Friday, December 22, 2017

BẢN TIN NGÀY 22/12/2017 (Báo Tiếng Dân)



Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài tổng hợp: Ý đồ đáng quan ngại trên Biển Đông. Ông Lyle Morris, nhà phân tích của Tập đoàn nghiên cứu chiến lược RAND (Mỹ), nói với báo Thanh Niên: “Hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và kế hoạch phóng vệ tinh giám sát có thể coi là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm củng cố kiểm soát và hiện diện ở Biển Đông”.

Về ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, đánh giá rằng phía Trung Quốc tiến hành bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo nhằm “giành ưu thế sức mạnh trên Biển Đông để tạo cái gọi là ‘hiệu ứng răn đe’.”.

Giáo sư Batongbacal nhận định: “Trung Quốc đã vi phạm DOC ngay từ khi bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo phi pháp”. Phía Trung Quốc cũng bỏ qua hết những nguyên tắc tự kiềm chế trong DOC, và cũng không tuân thủ cam kết “tìm kiếm cách thức và phương tiện để xây dựng lòng tin giữa các bên”.

VOA có bài: Bắc Kinh: Mỹ ‘thổi phồng’ việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Đáp lại việc Hoa Kỳ xem quá trình Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là mối đe dọa an ninh hảng hải quốc tế trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới, Bắc Kinh cho rằng Washington đã “xuyên tạc sự thật, thổi phồng tham vọng hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh”.

Phát biểu về vấn đề xây đảo trái phép và thiết lập hệ thống căn cứ tiền phương trên Biển Đông, Bắc Kinh sử dụng giọng “cướp biển” quen thuộc: “Trung Quốc ‘có chủ quyền không thể chối cãi’ tại đây, nên không một nước nào khác có quyền đặt câu hỏi về những hành động của Bắc Kinh”.


Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm
Báo Người Lao Động đưa tin: Ông Đinh La Thăng có tình tiết tăng nặng. Thông tin từ kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an xác nhận: ngày 17/9/2008, ông Đinh La Thăng đã gặp ông Hà Văn Thắm để bàn về việc PVN thỏa thuận, góp vốn vào OceanBank. Sau đó, ông Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản gửi ông Thăng báo cáo đánh giá về tình hình tài chính không mấy khả quan của OceanBank. Đến đây, ông Thăng đã không tổ chức họp HĐQT mà gặp thẳng ông Hà Văn Thắm, ký thỏa thuận tham gia góp 400 tỉ đồng.

Theo cơ quan điều tra, ngày 14/10/2008, Bộ Tài chính đã gửi văn bản đề nghị PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. Bất chấp công văn này, ông Đinh La Thăng đã “không chỉ đạo PVN thực hiện đúng theo nội dung của Bộ Tài chính”. Phía công an khẳng định, đây là tình tiết tăng nặng trong vụ án sai phạm ở PVN.

Báo VnExpress đặt câu hỏi: Ông Đinh La Thăng thỏa thuận gì với Hà Văn Thắm ở thương vụ 800 tỷ đồng? Cơ quan điều tra cho biết, ông Hà Văn Thắm khai rằng, “trong cuộc gặp đầu tiên ngày 17/9/2008, hai bên đã thống nhất PVN tham gia góp 20% vốn điều lệ của OceanBank”.

Thông tin của cơ quan điều tra cũng xác nhận mâu thuẫn trong lời khai của ông Đinh La Thăng. Ông Thăng từng khẳng định ông đã họp với HĐQT PVN theo đúng thủ tục trước khi tham gia góp vốn vào OceanBank. Tuy nhiên, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào làm việc tại PVN, ông Thăng khai lại và thừa nhận không hề có cuộc họp HĐQT.
Đến nay, đã có 7 cựu lãnh đạo của PVN bị truy tố, là các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức.

Về chi tiết sai phạm của ông Thăng trong quá trình hợp tác giữa PVN và Ocean Bank, trang Infonet có bài: “Quyết định chết người” của ông Đinh La Thăng trong vụ án OceanBank. Tác giả ghi nhận: “Ông Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank”.

