Douglas A. Irwin - The Wall Street Journal
Trà
Mi dịch
Posted
on December 17, 2017 by editor
Posted in Kinh Tế, Quan Điểm — 0
Comments
Tổng
thống Mỹ đúng khi nhấn mạnh về chuyện có đi có lại. Nhưng ông sai khi tập trung
vào sự cân bằng thương mại với từng quốc gia hơn là về các quy định về những điều
kiện, thuế quan và các biện pháp phi thuế quan (NTMs) do các quốc gia đặt ra để
nhập cảng hàng hoá vào thị trường của họ.
Cuộc
chiến thương mại của ông Trump. Nguồn: Pep Montserrat
Tổng
thống Donald Trump thường bị cáo buộc là một người chủ trương bảo vệ thương mại
quốc gia. Trong cuộc vận động tranh cử, ông kêu gọi đánh thuế cao trên hàng nhập
cảng từ Trung Quốc và Mexico, và trong bài diễn văn nhậm chức ông nói về thương
mại “bảo vệ sẽ dẫn tới sức mạnh và sự thịnh vượng.”
Nhưng
Tổng thống Trump không coi ông là một người chủ trương bảo vệ thương mại quốc
gia. Gần đây ông nói,
“Tôi
hoàn toàn là một nhà kinh doanh tự do. Tôi ủng hộ mở cửa thương mại, thương mại
tự do, nhưng tôi cũng muốn thương mại khôn ngoan và thương mại công bằng.”
Mục
tiêu của ông là thay thế các giao dịch thương mại hiện tại, mà ông cho là “thảm
hoạ” và “một chiều” và áp dụng một phương pháp đối phó mới. Khi ông nói với giới
lãnh đạo trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh APEC vào
tháng 11 vừa qua, các thoả thuận thương mại phải dựa trên “sự công bằng và có
đi có lại”.
Khi
đưa ra nguyên tắc này, ông Trump giống như nhiều Tổng thống Hoa Kỳ trước đây,
những người đã ủng hộ thương mại công bằng và có đi có lại. Nhưng có lấn cấn
trong cách ông đặt vấn đề. Ông Trump muốn đạt được sự qua lại không phải trong
các quy định về thương mại mà ông muốn có kết quả cụ thể: sự cân bằng thương mại với từng
quốc gia. Đây không phải là cách làm cho Hoa Kỳ và thế giới thịnh vượng.
Các
nhà kinh tế học từ thời Adam Smith đã lập luận rằng cán cân thương mại, đặc biệt
là bất kỳ thặng dư hoặc thâm hụt song phương nào, không phải là thước đo đúng về
lợi ích thương mại. Thâm hụt thương mại có thể đáng báo động, nhưng nó không có
ý nghĩa gì cả. Điều quan trọng là có đi có lại trong giao tiếp ở thị trường, và
điều này có thể đạt được một cách tốt nhất bằng những hiệp định thương mại ở
khu vực và đa phương. Bỏ hoặc phá huỷ các hiệp định này, chính quyền của Trump
đã rởi bỏ quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ. Ngay cả những thỏa thuận song phương như
ông Trump ca tụng cũng khó đạt được vì các nước khác có thể không muốn đàm phán
về kết quả hơn là về các quy định thương mại.
Mong
muốn của Mỹ về sự có qua có lại trong thương mại đã có từ thời đi tìm độc lập.
Một trong những nhiều than phiền được trích dẫn trong bản Tuyên bố Độc lập là
Anh Quốc đã “cắt đứt thương mại của chúng ta với tất cả mọi nơi trên thế giới”
bằng những quy định thương mại hám lợi.
Thủ
tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Donald Trump, ngày 13 tháng 2 năm
2017. Nguồn: Alex Wong/Getty Images
Khi
Hoa Kỳ giành được độc lập, họ đã hy vọng rằng vị thế mới sẽ mở ra kỷ nguyên
thương mại tự do. Nhưng nước Anh lại có một đường lối cứng rắn, lập luận rằng Mỹ
không thể rời khỏi Đế chế Anh về mặt chính trị và vẫn là một phần của nó về mặt
kinh tế.
