Wednesday, December 29, 2010

NHỮNG "VẾT ĐEN" TRONG GIÁO DỤC NĂM 2010 (Nguyên Minh)


Nguyên Minh
Thứ Năm, 23.12.2010 | 13:37 (GMT + 7)

(LĐO) – Năm 2010 cũng là năm để lại nhiều “vết đen” đáng báo động trong môi trường giáo dục  như bạo lực học đường, hành hạ trẻ mầm non…

1. Bạo lực học đường mang màu sắc xã hội đen

Bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn của xã hội, tiếp tục bùng phát ở nhiều trường học và mang màu sắc xã hội đen. Không dừng ở hành hung bạn học, học sinh còn mang hung khí đến lớp uy hiếp thầy cô.
Năm 2010 được xem là năm “bội thực” các clip nữ sinh đánh nhau. Đặc biệt nhất là vào ngày 14.9, một clip nữ sinh ở Nghệ An bị đánh hội đồng khiến dư luận trên địa bàn hết sức phẫn nộ. Mặc dù đây không phải là lần đầu nhưng những hành động và tình tiết trong clip lại có tính chất dã man hơn hẳn những clip trước đây.
Tại Hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại Hà Nội hôm 24/9, từ đầu năm học đến nay, xảy ra hơn 1.500 vụ đánh nhau trong và ngoài trường học, trong đó, 7 vụ dẫn đến chết người. Theo báo cáo của các sở, từ đầu năm học đến nay, các trường tiến hành khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn 735 học sinh.

2. Hành hạ dã man trẻ mầm non

Năm 2010 cũng ghi nhận rất nhiều vụ trẻ mầm non bị bạo hành, gây bức xúc trong xã hội. Nổi bật là ngày 17.9, bé Lê Quang Vinh (4 tuổi), ở quận Tân Phú (TP. HCM) nhập viện trong tình trạng toàn thân bầm dập, tinh thần hoảng loạn. Cô giáo lớp mầm non Trần Thị Xuân Nữ cho biết bé bị té ngã. Nhưng sự thật là giờ cơm trưa, bé Vinh không chịu ăn nên cô Nữ đã nhốt bé vào thang máy vận chuyển thức ăn - trong thang có một mặt giáp với bức tường gồ ghề, có thanh sắt nhô ra - bấm nút cho thang chạy để hù dọa. Do quá sợ, bé Vinh kêu gào và bị va đập mạnh dẫn tới tình trạng đa chấn thương cực kỳ nghiêm trọng. Cuối tháng 11, dư luận lại kinh hoang với việc bé Hồ Thị Thúy Ngân (3 tuổi) tại Bình Dương bị bảo mẫu Trần Thị Phụng “tắm đòn” bằng cách liên tiếp dội nước vào đầu vào mặt. Bà ta thậm chí còn dùng chân chà lên người cô bé và lại xối xả tạt nước khi bé đứng chới với, cố tìm cách “thoát thân”.
Những vụ việc này là hồi chuông báo động về tư cách, chất lượng của giáo viên mầm non, đặc biệt tại các cơ sở tư nhân và nhóm trẻ gia đình.

3. Phát tán những clip giáo viên mắng chửi học sinh
 
Đầu tháng 12, trên các trang mạng xã hội xuất hiện clip một cô giáo bị đám học trò vây quanh xin điểm. Bằng giọng bực bội, cô giáo kiên quyết: "Tôi còn lâu mới tha lớp này" và cao điểm hơn là: "Tao vả vỡ mồm mày đấy. Mày như giặc ấy" . Cô giáo trong clip được xác định là Hoàng Thị Ngọc (SN 1960), tổ trưởng bộ môn Tin học, Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng. Trên các diễn đàn đã có nhiều ý kiến trái chiều sau khi đoạn clip trên được phát tán. Hậu quả của những phút thiếu kiềm chế này là cô Hoàng Thị Ngọc bị đình chỉ dạy để kiểm điểm.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên, trước đó vào ngày 25.9, một clip do nhóm học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng) thu âm lén những lời xỉ vả nặng nề của cô giáo dạy tiếng Anh dành cho một học sinh cũng đã được phát tán lên mạng.

4. Thầy giáo “sàm sỡ” khiến học sinh tự tử

Đầu tháng 12, dư luận ở Vĩnh Phúc đã xôn xao về việc một thầy hiệu phó ép nữ sinh đi hát karaoke, uống bia, rượu khiến em này hoảng loạn và uống thuốc ngủ tự tử sau đó. Đó là câu chuyện của em Nguyễn Thục H. Trường THPT Bến Tre (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) tố cáo thầy Nguyễn Văn Huân - Phó Hiệu trưởng nhà trường ép em uống rượu và có hành động sàm sỡ khiến em phải tìm đến con đường quyên sinh.
Tuy nhiên, trong bản tường trình gửi nhà trường, thầy Nguyễn Văn Huân, nhân vật chính trong vụ tai tiếng trên, cho hay chính gia đình học sinh H. đã có những hành vi cưỡng bức thầy giáo phải thừa nhận những việc làm trên.
Tuy chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra nhưng vụ việc đã gây bức xúc trong dư luận về vấn đề nhân cách, quan hệ thầy trò hiện nay.

5. Đại học đầu tiên khởi kiện vì bị trùng tên
Lãnh đạo Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) cho biết, sau nhiều lần thương thảo bất thành, Hội đồng quản trị và ban giám hiệu đã thông qua quyết định khởi kiện ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) vì đã vi phạm bản quyền nhãn hiệu. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra tranh chấp nhãn hiệu quyền sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực giáo dục. Trước đây phần lớn tranh chấp trong lĩnh vực này là quyền tác giả liên quan đến giáo trình, bài giảng.

Nguyên Minh
.
.
.

No comments: