12:00:am 28/12/10
Tôi phải để chữ “lũ“ trong ngoặc kép, bởi bạn tôi bảo: nó không phải là cơn lũ mà đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu, và đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất trong những tháng qua – Nơi mà đám quan chức vô lại ở những tỉnh nọ còn ao ước: Giá như “lũ“ về một năm vài ba lần thì tốt biết mấy?! Không! “lũ” mà bạn tôi muốn nói đó là tất cả những chuyện “lởm khởm“ mà anh được mục sở thị trong những ngày về quê làm “quác“…
Tôi hỏi bạn: Sống chung với lũ là sao?
Bạn tôi cười, đáp: Nói đến “lũ“ thì ngài biết rồi, nó sẽ cuốn trôi đi tất cả những gì cản trở nó, cho dù là lâu đài và thành quách. Và hậu quả sau cơn lũ sẽ còn tệ hại hơn cả những trận bom Mỹ rải thảm thời chiến tranh Bắc-Nam. Bởi bom Mỹ sẽ chỉ cắt đúng toạ độ rồi liệng xuống một tâm, điểm nào đó, và chỉ nơi đó mới bị phá huỷ, còn “lũ“ thì nó không chừa một vị trí nào cả. Nhưng đấy là bão lũ do thiên nhiên gây nên, còn “lũ“ mà dân nhà mình đang dùng thì đó là “lũ“ nổi trôi của thời cuộc, của thế thái nhân tình.
Ví thử như cuộc họp Quốc hội vừa rồi báo, đài, truyền hình ngày nào cũng ra rả loan tin về những cuộc tranh luận mang tính “nảy lửa“, rồi “ai thắng ai“ , rồi “phe đổi mới đang áp đảo”, rồi “quốc hội đã phát huy vài trò của mình”, rồi “các ông bà nghị dám thẳng thắn và tranh luận dân chủ hơn“…v.v. – những điều mà kể từ ngày thành lập nước tới nay chưa hề có. Hỉ hả nhất là các lão thành cách mạng. Rõ khốn khổ cho họ. Cả đời tận trung báo quốc, lúc còn tại chức, cụ nào cụ nấy đều sống cảnh mũ ni che mắt để được thăng thân. Tới lúc bị trả về địa phương quản lý, có nhiều cụ mới sực tỉnh, và nhận ra rằng: Bỏ mẹ! Cả quãng đời trai trẻ của mình chỉ đóng vai trò anh “gà thiến“. Vì vậy mà nhiều cụ sắp tới ngày làm “visa“ đi gặp bác Hồ mới dám dũng cảm để… ho lên vài tiếng, báo cho con cháu, dòng họ và những người xung quanh mình biết: Tôi sẵn sàng tử vì đạo, rồi tắt… băng.
Dân trong nước gọi đó là “lũ“.
Ngay cả chuyện mấy chục ông giáo sư, tiến sĩ, trí thức gạo cội được đứng trong Hội đồng nghiên cứu, bổ khuyết cho văn kiện đại hội Đảng XI cũng chẳng khác các cụ bô lão là bao. Những gì họ thở… ra, dân thạo tin trong nước gọi đó là “bản giao hưởng“ của những con “gà thiến“ và “gà mái“ không biết gáy và đẻ chứng. Nghĩa là: Được ăn thóc thật thì cũng phải tận sức gáy cho nó… thật một chút.
Cách “gáy“ này cũng được gọi là “lũ“.
Rồi chuyện đấu đá, tranh giành, trừ khử lẫn nhau trong nội bộ trung ương để làm bàn đạp cho đại Hội đảng XI vào tháng giêng tới cũng được không ít những nhân sĩ, trí thức và lão thành cách mạng hồ hởi nhận định: Thế cờ đã đổi; Vận nước đã đến; Xu thế mới nhất định sẽ trở thành cao trào…v.v. Nhưng cuối cùng thì cũng chỉ là cơn “lũ“. Có điều “lũ“ địa phương chỉ có thể làm tan hoang một khoảnh, và là “lũ“ cấp I, còn “lũ trung ương“ nó là cấp 10, nó biến cả nước thành bình địa.
