên tục gọi đối thủ của mình, Hillary Clinton,
là một tội phạm, và các nhà lãnh đạo Cộng hòa dẫn đám đông hô to khẩu hiệu “Cho
thị vào tù” [lock her up] tại đại hội Đảng.
Các đảng chính trị coi đảng đối lập là thiếu tính
chính danh, dễ có xu thế sử dụng các biện pháp cực đoan để làm địch thủ của
mình suy yếu. Trên thực tế, Đảng Cộng hòa đang ngày càng từ bỏ các chuẩn mực
lâu đời về tự chế và hợp tác [restraint and cooperation] - những cột trụ chính
của ổn định chính trị tại Mỹ - để theo đuổi những chiến thuật, mặc dù hợp pháp
nhưng vi phạm các truyền thống dân chủ và nâng vốn cá cược [raise the stakes]
trong ván bài xung đột chính trị hiện nay. Việc các dân biểu Cộng hòa xử tội Tổng
thống Bill Clinton năm 1998 là một trường hợp điển hình đầu tiên. Việc các thượng
nghị sĩ Cộng hòa không chịu mở các cuộc điều trần phê chuẩn [confirmation
hearings] cho ứng viên Tối cao Pháp viện của Obama năm 2016 đánh dấu thêm một
trường hợp điển hình khác.
Ở cấp tiểu bang, phe Cộng hòa còn đi xa hơn nữa, bằng
cách thông qua các đạo luật có mục đích tạo bất lợi cho đối phương của mình.
Trường hợp trắng trợn nhất phát xuất từ bang North Carolina, tại đó vào cuối
năm 2016, Quốc hội tiểu bang do Cộng hòa kiểm soát, vào lúc gần hết nhiệm kỳ,
đã thông qua một số luật vào phút cuối để truất bớt quyền hành của vị thống đốc
Dân chủ vừa đắc cử. Trong khi đó, các đại biểu Cộng hòa trên một chục tiểu bang
khác đã đưa ra các đạo luật để xử hình sự một số dạng thức chống đối nào đó. Thậm
chí đáng lo ngại hơn nữa là các hạn chế mới áp đặt lên quyền bầu cử, được biện
minh là những nỗ lực chống bầu cử gian lận đang diễn ra hàng loạt, một vấn đề
giản dị là không có. Những luật này được tập trung tại các bang mà phe Cộng hòa
vừa giành quyền kiểm soát Quốc hội song chỉ giữ được đa số mong manh [slim
majority], cho thấy rằng mục đích chính của họ là giảm bớt sự tham gia của các
cử tri có khả năng bầu cho các ứng viên Dân chủ, như người da màu chẳng hạn. Về
phần mình, Trump đã thúc đẩy những nỗ lực như thế. Không những ông tuyên bố sai
lầm rằng cuộc bầu cử 2016 đã bị hoen ố vì tình trạng phiếu bầu bất hợp pháp diễn
ra khắp nơi, do đó làm suy giảm lòng tin của dân chúng vào tiến trình tuyển cử,
mà Bộ Tư pháp của ông lại còn tỏ ra sẵn sàng bảo vệ các tiểu bang đang đối diện
với các vụ kiện liên quan việc hạn chế quyền bầu cử.
Bằng cách này Trump đã leo lên địa vị Tổng thống vào
một thời điểm đặc biệt nguy hiểm cho thể chế dân chủ Mỹ. Đảng của ông kiểm soát
lưỡng viện Quốc hội và 33 thống đốc tiểu bang, đã và đang vận dụng các chiến
thuật lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện [hardball tactics], nhằm làm suy yếu
phe đối lập. Trong vai trò Tổng thống, chính bản thân Trump liên tục chà đạp
các qui phạm dân chủ [democratic norms] - đả kích các thẩm phán, các hãng truyền
thông, và tính hợp pháp của tiến trình bầu cử. Nếu chính quyền của ông có hành
động độc tài trắng trợn đi nữa, thì tình trạng phân cực hiện nay đã giảm thiểu
các viễn tượng trong đó Quốc hội sẽ huy động một cuộc đề kháng lưỡng đảng hay
dân chúng sẽ ồ ạt quay ra chống lại ông.
SỐ
PHẬN CỦA THỂ CHẾ DÂN CHỦ
Cái gì sẽ chặn đứng nạn xói mòn dân chủ tại Hiệp
Chúng Quốc? Người ta không còn lý do để tin chắc rằng sự cam kết của người Mỹ đối
với thể chế dân chủ sẽ là một biện pháp bảo vệ nó. Mãi cho đến thập niên 1960,
tuyệt đại đa số dân Mỹ đã dung túng bao che các hạn chế nghiêm ngặt áp đặt lên
thể chế dân chủ tại miền Nam. Người ta cũng không nên kỳ vọng Hiến pháp Mỹ tự
nó có thể ngăn chặn tình trạng thoái trào dân chủ. Như hai nhà nghiên cứu hiến
pháp Tom Ginsburg và Aziz Hug đã lý luận, những hàm hồ của Hiến pháp Hiệp Chúng
Quốc đã dành chỗ đáng kể cho việc lạm quyền của hành pháp trên nhiều mặt trận
khác nhau - gồm khả năng cài đặt các cơ quan Chính phủ bằng các thuộc hạ trung
thành của mình và bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm các bộ trưởng Tư pháp vì lý do chính
trị. Nếu thiếu đi các qui phạm bất thành văn về tự chế và hợp tác, thì ngay cả
hiến pháp dù được thiết kế tốt nhất cũng không thể hoàn toàn bảo vệ được dân chủ.