Năm
1793, Ngoại trưởng Thomas Jefferson đưa ra một “Báo cáo về các hạn chế thương mại”
đã ca tụng ý tưởng tự do thương mại nhưng đã ghi lại nhiều rào cản đối với hàng
hoá và tàu của Mỹ ở các thị trường nước ngoài. Ông đề nghị đạt được sự sự có đi
có lại bằng một chính sách trả đũa: “Khi một quốc gia áp đặt thuế cao trên hàng
hoá của chúng ta, hoặc cấm nhập cảng tất cả, thì chúng ta cũng có thể làm tương
tự với họ.” Nhưng Hoa Kỳ, lúc đó, là một thế lực kinh tế quá nhỏ để có thể thực
hiện những lời đe dọa như vậy, và để tránh một cuộc chiến thương mại, Mỹ đã chọn
một thoả thuận không hoàn hảo với Anh Quốc.
Trong
gần cả thế kỷ sau đó, Hoa Kỳ đã từ bỏ việc tìm kiếm sự có đi có lại. Quốc hội
đã đưa ra mức thuế cao cho hàng nhập cảng mà không xét đến các quy định của các
nước khác. Tuy nhiên, đến những năm 1890, những phát triển mới khiến một số người
cân nhắc lại sự khôn ngoan của chủ nghĩa bảo hộ. Mỹ đã trở thành một nước xuất
cảng nhiều hơn nhập cảng hàng hoá sản xuất và các chính sách thương mại phân biệt
đối xử ở ngoại quốc đang cản trở hàng Mỹ đi vào những thị trường nước ngoài.
“Giai
đoạn độc quyền đã qua.”
Nhân
vật chính dẫn đến sự quan tâm về sự có đi có lại là Tổng thống William
McKinley. Phát biểu tại cuộc Triển lãm Pan American ở Buffalo ngày 5 tháng 9
năm 1901, ông tuyên bố rằng
“sự
cô lập về kinh tế không còn là điều có thể hoặc là mong muốn nữa. Giai đoạn độc
quyền đã qua. Các hiệp ước dành cho nhau những đặc quyền hòa hợp với tinh thần
của thời đại, các biện pháp trả đũa đã lỗi thời.”
Chúng
ta sẽ không bao giờ biết được Tổng thống McKinley đã có thể thành công trong việc
đi đến những hiệp ước như vậy, bởi vì, chỉ một ngày sau khi đọc phát biểu này
này, ông bị một sát thủ bắn chết. Người kế nhiệm ông, Tỏng thống Theodore
Roosevelt, là một người đam mê đổi mới tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, nhưng
trong đó không có thương mại. Tổng thống Theodore Roosevelt đã nhiều lần tuyên
bố rằng thuế “chỉ nên được quyết định trên cơ sở tiện lợi” và ông thấy rất tiện
lợi khi không làm gì cả.
Hơi
thở hắt của chủ nghĩa bảo hộ là mức tăng thuế Smoot-Hawley nổi tiếng vào năm
1930. Chỉ tập trung vào lợi ích của các nhà sản xuất được chọn lọc trong nước,
Quốc hội không những ít chú ý đến những cuộc phản đối rầm rộ của nước ngoài, mà
cũng không quan tâm đến những lo ngại của giới xuất cảng hoặc của người tiêu
dùng Hoa Kỳ. Quốc hội bỏ qua lời cảnh cáo về khả năng trả đũa của nước ngoài,
và phản ứng dữ dội trên trường quốc tế đã tung quả đấm thần tốc phá vỡ ngành xuất
cảng của Mỹ.
William
McKinley và Theodore Roosevelt. Nguồn: Jt Vintage / Everett Collection; Hình Ảnh
Hulton Archive /Getty
Sự
thay đổi về hướng có đi có lại đến khi Franklin D. Roosevelt đắc cử và bổ nhiệm
Cordell Hull làm Ngoại trưởng. Hull đã thuyết phục Quốc hội thông qua Đạo luật
về Hiệp định Thương mại Hỗ Tương năm 1934, cho phép Tổng thống có quyền giảm
thuế quan trong các hiệp định thương mại với các nước khác. Mục tiêu chính của
ông là loại bỏ sự phân biệt đối xử đối của nước ngoài với hàng xuất cảng của
Hoa Kỳ.