Thực ra thì cụ nào thắng cụ nào; rồi cụ nào là dân chủ “cầy“, cụ nào, là „giả cầy“; hay cụ A sẽ lên thay thế cụ B; cụ C sẽ bị đá… văng lên chức cao hơn để thay thế cụ D…v.v. Tất tật chỉ lò trò tiêu khiển của những “cụ” hề trong gánh xiếc hết thời.
Đám dân thạo tin ở nhà bảo: Trong số mấy triệu đảng viên, lọc ra cũng được vô số những đảng viên đúng nghĩa. Nhưng trong một xã hội mà kẻ ăn ngay, nói thẳng luôn bị những kẻ dối trá, điên đảo rình rập để thoi hay vả vào miệng cho bay hết… răng cửa, thì cái “vô số“ ấy tự động biến thành thiểu số. Một thiểu số ăn theo, nói leo sẽ chỉ là những cơn “lũ“ nhỏ, nhưng đổi lại cả một tập thể ăn theo, nói leo ắt sẽ tạo thành đại “lũ“. Nguy hiểm một nỗi là không ít người, trong đó có cả giới kiều bào hải ngoại lại rất hồ hởi và ngồi để… mơ màng, trông đợi tại Việt Nam sẽ có một cơn “lũ” thuận, làm thay đổi cục diện xã hội Việt. Đây chính là sự thơ dại đến đáng thương cho những người chỉ biết yêu quê nhưng không hiểu gì về cục diện xã hội đang xảy ra trên mảnh đất mấy chục năm không ngừng diễn ra đại “lũ” đó.
Ở Việt Nam bây giờ hình thành “ba dòng thác cách mạng“.
Dòng thứ nhất thuộc dạng: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Với “dòng thác“ này, kể cả ngay ngày mai Việt Nam sát nhập làm một quận của Tầu, với họ cũng chẳng có gì khác, mà không chừng còn khoái đằng khác. Bởi lúc ấy thả phanh mà mua sắm hàng Tầu. Vừa rẻ lại đa dạng. Đành rằng ai cũng biết mười mươi nếu nốc vào những thứ của nợ mà “người bạn hiền” tuồn sang từ các ngả biên giới, là có ngày toi mạng. Nhưng với mức thu nhập 30-50 Dollar/tháng (tính vậy cho oai) và cái giá rẻ như cám mà “đội bạn” cung cấp thì lo ngại chỉ là chuyện thừa… Vậy nên mọi người bảo: Bất quá là chúng tớ phải học thêm chút ngôn ngữ Tầu để biết phân biệt đâu là Hảo đâu là bất Hảo là OK.
Lớp người này được gọi là “lũ” bàng quan thế sự.
Dòng thác thứ hai: là dòng “xôi-thịt“. Dòng này vốn lấy ruồi làm định hướng. Nghĩa là nơi nào có ruồi bu, tất nơi đấy có “xôi-thịt”. Dân tình đàm tiếu: Với “dòng” này, nếu trời, đất, sông, núi, ao, hồ, biển, rừng… của Việt Nam có thể khoanh, hay cắt ra làm trăm ngàn mảnh để… đổi trác, kiếm lời được, cũng không phải là điều cân nhắc.
Họ gọi đó là “lũ xôi thịt”.
Dòng thứ ba: Nửa “xôi”, nửa “thịt”. Nghĩa là: Thi thoảng lánh xa được lũ “ruồi”, chợt thấy mình vẫn còn đôi chút thanh tao, còn có nghĩa với đời, nên lại muốn ăn “xôi” cho chay tịnh. Nhưng nếu đồng loạt bị các “đồng chí ruồi” tấn công, ngay lập tức sẽ bị đồng hoá và sẽ hiện nguyên hình “xôi-thịt”.
Loại này dân tình gọi là: “lũ” tân cổ giao duyên.
Còn một dòng nữa là “dòng ngoài luồng”. Dòng này từ ngày thành lập nước vốn chẳng có đất dung thân, bởi trên cao là ruồi, dưới là sâu bọ. Sống giữa bầy ruồi và nhung nhúc sâu bọ như vậy mà để gạn đục, khơi trong quả là điều nan giải… Nhưng thôi nói chuyện “lũ“ thời cuộc nhức đầu bỏ mẹ. Ở nhà hiện đang có hội chứng “lũ“ ăn nhậu.