Báo chí cũng không thể ngăn được tình trạng thoái
trào dân chủ. Các hãng truyền thông chính mạch sẽ tiếp tục điều tra và tố cáo
các sai phạm của Chính quyền Trump. Nhưng trong môi trường truyền thông hiện
nay, ngay cả những phơi bày lạm quyền nghiêm trọng có thể được phe Dân chủ ngấu
nghiến tiêu thụ nhưng sẽ bị những người ủng hộ Trump bác bỏ vì cho rằng đó là
các đả kích do tinh thần đảng phái.
Những ai đặt hi vọng vào phản ứng chống đối từ bộ
máy hành chính cũng có thể thất vọng. Hiệp Chúng Quốc thiếu hẳn loại công chức
chuyên nghiệp đầy quyền lực mà người ta có thể tìm thấy tại các nước dân chủ
Châu Âu. Ngoài ra, việc Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội cũng
hạn chế động lực của các nhà lập pháp Cộng hòa trong vấn đề theo dõi lối hành xử
của Tổng thống đối với các cơ quan liên bang. Trong khi đó, các nhân viên phục
vụ những cơ quan này cho thấy họ có thể bị hù dọa quá đáng, không dám chống lại
các lạm quyền của Nhà Trắng. Hơn nữa, Quốc hội kiểm soát ngân sách của các cơ
quan Chính phủ, và vào tháng Giêng vừa qua, phe Cộng hòa Hạ viện đã làm sống lại
Qui tắc Holman, một điều khoản lạ đời có từ năm 1876 cho phép Quốc hội giảm
lương của bất cứ công chức hành chính nào xuống chỉ 1 đô la.
Hệ thống Chính phủ liên bang của Hiệp Chúng Quốc và
ngành tư pháp độc lập cần phải cung ứng nhiều biện pháp bảo vệ vững mạnh hơn nữa
để chống lại tình trạng thoái trào của thể chế dân chủ. Mặc dù sự tản quyền quá
đáng trong các cuộc tuyển cử Mỹ sẽ khiến chúng không được đồng đều về phẩm chất,
nhưng việc này cũng ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào nhắm tới dùng thủ đoạn có phối
hợp trong cuộc bầu cử. Và mặc dù các toà Liên bang thường không bảo vệ các quyền
cá nhân của công dân (như khi chúng cho phép giam giữ công dân Mỹ gốc Nhật
trong Thế chiến II), nhưng các thẩm phán liên bang kể từ thập niên 1960 nói
chung đã củng cố các dân quyền và tự do dân sự. Tuy nhiên, thậm chí các tòa án
liên bang cũng không tránh khỏi các áp lực chính trị từ những ngành khác trong
Chính phủ.
Cuối cùng, số phận nền dân chủ Mỹ dưới thời Trump có
thể tùy thuộc vào các biến cố bất ngờ. Cái phanh mạnh nhất để chặn đứng tình trạng
thoái trào dân chủ hiện nay là một Tổng thống mất lòng dân. Các chính trị gia Cộng
hòa, bất an về các hành vi của Trump nhưng lo lắng về việc giành được sự đề cử
của Đảng, sẽ ít trở ngại hơn trong việc chống đối Trump nếu hậu thuẫn của ông
trong hàng ngũ cử tri Cộng hòa bị suy yếu. Hậu thuẫn suy giảm cũng có thể khuyến
khích các thẩm phán liên bang chống lại việc bành trướng quyền lực hành pháp một
cách mạnh dạn hơn. Như vậy, các yếu tố có thể làm suy yếu tiếng tăm của Trump,
như một cuộc khủng hoảng kinh tế hay một “giây phút Katrina” - một tai họa có tầm
kích lớn mà Chính phủ bị mọi người qui trách nhiệm - may ra có thể chặn đứng
quyền lực của ông.
Nhưng các biến cố cũng có thể mang lại hậu quả trái
chiều. Nếu một cuộc chiến tranh hay tấn công khủng bố xảy ra, cam kết bảo vệ
các quyền tự do dân sự từ các chính trị gia và từ dân chúng có thể sẽ suy yếu.
Như đã xảy ra, Trump từng chụp mũ ngành tư pháp độc lập và ngành báo chí độc lập
là những mối đe dọa cho an ninh quốc gia, cáo buộc vị chánh án liên bang đã triệt
hạ lệnh cấm đi lại [travel ban] ban đầu của ông là làm cho đất nước “lâm nguy”
và gọi các hãng truyền thông chính mạch là “kẻ thù”. Trong trường hợp có một cuộc
tấn công khủng bố tầm cỡ như vụ 9/11 [ngày 11 tháng Chín], bất cứ nỗ lực nào nhằm
đàn áp giới truyền thông, bất đồng chính kiến, hoặc các nhóm thiểu số và tôn
giáo cũng sẽ ít gặp trở ngại hơn nhiều.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã chọc thủng niềm
tin tưởng của nhiều người Mỹ về tính ưu việt của nước họ. Nền dân chủ Mỹ không
miễn nhiễm [immune] đối với tình trạng thoái trào [trở lại thời kỳ thiếu dân chủ
tại miền Nam trước thập niên 1970.] Trên thực tế, dân chủ Mỹ đang đối diện một
thách thức vượt quá thời đại Trump: đó là duy trì một nền dân chủ đa chủng tộc
[multiracial democracy] được khai sinh cách nay nửa thế kỷ. Ít có nền dân chủ
nào tồn tại qua những thời kỳ quá độ [transitions] trong đó các nhóm chủng tộc
giữ ưu thế trong lịch sử mất địa vị đa số [majority status] của mình. Nếu dân
chủ Mỹ có thể làm được điều này, nó sẽ chứng minh được tính ưu việt của mình
trên thực tế.
R.
M., S. L. & L. A. W.
Dịch giả gửi BVN.
No comments:
Post a Comment