Trong phiên xử vụ án OceanBank vào tháng 9/2017, luật sư Nguyễn Minh Tâm chỉ ra rằng, Viện Kiểm sát đã bỏ qua một chi tiết quan trọng, đẩy thân chủ Nguyễn Xuân Sơn của ông vào hành vi phạm tội. Chi tiết đó chính là “văn bản số 6843 ngày 7/9/2010”, do ông Đinh La Thăng ký. Khi ấy, Luật sư Tâm đã viện dẫn văn bản này để quy trách nhiệm về phía ông Thăng.

Bên cạnh vấn đề sai phạm trong góp vốn ở OceanBank, hồ sơ vụ án Đinh La Thăng vừa có thêm tình tiết mới: Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố vụ án thứ hai. Vụ án thứ hai này cũng kết nối tội danh của ông Thăng với 2 “đệ tử” đã sa lưới qua tình tiết: tháng 12/2007, ông Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh về làm Tổng Giám đốc, sau là Chủ tịch HĐQT PVC, đến tháng 2/2009, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận về làm Phó Tổng Giám đốc, rồi làm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC.

Phía cơ quan điều tra ghi nhận, lúc bắt đầu lộ trình thoái vốn của Tập đoàn PVN, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVC phải nhận lại hầu hết là các khoản đầu tư mà thực chất là nợ xấu của các đơn vị của PVN, “làm cho PVC tiếp tục bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng”.

Ảnh chụp văn bản do Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, gửi ông Đinh La Thăng, đề nghị Thành ủy TP HCM hỗ trợ Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 mua lại toàn bộ số cổ phần của Văn phòng Thành ủy tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương. Ảnh: Facebook Ann Đỗ.

Về tiến độ “thần tốc” của cơ quan điều tra trong vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đánh giá: Quá nhanh và quá nguy hiểm. Ông Chênh lưu ý một chi tiết quan trọng: cơ quan điều tra chỉ tập trung vào con số 800 tỷ đồng mà ông Thăng làm thất thoát trong vụ hợp tác PVN-OceanBank, mà hầu như bỏ qua con số 11.000 tỷ đồng (khoảng trên 500 triệu Mỹ kim) để “đầu tư khai thác dầu ở Venezuela”.

Theo ông Chênh, phía an ninh điều tra và báo giới chính thống hầu như không nhắc tới chuyện thất thoát 11.000 tỷ đồng ở Venezuela, vì khi ấy ông Thăng làm theo lệnh của TBT Nông Đức Mạnh và CTN Nguyễn Minh Triết. Vậy nên, đến thời điểm này, vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm vẫn chỉ là vở diễn của đội ngũ nhóm lò, khi “cá nhân gây ra thiệt hại thì bị xử tù, còn đảng gây ra thiệt hại dù to lớn đến mấy cũng chẳng sao cả, người đứng đầu đảng cũng chẳng sao cả“.  

Đồ họa của báo Lao Động: Vì sao ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố?

Vụ án Trịnh Xuân Thanh
VOA đưa tin: Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Đức sẽ “quan sát”, thêm cáo buộc tham ô. Tác giả ghi nhận: “Ông Trịnh Xuân Thanh, theo cáo buộc của phía Đức, bị bắt cóc từ Berlin và đưa về Việt Nam hôm 23/7, ông được coi là một ‘mắt xích quan trọng’ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Phía Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiết lộ rằng, vụ án Trịnh Xuân Thanh đã xuất hiện tình tiết mới. Ông Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng, khai rằng, “ông Thanh đã nhận một vali tiền chứa khoảng 14 tỷ đồng trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land”.

Trang Zing có bài: Trịnh Xuân Thanh khai nhận vali chứa tiền từ ai? Bên cạnh thông tin Trịnh Xuân Thanh nhận vali tiền từ em trai ông Đinh La Thăng, tác giả cho biết thêm một số chi tiết do phía công an cung cấp, để giải thích vai trò của chiếc vali ấy trong “chiêu chiếm đoạt tiền tỷ của Trịnh Xuân Thanh”.

Về vụ án tham nhũng ở PVP Land, phía cơ quan điều tra kết luận, “động cơ phạm tội của Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong cùng một số đồng phạm khác là để chiếm đoạt tiền chênh lệch giá. Động cơ phạm tội của Đinh Mạnh Thắng là để được hưởng lợi tiền môi giới”.
Hồ sơ Vũ “nhôm”
VOA đưa tin: Khám xét nhà ông Vũ “nhôm”. Theo Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, và Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Chánh Văn phòng, xác nhận với nhiều tờ báo mạng Việt Nam, quá trình khám xét do “một tổ công tác của Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, thực hiện bắt đầu từ khoảng 5h30 chiều ngày 21/12”.

Tác giả dẫn lời một phóng viên ở hiện trường ẩn danh, cho biết: “Mình thấy được là công an đang làm việc ở trong nhà. Họ chưa công bố việc khởi tố, bắt giam gì cả mà gần như là đang khám nhà. Họ có thể có quyết định khởi tố trong tay rồi còn họ chưa công bố là việc của họ”.

Công an có mặt trước nhà ông Vũ “nhôm”. Ảnh: báo TN

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, là trùm bất động sản hiện nay của thành phố Đà Nẵng. Có không ít luồng dư luận ngầm cho rằng vòi bạch tuộc của ông này thao túng được cả quan chức cấp cao. Năm 2013, Vũ “nhôm” bị nêu tên trong bản kết luận điều tra của Thanh tra Chính phủ, về sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai tại Đà Nẵng, gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng lúc ấy phía thanh tra chỉ điểm mặt, chứ… chưa làm gì được Vũ “nhôm”.

Về sự kiện Vũ “nhôm” bị khám nhà và có thể bị bắt, nhà báo Phạm Việt Thắng có bài: Đến lượt Vũ “nhôm”. Tác giả nhắc lại chuyện Vũ “nhôm” đã từng chi phối cơ quan an ninh Đà Nẵng như sau: “Một nhà báo bị công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh vì dám mó đến công ty anh Vũ. Ngoài rất nhiều nhà cửa, tài sản nhà nước ở Đà Nẵng thì nhiều đất vàng cũng đã rơi vào tay Vũ và một người đàn bà quyền lực tên Thuỷ”.

Nhà báo Phạm Việt Thắng cho biết thêm: Trường hợp Vũ “nhôm” liên hệ đến cả Nguyễn Xuân Anh, “thái tử Đảng” đã nhận chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ở tuổi 40, và vừa vào lò củi nhà bác Tổng hồi tháng 10/2017.

Báo Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi: Có chuyện ông Vũ ‘nhôm’ ép chính quyền Đà Nẵng? Trong buổi gặp mặt cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu, Đại tá Lê Công Thạch đã đặt câu hỏi với ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành ủy Đà Nẵng: “Có hay không chuyện ông Vũ gây sức ép buộc chính quyền phải thực hiện theo ý mình là giải quyết đất… để làm dự án, mua bán chuyển nhượng với giá thấp, không qua đấu giá?”.

Về nỗi ám ảnh mang tên Vũ “nhôm” đối với người dân Đà Nẵng, báo Thanh Niên đặt vấn đề: Quân đội bắt Út ‘trọc’ rồi, Công an phải trả lời câu hỏi về Vũ ‘nhôm’. Tác giả nêu câu hỏi đầy trăn trở của Thiếu tướng Trương Minh Hùng, cựu Phó tư lệnh Quân khu 5: “Tôi băn khoăn với câu hỏi ai là Vũ ‘nhôm’? Có hay không những vấn đề đang gây xôn xao dư luận mà đại tá Lê Công Thạnh đã nêu”.

Trước những truy vấn về hiện tượng Vũ “nhôm” được chống lưng bởi những thế lực đầy uy quyền trong Đảng và Nhà nước, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa trả lời: “Nếu như có việc này thì đây là sự sỉ nhục đối với chính quyền, đối với hệ thống công quyền của chúng ta, tại sao để thế được”.

Tư cách đảng viên và sự tha hóa
Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài bình luận: Bổ nhiệm thần tốc. Bài viết không chỉ đề cập đến hiện tượng thăng tiến “thần tốc” trong nhóm “thái tử Đảng”, mà còn tính cả những người được nâng đỡ nhờ yếu tố “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ”.

Tác giả thừa nhận, hiện tượng nâng đỡ người quen, người nhà, “đệ tử” đã không còn xa lạ gì trong tập thể đảng viên. Còn nguyên nhân dẫn tới sự tha hóa diễn ra ở cả những đảng viên cao cấp là: “Quy trình bổ nhiệm cán bộ bị bóp méo, vo tròn, diễn giải, bao biện một cách tùy tiện”.