Bạn tôi khen nức nở: Đám thanh thiếu niên trong nước, thời “mở cửa“ thằng nào cũng to béo, phổng phao, đẫy đà. Nhìn bọn chúng thì không ai bảo là đất nước ta vẫn trong giai đoạn xoá đói, giảm nghèo cả. Nhưng phải cái là chúng nó “thăng“ sớm quá. Cứ 10 thằng thì có 5-6 thằng mắc bệnh nan y.
- Ông không độc miệng đấy chứ? Tôi hỏi bạn.
- Không! Bạn tôi đáp. Sự thật 100% đấy. Thời của tôi và ông là thời của “Bác thức cùng các cháu nhai bo bo“. Cái thứ của nợ ấy nó chỉ lổn nhổn, khó nhai, nhưng nó hoàn toàn vô hại. Nhưng họ bảo: Cái thứ ấy, bây giờ có cho bầy gia súc ăn, chúng nó cũng rủ nhau kéo tới nhà Quốc hội để biểu tình. Nói cho vui thôi, chứ Quốc hội Việt Nam chỉ là nơi trà dư tửu hậu, chứ có đến cũng chẳng ma nào tiếp. Đồ ăn, nhậu, hoa quả, rau cỏ… bây giờ la liệt. Thứ nào cũng xanh non, mỡ màng, bóng bẩy, nhưng đụng vào nó, không ho lao, thối phổi cũng ung thư mà chết. Mấy thằng bạn cùng thời, thằng nào bụng cũng chửa vượt mặt. Hỏi tụi nó ăn gì? Uống gì? Mà bụng to thế? Tụi nó gà gật đáp.
- Ăn, uống trả thù mà.
Ông hiểu hai từ “trả thù“ của tụi nó không? Nghĩa là ngày xưa ông mày phải ăn đói, mặc rách, chui bờ, rúc bụi, uống nước mương, nước sông, nước suối thay rượu, nên người chẳng ra ngợm… Bây giờ thế thời thay đổi, chức tước có, địa vị có, danh lợi có, cơ hội thì vơ vét không kể xiết, chẳng tội gì mà ông nhập vai đạo sĩ, để sống cảnh thanh bần cả. Mà ông phải khợp cho “đến hẹn lại lên” mới thôi. Vậy là thượng vàng, hạ cám, tất tật những thứ gì chúng nó nghĩ ra được, moi móc ra được, đều trở thành những món ăn, nhậu, những đặc sản quí hiếm cả.
Đám dân nhậu ở nhà có câu cửa miệng thế này: Đất nước ta là đất nước nhậu; Dân tộc ta là dân tộc nhậu; Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
Bạn tôi kể: Tôi đã dự đám nhậu “ba tên” tại một quán đặc sản miền sơn cước.
Đám bạn gọi.
- Ba nhím nhé!
- Có ngay. Chủ quán hỉ hả đáp.
Ngỡ tụi bạn gọi gái là “nhím”, bạn tôi bảo.
- Lên đây giải stress, đừng gọi đám ẽo ợt, ăn uống mất vui.
Đám bạn cười toét, bảo.
- Bố “quác” ạ. Đặc sản nhím miền sơn cước đấy. Còn món “phụ họa” nó nằm trong thực đơn rồi. Khỏi lăn tăn.
Ba cốc rượu nhím được một em sơn cước “trá hình” mang tới. Cử chỉ và dáng nét đã tự phản bội cái tiếng lơ lớ miền sơn cước được tôi luyện chưa thành kỹ sảo. Kế đó là đĩa sốt… nhím nóng hôi hổi cùng ba em “sơn cước” khác ào tới, đặt lên bàn.
- Món gì thế tụi mày? Nhìn ba con nhím to bằng ba nắm đấm, lông lá chổng ngược, nằm co quắp giữa một đĩa lổn nhổn gia vị, bạn tôi rởn tóc gáy, hỏi đám bạn.
- Đặc sản đấy. Đám bạn đáp hào hứng. – Nào, làm quả rượu nhím khai vị, rồi “chiến” ngay món sốt này cho nóng, bằng không, nguội, vừa tanh, vừa nhão, hỏng bét.
Bạn tôi bảo: Tôi đã từng uống rượu tiết rắn, rượu tiết dê, rượu tiết chim sẻ, nhưng rượu tiết nhím thì lần đầu. Nhìn lông ba con nhím xù ngược lên như đang muốn phóng thẳng về phía mình thì tôi hoảng quá. Cổ họng thấy nhột nhạt, khó ở. Thấy thế, một em “sơn cước” tủm tỉm cười, rồi nâng ly, ép sát bộ “đồi núi” vào tôi, ép uống.