Sau
Thế chiến thứ II, những nỗ lực của Hull cuối cùng đã dẫn đến Hiệp định chung về
Thuế quan và Thương mại Geneva (General Agreement on Tariffs and Trade), nền tảng
của nó là sự hỗ tương giữa các thành viên về các quy định thương mại. Mặc dù
GATT không cân bằng việc đánh thuế hàng hoá ở tất cả các thị trường, nhưng nó bắt
đầu dỡ bỏ chính sách phân biệt đối xử nhắm vào giới xuất cảng Hoa Kỳ.
Hoa
Kỳ cũng thúc đẩy sự hình thành Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (European Economic
Community, EEC), một tiền thân của Liên minh Châu Âu (EU), nhằm củng cố nền
kinh tế tại đây và tạo cho họ một bức tường thành hiệu quả hơn để chống lại chủ
nghĩa cộng sản. EEC đã bãi bỏ thuế quan trong thương mại giữa các nước thành
viên và đưa ra mức thuế đối ngoại chung. Hoa Kỳ lo ngại rằng thuế này và ưu
tiên cho thương mại trong nội bộ châu Âu sẽ gây ảnh hưởng tới thương mại của Mỹ,
vì vậy Washington đã khởi xướng các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt các rào cản mới,
dẫn đến những sửa đổi trong hiệp định GATT vào năm 1967.
Hoa
Kỳ đã dẫn đầu một vài thập niên sau đó trong việc thúc đẩy các nước khác cắt giảm
tường thuế cảng và trợ cấp cho hàng xuất cảng của họ và tiếp tục cập nhật GATT
vào năm 1993. Vòng đổi mới này đã đưa đến sự thành lập Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO) để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp.
Mẫu
hình qua các giai đoạn lịch sử này thật quá rõ ràng: Hoa Kỳ đã hoạt động tích cực
trong việc quảng bá thương mại tự do khi bắt đầu phải đối phó với sự phân biệt
đối xử thương mại của nước ngoài. Đàm phán thương mại là một công cụ để bảo vệ
lợi ích của Hoa Kỳ.
Bước
vào thời đại Donald Trump. Phần lớn những gì chính quyền đang thay đối về
thương mại không phải là mới. Trong phạm vi chính phủ đã nhận diện các chính
sách hoặc thủ tục cụ thể vi phạm các quy tắc thương mại, và đang giải quyết vấn
đề theo truyền thống của các tổng thống trước đây.
Chẳng
hạn, một nơi mà chính quyền có cơ sở để phàn nàn về các chính sách thương mại
nước ngoài là Trung Quốc. Chính sách thương mại “Made in China 2025” của Trung
Quốc, liên quan đến những đòi hỏi hàng hoá phải có phần sản xuất ở địa phương
và việc loại bỏ giới cung cấp nước ngoài, là phản đề của nền kinh tế thị trường
mở. Nhưng cho đến nay, chính quyền đã bỏ qua cho Trung Quốc và Tổng thống Trump
đã nói rằng ông “không đổ lỗi cho” Trung Quốc vì cách làm thương mại của họ.
Cái
mới và khác thường là sự chính quyền tập trung vào cán cân thương mại với từng
quốc gia. Ví dụ như chúng ta thực sự có thâm hụt thương mại với Mexico, nhưng
các quy tắc của NAFTA vẫn còn: Mexico không áp đặt bất kỳ khoản thuế nào đối với
hàng hoá của Hoa Kỳ cũng như chúng ta không áp đặt bất kỳ khoản thuế đối với
hàng hoá Mexico. Điều tương tự cũng có thể xảy ra trong Quan hệ Đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP) và chính quyền Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP.
Việc tập trung vào cân bằng thương mại
trong đàm phán thương mại là sai lầm. Thương mại không giống như một sổ cái, nơi
hàng nhập cảng là chi phí và hàng xuất cảng là lợi nhuận; thặng dư thương mại
và thâm hụt thương mại không cho thấy một quốc gia “thắng” và một quốc gia khác
“thua”.
Thâm
hụt thương mại được các yếu tố kinh tế vĩ mô định hướng chứ không phải bằng những
rào cản thương mại hoặc các hiệp định thương mại. Mỹ đã phải đối phó với hàng
rào thương mại cao trong những năm 1950, khi thị trường ở Mỹ phần lớn là mở,
nhưng vẫn có thặng dư thương mại. Thâm hụt thương mại giảm mạnh trong bối cảnh
khủng hoảng tài chính năm 2008, mặc dù cả Mỹ và các nước khác đều không có thay
đổi đáng kể chính sách của họ đối với hàng nhập cảng.
Mới
tuần trước, Bộ Thương mại báo cáo rằng thâm hụt thương mại đã tăng lên một
chút. Điều này là do nền kinh tế đang hoạt động tốt và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm
xuống gần 4%. Chúng ta không nên cầu mong có một cuộc suy thoái kinh tế nữa để
giảm thâm hụt thương mại.
Trong
một số trường hợp, chúng ta có thể phải quan tâm đến sự cân bằng tổng thể của
thương mại. Nếu thâm hụt
thương mại được coi là một vấn đề, giải pháp cho Mỹ là phải tiết kiệm nhiều hơn
và chi tiêu ít hơn, với những nước có thặng dư thương mại như Trung Quốc, Đức
và Nhật Bản. Một thành phần của hồ sơ tiết kiệm kém của Mỹ là thâm hụt
ngân sách liên bang: Khi thâm hụt ngân sách tăng như một phần của GDP (do sự sụt
giảm trong thu nhập hoặc vì tăng chi tiêu), nó góp phần vào thâm hụt thương mại.
‘Không
hợp lý khi muốn cân bằng hai chiều sổ séc cá nhân’
Nhưng
quan tâm đến việc cân bằng thương mại song phương với từng quốc gia là điều vô
nghĩa. Một gia đình có thể quan tâm đến việc chi tiêu vượt quá thu nhập của họ,
nhưng họ không quan tâm đến việc cân bằng giữa các thành phần trong ngân sách
gia đình. Mọi người đều có thặng dư thương mại với chủ nhân của mình. Mọi người
đều bị thâm hụt thương mại với cửa hàng tạp hoá, ngoại trừ những người làm việc
ở đó. Cân bằng hai chiều sổ séc của mình cũng là điều vô lý; thử làm việc đó với
Amazon hoặc Costco xem sao.
Vấn
đề khi đàm phán về kết quả hơn là chú trọng đến các quy tắc, tập trung vào cân
bằng thương mại chứ không để ý đến những điều kiện, thuế quan và các biện pháp
phi thuế quan (NTMs) do các quốc gia đặt ra để nhập cảng hàng hoá vào thị trường
của họ thì nó có thể dẫn đến một nền thương mại được quản lý. Điều đó xảy ra
vào những năm 1980, khi Mỹ lo lắng về thâm hụt thương mại với Nhật Bản. Quản lý
thương mại là đối lập với mục tiêu thiết lập thương mại tự do hơn và công bằng
hơn trên toàn thế giới.
Tổng
thống Trump đã phàn nàn về những giao dịch thương mại không công bằng với Nhật
Bản, Mexico và Canada mà không hề nói họ đã làm gì sai trái – ngoài sự mất cân
bằng trong thương mại song phương của Mỹ với họ. Với Canada, Hoa Kỳ thực sự có
thâm hụt thương mại hàng hóa, nhưng lại có thặng dư thương mại thậm chí còn lớn
hơn ở mặt dịch vụ. Đây có phải là “không công bằng” đối với Canada hay không?
Có phải chúng ta đang “lợi dụng” của đồng minh lâu đời của mình hay không? Ông
Trump sẽ nói gì nếu Canada nói rằng chúng ta có bổn phận phải can thiệp để giảm
thặng dư của chúng ta?
Việc
bị ám ảnh về kết quả thay vì về các quy tắc đã làm méo mó vị trí đàm phán của
Hoa Kỳ. Tu từ hung hãn “thắng-bại” của chính quyền Trump không chỉ khiến các nước
khác chuẩn bị phòng thủ mà còn làm họ chuyển hướng, bởi vì cán cân thương mại
không phải là điều mà các chính phủ trực tiếp kiểm soát được. Chú trọng vào
thâm hụt và thặng dư đã làm cho các đối tác thương mại của chúng ta không sẵn
sàng đàm phán và nhượng bộ về các điều kiện, thuế quan và các biện pháp phi thuế
quan (NTMs) do các quốc gia đặt ra để nhập cảng hàng hoá vào thị trường của họ.
Và quyết định táo bạo của ông Trump rút ra khỏi TPP và những đe dọa của ông sẽ
rút khỏi NAFTA có nghĩa là Hoa Kỳ giờ đây được coi là một đối tác không đáng
tin cậy.
Chính quyền Trump thậm chí đã chỉ trích các giao dịch thương mại
khác của Mexico và Canada. Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross than phiền rằng xe
ô tô lắp ráp tại Mexico được đón tiếp tốt hơn ở EU so với những chiếc được sản
xuất tại Mỹ. Lý do rất đơn giản: Mexico có một hiệp định thương mại tự do với
EU, còn Mỹ thì không. Gần đây Canada cũng đã ký một thỏa thuận thương mại toàn
diện với EU. Cả hai quốc gia, Mexico và Canada hiện nay đều có khuynh hướng vượt
qua Hoa Kỳ về mức xuất cảng sang EU. Giải pháp cho Mỹ không phải là mắng nhiếc
EU vì họ đối đãi với chúng ta không công bằng mà là ký kết một hiệp định thương
mại với EU như các nước khác.
Khi rút khỏi Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính
quyền của Trump hứa sẽ ký kết nhiều thỏa thuận song phương ở châu Á. Nhưng sau
khi nhìn thấy cách Hoa Kỳ đối xử với các đối tác thương mại NAFTA của họ thì
các quốc gia khác đã không muốn tham gia đàm phán. Nhật Bản đã từ bỏ, mặc dù chỉ
mới tuần trước Tokyo đã đạt được một thỏa thuận thương mại lớn với EU. Chính
quyền Mỹ hô hào muốn có thỏa thuận song phương, nhưng sẽ không được gì cả nếu
các quốc gia khác không muốn đàm phán.
Do
đó, cả thế giới, trừ Mỹ, sẽ tiếp tục và tiếp tục đạt được các hiệp định thương
mại mà không có Hoa Kỳ. 11 quốc gia của TPP đã đi trước để ký kết thỏa thuận mà
không cần có Hoa Kỳ. Điều này sẽ khiến giới xuất cảng Mỹ bị phân biệt đối xử ở
các thị trường khác. Xe ô tô Nhật Bản sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan ở Việt
Nam, thịt bò Úc sẽ được đón tiếp tốt hơn thịt bò Mỹ ở Nhật Bản, vân vân.
Và
ở đó, có lẽ, có ánh sáng sau cơn mưa. Mỹ càng đứng ngoài những cuộc đàm phán
thương mại này, càng có nhiều nhà xuất cảng của Hoa Kỳ sẽ phải đối đầu với sự
phân biệt đối xử ở các thị trường nước ngoài. Tổng thống Trump hay người kế nhiệm
ông sẽ phải chạy đuổi theo để khôi phục sự tham gia bình đẳng vào thị trường nước
ngoài mà các doanh nghiệp Mỹ sẽ yêu cầu.
*
Ông
Irwin là Giáo sư Kinh tế John French ở trường Đại học Dartmouth. Bài tiểu luận
này được tóm lược từ tác phẩm mới của ông, cuốn “Đụng độ thương mại: Lịch sử
Chính sách Thương mại của Hoa Kỳ” (“Clashing Over Commerce: A History of U.S.
Trade Policy”) của Nhà xuất bản Đại học Chicago.
©
2017 DCVOnline
Nếu
đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net
Nguồn: Mr. Trump’s Trade War. By Douglas A. Irwin, WSJ, Dec. 15,
2017. Đã đăng trên ấn bản của tạp chí Wall Street Journal ngày 16 tháng 12
năm 2017, dưới tựa đề “Vấn đề giao thông của Trump.”
No comments:
Post a Comment