Tuy nhiên, giống như bao nhà báo “chính thống” khác, tác giả cho rằng giải pháp của vấn đề lại không phải cấu trúc tam quyền phân lập của các nhà nước dân chủ pháp quyền, mà chỉ cần… tinh thần đốt lò của bác Tổng là đủ: “Ngăn chặn, đẩy lùi… những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ”. Vấn đề là lò bác Tổng lúc đốt vẫn có củi chỉ cháy xém, không cháy to được.


Đầu vào tiền tỷ, đầu ra bế tắc
Báo Đầu Tư có bài tổng hợp: Kỷ lục buồn cho các dự án ODA giao thông. Tác giả điểm mặt một số “thành tựu” đạt được từ các dự án BOT: “Trong trường hợp Dự án không kịp động thổ…, năm 2017 sẽ xác lập kỷ lục buồn là năm có số lượng công trình do Bộ GTVT quản lý sử dụng vốn ODA được khởi công ít nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, “hầu hết các dự án ODA giao thông đều giải ngân không đạt mục tiêu đề ra”.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, hầu hết kế hoạch sử dụng vốn ODA năm 2017 cho các dự án giao thông, như dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 hoặc Metro Bến Thành – Suối Tiên, đều thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Nghĩa là các quan chức giao thông không thể chi mạnh tay cho các dự án “tiền nhiều, hiệu quả ít” như những năm trước được nữa.

Báo Dân Trí đưa tin: Truy tố cựu Giám đốc dự án nước sạch Sông Đà về sự cố vỡ đường ống. Thông tin từ Viện KSND Tối cao xác nhận, đã hoàn tất cáo trạng đối với bị can Hoàng Thế Trung, (57 tuổi), cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Nước sạch Sông Đà. Viện KSND Tối cao cũng đã chuyển hồ sơ vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà, ủy quyền cho Viện KSND TP Hà Nội thực hiện quyền công tố xét xử sơ thẩm vụ án.

Tai tiếng của dự án nước sạch Sông Đà gắn liền với những lần sự cố khiến người dân ở thủ đô phải khổ sở vì mất nước: “từ ngày 4/2/2012 đến ngày 2/10/2016, tuyến ống dẫn nước của dự án này đã 18 lần bị vỡ ống… làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Bài báo vẫn chưa thống kê hết, nếu tính đến ngày 18/6/2017, đường ống nước sông Đà đã vỡ lần thứ 21!

Báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin về một nghịch lý: ‘Khát’ nước cạnh công trình gần 40 tỷ. Những người “khát nước” ở đây là “hàng nghìn hộ dân sống tại thị trấn Kim Sơn” và các vùng phụ cận huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Công trình gần 40 tỷ ở đây là một nhà máy nước sạch không thể cung cấp nước sạch sau 5 năm khởi công dự án, với gần 40 tỷ đồng đầu tư.

Tác giả ghi nhận: “Dự án Nhà máy nước thị trấn Kim Sơn khởi công năm 2012 do UBND huyện Quế phong làm chủ đầu tư, tổng vốn 39 tỷ 845 triệu đồng… Đến nay, sau gần 5 năm triển khai,… gói thầu phần đấu nối đường ống đến các hộ tiêu thụ nước thì vẫn đang loay hoay thực hiện”. Vậy nên mới có chuyện, người dân sống cạnh một nhà máy nước sạch nhưng phải dùng nước giếng hoặc đi mua nước ở rất xa.

Báo Tiền Phong đưa tin: Cận cảnh khu vui chơi ‘nát như tương’ tại công viên Tuổi Trẻ. Tác giả đưa tin về kết quả của một dự án được đầu tư tiền tỷ: “Tất cả các hạng mục vui chơi cho trẻ em được đầu tư xây dựng có giá trị hàng chục tỷ đồng đang để dầm mưa dãi nắng, hen rỉ và xuống cấp không còn có giá trị sử dụng. Thực trạng đang diễn ra tại công viên Tuổi Trẻ (Hà Nội) khiến ai nhìn thấy cũng phải xót xa”.


Vụ người Thái thâu tóm Sabeco
Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có bài: Bán cổ phần Sabeco – Sự phá sản của chính sách các quả đấm kinh tế. Tác giả nhắc lại lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày thương hiệu bia Sài Gòn rơi vào tay người Thái: “Vì sao thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường,… vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam”. Tuy nhiên, sự thật trái ngược hoàn toàn với lời của ông Phúc.