- Xin lỗi em nhé! Bạn tôi khẽ nghiêng người, nói. – Anh có tật xấu là ăn uống không quen người khác mớm.
Em “sơn cước” chắc thẹn, nhưng cố gượng cười, ẽo ợt, nói: Nhìn anh ga-lăng thế này, mà sao như cậu ấm lần đầu lên phố núi thế?
- Em đừng buồn nhé. Bạn tôi vội xoa dịu. – Thói quen thôi. Ăn uống mà có người nâng, kẻ mớm, nó nhột nhạt, khó ăn lắm. Em có đi đâu đó thì cứ đi. Còn phần anh, để anh tự giải quyết. OK không?
- Không được! Cả đám “sơn cước” đồng loạt phản đối. – Tụi em nằm trong thực đơn bàn này rồi. Bây giờ vắng đứa nào, chủ nhìn thấy, ngỡ tụi em lười biếng, hay làm mếch lòng khách là tụi em bị đuổi việc.
- Vậy à? Bạn tôi gãi tai. Vậy thì anh có yêu cầu nhỏ. – Em ngồi yên, xem tụi anh nhậu là OK rồi.
- Cũng… được…! Cô “sơn cước” mặt giận, rồi dài giọng, nói mát. – Lần đầu tiên trong đời em được làm “hòn vọng phu”.
Gái quê ra thành phố chủ yếu phụ vụ trong các quán bar. Ảnh Q.L (báo Công Thương)
Bạn tôi bảo: Nhìn em đó, thấy tội quá. Nhà mình bây giờ gái quê đi “bụi” nhiều vô kể. Đất đai, ruộng, vườn, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của các nhà đầu tư, vậy là người nọ bảo người kia, bán bằng sạch. Tiền đầy một đống, nhà nào tỉnh táo, mua, xây được cái nhà, rồi xả tiền ra sắm sửa đồ đạc, phương tiện về dùng. Đám con cái cậy của nả sẵn có cũng rủ nhau tưng tửng đàn đúm, ăn chơi, nhảy múa… Tới lúc hết tiền, vậy là nhà cửa, phương tiện lại rủ nhau không cánh mà bay. Chủ trương của đảng là: Người cày có ruộng! Nhưng phong trào Nông thôn hóa Thành thị mà đảng chủ trương đang biến những người nông dân trở nên vô sản. Hết tiền, đám đực rựa thì lang thang ra các thành phố lớn làm chân cửu vạn, hay ra chợ người, hàng ngày đầu gối quá mang tai, ngồi ngả ngốn, ngáp vặt, để chờ những ông, bà chủ thời mở cửa đến mướn về làm việc. Hên, gặp người xởi lởi thì được bữa no bụng. Gặp phải đám Nghị Quế, thì chỉ đủ mua vài ba cái bánh mì, chống đói, đợi đến ngày… mai. Hai chữ “ngày mai” của người trong nước nó là một danh từ bất định. Hễ ông tới chỗ nào mà được trả lời: Về đi! Ngày mai hãy tính! Vậy là cái sự nghiệp của ông đã đến hồi kết. Đám thanh nữ, đường học thì đứt đoạn, ruộng nương không còn, vậy là rủ nhau, rồng… rắn lên chốn thị thành, hay những miền sơn cước làm gái bao, gái nhảy, gái ôm… Nói chuyện với họ chỉ có thể nói thì hiện tại (present). Bởi quá khứ chỉ có màu đen kịt. Còn tương lai, nó vừa ảo, vừa mỏng hơn cả sương buổi sớm. Nhiều em sỗ sàng bảo: Tụi em sinh ra giữa thời trời không thương, đất chưa thương, may mắn còn có một vật phẩm mà tạo hóa ban cho, thôi thì phải tận dụng nó để nuôi nó, để sống nốt kiếp một con người.
Bạn tôi chẹp miệng: Người Việt ở nước ngoài vốn đã rẻ, nhưng người Việt trong nước còn rẻ mạt hơn gấp vài chục lần.
Người ở nhà bảo: Đó là “lũ” – Lũ của một tập thể giống nòi đang ngấp nghé bên bờ diệt chủng.
© Việt Hà
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment