Theo
Niên giám Thống kê Di dân (Yearbook of Immigration Statistics) của chính phủ Mỹ,
tôi là một trong 280,728 người Việt Nam đến Mỹ trong thập niên 1980-1990. Nói
như vậy để phân biệt với 135 ngàn đồng hương trong đợt di dân đầu tiên vào những
ngày trước 30 tháng 4 năm 1975, với khoảng 100 ngàn chú bác anh chị cựu tù nhân
chính trị, với diện ODP và nhiều diện khác đến sau. Chúng tôi được báo chí gọi
chung cho một cái tên là Thuyền nhân (Boat people). Hai chữ đó đã là nguồn sáng
tác của nhiều bài thơ, bút ký, nhạc phẩm mang đầy ký ức bi thương và hãi hùng
trên biển Đông.
Nhưng
cũng từ những khó khăn vất vả đó, những người tị nạn như tôi đã tìm đến nhau,
giúp đỡ nhau và xây dựng nên một tập thể được gọi là Cộng đồng Việt Nam.
Không
giống như cộng đồng các sắc dân khác tại Mỹ, cộng đồng Việt Nam được ra đời sau
một cuộc chiến tranh dài với quá nhiều đau thương và chịu đựng.
Đọc
lịch sử nước Mỹ, chúng ta biết rằng những người Đức, người Ý, người Ba Lan khi
đặt chân đến Mỹ, họ chỉ mang trên vai gánh nặng của tương lai. Khi còi tàu rú
lên báo hiệu giờ vào cảng Boston, New York, San Francisco, cuộc đời họ được lật
sang một chương khác. Họ dễ dàng hội nhập vào xã hội kỹ nghệ Hoa Kỳ bởi vì họ đến
từ một quốc gia kỹ nghệ. Họ dễ dàng hội nhập vào lối sống, tập tục, văn hóa Mỹ
bởi vì chính họ cũng từ phong tục tập quán Châu Âu.
Cộng
đồng Việt Nam thì khác
Đa
số người Việt đến đây từ một nền văn hóa phương Đông khép kín, với những phong
tục tập quán hoàn toàn khác với các sinh hoạt trong xã hội Tây phương. Người Việt
ra đi mang trên hai vai cả quá khứ đầy u uất và một tương lai còn nhiều bất định.
Trong hàng triệu người Việt vượt biên bằng đường biển, bao nhiêu người khi ngồi
trên ghe biết mình sẽ trôi dạt về đâu? Tôi tin không ai biết chắc. Nhiều trong
số họ đến được bến bờ tự do khi chiếc áo chưa phai mùi khói súng và những vết
thương trên da thịt vẫn còn đang mưng mủ. Bom đạn đã thôi rơi nhưng sức chấn động
như vẫn còn nghe trong giấc ngủ quê người.
Sau
42 năm, đội ngũ người Việt như tôi đến trước hay đến sau thuộc nhiều diện khác
nhau, đã lên đến khoảng 3 triệu người, sống rải rác trên hàng trăm quốc gia, từ
Brazil đến Moroco, từ Cộng Hòa Nam Phi đến Do Thái. Họ đã góp phần làm thay đổi
khuôn mặt của những nơi họ ở, biến những khu thải phế liệu thành những trung
tâm thương mại khang trang, biến những con đường vốn đầy tội ác thành những khu
phố sầm uất. Họ đứng trước những hàng rào về ngôn ngữ, văn hóa, thói quen, tập
quán nhưng đa số đã vượt qua. Họ tận dụng mọi cơ hội trong xã hội mới, đi làm
hai ba việc một ngày để lo cho con cái ăn học thành tài. Nhiều người Việt hải
ngoại thành công bởi vì họ biết rõ một điều rằng không ai có thể thay đổi quá
khứ nhưng chắc chắn sẽ làm chủ được tương lai.
Dù
thành công ở xứ người, tình yêu quê hương trong lòng người Việt bao giờ cũng thể
hiện rất rõ nét và sâu đậm. Những ngày mới ra đi nhớ quê hương là chuyện đã
đành, nhưng càng đi xa, càng sống lâu trong êm ấm càng thấy thương những người
còn chịu đựng gian nan. Mỗi dịp Tết, hàng trăm ngàn đồng hương về thăm gia
đình, cha mẹ, bà con.
Tuy
nhiên, nếu chỉ nhìn vào việc bà con về thăm nhà hay gởi tiền về cho thân nhân
mà gọi đó là “đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước” hay chấp nhận chế độ
chính trị tại Việt Nam thì quả thật là những đánh giá hời hợt. Bầy cá hồi nhớ
đường về sông cũ và những chiếc lá thường rơi về cội. Dòng sông và nguồn cội của
của người Việt là gia đình cha mẹ, mồ mả tổ tiên, thân bằng quyến thuộc chứ
không phải chế độ đang cai trị đồng bào họ.
Người
Do Thái có khẩu hiệu “Người Do Thái mua hàng Do Thái” để khuyến khích sản xuất
cho nước họ, nhưng tôi tin không bao nhiêu người Việt đi chợ ở Mỹ có được tinh
thần đó. Chẳng những thế, cái gì có bàn tay CSVN dính vào là đại đa số người Việt
hải ngoại không ưa.
Thật
đáng đau buồn cho một dân tộc với hơn bốn ngàn năm văn hiến, đã giữ được nền
văn hóa riêng sau một ngàn năm Bắc thuộc, đã giành được quyền tự chủ sau gần
trăm năm trong bàn tay sắt của thực dân nhưng lại không vượt qua được sự lạc hậu
chậm tiến của chính mình. Sức cản chính trên con đường phát triển Việt Nam về mọi
lãnh vực cho đến nay vẫn là cơ chế chính trị độc tài lạc hậu và tư duy hẹp hòi
thiển cận của giới cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Giới
cầm quyền CS đã đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi dân tộc. Với họ, độc quyền
cai trị là ưu tiên tối thượng, và tất cả chính sách, dù đổi mới kinh tế hay cải
cách văn hóa xã hội, đều nhằm phục vụ cho quyền cai trị hay ít ra không đi ngược
với quyền lợi của đảng. Họ thà để cho đất nước lạc hậu hay tiến chậm còn hơn thực
hiện các cải cách chính trị căn bản có thể đe dọa quyền cai trị.
Đảng
chăn dân như chăn một bày cừu, cho ăn tạm đủ no, cho uống bớt khát, nhưng đàn cừu
tội nghiệp kia 42 năm qua vẫn chưa thấy một thảo nguyên xanh tươi hay một dòng
suối mát. Sống như thế không phải là sống trong “hòa bình” và “ổn định” như một
vài người nhắm mắt bưng tai biện minh cho đảng. Kết luận như thế là khinh thường
nhận thức chính trị của người dân Việt Nam.
Người
dân trong nước không có điều kiện thực thi nhân quyền và dân chủ chứ không phải
họ không hiểu thế nào là nhân quyền và dân chủ.
Không
phải đợi đọc xong Jean-Jacques Rousseau, Alexis Tocqueville, John Locke, John
Stuart Mill mới hiểu rằng con người có quyền phát biểu những gì họ nghĩ, có quyền
sống nơi họ chọn lựa, có quyền bầu ra người đại diện cho mình trong chính phủ
và quốc hội.
Nhân
quyền là quyền bẩm sinh của con người chứ không phải do ai ban phát. Việc cho rằng
người dân trong nước đang “yên vui hưởng phúc thái bình” là lặp lại giọng điệu
tuyên truyền của ba đời họ Kim ở Bắc Hàn.
Một
dân tộc bốn ngàn năm không ngừng tranh đấu nhưng cho đến hôm nay, ngoại trừ một
thời gian ngắn ở miền Nam, vẫn chưa có được những quyền tự do chính trị căn bản
mà các bộ lạc ở Ghana, Congo đang có.
Đó
là nói về nhận thức, còn trong thực tế thì sao?
Sau
42 năm qua nhân dân Việt Nam có thật sự “yên vui hưởng phúc thái bình” không?
Đánh tư sản mại bản chưa xong là cải tạo công thương nghiệp, kinh tế mới, trại
tập trung, chiến tranh Kampuchia 1979, chiến tranh với Trung Quốc lần thứ nhất
1979, nạn đói từ 1976 đến 1981, đụng độ với Trung Quốc lần nữa và mất một phần
lãnh thổ phía Bắc trong trận Lão Sơn 1984, bị hải quân Trung Quốc đánh bại tại
Trường Sa 1988.
Có
một thời cây kim đồng hồ tại Việt Nam như đứng lại, dân tộc Việt như một đàn
chim bay tán loạn bốn phương trời. Và khi nội lực tiêu tan, khả năng kiệt quệ,
cố mở mắt nhìn ra bên ngoài thì than ôi nhân loại đã bỏ xa mình hàng thế kỷ.
Giang
sơn gấm vóc nhuộm bằng mồ hôi nước mắt của tổ tiên, từ biên giới phía Bắc đến
các hải đảo thân yêu, đang từng mảnh rơi vào tay Trung Cộng.
Sở
dĩ đến hôm nay Việt Nam còn giữ được vài đảo trong quần đảo Trường Sa bởi vì cuộc
tranh chấp chủ quyền của quần đảo liên quan đến nhiều nước, nếu đó chỉ là cuộc
tranh chấp giữa Trung Cộng và Việt Nam thôi thì Trường Sa đã mất lâu rồi. Làm
người Việt Nam mà không biết cái nhục yếu hèn, không lo cái họa mất nước, mà
còn gọi đó là “thái bình” và “ổn định” sao?
Với
chủ trương bảo vệ quyền cai trị bằng mọi giá nên mặc dù ngoài miệng hô hào hòa
giải để cùng nhau xây dựng đất nước, trong mắt của giới cầm quyền đảng, khối
người Việt nước ngoài vẫn là những kẻ đáng nghi ngờ, vẫn là lực lượng phản động
đang chờ cơ hội lật đổ quyền cai trị của đảng.
Cuộc
cách mạng dân tộc dân chủ toàn diện và triệt để, vì thế, là một tiến trình
không thể nào tránh khỏi tại Việt Nam. Nỗ lực của những người Việt yêu nước, dù
trong hay ngoài nước, dù tạm thời còn trong đảng hay đang trực diện đấu tranh
chống đảng, không phải là ngăn cản hay đẩy lùi tiến trình đó, nhưng nên chung
lưng góp sức với nhau để cách mạng được diễn ra trong hòa bình, thuận lợi và ít
lãng phí tài nguyên dân tộc.
Việt
Nam hơn bao giờ hết đang cần nhiều Phù Đổng vươn vai cứu nước, nhưng để trở
thành Phù Đổng, các thế hệ Việt Nam phải can đảm bước xuống khỏi chiếc nôi đang
ru ngủ họ và nhận ra đâu là chướng ngại trên con đường phục hưng và phát triển
Việt Nam. Giặc Ân ngày nay không ở đâu xa mà đang đứng trước mặt và không ai
khác hơn chính là giới cầm quyền CS đang cai trị đất nước.
No comments:
Post a Comment