Theo ông Chu, sự kiện bán cổ phần Sabeco không phải là thành công, đấy là sự thất bại rõ ràng, bởi vì “khi bán một khối lượng lớn cổ phần với số tiền lớn thì việc chuẩn bị người mua là rất quan trong. Nếu chỉ có một hai người thực sự đủ tiền tham gia đấu giá thì đó là thất bại. Vì người mua sẽ khống chế được giá”.

Về bản chất của thương vụ Sabeco, báo VnEconomy đánh giá, đây là thương vụ “Sẵn sàng trả giá cao để đạt quyền kiểm soát”. Tác giả dẫn lời bình của một chuyên gia tài chính: “Bên mua kỳ vọng rằng sau khi mình kiểm soát được doanh nghiệp thì sẽ tác động đến chiến lược, đội ngũ, cấu trúc quản trị, thị trường, sản phẩm,… để tạo ra dòng tiền đủ lớn bù đắp lại chi phí mua cao hơn giá thị trường đã bỏ ra”.

Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Bán Sabeco rất được giá, nhưng quan trọng hơn đó là sử dụng tiền thu về như thế nào?Theo TS. Võ Trí Thành,  Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sự kiện bán Sabeco mang lại khoảng 110.000 tỉ đồng cho nhà nước cũng tốt, nhưng càng quan trọng hơn là “thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường, tư nhân làm tốt ở lĩnh vực nào thì để họ làm”.

Sự “thay đổi” mà TS Thành đề cập đến cũng chính là thay đổi mà những người làm kinh tế tư nhân ở Việt Nam hằng mong đợi, trong suốt hơn 2 thập niên họ bị kiểm soát, bị can thiệp, bị bòn rút bởi những quan chức làm kinh tế.

Về vấn đề “màu cờ sắc áo” trong vụ Sabeco, trang Trí Thức Trẻ có bài: Bán Sabeco, “thương hiệu quốc gia” sẽ ra sao?Theo tác giả, dù giờ đây đứng sau thương hiệu bia Sài Gòn là tên tuổi tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, “ngân sách Nhà nước hiển nhiên được hưởng lợi… Tư nhân hóa DNNN đồng thời giúp xoá bỏ được những cái ‘bắt tay’ của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản Nhà nước”.

Để làm rõ thêm về kẻ thâu tóm, báo Người Lao Động có bài: ThaiBev nói gì sau thâu tóm Sabeco? Thông tin từ phía ThaiBev cho biết: “Thương vụ thâu tóm sẽ giúp ThaiBev tiếp cận ngay được mạng lưới phân phối rộng lớn tại Việt Nam, nhanh chóng mở rộng địa bàn tại một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với dân số trẻ”.

VOA có bài của nhà báo Trân Văn: Những câu hỏi trong vụ bán Sabeco. “Những ‘anh cả’ của kinh tế Việt Nam vừa góp phần đẩy kinh tế Việt Nam vào tình thế càng ngày càng bi đát, vừa giúp người ta tỏ tường diện mạo thực của ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Các ‘đại án’ theo sau những ‘đại dự án’ chứng minh ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’… ưu việt như thế nào và ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ có thật sự là ‘của dân, do dân, vì dân’ hay không?


Nỗi buồn của những người làm “nông, lâm, thủy sản”
Báo Kinh Tế Nông Thôn có bài tổng hợp: Nhiều lý do khiến nông dân Hải Dương chán… ruộng. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người nông dân bỏ hoang đất nông nghiệp. Tác giả điểm qua một số lý do khiến người nông dân phải bỏ ruộng: điều kiện tưới, tiêu không thuận lợi, người nông dân chuyển sang làm công nhân xa nhà.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất vẫn là “hiệu quả từ sản xuất lúa chưa cao”. Theo như phân tích của Sở NN & PTNT tỉnh Hải Dương, “người nông dân chỉ lãi hơn 200 nghìn đồng/sào… Nếu gieo cấy hai vụ lúa trong vòng sáu tháng, mỗi nhân khẩu chỉ lãi khoảng 500 nghìn đồng”. Các quan chức nông nghiệp tỉnh Hải Dương đã nói đúng phần ngọn, nhưng bỏ qua phần gốc, đó là nghịch cảnh của một nước nông nghiệp như Việt Nam lại phải nhập khẩu gạo Thái Lan.

VOV đưa tin: Mưa bão kéo dài nông dân Ninh Thuận mất mùa nho Tết. Cơn bão số 12 và 14 vừa rồi đã làm mưa kéo dài gần hết tháng 11, ảnh hưởng tới vụ nho Tết của nông dân Ninh Thuận. Một người trồng nho ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận chia sẻ với tác giả, “năm nay vườn nho nhà bà coi như không còn gì để thu hoạch vì nho vừa bị bệnh vừa bị mưa làm hư hỏng”.

Giá muối tăng gấp đôi, diêm dân vẫn không sống nổi với nghề, là tựa đề của bài báo Dân Việt. Tác giả ghi nhận, sau nhiều năm người diêm dân ở vùng Đông Nam Bộ sống bấp bênh vì giá muối giảm sâu, giờ đến lúc giá muối tăng thì sản lượng lại giảm, nên nỗi bất an vẫn còn. Về lý do sản lượng giảm, hầu hết người nông dân trả lời rằng do thời tiết, khí hậu năm nay biến đổi, mưa nhiều.

Một người nông dân từ Vũng Tàu chia sẻ, “trước đây mỗi năm ông thu khoảng 100 tấn muối. Năm nay, do mưa nhiều nên chỉ thu hoạch được bằng nửa số lượng muối hằng năm. Sau khi trừ chi phí ông chỉ lãi hơn 20 triệu đồng, giảm 5 triệu đồng so với năm 2016”. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là chuyện đã được dự báo từ nhiều thập niên trước, vấn đề các lãnh đạo, quan chức ngành nông nghiệp đến giờ vẫn chưa có ý thức bảo trợ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trọng yếu.


Hồ sơ Formosa
RFA đưa tin: Công an đàn áp biểu tình chống Formosa. Thông tin cho biết, có năm người đã bị bắt trong cuộc biểu tình chống Formosa trước cổng nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, sáng ngày 20/12/2017.

Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến chứng thực chuyện lực lượng an ninh, công an đã hành hung người biểu tình: “Ngày 20 có ba bạn mang theo biểu ngữ chống Formosa, họ giương ra ngay trước Vương Cung Thánh Đường – nhà thờ Đức Bà. Được khoảng 5 đến 10 phút thì mật vụ, dân phòng đến giải tán, gây áp lực, nên họ di chuyển qua phía Bưu Điện thành phố. Thì các mật vụ đã chờ sẵn, siết cổ cô gái có nick facebook là Mộc Lâm”.

“Thành tích” đầu độc và hủy hoại môi trường của Formosa đã được thể hiện rõ qua thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4/2016. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này vẫn yên ổn hoạt động tiếp. Mặc dù Formosa tuyên bố bồi thường 500 triệu USD (gần 11.500 tỷ) cho ngư dân, nhưng Tổng cục Thuế cũng tuyên bố hoàn thuế cho Formosa khoảng 14.600 tỷ đồng, cao hơn cả số tiền mà Formosa bỏ ra bồi thường cho Việt Nam, tức là chính phủ lấy tiền thuế của dân VN, trả cho ngư dân miền Trung. Còn phía công an, an ninh cũng đã nhiều lần lập “chiến công” bảo vệ Formosa.

Trang Soha có bài: Formosa tính rót thêm gần 250 triệu USD vào nhà máy thép ở Hà Tĩnh. Dẫn nguồn từ báo Taipei Times: “Trong đợt tăng vốn thứ hai, Tập đoàn Formosa Plastics (Đài Loan) dự kiến góp thêm 247,88 triệu USD vào Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) thông qua 5 công ty con của mình”.

Hy vọng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh sẽ không sử dụng những khoản đầu tư này để tạo ra thảm họa môi trường thứ 2, trong khi vết thương từ thảm họa đầu tiên vẫn chưa lành.

Nhân quyền ở Việt Nam
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thúc giục: Việt Nam: Hãy Hủy Bỏ Cáo Buộc Với Nhà Hoạt Động Trần Thị Nga. Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói: “Trần Thị Nga là một trong những mục tiêu mới nhất của đợt gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam nhằm vào các nhà hoạt động và phê phán chính phủ. Thay vì xúc tiến đối thoại với những người lên tiếng phê phán, chính quyền lại sử dụng các mức án nặng nề và các hình thức bạo hành càng ngày càng thường xuyên hơn”.

Bản tuyên bố có đoạn ghi nhận: “Trần Thị Nga, 40 tuổi, bị bắt ngày 21 tháng Giêng theo điều 88 bộ luật hình sự, một trong những điều khoản về an ninh quốc gia hà khắc của Việt Nam thường được sử dụng để trừng phạt tùy tiện những người phê phán chính quyền”.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường tuyên bố rằng, họ vẫn luôn tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, hành động của họ qua việc sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm, tra tấn những người bất đồng chính kiến, trả lời rõ ràng rằng họ thực sự “tôn trọng” nhân quyền ra sao.

VOA đưa tin: Treo cờ VNCH, nhóm thanh niên An Giang bị xử 19 năm tù. Trong khi có rất nhiều quan chức góp phần tàn phá đất nước vẫn ở ngoài vòng pháp luật, chính quyền Việt Nam quyết định phạt tổng cộng 19 năm tù đối với một nhóm thanh niên, chỉ vì những thanh niên này đã tôn vinh một biểu tượng mà Đảng không muốn thấy. Phiên tòa tổ chức ngày 21/12/2017 đã khép nhóm thanh niên này vào tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, chỉ vì họ treo những lá cờ vàng.

Trang RFA đưa tin: Vợ cựu tù chính trị bị công an bắt đi thẩm vấn. Người bị bắt ở đây là bà Hoàng Thị Tươi, vợ của cựu tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi. Bà Tươi bị một nhóm người tự giới thiệu là sĩ quan của Bộ Công an bắt giữ và lấy đi số tiền 4,5 triệu đồng.

Thông tin từ ông Vi Đức Hồi xác nhận: ngày 20/12/2017, “những kẻ bắt cóc đã đưa vợ của ông đến một đồn cảnh sát ở huyện Hữu Lũng, nơi họ lấy đi số tiền và tra hỏi thông tin của người gửi tiền cho bà”.

Facebooker Phạm Lê Vương Các có bài: Rừng Hà Nam. Tác giả kể chuyện một trường hợp “đấu tố công dân” mà tác giả vừa phát hiện. Đó là ông Trương Minh Hưởng, một người hoạt động đã có tuổi”, vừa bị “đấu tố” trong “Hội nghị thông tin về các hoạt động vi phạm của Trương Minh Hưởng“.

Buổi “đấu tố” đã diễn ra với quy trình quen thuộc: những người chủ trì công bố thông tin về hành vi chống đối Đảng và Nhà nước của ông Hưởng, tất cả những người dự họp còn lại cùng nhau công kích, lăng mạ mà không cho ông một cơ hội để thanh minh.

Ông Trương Minh Hưởng từng bị công an hành hung trước đây. Ảnh: Facebook Ha Huy Son


Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Thêm một lính Bắc Hàn đào tẩu là tiêu đề bài viết trên BBC về vụ một lính Bắc Hàn đào tẩu qua Nam Hàn. Đây là vụ đào tẩu thứ hai, trốn khỏi “thiên đường” trong hơn một tháng qua và là vụ thứ tư trong năm nay. “Người lính xuất hiện từ màn sương mù dày đặc tại trạm kiểm soát vào khoảng 8:00 thứ Năm 21/12, sau khi vượt qua khu vực phi quân sự DMZ, theo truyền thông Nam Hàn”- Trích bài viết.

 Trang Zing có bài Triều Tiên sẽ đàm phán với Mỹ sau 1 vụ thử tên lửa thành công nữaTheo bài viết, Bắc Hàn đang cố gắng đạt một “thành tựu” về tên lửa để có đủ cân lượng đàm phán với Mỹ. Theo Yonhap “không thể loại trừ nguy cơ về một cuộc xung đột ‘ngẫu nhiên’ trong bối cảnh căng thẳng dâng cao“.

Cũng liên quan đến căng thẳng leo thang gần đây ở bán đảo Triều Tiên, báo Tiền Phong có bài” Mỹ lên kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên. Bài viết lấy tin từ Telegraph cho biết, “Nhà Trắng đang ‘nhanh chóng’ chuẩn bị cho một giải pháp quân sự trong vài tháng gần đây, giữa những lo ngại chính sách ngoại giao với Triều Tiên không hiệu quả”. Giải quyết vấn đề Bắc Hàn luôn đụng đến Trung Quốc và Nga, hai nước được cho là “bảo kê” cho quốc gia này. 


Quan hệ Mỹ – Trung
Trang điện tử Nhịp Cầu Đầu Tư có bài phân tích Mỹ muốn chặn Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Bài viết cho biết, trong chiến lược an ninh mới, Mỹ muốn chặn Trung Quốc xây dựng Con đường tơ lụa, một dự án khổng lồ nhằm thâu tóm tài nguyên, xây dựng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, văn hóa… của Trung Quốc. Và tất nhiên với ý đồ bành trướng thì mục tiêu “cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh” sẽ đụng chạm tới lợi ích của Mỹ.

Trên VOV chạy tít: Trung Quốc phản ứng về báo cáo chiến lược an ninh của Mỹ. Sau khi các cơ quan ngoại giao lên tiếng phản ứng gay gắt về chiến lược an ninh mới của Mỹ, giờ đây đến lượt Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Trung Quốc lên tiếng. Trích: “Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường nhấn mạnh: ‘Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia’ của Mỹ được công bố trong ngày 18/12 vừa qua là không đúng sự thật, phóng đại công cuộc xây dựng hiện đại hoá quốc phòng của Trung Quốc”.

Cùng chủ đề quan hệ Trung- Mỹ, RFI có bài: Bắc Kinh lên án Mỹ ‘‘thổi phồng’’ tham vọng quân sự hóa của Trung QuốcBài viết khá ngắn nhưng hay ngay từ tiêu đề với cụm từ “tham vọng quân sự hóa của Trung Quốc“. Xin trích một đoạn: “Nỗ lực phát triển các cơ sở quân sự của Trung Quốc, với nhiều vũ khí tối tân, tại các thực thể địa lý tranh chấp là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng”. 


Tin Trung Quốc
Báo Tiền Phong có bài, Trung Quốc tuyên bố không tìm cách bá chủ toàn cầu. Đó là phát biểu của ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ khi trả lời phỏng vấn trên CNN. Ông Thôi Thiên Khải cho rằng “Trung Quốc không tìm cách thống trị toàn cầu, chúng tôi tin rằng trong thế giới ngày nay tất cả các quốc gia đều bị đe dọa bởi rất nhiều thách thức chung”. (Không biết các thách thức chung đó có thách thức đến từ tham vọng của Bắc Kinh không?).

Nhằm minh chứng cho việc không tìm cách bá chủ thế giới,Trung Quốc lại diễn tập không quân tại Tây Thái Bình Dương. Tin này được RFA phát đi hôm 21/12. Bài viết có đoạn, “lực lượng Không quân Trung Quốc gia tăng các cuộc diễn tập quân sự ngoài khơi trong những năm vừa qua và gần đây tập trung ở khu vực biển với Đài Loan, gần Nhật Bản” và “Các cuộc diễn tập quân sự của Không quân và Hải quân Trung Quốc có thể diễn ra quanh vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang các cơ sở quân sự cùng một số hòn đảo nhân tạo, tạo ra căng thẳng với các nước cùng tuyên bố chủ quyền trong khu vực“.


Mỹ và Thế giới
Trên tờ Người Lao Động có bài: Mỹ châm dầu vào Ukraine. Bài viết đề cập đến quyết định của Mỹ bán vũ khí phòng vệ sát thương cho quân đội Ucraine. Bài viết có đoạn: “Cho dù giải thích thế nào, bước đi trên chắc chắn sẽ làm phức tạp hơn mong muốn làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin của ông Trump“. Rất tiếc, bài viết lại không đề cập đến những tay súng đòi ly khai ở miền Đông Ucraine được Nga hậu thuẫn đầy đủ.

Cũng chủ đề Mỹ bán vũ khí cho Ucraine, Bizlive chạy tít: Moscow tố việc Mỹ bán súng cho Ukraine là thúc đẩy cuộc đổ máu ở Donbass. Theo Bộ Ngoại giao Nga: “Khi cung cấp vũ khí cho Kiev, Mỹ thúc đẩy Ukraine nối lại cuộc đổ máu ở Donbass, trên thực tế họ trở thành đồng lõa cuộc bắn giết“. Trên thực tế, những lộn xộn, xung đột và đổ máu gần đây ở miền Đông Ucraine có chi chít dấu răng của gấu Nga.













No comments: